Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng:
“Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. Người là trang chiến binh, danh Người là ‘Đức Chúa!’ Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống lòng biển, tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy. Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu chẳng khác nào hòn đá. Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh. Tay hữu Ngài, lạy Chúa, đã nghiền nát địch quân. Lấy dũng lực oai hùng, Chúa quật ngã đối phương; Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm. Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy. Địch quân tự nhủ rằng: ‘Ta đuổi theo bắt lấy, chiến lợi phẩm đem chia, mới no lòng thoả dạ; ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt.’ Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi, chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn. Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy Chúa? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ? Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng. Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự. Khi vừa nghe tin đó, chư dân run lẩy bẩy; người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại. Bấy giờ tại Ê-đôm, các thủ lãnh kinh hoàng, và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run,người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng. Kinh hoàng và sợ hãi ập xuống trên đầu họ.
Cánh tay hùng mạnh Ngài làm chúng đờ như đá, bao lâu dân của Ngài vẫn còn đang qua biển, lạy Chúa chúng con thờ, bao lâu dân Ngài tậu vẫn còn đang qua biển. Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên. Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời."
”Khi chiến mã của Pha-ra-ô cùng với chiến xa và kỵ binh tiến vào biển, Chúa cho nước biển ập xuống trên họ, còn con cái Ít-ra-en thì đi giữa lòng biển khô cạn” (Xuất hành 15, 1-18).
Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. Bà Mi-ri-am xướng lên rằng:
"Hãy hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương." (Xuất hành 15, 20-21: điệp khúc Miriam)
Bài ca trên thường được gọi là Bài Ca Biển Cả (Song of the Sea). Nhưng gọi như thế dường như không chỉnh bởi lẽ bài ca ấy cũng nói về nhiều biến cố khác, không ăn uống gì tới biển và cuộc vượt Biển Sậy ráo chân của Dân Do Thái: “Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm” (câu 7); “tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng” (câu 12); “Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự” (câu 13) “người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại…các thủ lãnh [Ê-đôm] kinh hoàng, và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run, người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng” (câu 14-15); “Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài…cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên” (câu 17).
Vì thế, người Công Giáo thường gọi bài ca này là Bài Ca Thắng Trận mà điệp khúc quán xuyến (motif) là câu: “chiến mã với kỵ binh, Ngài đã quăng chìm đáy biển” (Hoàng Kim, Vang Lên Muôn Lời Ca). Chủ yếu vì thế là để nhắc lại chiến tích lẫy lừng của trận thủy chiến giữa lòng Biển Sậy không phải giữa dân Do Thái và đoàn quân mãnh dũng của Pha-ra-ô, mà là giữa ‘cánh tay hữu’ của Gia-vê và đoàn quân ấy.
Căn cứ vào câu 20-21, có người cho rằng bài ca nguyên thủy do chính Miriam sáng tác, rất ngắn, chỉ có hai câu và xem ra chỉ đề cập đến chiến tích lẫy lừng mà bà cùng Dân Do Thái vừa chứng kiến, chiến tích mà bà xuất khẩu thành nhạc lên tiếng vừa nhẩy múa vừa đánh trống hát ca say sưa. Nhiều học giả vì thế không ngần ngại gọi bài ca ngắn này là Ca Khúc Miriam. Sau đó, người ta mới triển khai thêm nhiều chi tiết khác để ca tụng công trình cứu độ nói chung của Thiên Chúa đối với dân tộc Israel. Cha Nguyễn Thế Thuấn nhận định rằng: “bài ca chiến thắng của câu 21 được khuếch đại để bao trùm toàn diện những việc lạ lùng trong cuộc xuất hành và chinh phục Canaan và ngay cả việc xây dựng đền thờ Yêrusalem”. Đức ông Ronald Knox, trong bản dịch Thánh Kinh của mình, thì căn cứ vào văn phạm mà nhận định rằng: “một số động từ trong đoạn này [đoạn đầu của Bài Ca] hoặc chỉ về tương lai hoặc chỉ về quá khứ, nên có người nghĩ rằng nó đã được thêm vào mãi sau này, sau khi đã chiếm được Canaan. Tuy nhiên, theo đức ông, cũng có thể hiểu đây là một dự ứng (anticipation) trước cuộc chiến thắng không tốn công gì sau này đối với đất Canaan, một dự ứng đã không thành sự thật, vì đó quả là một chiến thắng đầy khó khăn.
Dù sao, hiện nay người ta cũng coi đây là hai cách hát của cùng một bài ca hay hai bài ca của cùng một biến cố. Cách hát hay bài ca của Môsê và cách hát hay bài ca của Miriam, chị ông. Giáo sư Tovah Cohen, thuộc phân khoa văn chương Do Thái tại Trung tâm Fanya Gottesfeld Heller, cho rằng tính đơn giản, ngắn gọn và ít lời trong bài ca của Miriam quả trái ngược với tính đồ sộ của Bài Ca Biển Cả do Môsê hát. Không những thế, ông còn cho rằng chủ đề bài ca của Miriam cũng có khác, thay vì miêu tả chi tiết sự cao cả của Đấng Chí Thánh và tương lai của dân tộc Israel, bài ca của Miriam chỉ có một câu đề cập duy nhất tới biến cố mà Dân Tộc này vừa mới trải nghiệm. Và câu được dùng làm nhập đề tổng quát cho Bài Ca Biển Cả ấy đã trở thành bài ca riêng của Miriam.
Nhưng mặt khác, Cohen lại cho rằng Môsê hát trọn bài ca cho nam giới, và được họ đáp lại bằng điệp khúc, trong khi đó Miriam nhắc lại điệp khúc ấy cho phụ nữ cùng hát theo điệu trống và điệu nhẩy. Vì thế mà lối trình diễn của Miriam chỉ nhắm vào người đương thời nhấn mạnh tới các biến cố tức khắc, trong khi lối trình diễn của Môsê nhấn mạnh tới khía cạnh tiên tri cũng như khả năng thi phú của ông.
Cohen cũng cho rằng một sắc dân vừa thoát khỏi ách nô lệ lâu năm của Ai Cập khó lòng mà hiểu nổi thứ ngôn ngữ thi ca cao siêu của Môsê. Trái lại, bài ca của Miriam vì chỉ miêu tả biến cố vừa mới xẩy ra, hết sức cụ thể, đơn giản, không cần ví von, nên dễ dàng được mọi người am hiểu và chắc chắn dễ được họ nhắc đi nhắc lại theo điệu nhẩy và nhịp trống, trở thành một ca khúc bình dân phổ biến.
Một điểm cần lưu ý nữa: đây là lần đầu, một phụ nữ dẫn đầu và các phụ nữ khác công khai và chính thức tham dự một buổi ca hát có tính thờ phượng. Lối dẫn đầu hay lãnh đạo của Miriam khác hẳn lối lãnh đạo của Môsê. Ông là một nhà lãnh đạo duy tuyển (elitist), có lẽ gần gũi Thiên Chúa hơn là gần gũi dân. Điều này có thể giải thích phần nào lý do tại sao ông hay bị dân chống đối, ta thán. Ông không đặt vai trò của ông trên căn bản đối thoại và tiếp xúc gần gũi với dân. Không lạ gì khi bị chống đối dữ dằn, ông đã từ khước không chịu chăm nom họ theo lối đàn bà: “Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ?” (Dân số 11:12). Trái lại, Miriam thì hết sức gần gũi dân. Nói với họ, bà dùng một ngôn ngữ họ có thể hiểu được, biến một bài hát tuyệt diệu nhưng nhiều tính tiên tri khó hiểu thành một ca khúc dễ học dễ hát. Tuy nhiên, trái với hạng người mà ngày nay ta thường gọi là “poplulist” (dân túy, chỉ thích chiều lòng người) đến độ không ngần ngại hạ Thiên Chúa xuống hàng con người, Miriam vẫn bám trụ vào đức tin cha ông, của anh trai A-ha-ron và của em trai Mô-sê, tin vào một Thiên Chúa duy nhất.
Chính vì thế, Thánh Kinh gọi bà là nữ ngôn sứ. Vị ngôn sứ này không nhấn mạnh tới con người mình, nhưng biết tách biệt cái tôi của mình ra khỏi người chung quanh, bằng cách tạo ra một mạng lưới liên hệ nhân bản. Các nhà tâm lý học duy nữ gọi phương thức tiếp cận ấy là phương thức “đàn bà” một cách nội tại, phát sinh từ chính cấu trúc nhân cách phụ nữ. Không lạ gì dân thương bà đến độ sẵn sàng chờ cho tới lúc bà hết bệnh cùi, một chứng bệnh đáng lẽ khiến bệnh nhân có thể bị bỏ rơi, rồi mới nhổ trại lên đường tiếp tục cuộc hành trình về Đất Hứa (Dân số 12:15-16).
Sở dĩ ít ai lưu ý tới bài ca của Miriam, vì phần lớn cho đó chỉ là một lặp lại hay tóm gọn bài ca của Mô-sê mà thôi. Phần lớn chú ý tới phần đầu của bài ca là phần có thể gọi là bài ca của Mô-sê. Cha Nguyễn Thế Thuấn gọi phần này là một thánh vịnh tạ ơn và là “một ca vịnh đầu tiên và danh tiếng nhất trong tất cả các bài ca vịnh mà Phụng Vụ Kitô giáo đã mượn của Cựu Ước”. Tuy nhiên, nếu Kitô giáo chỉ thỉnh thoảng hát ca vịnh này (trong nghi thức Vọng Phục Sinh chẳng hạn), thì Do Thái Giáo hát nó hầu như hàng ngày. Vì đối với dân tộc Do Thái, biến cố vượt Biển Đỏ là biến cố quan trọng nhất trong suốt lịch sử của họ, biến cố thực sự đã khai sinh ra dân tộc họ trong chiến thắng, một hồng ân mà dù có tạ ơn Thiên Chúa hàng ngày, họ cũng vẫn cảm thấy chưa thể nào thỏa đáng.
Nhiều người cho biến cố ấy đã được cường điệu hóa. Có người (The Oxford Companion to the Bible) cho rằng ngay địa danh Biển Đỏ hiện cũng đang được tranh luận. Cụm từ nguyên gốc Hípri là yum suf để chỉ địa điểm dân Do Thái vượt qua, được Bộ Bẩy Mươi dịch là Biển Đỏ. Lối dịch này sau đó được các bản Hy Lạp khác và cả bản Phổ Thông của Thánh Giêrôm chấp nhận. Nhưng ở Xuất Hành 2: 3-5 và nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh, từ suf vẫn được các bộ trên dịch là “sậy”. Chính vì thế, các học giả ngày nay và một số bản dịch hiện đại thường dịch cụm từ này là Biển Sậy. Có thể chỉ về một vùng nước lớn nhiều sậy ở phía đông khu tam giác, có lẽ hoặc là Hồ Sirbonis, nơi tùy theo thủy triều mà có nước ngọt hay nước mặn, hay là vùng đầm lầy cạnh Hồ Nước Chua (Bitter Lakes), nghĩa là những vùng không hẳn rộng lớn như chính Biển Đỏ bây giờ.
Theo cha Richard J. Clifford, Dòng Tên, tác giả tập “Exodus” (Xuất Hành) trong bộ “The New Jerome Biblical Commentary”, thì giai đoạn đầu của hành trình Do Thái là từ Raamses tới Succoth. Ngày nay, người ta đã đồng hóa được Succoth với Tell el-Maskhutah và với Tell el-Ratabah, hai thành thuộc vùng Wadi Tumilat cách nhau chừng 10 dặm và cách đông nam Raamses chừng 25 dặm. Các khám phá khảo cổ học gần đây nhận thấy rằng con đường trốn thoát duy nhất khỏi Raames của người Do Thái phải là con đường có thể tránh được các vọng canh Ai Cập ở phía nam Hồ Balah và pháo đài quan yếu tại Zilu của người Phi Li Tinh. Con đường này băng qua vùng đầm lầy của Hồ Balah. Chiếc hồ nông này chắc hẳn là yam suf (nghĩa đen là biển sậy) mà bản Bẩy Mươi đã dịch là Biển Đỏ. Xuất Hành 14:1 nói rằng dân Do Thái phải quay lại Pi-ha-hiroth đối diện với Baal-Zephon. Người ta chưa nhận diện được Pi-ha-hiroth, nhưng Baal-Zephon thì có lẽ là Defenne hiện nay (tiếng Hy lạp là Daphne). Xuất Hành 14:4 gợi ý rằng dân Do Thái quay lại Baal-Zephon cố ý để khích Pharaô truy kích họ qua khu vực đầm lầy của Hồ Balah và dọn bãi cho cuộc chiến sau cùng (tr.49).
The Oxford Companion of the Bible cũng cho rằng: dù sao, câu truyện vượt qua Biển Đỏ của dân Do Thái, như đã được Sách Xuất Hành trình thuật ở các chương 14 và 15, là một câu truyện phức tạp, có nhiều lớp lang khác nhau. Lớp xưa hơn thấy ở Xuất Hành 14: 21-22 có phần do truyền thống Giavít: “Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn”. Một lớp khác, và là phần do truyền thống tư tế, thì cho rằng: “Mô-sê giơ tay trên mặt biển… nước rẽ ra, và con cái Ít-ra–en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu” và sau đó nước ập xuống chôn sống đoàn quân Ai Cập. Và lớp thứ ba, có lẽ thuộc truyền thống Ê-lô-hít, tìm thấy tại Xuất Hành 14: 24-25: “Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-Cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai Cập bảo nhau: ‘Ta phải trốn bọn Ít-ra-en vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai Cập để giúp họ’”. Linh mục Richard J. Clifford, S.J., trong sách đã dẫn, cũng nghĩ thế (xem các trang 49-50). Nếu đúng thế, thì trường hợp thứ nhất là một biến cố tự nhiên, phép lạ chỉ là sự trùng hợp với các sức mạnh của tự nhiên giới. Trường hợp thứ hai tất nhiên là một phép lạ tỏ tường mà bất cứ giải thích nào khác chỉ là dư thừa. Trường hợp thứ ba không có nước và cũng không có cả phép lạ đúng nghĩa. Quân Ai Cập bị rối loạn nên đã tự ý rút lui. Một biến thái của trường hợp thứ hai đã được thuật lại trong Bài Ca Chiến Thắng.
Ông Lý Minh Tuấn, trong “Công Giáo và Đức Kitô”, thì cho rằng: về phép lạ trên Biển Đỏ, ngày nay người ta thường có khuynh hướng lưu ý tới lớp thứ nhất trên đây tức lớp kể rằng Thiên Chúa cho gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Ông viết “có người đã nghiên cứu địa lý vùng Biển Đỏ thấy rằng trong một năm, ở một nơi trên Biền Đỏ, có ngày nước thủy triều rút xuống thấp nhất, người ta có thể lội qua dễ dàng; nhưng sau đó, thủy triều lại ập lên rất nhanh. Có lẽ Mô-sê đã nghiên cứu trước, biết được điều này và đã dẫn dân Do Thái qua đúng lúc. Còn quân lính Ai Cập không biết nên gặp tai nạn” (tr.88). Dù nói thế, ông vẫn trích lại lời linh mục Trần Phúc Nhân nhận định như sau: “Chủ đích của đoạn văn anh hùng ca này không phải là kể lại lịch sử đúng từng chi tiết cho bằng đề cao ý định Thiên Chúa muốn cứu thoát dân Ngài, và đề cao quyền lực Ngài mạnh hơn nhà vua, hơn thiên nhiên…, và đã can thiệp để thực hiện ý định đó”.
Bất cứ nhìn trình thuật trên bằng con mắt phân tích lớp lang như thế nào và dù có đồng ý với ‘các nghiên cứu địa lý’ đến đâu thì vẫn có điều không thể giải thích được ngoại trừ chấp nhận một sự can thiệp nào đó từ trên cao. Trường hợp đầu, sự can thiệp ấy ở trong cơn gió đông thổi mạnh đến có thể dồn biển lại, biến biển thành đất khô cạn vào đúng lúc dân Do Thái cần đi qua, và cơn gió đông ấy hết thổi mạnh khiến biểp ập nước lại như cũ đúng vào lúc quân Ai Cập đang kẹt trong đó. Trường hợp thứ ba, sự can thiệp ấy ở trong việc đột ngột rối loạn hàng ngũ của một đạo quân tinh nhuệ trước một bọn người nô lệ xưa nay họ từng khinh miệt chà đạp. Còn nếu bảo: Mô-sê, một thường dân, biết trước lúc nào nước thủy triều xuống thấp nhất để rồi đưa được đoàn người Do Thái đông đảo qua biển, còn quân Ai Cập với cả một bộ tham mưu lớn lao lại “ngu đần” đến không nghiên cứu địa hình địa cảnh trước khi ra quân để phải vùi thân dưới lòng biển, thì quả là chuyện hoang đường, nếu không chịu nhận rằng chính một trí khôn cao siêu nào đó từ trên cao đã mách bảo ông, đã soi sáng cho ông cách đặc biệt. Mà cho rằng Mô-sê tự học hỏi được điều ấy đi chăng nữa, thì dân Do Thái vẫn phải cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ một vị lãnh tụ phi thường như vậy trong lúc nguy nan. Họ coi ông như cánh tay phải vươn dài của Người và họ cảm tạ Người vì cánh tay vươn dài ấy.
Mặt khác, người Do Thái trước đây cũng như người Kitô hữu bây giờ nhìn mọi biến cố đều là sự quan phòng của Thiên Chúa và lúc nào họ cũng dâng lên Người lời cảm tạ thiết tha, cảm tạ cả về anh mặt trời, chị mặt trăng, em gió, bạn mưa, những biến thái hoàn toàn tự nhiên. Huống chi là việc chuyển dịch hơn 600,000 tráng đinh, không kể đàn bà con trẻ (Xuất hành 12:37, tính cả phải lên vài triệu) qua Biển Đỏ, một địa danh chắc chắn Môsê không quen thuộc trước đó bao nhiêu, mà cái khối vài triệu này lại hết sức ô hợp, chỉ quen mơ tưởng cơm áo, màng chi tới hai chữ tự do, luôn miệng đòi ăn đòi uống, kêu ca trách móc, phải được kể là một kỳ tích phi thường trước đó chưa có và sau này cũng khó mà có được. Không có ơn trên, cái ông “cà lăm” Môsê này hỏi làm chi được?
Lời cảm tạ phát biểu bằng thánh thi hay thánh ca tất nhiên phải dùng hình ảnh, sự tích, ẩn dụ, ví von, phóng đại, thi vị hóa nếu cần để đánh động lòng người. Đọc truyện Thánh Gióng có ai cho là đúng trăm phần trăm. Nhưng ai ai cũng phải cảm kích ơn tiền nhân và những kỳ tích giữ thơm quê mẹ của họ. Bài Ca Chiến Thắng ra đời cách nay đã gần 30 thế kỷ hẳn cũng có mục tiêu ấy và vì thế được dân tộc Do Thái suốt trong 30 thế kỷ nay thay phiên nhau ngâm ngợi, lòng thực sự hướng về Giavê nhân hậu và quyền năng.