Chúa Nhật II Mùa Vọng B

“Có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa…”(Is 40,3). Lời của ngôn sứ Isaia được thánh sử Maccô lấy lại để mở đầu cho sách Tin mừng của Ngài: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Đấng mà chỉ bằng một lời đã dựng nên trời đất muôn vật, Đấng mà không có sự gì là không thể, lại có vẻ như gặp phải khó khăn khi muốn đi vào lòng con người đến nỗi cần phải có một con đường được chuẩn bị. Một hệ luỵ tất yếu vì Người đã dựng nên con người và đã ban cho nó có ý chí tự do. “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi” (Thánh Âugustinô). Tình yêu giả thiết có sự tự do đáp trả. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Để cho tình yêu đơm hoa, kết trái, Thiên Chúa chờ đợi sự đáp trả của loài người chúng ta. Và một trong những cách thế đáp trả tình yêu của Thiên Chúa mà Lời Chúa trong Chúa Nhật II Mùa Vọng B mời gọi chúng ta, đó là hãy mở cho Người một con đường. Nói đến con đường là nói đến lối đi, cách bước, đúng hơn là nói đến đường đời của chúng ta, cách sống của chúng ta.

“Đồi cao hãy san cho bằng; hố sâu hãy lấp cho đầy…” Những cách diễn tả trên chỉ muốn nhắm mục đích là sửa đường cho ngay và bằng phẳng. Rất có thể có nhiều cách diễn giải mang chiều kích luân lý như là dẹp bỏ sự kiêu căng, cao ngạo, loại trừ những hố sâu ích kỷ, tham lam hay chia rẽ… Dĩ nhiên cần phải có những sửa đổi trong cách sống của con người, tuy nhiên điều quan trọng và cốt yếu đó là tấm lòng của chúng ta. Đó phải là một tấm lòng khiêm hạ chân thành. Một tấm lòng chân thành trong khiêm hạ là một tấm lòng trung thực, ngay thẳng. Tình yêu đòi hỏi trước tiên sự ngay thẳng và trung thực. Sẽ chẳng còn là tình yêu khi có yếu tố gian dối xen vào. Chính vì thế để mở cho Chúa một con đường, chúng ta cần phải:

Trung thực với chính mình: Mình có sao, mình ra sao thì nhìn nhận vậy. Con người chúng ta vốn thích kẻ khác có cái nhìn tốt đẹp về mình, muốn kẻ khác luợng giá cao về mình. Vì thế chúng ta rất dễ bị cám dỗ thoa son, tô phấn cho bản thân. Và dần dà người ta đâm ra ảo tưởng về chính mình hoặc có cái nhìn không thật, không đúng về bản thân. Cái cám dỗ này này càng mạnh lên mỗi khi chúng ta đã có thêm chút tiền, chút quyền hay chút địa vị.

Rất nhiều lần xét mình, chúng ta thoáng nhận ra con người thật của mình với bao là tham sân si. Ta sám hối ăn năn, ta quyết tâm sửa mình, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Bệnh thì dễ chữa, nhưng tật thì khó chừa. Sự tái phạm lỗi lầm nhiều lần cũng làm chúng ta dễ có cái nhìn lệch lạc về bản thân. Để có được cái nhìn trung thực về mình thiết tưởng cần đào tạo lương tâm liên lĩ. Các nhà luân lý chỉ cho ta những cách thế để đào tạo lương tâm như là tích cực học hỏi; kiên quyết chừa tội và từ bỏ nết xấu; xa lánh các môi trường xấu, những lý thuyết lầm lạc; siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích giao hoà…

Trung thực với tha nhân: Dù biết rằng ta có thể dối lừa một người nhiều lần, có thể dối lừa nhiều người một đôi lần, nhưng ta không thể lừa dối nhiều người nhiều lần. Thế nhưng để can đảm sống thật như chính mình trước mặt tha nhân thì quả là không mấy dễ. Cái nhìn của tha nhân, cái quan niệm của xã hội bên cạnh mặt tích cực vẫn có mặt tiêu cực, và chúng có thể khiến ta sống giả hình.

Đã là người hẳn ta thật khó mà cởi mở tấm lòng với tha nhân cách sạch sành sanh, nhưng ít ra là không bao giờ chủ ý sống giả hình, sống hai mặt vì chút lợi lộc hay chút hư danh nào đó. Đặc biệt cần phải loại trừ những mưu mô xảo quyệt gây hại cho tha nhân và xã hội. Chúa Kitô đã từng cảnh báo: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”(Lc 12,1-2).

Trung thực với Thiên Chúa: Chắc hẳn Ađam biết rõ Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự, thế mà sau khi phạm tội, ông vẫn tìm cách lánh mặt Thiên Chúa. Khi Chúa hỏi tội thì Adam đã đổ lỗi cho bà Evà, rồi Evà lại đổ tội cho con rắn (x. St 3,8-13). Khi đã trót phạm tội, chúng ta thường bị cám dỗ ẩn mình hoặc tìm cách bào chữa. “Các ngươi vốn mù mà tự cho mình sáng nên tội các người vẫn còn” (Ga 9,41). Đọc Tin Mừng chúng ta nhận ra sự thật này: con đường đã mở ra để cho Chúa Giêsu đến yêu thương, tha thứ, thi ân cho những người biết khiêm nhu nhìn nhận con người thật của mình, dù họ là người tội lỗi hay là người ngoại bang, là người thu thuế hay là kẻ bán thân nuôi miệng. Chính Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện người thu thuế vào Đền thờ không dám ngẩng mặt lên, chỉ biết cúi đầu đấm ngực nói: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Và Người đã kết luận rằng người thu thuế này ra về và được nên công chính (x.Lc 18,9-14).

Chúa đến thế gian là để yêu thương con người. Và con đường Chúa đi là con đường của sự thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ thần dữ, khỏi ách nô lệ tội lỗi và giúp chúng ta có khả năng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Mọi đường lối Chúa đều là từ bi và ngay chính. “Lạy Chúa, Chúa ở gần bên con, mệnh lệnh Chúa đều là chân lý” (Tv 119,151). “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Cùng với tác giả Thánh Vịnh, ước gì chúng ta chân thành thân thưa: “Đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài con khao khát đợi trông” (Tv 119,30). Sự thật là nền tảng cho tình yêu nẩy mầm. Sự thật cũng là con đường để tình yêu đi vào, ở lại và đơm bông kết trái. Trung thực với chính mình, trung thực với tha nhân và trung thực với Đấng Tạo Thành là một cách thế tuyệt vời dọn đường cho Chúa đến yêu thương chúng ta.

Một trong những cách thế để giúp sống trung thực với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa, sống trong sự khiêm hạ, đó là hãy tích cực tập thói quen tốt của cha ông ta xưa là dọn mình chết lành mỗi tối trước khi đi ngủ. “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai, người ta sắp chết nói lời lẽ phải”. Đúng hơn khi đối diện với “giờ Chúa đến” chắc chắn chúng ta không chỉ nói lời lẽ phải mà còn nói lời rất trung thực.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột