CHƯƠNG SÁU: CÁCH XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI

Mục đích của chương này là nghiên cứu những nguyên tắc xưng hô tên người Việt Nam và người tây phương để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt. Do vậy, nội dung sẽ gồm bốn mục: mục một nói về các nguyên tắc xưng hô của người Việt, mục hai nói về biệt hiệu, một loại tên được đặt ra chỉ dùng khi xưng hô, mục ba nói về cách xưng hô của người Hoa Kỳ và một số quốc gia tây phương, mục bốn so sánh cách xưng hô của người Việt Nam và tây phương.

MỤC I: CÁCH XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI VIỆT NAM

Trong mục này ta sẽ tìm hiểu các tục lệ xưng hô tên người Việt Nam và cách phối hợp giữa tên chức vụ, tên nghề nghiệp và tên người.

TIẾT A: TỤC LỆ XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI VIỆT NAM

Ở đây chúng tôi không nghiên cứu cách xưng hô các danh từ thân tộc như anh, chị, em, chú, bác, ông, bà vì đó thuộc lãnh vực ngữ học và thân tộc học. Nhiệm vụ của tính danh học là: (a) tìm hiểu những tục lệ khi xưng hô tên, (b) cách phối hợp giữa tên người với tên chức vụ và nghề nghiệp. Người Việt Nam đã áp dụng những tục lệ sau đây khi xưng hô tên.

1. Tục Lệ Dùng Tên Đơn: Người Việt có sự mâu thuẫn rõ ràng trong việc thích đặt tên kép, nhưng lại gọi nhau bằng tên đơn. Thí dụ gia đình có anh Nguyễn Hưng Thịnh, Nguyễn Hưng Phú và Nguyễn Thị Thu Thảo. Ba người ấy có tên kép nhưng gia đình chỉ gọi anh Thịnh, anh Phú, chị Thảo. Sự mâu thuẫn này đã làm nhà văn Nguyễn Tuân khó chịu, khi ông viết: Các con gọi tên con cái nên gọi cho đúng. Tên cháu là Tố Tâm thì phải gọi đúng như thế. Sao lại ăn bớt đi một chữ? Không thể bảo như thế là tiện, là dễ gọi được. Con nên bảo vợ con, không người ngoài người ta cười đến ông con mình, đến cả nhà mình.

Ngày nay, người ta đã có thói quen gọi một người bằng tên kép, nhưng mới chỉ áp dụng cho nữ giới, như gọi cô Thu Hà, cô Ngọc Dung. Trái lại, người ta còn ngượng ngùng khi phải gọi anh Hùng Dũng, anh Bình Định, ông Trung Nghĩa.

2. Tục Lệ Dùng Tên Họ: Thông thường, người Việt dùng tên chính hoặc toàn bộ tên để xưng hô, nhưng đôi khi chỉ dùng tên họ. Tập tục này thường thấy giới trí thức áp dụng. Các nhà nho xưa bắt chước giới trí thức Tàu, gọi nhau bằng tên họ để biểu lộ lòng tôn kính, qua các kiểu xưng hô như: Trần đại nhân, Lê tiên sinh, Ngô nhân huynh, Đỗ quý hữu, Vũ tôn ông, Lê quý công. Học giả Phạm Quỳnh đã dùng nhóm từ Trần đại nhân để gọi sử giả Trần Trọng Kim.

Ngoài ra, khi so sánh hai nhân vật Việt và Tầu, sử gia, thi sĩ Việt Nam ngày xưa thường chỉ nhắc đến tên họ của nhân vật Tầu, buộc người đọc phải biết đó là ai. Lối so sánh này phổ thông trong giới trí thức xưa nhằm chứng tỏ khả năng uyên bác qua việc thông thuộc điển cố, kinh sử Tàu. Ta có thể trích dẫn lời của vua Lê Thánh Tông nói về công thần Nguyễn Xí để chứng minh cho nhận xét này:

Ngày xưa trẫm làm phiên vương, nhởn nhơ chốn cửa son, không có ý lên ngôi báu. Vì bọn khanh đồng lòng suy tôn, diệt bọn phản nghịch, đưa trẫm lên ngôi báu đến nay đã năm năm. Thú vui con hát, vũ nữ thì khanh không bằng họ Thạch họ Cao nhà Tống. Mà lo lắng đến héo ruột khô tim thì khanh hơn hẳn họ Phòng họ Ðỗ đời Ðường.

Trong thi ca cổ điển, các thi sĩ cũng dùng tên họ để gọi nhân vật Tàu. Xin trưng ví dụ trong bài Côn Sơn Ca của chiến lược gia Nguyễn Trãi (1380-1442):

Cơm rau nước lã an thân

Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi

Sao không xem: gian tà những kẻ xưa kia.

Trước thì họ Ðổng , sau thì họ Nguyên

Ðổng thì mấy vực kim tiền

Nguyên hồ tiêu mấy chứa mấy nghìn muôn cân.

Ngày nay, các người Việt Nam làm truyền thông cũng bắt chước tây phương gọi các nhà lãnh đạo quốc gia bằng tên họ. Ví dụ Chủ tịch họ Giang, tức ông Giang Trạch Dân. Thủ tướng họ Chu, tức ông Chu Dung Cơ. Chủ Tịch họ Hồ tức ông Hồ Chí Minh.

3. Tục Lệ Dùng Tên Hiệu: Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong xã hội được dân chúng gọi bằng tên hiệu. Các sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn thường gọi giáo sư Thanh Lãng, mà không gọi linh mục Đinh Xuân Nguyên. Còn nói tới tiểu thuyết miền Nam, người ta thường nhắc tới tác giả Hồ Biểu Chánh, mà không nhắc tới Hồ Văn Trung là tên thật của ông. Tác giả sách Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam là Bình Nguyên Lộc, mãi đến khi ông mất vào năm 1993, dân chúng mới biết tên ông là Tô Văn Tuấn. Quần chúng quá quen thuộc với các tên như Khái Hưng, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly nhưng mấy ai biết tên thật những vị này là gì? Đối với các người trong ngành thương mại, người ta cũng dùng thương hiệu để gọi thay tên chính. Ví dụ ông bà Nghĩa Lợi.

4. Tục Lệ Dùng Tên Tước: Người Việt rất trọng chức tước nên ngày xưa có tục mua tước vị triều đình. Khi một người có tước vị, dân làng sẽ gọi tên người ấy kèm theo tên tước. Ví dụ Trần Quốc Tuấn có tước Hưng Đạo Vương nên dân chúng gọi là Trần Hưng Đạo. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên và có tước Trình Quốc Công nên được gọi là Trạng Trình. Tại làng chúng tôi, vào những năm 1930, 1940, có nhiều cụ bỏ ra một số tiền mua tước hàng cửu phẩm là tước vị thấp nhất của triều đình nhà Nguyễn. Dân làng Phát Diệm ngày nay vẫn còn nhắc nhở đến các cụ Cửu Diễm, Cửu Tầm, Cửu Uy, Cửu Quắc. Người Việt có tâm lý trọng tước vị vì trong sinh hoạt làng xã, người có tước vị được ngồi ở vị trí cao, được có tiếng nói khi hội họp, và được miễn sưu dịch.

5. Tục Lệ Dùng Tên Tự: Để kính trọng cũng như kiêng húy tên chính của các bậc thánh hiền, Người Việt cũng như người Trung Quốc có tục lệ dùng tên tự để gọi. Ta thường gọi thầy Mẫn Tử Khiên, thầy Tử Cống. Thầy Mẫn Tử Khiên có tên chính là Mẫn Tổn, tên tự là Tử Khiên. Thầy Tử Cống có tên chính là Đoàn Mộc Tứ, tên tự là Tử Cống.

6. Tục Lệ Dùng Số Thứ Tự: Trong các gia đình miền Nam Việt Nam, cha mẹ, anh em không gọi nhau bằng tên chính mà bằng con số thứ tự: Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Điều đáng chú ý là không dùng chữ Cả, Nhất, Một. Tránh chữ Cả vì kỵ húy chức Hương Cả là chức cao nhất trong làng xã miền Nam khi xưa. Tránh chữ Một, Nhất vì hai từ này gợi lên ý nghĩa một con. Điều này trái với ước vọng của các gia đình xưa là muốn có con đàn cháu đống. Như vậy, tiếng Hai chỉ người con thứ nhất, tiếng Ba chỉ người con thứ hai, và tiếng Út để chỉ người con cuối cùng.

7. Tục Lệ Dùng Tiếng Mơ Hồ: Ta phân biệt hai trường hợp: (a) dùng tiếng mơ hồ trong gia đình, (b) dùng tiếng mơ hồ ngoài xã hội.

a. Trong gia đình: Ngày xưa, khi nền luân lý Khổng Mạnh còn nhiều ảnh hưởng, khi quan niệm về tình yêu nam nữ còn khắt khe, thì ngay cả vợ chồng cũng phải kín đáo trong vấn đề xưng hô. Họ không được dùng tên và những từ ngữ thân mật như anh, em. Gọi vậy, hàng xóm cho là suồng sã, không đứng đắn. Có chăng vợ chồng chỉ được nghe các tiếng rất mơ hồ như mình, đàng ấy, thầy mày, mẹ nó v.v… Điều lý thú là lời đối thoại sau đây, ai nghe cũng hiểu là vợ chồng gọi nhau: Mình ơi! Về ăn cơm. Mình ăn trước đi, đây đang giở tay một tí. Ngày nay, cách xưng hô này vẫn còn thấy trong các gia đình ở nông thôn, nơi ảnh hưởng văn minh tây phương chưa sâu đậm lắm, hoặc trong các gia đình còn thấm nhuần tinh thần lễ giáo Khổng Mạnh.

b. Ngoài xã hội: Trong một tập thể, nếu cần trưng ra một tên nào đó để làm thí dụ, người nói sợ trùng với tên người đang hiện diện, nên đặt một tên mơ hồ. Thời xưa tiếng thường dùng là Mỗ. Mỗ là tiếng Hán Việt, là đại danh từ, có nghĩa là không chỉ cái gì. Sau này, thay vì tên mỗ, người ta đặt các tên Mít, Xoài, Ổi, Cột, Kèo và gần đây dùng các mẫu tự A, B, C. Như chúng tôi đã nói, bất cứ tiếng nào cũng có thể là tên người Việt Nam, tuy nhiên, những tiếng trên đây mặc nhiên không ám chỉ ai.

8. Tục Lệ Kỵ Húy: Ta phân biệt trường hợp kỵ húy trong gia đình và ngoài xã hội.

a. Trong gia đình: Con cái, cháu chắt sẽ phạm tội bất kính, nếu cứ lấy tên ông bà, cha mẹ hay các bậc trưởng thượng ra mà nói, nhất là các vị ấy đang hiện diện ở đó. Trong dân gian, nếu tên con rể trùng với tên ông bà cha mẹ vợ thì khi xưng hô, tên con rể phải đổi sang hình thức khác, nhưng trong giấy tờ vẫn giữ nguyên như cũ. Gặp trường hợp không tránh được tên húy, người ta lấy chữ đồng nghĩa để thay thế. Ví dụ Hương/Nhang, Hoa/Bông, hay dùng nguyên tắc nói trại: Long/Luông, Lị/Lợi, Mạng/Mệnh. Trong làng chúng tôi, vì kỵ húy tên bố mẹ là Canh, nên con cháu không bao giờ nói nấu canh, ăn canh, mà nói nấu riêu, ăn riêu.

b. Ngoài xã hội: Ngày nay, tục lệ buộc dân chúng phải kiêng húy không còn nữa, nhưng dưới thời quân chủ, trong chốn triều đình, những chữ húy như tên vua, hoàng hậu, khi xưa viết bằng Hán tự, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải đổi thành chữ khác. Vấn đề này đã được trình bày trong chương năm: Tục Lệ Kỵ Húy. Người ta cũng kỵ húy tên các thần thánh. Nếu buộc phải nói ra, họ áp dụng nguyên tắc như sau: Ví dụ muốn nói tên vị Thành Hoàng Ma La Cẩn ở đình xã Phú Nhuận, Tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trước hết dân làng phải tỏ vẻ cung kính, sau đó hạ thấp giọng rồi nói thật nhỏ: Tên ngài họ Ma, đệm chữ La, húy là Cẩn.

Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng kỵ húy tên Đức Phật Thầy Tây An, vị sáng lập tông phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngài có tên là Đoàn Văn Huyên. Các tín đồ nói tên ngài như sau: Trước hết hạ thấp giọng, sau đó nói tên ngài là Ngôn trước, Tuyên sau, ráp lại thành chữ Huyên trong Hán tự.

9. Áp Dụng Tinh Thần Khiêm Tốn: Tâm lý người Việt rất khiêm tốn, tránh nói đến cái tôi. Giới trí thức chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp thường hay nại câu tục ngữ: Le moi est haissable, nghĩa là cái tôi là cái đáng ghét để bào chữa cho việc mỗi khi cần nói đến cái tôi. Vua mà nói về mình thì xưng là cô, quả, quả nhân, bỉ nhân. Kẻ sĩ nói về vợ mình xưng là tiện nội, nói về nhà mình xưng là tệ xá, còn nói về chính mình thì xưng là tiểu sinh, hậu sinh, kẻ hèn. Nhà sư nói về mình xưng là bần tăng. Ngày nay, giới trí thức Việt Nam hay dùng chữ “chúng tôi” để biểu lộ tinh thần khiêm tốn. Tâm lý khiêm tốn trong cách xưng hô của người Việt có lẽ bắt nguồn từ lối xử sự của các vua chúa Trung Quốc thời xưa. Học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê khi viết về lối xử sự của các nhà lãnh đạo thời Chiến Quốc, đã mượn lời của Lão Tử giải thích lối xưng hô này:

Lão Tử nói tuy sang mà phải lấy hèn làm gốc. Tuy cao mà phải lấy thấp làm nền, vì vậy bậc vương hầu mà tự xưng là Cô, Quả, Bất Cốc là lấy sự ti tiện làm gốc đấy. Kẻ cô, quả là kẻ ti tiện, khốn khổ, ở địa vị thấp mà bậc vương hầu tự xưng như vậy há chẳng phải tự hạ mình mà tôn quý kẻ sĩ đấy ư.

Ngày nay, các văn thi sĩ, các xướng ngôn viên lớn tuổi trong ngành truyền thông vẫn dùng lối xưng hô “chúng tôi” để biểu lộ tinh thần khiêm tốn. Nhưng, giới ca sĩ trẻ không áp dụng nguyên tắc này, cứ tự nhiên xưng tên hay tên hiệu của mình với khán thính giả. Khuynh hướng này xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1960 và đang trở thành lối xưng hô chính thức nơi công cộng.

10. Áp Dụng Nguyên Tắc Thế Xưng: Trong thân tộc học, nguyên tắc thế xưng là nguyên tắc dùng danh xưng của thế hệ này để gọi thế hệ khác. Ví dụ tiếng cậu để chỉ người em trai mẹ, nhưng người mẹ cũng gọi em trai mình là cậu. Gọi thế là gọi thay cho con. Người Việt Nam không những áp dụng nguyên tắc thế xưng trong các danh từ thân tộc, mà còn áp dụng trong việc gọi tên chính. Người ta áp dụng nguyên tắc thế xưng trong các trường hợp sau:

a. Dùng tên con trưởng: Dân chúng ngày xưa sẽ gọi tên một cặp vợ chồng nào đó bằng tên đứa con đầu lòng. Linh mục Léopold Cadière, trong bài viết về Nguồn Sơn, Quảng Trị, nêu ra một ví dụ cụ thể : Cha tên là Nông, có con đầu lòng đặt tên là Liệu. Dân làng sẽ gọi là anh chị Liệu. Người Công Giáo Việt Nam có bà thánh Đê, nhũ danh Lê Thị Thành. Bà có chồng tên là Nguyễn Văn Nhất. Ông bà Nhất sinh được 2 trai 4 gái, và con đầu lòng được đặt là Đê nên dân chúng Phát Diệm, Ninh Bình gọi ông bà Đê. Ngày nay, bà Lê Thị Thành đã là thánh nhân, nhưng người Công Giáo Việt Nam vẫn gọi bà thánh Đê. Các đôi vợ chồng lớn tuổi không dùng tên, hay các từ anh, em để gọi nhau mà dùng tên con trưởng hay con út. Ví dụ vợ chồng có con đầu lòng tên là Phong, chồng sẽ gọi vợ: “Má thằng Phong” và vợ sẽ gọi chồng: “Bố thằng Phong.”Kiểu xưng hô này được các cụ đánh giá là đứng đắn.

b. Dùng tên con út: Khi vợ chồng có một người tạ thế, dân chúng sẽ lấy tên đứa con út hay đứa con chưa lập gia đình để gọi ông hay bà đó.

c. Dùng tên con nuôi: Nếu vợ chồng không có con, nhận con nuôi, dân chúng sẽ gọi tên vợ chồng đó bằng tên con nuôi.

Ba trường hợp trên nói lên ý hướng dân chúng muốn thừa nhận một đôi vợ chồng đã có con, có người nối dõi tông đường.

11. Tục Lệ Đặt Thêm Từ Ngữ Vào Tên: Nghiên cứu cách xưng hô của người Việt, ta thấy dân gian có tục thêm một hay hai từ ngữ vào sau tên để dễ nhận diện hay để mô tả hoàn cảnh một người:

a. Đặt thêm từ ngữ để dễ nhận diện: Trong một cộng đồng, khi nhiều cá nhân có tên giống nhau, người ta áp dụng nguyên tắc thêm từ ngữ để phân biệt. Tại tây phương, khi hệ thống tên họ chưa xuất hiện, người ta thường phân biệt nhau bằng cách thêm từ ngữ vào sau tên chính. Ví dụ Jones Smith tức ông Jones thợ rèn. Về sau, từ Smith trở thành tên họ. Tại miền Nam Việt Nam, dân gian có thói quen dùng con số thứ tự Hai, Ba, Tư để gọi nhau. Tập tục này dễ đưa tới sự lẫn lộn nên người ta thêm từ ngữ để nhận diện. Lối thêm từ ngữ có thể xếp thành các nhóm sau đây:-

-Thêm địa danh: Bà Năm Sa Đéc, Thầy Ba Cầu Bông, Dzũng Đakao, Quyên Tân Định.

-Thêm tên nghề nghiệp: Tư thợ điện, Năm thầy thuốc, Sáu xích lô v.v…

-Thêm nét đặc biệt: Ba Cụt, Năm Lửa, Sáu răng vàng, Tư sún, Năm lùn.

-Thêm tài năng: Bảy đờn cò.

-Thêm tên chính: Bảy Viễn, Sáu Đảm, Tư Chơi, Bảy Trọng, Năm Châu.

b. Thêm từ ngữ để mô tả hoàn cảnh: Linh Mục Léopold Cadière nghiên cứu về cách xưng hô của người ở vùng Nguồn Sơn, Quảng Trị cho biết, người ta thêm các từ ngữ Mới, Đỏ, Mẹt, Xấu, Đôi vào tên một người để mô tả hoàn cảnh gia đình. Anh Khuyến vừa lập gia đình, dân làng Nguồn Sơn sẽ gọi là anh Mới Khuyến, chị Mới Khuyến. Đến khi anh chị Khuyến có con đầu lòng, dân làng lại gọi là anh Đỏ Khuyến, chị Đỏ Khuyến. Nếu anh chị Khuyến đẻ con gái đầu lòng, dân làng sẽ gọi là anh Mẹt Khuyến, chị Mẹt Khuyến. Theo linh mục Cadière, từ Mẹt nguyên nghĩa chỉ cái mẹt, cái nia, cái giần, nói chung là dụng cụ xay lúa giã gạo. Công việc này thường do đàn bà làm do đó từ ngữ Mẹt được dân chúng hiểu là đàn bà. Ngày nay, dân gian vẫn còn dùng từ ngữ Mẹt để chỉ đàn bà. Trường hợp sau một thời gian đôi ba năm mà anh chị Mới Khuyến không có con, dân làng sẽ gọi là anh Đôi Khuyến, chị Đôi Khuyến. Nhưng nếu anh chị Mẹt Khuyến hay Đỏ Khuyến chẳng may có con bị chết, hoặc vợ chồng có người chết trước, dân làng sẽ gọi là anh Xấu Khuyến hay chị Xấu Khuyến.

Trong chế độ đa thê, bà vợ chính được gọi là bà cả, các bà thứ được gọi là trẻ một, trẻ hai, trẻ ba. Bà vợ thứ ba của nhà cách mạng Nguyễn Văn Thịnh, biệt hiệu Cai Tổng Vàng, được dân chúng gọi cô Ba Vàng.