Ngày 21 tháng 7, 2015, tại Phòng Thượng Hội Đồng tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với Cuộc Gặp Gỡ về “Nạn Nô Lệ Hiện Đại và Việc Thay Đổi Khí Hậu: Cam Kết của Các Đô Thị” do Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội tổ chức trong đó, các thị trưởng của các đô thị lớn trên thế giới đã tham dự để đề cập tới hai việc khẩn trương có liên hệ với nhau: khủng hoảng khí hậu và các hình thức nô lệ mới.

Bài nói chuyện của Đức Phanxicô là một bài ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha và được Hãng Tin Zenit dịch sang tiếng Anh.


Xin chào qúi vị buổi chiều, xin chào mừng qúy vị.

Tôi thành tâm cám ơn quí vị về những gì quí vị đã thực hiện. Qủa tình tất cả đều xoay quanh chủ đề chăm sóc môi trường, chủ đề văn hóa chăm sóc môi trường. Tuy nhiên, nền văn hóa chăm sóc môi trường này không phải chỉ là một thái độ “xanh”, tôi nói theo nghĩa tốt, nó không phải là một thái độ “xanh”; nó còn hơn thế nữa. Nói cách khác, chăm sóc môi trường nghĩa là một thái độ sinh thái nhân bản, tức là, ta không thể nói: con người ở đây, còn tạo thế, hay môi trường, thì ở kia; sinh thái là chuyện toàn diện, nó có tính nhân bản. Đó là điều tôi muốn phát biểu trong Thông Điệp “Laudato Si’”: rằng con người không tách biệt khỏi mọi điều khác; có một mối tương quan gây ảnh hưởng hỗ tương, bất luận là của môi trường đối với con người, hay của con người trong cách đối xử với môi trường, và cả hiệu quả phản hồi (boomerang effect) chống lại con người khi môi trường bị đối xử tệ hại. Do đó, trước một câu hỏi đặt ra cho tôi, tôi đã nói: “không, không, nó không phải là một thông điệp “xanh”, nó là một thông điệp xã hội” vì trong khung cảnh xã hội của cuộc sống xã hội con người, ta không thể tách biệt được việc chăm sóc môi trường. Hơn thế nữa, chăm sóc môi trường là một thái độ xã hội nhằm xã hội hóa chúng ta cách này hay cách khác, mỗi người dành cho nó một giá trị họ muốn, nhưng nó làm chúng ta tiếp nhận. Tôi thích kiểu nói của người Ý khi họ nói về môi trường, về “Creato”, về điều được ban cho ta như một hồng phúc, tức môi trường.

Hơn nữa, tại sao lại có lời mời này, một lời mời, đối với tôi, xem ra là một ý tưởng rất phong phú của Hàn Lâm Viện do Đức Ông Sanchez Sorondo làm chủ tịch, mời các thị trưởng, các thị trưởng của các đô thị lớn và không lớn lắm, mời họ đến đây để nói về chủ đề này? Vì một trong những điều được ghi nhận hơn cả khi môi trường, tức tạo thế, không được chăm sóc, là việc phát triển các đô thị một cách bừa bãi. Đây là một hiện tượng hoàn cầu, như thể các đầu, các đô thị lớn, càng ngày càng lớn trong khi các vành đai càng ngày càng nghèo khổ, cùng cực hơn, nơi đó, người ta phải hứng chịu các hậu quả của việc quên khuấy môi trường. Liên hệ tới hiện tượng này là hiện tượng di dân. Tại sao người ta lại kéo nhau tới các đô thị lớn? Kéo nhau tới các vành đai của các đô thị lớn, tới các khu lụp xụp tồi tàn, những khu bùn lầy nước đọng, những favelas? Tại sao họ làm vậy? Họ làm thế đơn giản chỉ vì thế giới nông thôn không còn cho họ cơ hội nữa. Và một điểm trong thông điệp, một điểm cần được phê phán một cách tôn trọng, là việc thờ ngẫu tượng kỹ trị (technocracy). Kỹ trị làm hư việc làm, nó tạo ra thất nghiệp, các hiện tượng của người thất nghiệp rất lớn; họ phải di cư để tìm những chân trời mới. Con số lớn những người thất nghiệp thật đáng lo ngại. Tôi không có con số thống kê, nhưng ở một số nước Âu Châu, nhất là nơi giới trẻ, nạn thanh niên thất nghiệp, tức những người từ 25 tuổi trở xuống, lên tới hơn 40%, thậm chí 50% ở một số nước. Giữa 40, 47 -- tôi nghĩ tới một nước khác -- 50 – tôi nghĩ tới các con số thống kê trầm trọng trực tiếp do các vị đứng đầu chính phủ, do các vị đứng đầu quốc gia cung cấp. Và nếu dự phóng cho tương lai, nó khiến ta thấy một bóng ma, tức, tuổi trẻ thất nghiệp ngày nay, [ta có thể hỏi] họ có được thứ chân trời nào, thứ tương lai nào? Ta để lại cho những người trẻ này điều gì? Một là nghiện ngập, hai là chán chường, hoặc, vì không biết phải làm gì với cuộc đời họ, một cuộc đời vô nghĩa, quá khắc nghiệt, -- nên tự tử -- con số thống kê các vụ thanh hiếu niên tự tử ngày nay không được công bố đầy đủ -- hay đi tìm những chân trời khác, thậm chí các dự án du kích chiến, coi như 1 lý tưởng sống.

Đàng khác, sức khỏe cũng đang gặp nguy cơ. Số lượng lớn những bệnh “lạ”, như người ta thường gọi, phát sinh từ nhiều yếu tố của việc bón phân đồng lúa – hay ai mà biết được, các nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ --, nhưng phát xuất từ việc sử dụng kỹ thuật quá trớn. Trong số những vấn đề lớn nhất hiện nay có oxy và nước, tức việc hoang hóa (desertification) nhiều khu vực rộng lớn do việc phá rừng gây ra. Cạnh tôi đây là Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đặc trách Khu Amazon thuộc Ba Tây. Ngài có thể nói cho chúng ta hay việc phá rừng hiện nay có ý nghĩa gì tại vùng Amazon, vốn là lá phổi của thế giới – Congo, vùng Amazon, đều là hai lá phổi vĩ đại của thế giới. Tôi nhớ: vì nạn phá rừng mấy năm trước đây tại quê hương tôi, 8 hay 9 năm trước đây, Chính Phủ Liên Bang đã ban hành một phán quyết chống lại một tỉnh, bắt họ phải ngưng việc phá rừng, một việc gây tác hại cho dân chúng. Mọi hiện tượng tự nhiên này gây tác động gì lên việc di dân? Thiếu việc làm và rồi nạn buôn người. Việc làm của thị trường chợ đen càng ngày càng trở nên thông thường, những công việc không có khế ước, những công việc được ký kết dưới gầm bàn. Chúng phát triển nhanh xiết bao! Việc làm của khu vực chợ đen rất tệ, theo nghĩa người làm không kiếm đủ tiền để sống. Điều này tạo ra các tác phong tội ác và mọi điều (tệ hại) đang diễn ra tại các đô thị lớn vì di dân do kỹ thuật gây ra. Tôi xin đặc biệt nhắc tới việc buôn bán người trong ngành khai thác mỏ; cảnh nô lệ tại hầm mỏ vẫn còn rất lớn và rất mạnh, và việc sử dụng một số yếu tố để rửa chất quặng như arsenic, cyanide có nghĩa gì nếu không là gây bệnh hoạn nơi dân chúng. Có một trách nhiệm lớn trong vấn đề này, tôi muốn nói, mọi sự đều có cái phản hồi (boomerang) của nó; mọi sự đều sẽ trở ngược lại. Đây là hậu quả phản hồi chống lại chính con người. Bất kể là buôn bán người để làm công nô hay để làm đĩ điếm, tất cả đều là nguồn cung cấp việc làm để sống còn ngày nay.

Bởi thế, tôi rất vui khi quí vị suy nghĩ tới các hiện tượng này. Tôi chỉ nhắc tới một số ít, gây tác hại nơi các đô thị lớn.

Cuối cùng, tôi muốn nói điều này: Liên Hiệp Quốc phải lưu ý vấn đề này. Tôi vốn hy vọng nhiều, tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc phải lưu ý mạnh mẽ tới hiện tượng này, nhất là việc buôn bán người do hiện tượng môi trường này gây ra, việc khai thác con người. Cách nay mấy tháng, tôi có tiếp một phái đoàn phụ nữ của Liên Hiệp Quốc đặc trách việc khai thác tính dục trẻ em tại các nước đang có chiến tranh -- tức việc biến trẻ em thành đối tượng để khai thác. Đây là một hiện tượng khác. Và chiến tranh cũng là một yếu tố làm môi trường mất quân bình.

Tôi muốn kết thúc với một suy tư không phải của tôi. Mà là của nhà thần học và triết học Romano Guardini. Ngài nói tới hai hình thức thiếu văn hóa: thiếu văn hóa đầu tiên do Thiên Chúa trao cho chúng ta để chúng ta biến nó thành văn hóa và lệnh truyền Người truyền cho ta phải chăm sóc, trồng tỉa và kiểm soát trái đất; và thiếu văn hóa thứ hai là khi con người không tôn trọng mối tương quan của họ với trái đất, không trông nom trái đất -- điều này rất rõ ràng trong trình thuật Thánh Kinh, vốn là trình thuật thuộc loại huyền nhiệm. Khi con người không chăm sóc trái đất, họ túm lấy nền văn hóa này và bắt đầu lái nó sang một dòng chẩy khác. Nghĩa là, việc thiếu văn hóa đã lái văn hóa ra khỏi dòng chẩy của nó, để lại bàn tay của họ và tạo ra thứ thiếu văn hóa thứ hai: nguyên tử năng là điều tốt, nó có thể giúp chúng ta, nhưng tới một điểm nào đó thôi; đơn cử trường hợp đã qua, ta nên nghĩ tới Hiroshima và Nagasaki, tức là, nghĩ tới việc tạo ra thảm họa và hủy diệt. Ngày nay, trong mọi hình thức thiếu văn hóa, như các hình thức qúi vị đã bàn tới, chính hình thức thiếu văn hóa thứ hai là hình thức hủy diệt con người. Một giáo sĩ Do Thái thời Trung Cổ, ít nhiều cùng thời với Thánh Tôma Aquinô -- và có lẽ một số quí vị đã nghe tôi nói rồi -- trong một “midrash”, đã giải thích cho các tín hữu của hội đường ông về vấn đề Tháp Baben. Ông nói rằng người ta cần rất nhiều thì giờ để xây ngọn tháp này, và nó đòi hỏi nhiều công việc, nhất là việc làm gạch -- việc này đòi phải làm việc với đất sét, tìm kiếm rơm rạ, nhồi chúng với nhau, cắt xén chúng, nhuộm chúng, rồi đặt chúng vào lò, nung chúng, để gạch trở thành đá qúy; nó có giá trị lớn, rồi gạch được kéo lên và đặt vào Tháp. Một viên gạch rơi là cả một vấn đề lớn, và người phạm tội hay người sao lãng công việc và để nó rơi, bị trừng phạt. Nhưng nếu một công nhân ngã, hay những người đang xây cất bị ngã, thì chẳng có gì xẩy ra cả. Đây là thảm kịch của hình thức thiếu văn hóa thứ hai: con người là kẻ tạo ra cảnh thiếu văn hóa chứ không phải kẻ tạo ra văn hóa. Con người tạo ra cảnh thiếu văn hóa vì họ không chăm sóc môi trường.

Và tại sao Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội mời các thị trưởng các đô thị tới dự cuộc gặp gỡ này? Vì dù ý thức này phát xuất từ trung tâm đi ra các khu ngoại vi, nhưng việc làm nghiêm chỉnh hơn và sâu sắc hơn lại được thực hiện từ các khu ngoại vi đi vào trung tâm, nghĩa là, từ qúi vị đi vào lương tâm nhân loại. Tòa Thánh và nước này hay nước nọ có thể đọc những bài diễn văn hay tại Liên Hiệp Quốc nhưng nếu công việc không phát xuất từ các khu ngoại vi đi vào trung tâm thì nó chẳng có hiệu quả chi -- từ đó, có trách nhiệm của các thị trưởng đô thị. Bởi thế, tôi rất biết ơn vì quí vị đã cùng nhau tới đây với tư cách những khu ngoại vi cực kỳ nghiêm trọng của vấn đề. Mỗi quí vị, tại đô thị của mình, đều có những điều tôi vừa nhắc đến, những điều qúi vị phải quản trị, giải quyết v.v… Tôi cám ơn qúi vị vì sự hợp tác của qúi vị. Đức Ông Sanchez Sorondo có cho tôi hay nhiều qúi vị đã góp ý và tất cả các góp ý này rất phong phú. Tôi xin cám ơn qúi vị và cầu xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn thánh để ý thức được vấn đề hủy diệt này, một việc hủy diệt mà chính chúng ta sẽ dấn thân vào nếu không chịu chăm sóc nền sinh thái nhân bản, nếu không có ý thức gì về sinh thái như chúng ta từng có lúc ban đầu để biến đổi cái thiếu văn hóa thứ nhất thành văn hóa, và dừng lại tại đó, chứ đừng biến nền văn hóa này thành cảnh thiếu văn hóa.

Xin cám ơn qúi vị rất nhiều.