Một Chút

Tháng Ba này là giỗ đầu của Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống. Đầu tháng Ba năm ngoái, tình cờ có dịp theo dõi đám tang trọng thể của Ngài tại Phan Thiết, Giáo Phận mà ngài đương nhiệm, tôi mới biết Ngài chính là Thông Vi Vu, tác giả của một số những bản nhạc gửi ra những mảnh thông điệp đơn sơ và dễ thương. Tôi đặc biệt chú ý đến hai nhạc phẩm “Đôi Dép” và “Một Chút.” Tôi muốn dừng lại ở bài “Một Chút” trong dịp này, khi nghĩ về những đóng góp của giáo dân vùng Thung Lũng Hoa Vàng San Jose cho công cuộc xây dựng ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ La Vang thay cho ngôi thánh đường cũ mang tên Saint Patrick vừa được hạ xuống đầu tháng Năm năm ngoái, và để dành một dịp khác cho “Đôi Dép.”

“MỘT CHÚT NHỮNG VIÊN ĐÁ NHỎ HỢP THÀNH NGỌN NÚI LỚN”…

“Một chút” thật ra chỉ là một khai triển khác, một ấn bản mới của tư tưởng “một cây làm chẳng nên non” hay “góp gió thành bão.” Nghĩa là rất phổ thông. Tuy nhiên cái hấp dẫn và mới mẻ của nó là cái vỏ bọc bình dân, đơn giản và rất đời thường, được chau chuốt lại với vần điệu, và nhất là được dệt trên một nền nhạc dễ nghe, dễ hát và dễ thuộc, khiến nó có sức lôi cuốn ngay từ lúc đầu.

Thật khó mà lường được kết quả tích lũy từ những chắt chiu và gom góp bé nhỏ--thật đúng là “tích tiểu thành đại.” Tôi cứ nhớ mãi vụ ăn cắp bút máy thời tôi còn học nội trú ở Thủ Đức. Số là có quá nhiều người đến than phiền với Cha Hiệu Trưởng—hồi đó là Cha Lê Hướng, vừa mới qua đời vào tháng Tư 2017—rằng mình bị mất bút máy. Một cuộc tổng kiểm tra được nhanh chóng thực hiện sau khi đã tìm thấy một vài tín hiệu nghi ngờ. Quả thế, khi lục tủ đồ của tên Hoàng “thủm” thì cả một kho bút máy được khám phá, tổng cộng lên đến hơn 100 chiếc, đủ loại, đủ kiểu. Lẫn trong cái rừng bút máy ấy có cả một vài chiếc kính cận, trong đó có cái mắt kiếng của tôi, vừa mới sắm về chiều hôm trước, mà ngày hôm sau, khi đi tắm giặt về, không còn thấy trên tủ quần áo của tôi nữa. Thì ra thủ phạm Hoàng “thủm” mắc một chứng bệnh “thu gom” kinh niên, nghĩa là chỉ “thích sở hữu,” có được trong tay những thứ mình thích, không cần xài, không cần bán, là cũng đủ mãn nguyện rồi. Trên một trăm chiếc bút thu gom tích lũy được là một con số kỷ lục, đến chóng mặt. Thật là kỳ diệu y như kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ,” cứ gom từ từ, mỗi ngày một cái hay vài ba cái, kết quả sẽ lên đến hàng trăm.

Vâng, chỉ cần mỗi người một chút, chút xíu thôi, thì sẽ thành nhiều. Non kia sẽ hình thành từ những viên đá nhỏ góp lại từ muôn vàn cánh tay. Hãy nghĩ tới Vạn Lý Trường Thành, những Kim Tự Tháp Ai Cập, cả hai đều được xây dựng bằng sức người, trong một thời đại chưa hề có những kỹ thuật chuyên chở, trục kéo nhanh chóng và tiện lợi như hiện nay. Thế mà cả hai đã trở thành kỳ quan thế giới. Phải, góp sức người thì sẽ khai mở những kỳ công. Vâng, tất cả sẽ thành tựu từ những chút xíu kia. Hình như cái bí quyết làm giầu được xây dựng trên cái lý thuyết để dành, từng chút từng chút này. Chẳng thế mà ngày nào cũng nghe trên đài là: để dành nhiều thì sẽ giầu nhiều, để dành ít thì sẽ giầu ít, không để dành thì hết đường nhúc nhích… Tích lũy quả có sức nặng khôn lường.

Thật ra, triết lý về “một chút, một chút xíu” phản ảnh cái triết lý về sự hữu hạn của con người. Mỗi người, kể cả các bậc vĩ nhân, cũng chỉ là những cá nhân nhỏ bé. Dù sự đóng góp của từng cá nhân ấy, kẻ trước, người sau, kẻ nhiều, người ít, tất cả đều là nhỏ bé so với những nhu cầu bao la bất tận của toàn thể nhân loại, mà nỗi cùng cực và khổ đau cứ dềnh lên không ngừng, không ngơi, thiên thu bất tận, so với hạnh phúc bên ngoài của một thiểu số may mắn. Cái triết lý này có thể gọi là bản chất của kiếp người: con người sinh ra là để sống cùng với người khác, và đời sống mỗi người chỉ có ý nghĩa trong tương quan với người khác. Tôi chỉ là tôi khi có anh/chị bên cạnh. Trong ý nghĩa này, cô đơn, cô độc mới đích thị là lời nguyền rủa tột cùng của kiếp nhân sinh. Bản chất con người là sống-với-người-khác, chứ không phải sống một mình. Thật tuyệt vời cái ý nghĩa và tầm mức “cộng đoàn” trong hết mọi sinh hoạt của từng con dân của Chúa, và cũng thế, của từng phần tử trong xã hội con người. Xét từng người thì chỉ một chút xíu, một cá nhân đơn lẻ, hữu hạn, nhiều thiếu sót, nhất thiết phải cần đến sự bổ khuyết từ người khác. Trợ giúp, chung tay, góp sức, hợp lực, liên đới là những hạn từ tuy có vẻ hoa mỹ, nhưng thực ra có ý nghĩa rất sâu xa và cần phải trở thành hiện thực trong đời sống con người trên cõi dương gian này.

Người Mỹ hay nói: “không đóng góp nào là nhỏ bé, không trợ giúp nào là không đáng kể.” Riêng Chúa Giêsu thì đặc biệt ưu ái “cái nhỏ” “cái ít” trong cái biện chứng “lớn –nhỏ, ít--nhiều” nơi các bài giảng của Ngài. “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18:4; 20:26). “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16:10). Khi bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng chỉ hai đồng tiền kẽm, thì Chúa liền khen bà góa này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết (xem Lc 21:3). Hạt cải là hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo xuống rồi thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ (xem Mc 4:31-32). Cái biện chứng lớn—nhỏ này khiến tôi nhớ đến cái vụ buôn thúng bán mẹt ở trại tỵ nạn. Bà Campuchia gánh một thúng khoai đến bán cho dân tỵ nạn với giá một đồng một củ. Người mua trước sẽ chọn củ lớn (tất nhiên), riết rồi trong sọt chỉ còn lại những củ nhỏ. Có điều lạ là bà ta không chịu hạ giá, cứ vẫn một đồng một củ. Chắc bà ta nghĩ rằng trong sọt bây giờ thì củ khoai nào cũng đều lớn cả, bởi không còn những củ lớn hơn để mà so sánh nữa! Cái vụ bé-lớn này khiến tôi bất chợt tủm tỉm khi nhớ đến câu nói diễu nghe được ngày xưa: “Thà làm bé ông lớn, còn hơn là làm lớn ông bé!”

Một cái “một chút” thì nhỏ bé, chẳng đáng kể, nhưng nhiều cái “một chút” sẽ trở thành dồi dào, phong phú; vô vàn cái “một chút” sẽ là một đóng góp khổng lồ. “Hợp quần gây sức mạnh” mà! Sức mạnh của hợp quần có thể biến thành vô địch, không gì chống cưỡng nổi. Nói như thế để mỗi chúng ta hãy tiếp tục lạc quan cho những đóng góp của mình vào bất kỳ sinh hoạt nào của cộng đồng nhân loại, bắt đầu từ trong mái gia đình, sang đến hàng xóm láng giềng, ra tới khu phố nhỏ, tràn đến cộng đoàn mình sinh hoạt hàng ngày, cửa hàng, công ty, sở làm, tới cả cộng đoàn giáo xứ mà mình tham gia hàng tuần, hàng tháng, lan ra ngoài thành phố, quận hạt. Một chút nước sẽ thấm xuống, chảy ra dòng suối cạn, dần dần tràn vào nhánh sông nhỏ, tới vùng duyên hải, để rồi hòa vào lòng biển mênh mông, sẵn sàng dấy lên những ngọn sóng cả, những cột sóng thần dũng mãnh có sức tàn phá khôn lường…

Bất giác tôi nghĩ tới phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều ngày nào. Chỉ với vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, góp nhặt được từ trong đám đông, có thể của một vài em nhỏ được mẹ gói mang theo ăn vặt, mà cả hơn năm ngàn người được ăn no nê, lại còn dư đến 12 thúng đầy (xem Mt 14:17). Giả như cử tọa hôm ấy có vài em bé Việt Nam ta, đứa thì mang trái cóc, trái ổi, trái cam, trái soài, hay múi mít, sầu riêng, đứa khác thì mang theo cơm trắng (hiệu Cây Dừa) ăn với tôm càng, cá kho tộ, thịt muối sả…thì hôm đó dân chúng sẽ có được một bữa ăn nếu không là thịnh soạn thì ít ra cũng có đủ các món ăn thật lẫn ăn chơi, lại còn được mấy thứ trái cây tráng miệng nữa. Chúa sẽ tiếp tay chắp nối những gì mỗi người chúng ta bỏ ra chút ít, đóng góp, lo cho việc chung, bởi vì Ngài sẽ từ đó nhân lên gấp bội, không chỉ “vừa đủ xài,” mà còn dư giả là đàng khác!

“MỘT CHÚT TRONG ĐỜI TRỞ THÀNH MỘT CHÚT THẬT TUYỆT VỜI

CHẮT CHIU TỪNG CHÚT ẤY CHO ĐỜI NÀY THÊM SÁNG TƯƠI”

Mùa Chay Thánh 2018

Xin riêng tặng quý vị hảo tâm trong công cuộc xây dựng Thánh Đường ĐMLV San Jose

Nguyễn Kim Ngân