SO SÁNH TÊN NGƯỜI

TÂY PHƯƠNG VÀ VIỆT NAM

TIẾT A: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

1. Về Nguồn Gốc Tên: Về phương diện nguồn gốc ngôn ngữ, tên người tây phương và Việt nam có những điểm chung sau đây:

-Cả hai bên đều đi vay mượn. Nếu đa số tên người Việt xuất xứ từ tiếng Hán, gọi là Hán Việt, thì tên người tây phương cũng vay mượn từ các tộc ngữ Semitic của Trung Đông, Germanic, Slavic, Hy Lạp, Latin, Celtic.

-Cả hai đều vay mượn nhưng đọc và viết theo nước mình. Nếu tên của người Việt đa số là tiếng Hán, nhưng đọc và viết theo giọng Việt, gọi là Hán Việt thì tên người tây phương cũng thế. Tên Alexandros từ gốc Hy Lạp sang đến Pháp là Alexandre, Ý là Alessandro, Đức là Alexander.

2. Về Ý Nghĩa Tên: Tên người tây phương và Việt Nam, hầu như giống nhau về mặt ý nghĩa mà chúng tôi đã trình bày trong Tiết B.: Hình Thức Tên Chính. Tuy nhiên, ở đây xin tóm lược để độc giả tiện theo dõi.

a. Tên đàn ông: Tên đàn ông Việt Nam, Trung Quốc và tây phương có điểm chung là diễn tả ý nghĩa hùng mạnh.

Tên Việt / Tên tây phương/ Nghĩa Anh Ngữ

Chiến/ Chad - Mỹ /Warrior

Minh/ Conan - Anh/ Intelligent

Đồng/ Lee - Tô Cách Lan/ Meadow

Thắng/ Viktor - Nga/ Conquer

Mạnh/ Bolivar - Tây Ban Nha/ Strong

Hùng/ Arthur - Welch/ Hero

Cung/ Yves - Scandinavian/ Archer

Mã/ Phillip - Đức/ Horse

Quyền/ Marcus - Latin/ Martial

b. Tên đàn bà. Đặc tính tên đàn bà tây phương cũng như Việt Nam đều diễn tả ý nghĩa tốt đẹp, nhẹ nhàng, tình cảm, hoa mỹ. Xin nêu một số ví dụ:

Tên Việt/ Tên tây phương/ Nghĩa Anh Ngữ

Hòa/ Irène - Pháp/ Peaceable

Thương/ Lyubov - Nga/ Love

Hồng/ Rosa - Đức/ Rose

Liên (hoa sen)/ Lotus - Anh/ Lotus

Ngọc/ Pearl - Mỹ/ Pearl

Hoa/ Anthousa - Hy Lạp/ Flower

Bình/ Paz - Tây Ban Nha/ Peace

Duyên/ Hannah - Do Thái/ Grace

Trinh/ Kathlee -Ái Nhĩ Lan/ Virgin

3. Về Cách Thức Chọn Lựa Tên: Các bậc cha mẹ tây phương cũng như Việt Nam, khi chọn tên cho con đều dựa vào một số nguyên tắc chung như là:

-Chọn tên có ý nghĩa.

-Chọn tên để biểu lộ một lý tưởng.

-Chọn tên đọc lên có âm thanh hay.

-Đặt tên theo ước vọng của cha mẹ:

-Đặt tên theo nơi đứa bé sinh ra.

-Lấy tên cây cối, vật chất quý làm tên.

4. Về Sự Biến Đổi Tên. Trong việc đổi tên, người tây phương cũng như Trung Quốc và Việt Nam đều có những lý do giống nhau như là:

-Đổi tên vì bị bó buộc.

-Đổi tên vì tự ý.

-Đổi tên để được may mắn, lợi lộc.

-Đổi tên vì an ninh cá nhân.

-Đổi tên để tránh mạng lưới pháp luật.

TIẾT B: NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT

1. Về Nguồn Gốc: - Người Việt mượn tiếng Hán để đặt tên nhưng người Tàu không hề mượn tiếng Nôm nào của ta Trong khi đó, tại tây phương, các quốc gia mượn tên của nhau. Ví dụ tên người Pháp mượn tên của người Đức, Do Thái, Hy Lạp v.v… Đức mượn của Pháp, Ý, Tây Ban Nha.

Tên người Việt Nam và Trung Quốc thuộc ngôn ngữ thông thường. Trái lại, tên người tây phương xuất xứ từ các ngôn ngữ cổ của các bộ lạc xưa như Germanic, Celtic, Norman, hoặc tiếng Latin, tiếng Anh cổ v.v... Ngày nay, người tây phương đang có khuynh hướng đặt tên bằng các từ ngữ thông thường, như lấy tên các loại hoa: Lotus (sen), Rose (hồng), đá quý như: Pearl (trai), Jade (ngọc), Ruby (hồng ngọc), giống vật như: Tiger (cọp), Leo (sư tử).

2. Về Ý Nghĩa Tên: - Ý nghĩa đơn và ý nghĩa kép: Tên người Việt Nam và Trung Quốc chỉ diễn tả một ý nghĩa. Ví dụ Phúc, Đức. Muốn có hai ý hoặc muốn ý nghĩa rộng hơn, ta cần tên đệm để bổ túc như Hồng Phúc, Thiên Đức. Ngược lại, nhiều tên người tây phương, với chỉ một từ đã có hai ý. Ví dụ Mackenzie (Ái Nhĩ Lan): con của nhà lãnh đạo khôn ngoan, Paxton (Latin): thành phố của bình yên.

- Về sự hiểu biết ý nghĩa tên: Người Việt và Trung Quốc có thể hiểu tên mình và tên người khác có ý nghĩa gì. mà không cần tới từ điển. Trái lại, với người tây phương, họ không biết tên người khác ý nghĩa ra sao vì tên người tây phương thuộc ngôn ngữ đặc biệt, muốn hiểu phải mở từ điển chuyên biệt về tên. Tác giả bộ từ điển A Concise Dictionary of First Names cho biết, những người nói tiếng Anh trên thế giới, khi đặt tên cho con, thường dựa vào tiêu chuẩn âm thanh hơn là ý nghĩa.

- Tên là tấm thẻ căn cước: Đọc tên người Việt hay người Trung Quốc, ta không phân biệt được họ là người Tàu hay người Việt, theo tôn giáo nào. Trái lại, nhiều tên người tây phương là tấm thẻ căn cước, có thể cho ta biết người đó có quốc tịch gì, theo tôn giáo nào. Thấy các tên như Aloysius, Ferdinand, Xavier, Carmel, Guadalupe, ta biết ngay họ là người Công Giáo vì đó là tên của các vị thánh của Công Giáo, hoặc như Guadalupe là địa danh nơi Đức Mẹ Maria đã hiện ra tại Mexico. Trái lại, gặp các tên như Luther, Calvin, hoặc tên các nhân vật trong Cựu Ước Kitô Giáo như Benjamin, Ruth, Adam, Eve ta biết họ là người Tin Lành vì người Công Giáo không lấy tên các nhân vật trong Cựu Ước để đặt tên. Hoặc thấy các tên có tận cùng bằng mẫu tự A, O, I, ION như Maria, Anna, Benito, Aracelli, Pavarotti, Arturo, Asuncion ta biết ngay người này hầu như chắc là người Ý hoặc người nói tiếng Tây Ban Nha. Còn các tên có tận cùng bằng các chữ: A. OV, EV, VIC, ICH là ta biết hầu như chắc họ là người đông Âu. Các tên có tận cùng bằng chữ OUS, EUS, IS. OS hầu như chắc là người Hy Lạp. Ví dụ Achelous, Acastus, Daphnis. Hypnos.

3. Về Cách Chọn Lựa Tên: - Lấy tên người thân để đặt tên: Người tây phương được phép lấy tên ông bà, cha mẹ, cô chú, thần thánh để đặt tên, coi đó không phải là điều kiêng kỵ và người được lấy tên coi đó là điều vinh dự cho mình. Trái lại, với người Việt và Trung Quốc, việc lấy tên ông bà cha mẹ, thần thánh để đặt tên cho con là một lỗi lầm nghiêm trọng, có ý sỉ nhục các bậc trưởng thượng.

- Người tây phương, khi đặt tên còn để ý tên có hợp thời không. Nhiều tên chỉ thịnh hành trong thời gian nhất định, và thường bị ảnh hưởng bởi các danh nhân, nhất là tên các tài tử minh tinh màn bạc nổi danh. Trái lại, với người Việt, chỉ những tên Nôm mới bị đào thải, và tên các văn nghệ sĩ không ảnh hưởng đến tâm lý người Việt trong vấn đề chọn tên.

4. Về Sự Biến Đổi Tên

- Về vai trò của chính quyền: Người Việt cũng như người Trung Quốc, khi xưa, tên bị đổi hay được ban tên, đều do lệnh nhà vua. Trái lại, chính quyền và tôn giáo tại tây phương chỉ quy định một số tên nhất định.

- Về số lượng tên: Trên lý thuyết, số lượng tên người Việt Nam vô tận vì bất cứ tiếng nào, có nghĩa hay không, đều có thể là tên. Tuy nhiên trên thực tế, ta chỉ dùng tối đa vào khoảng 3000 tên. Chúng tôi đã kiểm chứng vấn đề bằng cách dùng Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức để đếm các từ ngữ có thể dùng làm tên. Kết quả bất ngờ là chỉ có 2420 từ có thể là tên. Trong khi đó, trên lý thuyết, tên người tây phương rất hạn chế, nhưng thực tế lại có nhiều hơn, vì một tên như Catherine chẳng hạn, có thể biến ra hàng trăm dạng khác nhau. Tác giả Carol McD. Wallace soạn bộ từ điển tên với 20,001 danh mục.