Giáo lý ‘Các Thánh cùng thông công’



Đề tài hôm nay mời chúng ta đề cập tới một điều quan trọng của tín lý đạo Công Giáo, đó là (cùng với giáo lý về Thiên đàng nơi hưởng phúc dài lâu của các thánh nhân) sự hiện hữu của ‘Luyện ngục’ nơi các hồn bất tử có khả năng sẽ được thưởng phúc Thiên đàng sau khi xác phàm qua đời, nhưng tạm cần được thanh luyện, dựa vào những lỗi lầm khiếm khuyết xưa cũ. Thánh Phao lô cắt nghĩa mục này ở thơ 1 Cor 3:13-14; rồi sách 2 Maccabees 12:39-46 nói về chuyện cho hồn kẻ chết; rồi thơ 1 của thánh Phê rô 3:18-22; đặc biệt Phúc âm Matt.12:32. Rất tiếc các giáo hội Tin Lành không chịu công nhận tín điều này.

Chữ ‘thông công’ ở đây là sự thông hiệp, giao tiếp : Ta cần nguyện xin các thánh trên trời bầu cử, và ta có thể dâng lời nguyện, thánh lễ, hy sinh, việc lành hỗ trợ cho các hồn trong luyện ngục mau về trời…Trong thực tế, trần gian, thiên đàng và luyện ngục cùng tạo nên một GIÁO HỘI duy nhất của Chúa. Cả 3 cùng được phép chia sẻ ân sủng thiêng liêng do long từ bi của Chúa. Riêng trong giáo hội ‘chiến đấu’ ở trần gian, chúng ta được phép cùng chia sẻ một đức tin, một ân huệ siêu nhiê, một kho tàng các bí tích cũng như các loại đặc sủng.

Hàng ngày chúng ta được khích lệ tôn kính và cầu nguyện với các thánh trên trời, nhất là vào ngày kính đặc biệt toàn thể các ngài vào 1 tháng 11 mỗi năm (đồng thời được khuyên học hỏi các gương sáng và nhân đức của các ngài). Ta cần các ngài hơn các ngài cần ta. Trái lại lúc này các linh hồn trong luyện ngục cần chúng ta hỗ trợ về mặt thiêng liêng, tiếp tay trong việc đền tội với các hồn đó (lúc còn sống các hồn chưa kịp làm). Đây là hành vi hỗ tương rất ý nghĩa cũng như tạo những lợi ích thiêng liêng cao đẹp cho cả 2 bên.

Người sống nhớ tới kẻ đã qua đời



Tôn giáo nào cũng dạy về lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành, ông bà tổ tiên. Giới răn thứ 4 trong đạo Chúa nói rất rõ bổn phận này. Riêng tại Việt Nam, đạo ‘Ông Bà’ hình như là đạo của mọi gia đình. Thời mới đón nhận tin mừng, để tránh sự nhầm lẫn thờ kính Chúa và tôn kính ông bà, giáo hội xem chừng khá khắt khe trong việc thực hành chuyện bái lậy di ảnh ông bà cha mẹ. Còn bây giờ ít ai còn chưa phân biệt vị trí của Thiên Chúa và ông bà cha mẹ, nên chúng ta thoải mái hơn trong việc niệm hương bái lậy hình ảnh ông bà tổ tiên.

Bên nhà Phật có đại lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) hướng về các hồn ông bà tổ tiên, cũng như các ‘cô hồn’ chốn âm ty. Còn bên Công Giáo thì có ngày lễ đặc biệt cầu cho các đẳng linh hồn vào mồng 2 tháng 11 dương lịch hằng năm. Chẳng những thế, giáo hội còn mời các tín hữu chú tâm đặc biệt vào chuyện hỗ trợ các linh hồn ở luyện ngục trong suốt cả tháng. Dịp cầu hồn réo gọi thân hữu bạn bè còn tại thế đừng quên kẻ đã ra đi. Các Linh mục được đặc cách cử hành 3 thánh lễ ‘cầu hồn’ trong ngày 2/11 này. Giáo dân thì hay kéo nhau ra đất thánh để cầu nguyện và dự một thánh lễ riêng dâng cho các linh hồn. Giáo hội dạy rõ : Không có hồn nào tại luyện ngục bị bỏ quên. Thành ra bên đạo Chúa không bao giờ chính thức dùng chữ các ‘linh hồn mồ côi’ (bị hiểu lầm về các hồn không có thân nhân nhớ tới). Hàng ngày, trong suốt năm phụng vụ, có ngàn vạn Linh Mục dâng lễ và luôn khấn cầu Chúa thương các linh hồn chốn ‘luyện hình’.

Đây tháng của ký ức. Đây mùa của tưởng nhớ. Kẻ ở người đi để lại bao mến thương.



Uống nước nhớ nguồn. Lá rụng về cội. Ta quên sao được những chân lý cao đẹp này. Thành ra hãy tỏ ra biết ơn các vị đi trước chúng ta. Làm như thế là ta thi hành đức HIẾU THẢO một cách tuyệt vời. Đền ơn về phần hồn còn cao quý hơn phần thể xác rất nhiều. Vào ngày 9 tháng 12 năm 1939, thánh bộ Truyền giáo đã ra một sắc lệnh đòi giáo dân thi hành điều hiếu thảo thiêng liêng này như một bổn phận trọng đại của mỗi người.

Tháng 11 khởi đầu ‘mùa tưởng nhớ’. Dẫu sống trên xứ người, tâm tư chúng ta nhiều lần như bị xoáy tròn theo 4 mùa thay đổi. Lúc này, Thu đã dần kết thúc để đưa ta vào tiết lạnh. Lòng người tỵ nạn tha hương cũng bắt đầu se lại.

(nhà thờ tại Ba Lan : có 3 ngàn sọ và 20 ngàn khúc xương người đã chết)

Chúng ta tạm phác họa vài cách thi hành thực tế : Trưng bày di ảnh ông bà cha mẹ dưới phần bàn thờ chính của gia đình. Ngoài dịp đại lễ cầu hồn 2/11, ta cũng nên tổ chức những ngày giỗ, mời mọi thành viên gia đình và thân nhân dự thánh lễ và đọc kinh cho các ngài tại tư gia. Dĩ nhiên quan trọng hơn là phải thực hành lòng hiếu thảo này ngay khi ông bà cha mẹ còn sống (thi hành vào các dịp lệ tết, sinh nhật…) nhất là phải dạy cho đoàn con lũ cháu hiểu và thấm tinh thần này. Quan trọng hơn nữa là đoan hứa sẽ chân thành tuân giữ những điều hay lẽ phả, lễ cầu hồn 2 tháng 11 năm 1963 mà ông bà cha mẹ đã liên tục nhắn nhủ cho con cháu. Ước mơ lớn nhất là sau này con cháu sẽ cùng được về chung hưởng quê trời với các ngài.

Cần tưởng nhớ cố Tổng Thống Diệm



Dân Việt quen gọi là cụ Ngô, hay chí sĩ Ngô đình Diệm. Ngài bị thảm sát cùng với người em là Ngô đình Nhu vào đúng ngày lễ cầu hồn 2 tháng 11 năm 1963. Chúng ta tưởng nhớ ngài không phải vì ngài là một thiên tài chính trị với đủ mưu mô trần đời, nhưng vì ngài là một nhân vật có đức độ, hết lòng yêu nước thương dân. Là những người tỵ nạn Cộng Sản, chúng ta biết ơn ngài đã đứng lên lập chiến tuyến chống Cộng, khai mở chính thể Cộng hòa và xây đắp nền tự do dân chủ thực sự cho miền Nam Việt Nam, sau hiệp định chia đôi đất nước vào tháng 7 năm 1954. Lúc đó ngài còn cố gắng đón nhận và giúp định cư gần một triệu dân miền Bắc lánh nạn Cộng Sản để vào Nam sống. Chỉ có vỏn vẹn 9 năm ngắn ngủi, ngài đã biến miền Nam thành một đại gia đình đầy ắp tình thương và hăng say tiến thẳng về tương lai tươi sáng.

(Tổng thống Diệm tại nhà nguyện riêng trong dinh Độc lập)

Dù có những phản chứng đầy thiên vị và ác ý, đa số dân Việt Nam ngày nay vẫn đã nhìn ra sự thật về con người và cuộc đời của ngài. Tiếc rằng trong tình trạng sơ khai của nền độc lập, miền Nam phải đối diện với quá nhiều kẻ thù nội cũng như ngoại. Từ chính trị tới tôn giáo. Kẻ nội thù hung bạo, từ những viên chức và sĩ quan bất mãn đã khờ khạo, chạy theo đồng tiền và danh vọng, cùng sự dỗ dành xúi bẩy tứ phía, để hùa nhau sát hại ngài, lấy danh nghĩa làm…cách mạng.

Hôm nay chúng ta cùng nhau thắp nén hương lòng hướng về cố tổng thống kính yêu, người mà lịch sử sẽ phải ghi công là vị anh hùng lớn của dân tộc trong thời cận đại. Mong sao hương hồn ngài sớm được về hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên Quốc.