Emmaus VII: Hội ngộ và Đồng hành
San José thuộc một vùng đất mang tên Việt thơ mộng “Thung lũng Hoa vàng” hoặc danh xưng lừng lẫy “Silicon Valley,” nhưng không phải là nơi du khách lũ lượt tìm đến. Tại đây không có những thắng cảnh kỳ quan, cũng chẳng là chốn phồn hoa đô hội.
Nhưng trên 160 linh mục người Việt từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và từ một số các quốc gia như Canada, Đài Loan, Thái Lan, đã kéo về San José trong ít ngày vào tháng Mười 2017. Họ về đây tham dự đại hội linh mục Việt Nam toàn quốc lần VII, mang tên Hành trình Emmaus, với chủ đề “Đây là Mẹ con.” Emmaus III vào năm 2009 cũng diễn ra trong vùng, tại hai thành phố phụ cận Santa Clara và Oakland.
Họ đại diện cho khoảng 1,000 linh mục người Việt tại Hoa Kỳ, đã về hưu hoặc còn đang phục vụ ở các giáo phận thuộc 8 vùng từ bờ biển Thái Bình qua bờ Đại Tây Dương. Họ cũng thay mặt cho các dòng tu với trách nhiệm ở nhiều nơi tại Mỹ và hải ngoại. Trong số các linh mục còn có những vị là tuyên uý cho các binh chủng Hoa Kỳ ở nhiều căn cứ trên thế giới, hoặc tuyên uý cho dân tới lui các hải cảng từ nhiều quốc gia.
Họ về San José không như những du khách, nhưng về đây để tay bắt mặt mừng và hội ngộ với những người anh em lâu ngày không gặp, để làm quen và gặp gỡ với các vị chưa có cơ hội biết mặt. Hàng ngũ các linh mục vốn đa dạng – do những khác biệt về thế hệ, địa phương, đào tạo, dòng hoặc triều (*) – nhưng tất cả cùng chia sẻ sứ mạng của Hội thánh, từ những cha đã hưu dưỡng, những vị còn mang nhiều trách nhiệm, cho đến những linh mục bắt đầu phục vụ không lâu. Họ về đây để suy tư theo gợi ý của các diễn giả, để trao đổi kinh nghiệm với nhau, để cùng cầu nguyện trong phụng vụ thánh, để ngồi cùng bàn chia sẻ của ăn cũng như những câu chuyện mà nhiều lúc mang lại những tiếng cười giòn giã.
Đồng hành với dân Chúa
Hình ảnh quen thuộc của vị linh mục dưới con mắt người tín hữu là một tư tế dâng lễ hoặc một người ban các bí tích (thánh hoá), tuy trách nhiệm của các vị trước hết là phục vụ Lời Chúa (rao giảng), và còn phải đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đoàn (cai quản). Cộng đoàn có thể là xứ đạo, hoặc nhà tù, trường học, hải cảng, căn cứ quân sự, v.v. Đối với một số linh mục, cộng đoàn hoặc vườn nho, đồng lúa của họ trải dài đến độ “cò bay gẫy cánh.” Có vị từng ở một giáo phận vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ, phụ trách nhiều nhà thờ cách xa nhau vài chục dặm. Mỗi Chúa Nhật, cha đi dâng lễ ở nhiều nơi, và khi về nhà thì đã gần nửa đêm. Lại có các linh mục tuyên uý đi theo các chiến binh tại bất cứ nơi nào trong “họ đạo:” lều ở sa mạc, trại lính, hàng không mẫu hạm, vùng hoả tuyến, quân y viện, v.v.
Linh mục Nguyễn Khắc Hy, thuộc hội linh mục Xuân-bích chuyên việc đào tạo nơi các chủng viện, đã cùng anh em tại Emmaus VII duyệt qua những vai trò của linh mục, đã bắt nguồn và diễn biến thế nào, từ việc chăm lo cho cộng đoàn đức tin như vị mục tử đến việc rao giảng, và cử hành các bí tích. Cũng có những cái nhìn khác nhau liên hệ đến chính căn tính: linh mục là một Đức Kitô khác (alter Christus) hay chỉ là một tôi tớ nhân danh Đức Kitô là Đầu và thay mặt Hội thánh (in persona Christi Capitis, in persona Ecclesiae).
Dù hiểu như thế nào về căn tính và vai trò của mình, linh mục trong thời đại hôm nay cần ý thức hơn về liên hệ chặt chẽ giữa mình với cộng đoàn, và quan tâm hơn đến hoàn cảnh cũng như nhu cầu của tín hữu, để đồng hành với họ. Một cha 77 tuổi tại đại hội đã được đánh động do lời nhận xét của một linh mục trẻ về hai hạng mục tử: một số lo lắng tìm chiên lạc, và một số tìm cách lợi dụng đàn chiên.
Trong mọi tình huống, linh mục được kêu gọi sống vui tươi, trở thành thừa tác viên của niềm vui, theo lời nhấn mạnh của cha Đinh Văn Nghị, dòng Đa-minh, đến từ Bangkok, Thái Lan. Đây không phải là sự vui vẻ hời hợt, mà là hoa quả của một cuộc sống tiếp cận với Tin Mừng, với Thiên Chúa, “Đấng làm hoan lạc tuổi xuân tôi” (Tv 43:4). Họ cần học hỏi nơi Trinh nữ Maria, luôn rộng mở cho Thiên Chúa và bước đi trên con đường của Người. Các bạn trẻ và thiếu nhi, theo một thăm dò ý kiến, cũng mong mỏi các linh mục vui tươi phấn khởi hơn.
Sinh trưởng trong một môi trường và thời đại với nhiều tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, các em quen thuộc với các phương tiện liên lạc và truyền thông quá tân tiến, như điện thoại tinh khôn và social media, là những thứ thu hút người già cũng như trẻ em. Nhưng theo những nghiên cứu được cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, trình bày tại đại hội, những tiến bộ này như con dao hai lưỡi, vừa giúp con người tiếp cận kiến thức, dễ dàng liên kết với nhau, lại vừa giảm bớt tiếp xúc diện đối diện với người khác và gia tăng sự thờ ơ trước nhu cầu của người chung quanh, v.v.. Điều này đặc biệt gây hậu quả sâu đậm nơi giới trẻ.
Các em lại sống trong một thời đại với rất nhiều áp lực và đòi hỏi, khiến nhiều em bị căng thẳng, khủng hoảng. Hơn thế, theo trình bày của nữ bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm, cố vấn của phong trào Thiếu nhi Thánh thể VN tại Hoa Kỳ, các em còn bị ảnh hưởng do những xáo trộn chưa từng có về luân lý sinh học, trong đó có những biến chuyển trong việc thụ thai – với “three-parent embryo” hay là phôi thai từ 3 cha mẹ, việc đổi giới tính và những phân loại chưa từng có: giới tính đứng giữa (intersex), giới tính không cố định (gender fluid), v.v. Giữa những thử thách đa dạng của mình, giới trẻ cần đến sự đồng hành, hỗ trợ của các linh mục, dù không có câu trả lời cho mọi vấn đề.
Đồng hành với nhau và Đấng Phục Sinh
Hội ngộ Emmaus, được tổ chức hai năm một lần, là cơ hội cho anh em linh mục người Việt tại Mỹ củng cố liên hệ với nhau như những người bạn đồng hành, dù ở cách xa nhau. Tại đây, họ ý thức mình không cô độc trên cuộc lữ hành, mà chia sẻ cùng một sứ mạng, một niềm tin, một niềm hy vọng, tuy mang những lo âu khác biệt hoặc giống nhau. Khi ngồi cùng bàn ăn, sum họp bên bàn tiệc thánh, cùng nhau cất vang những bài thánh vịnh thánh ca, họ như cảm nghiệm phần nào lời thánh vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” Điều này lại càng đúng cho những linh mục đến hội ngộ Emmaus từ các vùng hẻo lánh, như các mission trong khu vực dành cho dân da đỏ, thiếu những cơ hội gặp gỡ anh em cùng chí hướng.
Giữa khung cảnh ấm cúng của Emmaus VII, một cha già không quên các linh mục đang sống trong tăm tối, không còn tiếp tục vai trò mục tử của mình, và đã kêu gọi tập thể linh mục làm một điều gì cho họ. Trong số các linh mục tham dự đại hội, lại có vài vị thuộc dòng Tôi tớ Đấng Phù Trợ, là cộng đoàn chuyên nâng đỡ những linh mục bị khủng hoảng. Các linh mục biết mình cần sự hỗ trợ của nhau, và trên hết là của Đấng Phục Sinh, Đấng cảm thông với những yếu hèn của con người. Như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ mất niềm tin trên đường đi Emmaus, sưởi ấm cõi lòng và mở mắt họ, Đấng Phục Sinh tiếp tục bước đi bên các môn đệ hôm nay.
Khi nhận biết Chúa đồng hành với mình, người môn đệ thời thế kỷ XXI có thể như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói với Chúa sau một ngày dài với nhiều mệt mỏi: “Lạy Chúa, đây là Giáo hội của Chúa. Con đi ngủ đây!” Họ có thể an tâm tín nhiệm vào Chúa trong những thử thách của đời phục vụ, dù xem ra Chúa đang ngủ trên thuyền trong cơn bão tố (xem Mc 4:37-38).
Là con người, họ không tránh được những lúc xao xuyến, và có thể như các môn đệ thời xưa, muốn đánh thức Chúa mà than vãn: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Nhưng rốt cuộc họ biết mình không cô độc, và nghe lời Đức Maria, họ tín nhiệm vào Chúa, đến độ “Người bảo gì thì làm theo như vậy” (xem Ga 2:5). Dần dần, họ học theo gương tổ phụ Abraham, “không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa” (Rm 4:18 – bài đọc I tại lễ khai mạc Emmaus VII).
Cuối cùng, những ngày hội ngộ Emmaus cũng trôi qua và đã đến lúc chia tay, rời Thung lũng Thánh Clara để trở về nhiệm sở, tiếp tục làm vườn nho, gặt lúa, hoặc đánh cá người. Tuy mỗi người một nẻo, anh em linh mục biết mình không đi một mình. Họ có nhau, và nhất là có Chúa. Lời cầu tại lễ bế mạc đại hội như làm ấm áp cõi lòng họ: “Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con và tiếp tục nâng đỡ mỗi người trên cuộc lữ hành đức tin. Chớ gì lòng chúng con được Đức Kitô hâm nóng và mắt chúng con được mở ra như hai môn đệ đi làng Emmaus” (Lời cầu kết thúc phần lời nguyện tín hữu).
(*) “Linh mục triều” là từ ngữ trong tiếng Việt, nhưng trong nhiều ngôn ngữ khác, đó là linh mục giữa đời, giữa lòng thế giới (secular priests, prêtres séculiers), đối lại với các linh mục dòng (religious priests, prêtres réguliers) thuộc về một cộng đoàn tu sĩ. Trong tiếng Việt, “secular priest” được gọi là “linh mục triều” hoặc cổ xưa hơn thì gọi là “thầy cả quan triều.” Đó là vì thời xưa, linh mục thuộc loại trí thức cao trong xã hội, có quyền bính, được trọng như một ông quan. Từ đó, người ta dùng các từ ngữ như “đỗ cụ” để chỉ sự thành đạt của người làm linh mục (như “đỗ quan”); gọi cha mẹ linh mục là “ông bà cố” (như cha mẹ của ông quan); gọi anh, em linh mục là “quan bác,”“quan chú”(như anh, em của quan). Bên Âu châu thời xưa, hàng giáo sĩ được gọi là “princes of the Church” (các ông hoàng của Giáo hội). Thời nay thỉnh thoảng báo chí gọi các vị Hồng Y là các “ông hoàng của Giáo hội,” nhưng đã là lối nói quá lỗi thời. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên gọi các linh mục triều là “linh mục giữa đời” bên cạnh các “linh mục tu dòng”?
San José thuộc một vùng đất mang tên Việt thơ mộng “Thung lũng Hoa vàng” hoặc danh xưng lừng lẫy “Silicon Valley,” nhưng không phải là nơi du khách lũ lượt tìm đến. Tại đây không có những thắng cảnh kỳ quan, cũng chẳng là chốn phồn hoa đô hội.
Nhưng trên 160 linh mục người Việt từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và từ một số các quốc gia như Canada, Đài Loan, Thái Lan, đã kéo về San José trong ít ngày vào tháng Mười 2017. Họ về đây tham dự đại hội linh mục Việt Nam toàn quốc lần VII, mang tên Hành trình Emmaus, với chủ đề “Đây là Mẹ con.” Emmaus III vào năm 2009 cũng diễn ra trong vùng, tại hai thành phố phụ cận Santa Clara và Oakland.
Họ đại diện cho khoảng 1,000 linh mục người Việt tại Hoa Kỳ, đã về hưu hoặc còn đang phục vụ ở các giáo phận thuộc 8 vùng từ bờ biển Thái Bình qua bờ Đại Tây Dương. Họ cũng thay mặt cho các dòng tu với trách nhiệm ở nhiều nơi tại Mỹ và hải ngoại. Trong số các linh mục còn có những vị là tuyên uý cho các binh chủng Hoa Kỳ ở nhiều căn cứ trên thế giới, hoặc tuyên uý cho dân tới lui các hải cảng từ nhiều quốc gia.
Họ về San José không như những du khách, nhưng về đây để tay bắt mặt mừng và hội ngộ với những người anh em lâu ngày không gặp, để làm quen và gặp gỡ với các vị chưa có cơ hội biết mặt. Hàng ngũ các linh mục vốn đa dạng – do những khác biệt về thế hệ, địa phương, đào tạo, dòng hoặc triều (*) – nhưng tất cả cùng chia sẻ sứ mạng của Hội thánh, từ những cha đã hưu dưỡng, những vị còn mang nhiều trách nhiệm, cho đến những linh mục bắt đầu phục vụ không lâu. Họ về đây để suy tư theo gợi ý của các diễn giả, để trao đổi kinh nghiệm với nhau, để cùng cầu nguyện trong phụng vụ thánh, để ngồi cùng bàn chia sẻ của ăn cũng như những câu chuyện mà nhiều lúc mang lại những tiếng cười giòn giã.
Đồng hành với dân Chúa
Hình ảnh quen thuộc của vị linh mục dưới con mắt người tín hữu là một tư tế dâng lễ hoặc một người ban các bí tích (thánh hoá), tuy trách nhiệm của các vị trước hết là phục vụ Lời Chúa (rao giảng), và còn phải đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đoàn (cai quản). Cộng đoàn có thể là xứ đạo, hoặc nhà tù, trường học, hải cảng, căn cứ quân sự, v.v. Đối với một số linh mục, cộng đoàn hoặc vườn nho, đồng lúa của họ trải dài đến độ “cò bay gẫy cánh.” Có vị từng ở một giáo phận vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ, phụ trách nhiều nhà thờ cách xa nhau vài chục dặm. Mỗi Chúa Nhật, cha đi dâng lễ ở nhiều nơi, và khi về nhà thì đã gần nửa đêm. Lại có các linh mục tuyên uý đi theo các chiến binh tại bất cứ nơi nào trong “họ đạo:” lều ở sa mạc, trại lính, hàng không mẫu hạm, vùng hoả tuyến, quân y viện, v.v.
Linh mục Nguyễn Khắc Hy, thuộc hội linh mục Xuân-bích chuyên việc đào tạo nơi các chủng viện, đã cùng anh em tại Emmaus VII duyệt qua những vai trò của linh mục, đã bắt nguồn và diễn biến thế nào, từ việc chăm lo cho cộng đoàn đức tin như vị mục tử đến việc rao giảng, và cử hành các bí tích. Cũng có những cái nhìn khác nhau liên hệ đến chính căn tính: linh mục là một Đức Kitô khác (alter Christus) hay chỉ là một tôi tớ nhân danh Đức Kitô là Đầu và thay mặt Hội thánh (in persona Christi Capitis, in persona Ecclesiae).
Dù hiểu như thế nào về căn tính và vai trò của mình, linh mục trong thời đại hôm nay cần ý thức hơn về liên hệ chặt chẽ giữa mình với cộng đoàn, và quan tâm hơn đến hoàn cảnh cũng như nhu cầu của tín hữu, để đồng hành với họ. Một cha 77 tuổi tại đại hội đã được đánh động do lời nhận xét của một linh mục trẻ về hai hạng mục tử: một số lo lắng tìm chiên lạc, và một số tìm cách lợi dụng đàn chiên.
Trong mọi tình huống, linh mục được kêu gọi sống vui tươi, trở thành thừa tác viên của niềm vui, theo lời nhấn mạnh của cha Đinh Văn Nghị, dòng Đa-minh, đến từ Bangkok, Thái Lan. Đây không phải là sự vui vẻ hời hợt, mà là hoa quả của một cuộc sống tiếp cận với Tin Mừng, với Thiên Chúa, “Đấng làm hoan lạc tuổi xuân tôi” (Tv 43:4). Họ cần học hỏi nơi Trinh nữ Maria, luôn rộng mở cho Thiên Chúa và bước đi trên con đường của Người. Các bạn trẻ và thiếu nhi, theo một thăm dò ý kiến, cũng mong mỏi các linh mục vui tươi phấn khởi hơn.
Sinh trưởng trong một môi trường và thời đại với nhiều tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, các em quen thuộc với các phương tiện liên lạc và truyền thông quá tân tiến, như điện thoại tinh khôn và social media, là những thứ thu hút người già cũng như trẻ em. Nhưng theo những nghiên cứu được cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, trình bày tại đại hội, những tiến bộ này như con dao hai lưỡi, vừa giúp con người tiếp cận kiến thức, dễ dàng liên kết với nhau, lại vừa giảm bớt tiếp xúc diện đối diện với người khác và gia tăng sự thờ ơ trước nhu cầu của người chung quanh, v.v.. Điều này đặc biệt gây hậu quả sâu đậm nơi giới trẻ.
Các em lại sống trong một thời đại với rất nhiều áp lực và đòi hỏi, khiến nhiều em bị căng thẳng, khủng hoảng. Hơn thế, theo trình bày của nữ bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm, cố vấn của phong trào Thiếu nhi Thánh thể VN tại Hoa Kỳ, các em còn bị ảnh hưởng do những xáo trộn chưa từng có về luân lý sinh học, trong đó có những biến chuyển trong việc thụ thai – với “three-parent embryo” hay là phôi thai từ 3 cha mẹ, việc đổi giới tính và những phân loại chưa từng có: giới tính đứng giữa (intersex), giới tính không cố định (gender fluid), v.v. Giữa những thử thách đa dạng của mình, giới trẻ cần đến sự đồng hành, hỗ trợ của các linh mục, dù không có câu trả lời cho mọi vấn đề.
Đồng hành với nhau và Đấng Phục Sinh
Hội ngộ Emmaus, được tổ chức hai năm một lần, là cơ hội cho anh em linh mục người Việt tại Mỹ củng cố liên hệ với nhau như những người bạn đồng hành, dù ở cách xa nhau. Tại đây, họ ý thức mình không cô độc trên cuộc lữ hành, mà chia sẻ cùng một sứ mạng, một niềm tin, một niềm hy vọng, tuy mang những lo âu khác biệt hoặc giống nhau. Khi ngồi cùng bàn ăn, sum họp bên bàn tiệc thánh, cùng nhau cất vang những bài thánh vịnh thánh ca, họ như cảm nghiệm phần nào lời thánh vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” Điều này lại càng đúng cho những linh mục đến hội ngộ Emmaus từ các vùng hẻo lánh, như các mission trong khu vực dành cho dân da đỏ, thiếu những cơ hội gặp gỡ anh em cùng chí hướng.
Giữa khung cảnh ấm cúng của Emmaus VII, một cha già không quên các linh mục đang sống trong tăm tối, không còn tiếp tục vai trò mục tử của mình, và đã kêu gọi tập thể linh mục làm một điều gì cho họ. Trong số các linh mục tham dự đại hội, lại có vài vị thuộc dòng Tôi tớ Đấng Phù Trợ, là cộng đoàn chuyên nâng đỡ những linh mục bị khủng hoảng. Các linh mục biết mình cần sự hỗ trợ của nhau, và trên hết là của Đấng Phục Sinh, Đấng cảm thông với những yếu hèn của con người. Như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ mất niềm tin trên đường đi Emmaus, sưởi ấm cõi lòng và mở mắt họ, Đấng Phục Sinh tiếp tục bước đi bên các môn đệ hôm nay.
Khi nhận biết Chúa đồng hành với mình, người môn đệ thời thế kỷ XXI có thể như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói với Chúa sau một ngày dài với nhiều mệt mỏi: “Lạy Chúa, đây là Giáo hội của Chúa. Con đi ngủ đây!” Họ có thể an tâm tín nhiệm vào Chúa trong những thử thách của đời phục vụ, dù xem ra Chúa đang ngủ trên thuyền trong cơn bão tố (xem Mc 4:37-38).
Là con người, họ không tránh được những lúc xao xuyến, và có thể như các môn đệ thời xưa, muốn đánh thức Chúa mà than vãn: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Nhưng rốt cuộc họ biết mình không cô độc, và nghe lời Đức Maria, họ tín nhiệm vào Chúa, đến độ “Người bảo gì thì làm theo như vậy” (xem Ga 2:5). Dần dần, họ học theo gương tổ phụ Abraham, “không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa” (Rm 4:18 – bài đọc I tại lễ khai mạc Emmaus VII).
Cuối cùng, những ngày hội ngộ Emmaus cũng trôi qua và đã đến lúc chia tay, rời Thung lũng Thánh Clara để trở về nhiệm sở, tiếp tục làm vườn nho, gặt lúa, hoặc đánh cá người. Tuy mỗi người một nẻo, anh em linh mục biết mình không đi một mình. Họ có nhau, và nhất là có Chúa. Lời cầu tại lễ bế mạc đại hội như làm ấm áp cõi lòng họ: “Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con và tiếp tục nâng đỡ mỗi người trên cuộc lữ hành đức tin. Chớ gì lòng chúng con được Đức Kitô hâm nóng và mắt chúng con được mở ra như hai môn đệ đi làng Emmaus” (Lời cầu kết thúc phần lời nguyện tín hữu).
(*) “Linh mục triều” là từ ngữ trong tiếng Việt, nhưng trong nhiều ngôn ngữ khác, đó là linh mục giữa đời, giữa lòng thế giới (secular priests, prêtres séculiers), đối lại với các linh mục dòng (religious priests, prêtres réguliers) thuộc về một cộng đoàn tu sĩ. Trong tiếng Việt, “secular priest” được gọi là “linh mục triều” hoặc cổ xưa hơn thì gọi là “thầy cả quan triều.” Đó là vì thời xưa, linh mục thuộc loại trí thức cao trong xã hội, có quyền bính, được trọng như một ông quan. Từ đó, người ta dùng các từ ngữ như “đỗ cụ” để chỉ sự thành đạt của người làm linh mục (như “đỗ quan”); gọi cha mẹ linh mục là “ông bà cố” (như cha mẹ của ông quan); gọi anh, em linh mục là “quan bác,”“quan chú”(như anh, em của quan). Bên Âu châu thời xưa, hàng giáo sĩ được gọi là “princes of the Church” (các ông hoàng của Giáo hội). Thời nay thỉnh thoảng báo chí gọi các vị Hồng Y là các “ông hoàng của Giáo hội,” nhưng đã là lối nói quá lỗi thời. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên gọi các linh mục triều là “linh mục giữa đời” bên cạnh các “linh mục tu dòng”?