Từ Vườn Nho Đến Các Tá Điền: Hãy Là Chính Mình

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5,1-7) mà Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu rộng thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x.Ga 15,1-17). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh…thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Để hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thì Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội Thánh hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1).

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ đang nắm giữ công quyền của các quốc gia mà không vuông tròn phận vụ. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử trong Hội Thánh phải biết giật mình tự kiểm. Phải chăng mình tuy không phải là kẻ cướp nhưng mình chỉ là kẻ chăn thuê không hơn không kém?

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, sẽ bị giam vào nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột