(EWTN News/CNA) Hôm nay ngày 8 tháng Hai, ngày đã được chọn là ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho các Nạn Nhân của tệ Buôn Người. Hôm nay cũng là ngày lễ kính Thánh Josephine Bakhita, vị thánh quan thày của những nạn nhân.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi mọi người hãy cùng cầu nguyện cho các nạn nhân của loại tội phạm này. Cũng theo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ,mỗi năm có vào khoảng 17,000 người đã bị bán dọc khắp biên giới của Hoa Kỳ.

Thánh Josephine Bakhita sinh vào năm 1869 tại Sudan. Vào khoảng năm 1877, bà bị bắt cóc và bị bán vào trong đường dây nô lệ của các con buôn Ai Cập. Trong thời gian làm nô lệ, bà đã bị đánh đập, tra khảo với nhiều thương tích. Cuối cùng, vào năm 1883, bà bị bán cho Phó Đại Sứ của Ý là Callisto Legani và ông này đã đem bà trở lại Ý. Trong thời gian ở Ý, bà bị gởi đến một gia đình để làm người trông trẻ và sau đó gia đình này lại giao bà cho các nữ tu dòng Bác Ái Canossian ở Venice để sang Sudan kinh doanh.

Khi được ở với các nữ tu, bà được học về lòng bác ái và đã quyết định trở thành người Công Giáo. Bà đã từ chối không muốn trở về với gia đình nhà kinh doanh kia để tiếp tục làm nô lệ khi họ trở lại Ý. Một phiên tòa ở Ý đã ra quyết định bà được trả tự do vì nô lệ đã không còn được công nhận ở Sudan trước khi bà sinh ra và vì thế việc bắt bà làm nô lệ là bất hợp pháp.

Với sự tự do mới tìm lại được, bà xin tiếp tục ở với dòng Canossians, rồi bà được chịu phép rửa tội, thêm sức và rước lễ lần đầu vào ngày 9 tháng Giêng năm 1890. Bà nhận tên Josephine Margaret và Fortunata – Tên Fortunata là một từ trong tiếng Latin, dịch ra tiếng Ả Rập nghĩa là Bakhita. Ba năm sau, bà trở thành đệ tử của dòng Nữ Tu Bác Ái Canossian, và khấn trọn đời vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 1896. Bà đã sống hết cuộc đời còn lại tại nhà dòng ở Schio, Vicenza, phục vụ là người đầu bếp và giữ cửa. Bà qua đời vào ngày 8 tháng Hai năm 1947 và đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô II phong thánh vào ngày 1 tháng Mười năm 2000.

Ngoài việc bảo trợ cho các nạn nhân của tệ buôn người, thánh nữ còn là quan thày bảo trợ của quê hương Sudan của ngài.

Giuse Thẩm Nguyễn