Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục thế giới về tình yêu gia đình, Niềm Vui Yêu Thương, đã được công bố ngày 8 tháng Tư năm 2016, hơn một năm nay. Diễn trình hoàn thành tông huấn được kể là dài nhất trong mấy thập niên qua. Dù đụng đến một đề tài phức tạp và đề tài này từng gây sóng gió trong suốt diễn trình hai thượng hội đồng liên tiếp, người ta vẫn hy vọng với tông huấn của Đức Phanxicô, bầu khí thanh thản sẽ được lập lại.

Nhưng thực tế đã không xẩy ra như thế. Chỉ mấy tháng sau ngày công bố, các nghi ngại đối với tông huấn đã được nói lên thật rõ và thật to bởi rất nhiều nhà thần học và giáo phẩm, mà nổi nhất là bởi bốn vị Hồng Y, tuy không nắm giữ chức vụ gì quan trọng hiện thời, nhưng có một quá khứ không đến nỗi mờ nhạt cho lắm. Người ta gọi các ngài là 4 Hồng Y nghi ngại.

Cho đến nay, nỗi nghi ngại của các ngài vẫn còn đó và dường như nó vẫn được một số giới trong Giáo Hội nghiền ngẫm suy tưởng. Và do đó, một làn mây không chắc chắn đang phủ lên bầu trời tín lý của Giáo Hội.



Tại sao chưa để cuộc tranh luận lắng dịu?

Ngày 11 tháng Tư năm 2017, Linh Mục Raymond J. de Sousa đặt câu hỏi: Tại sao ta chưa thể để cuộc tranh luận “Niềm Vui Yêu Thương” lắng dịu?

Và linh mục de Sousa trả lời: chưa, “nếu bạn tin rằng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân đang lâm nguy, lòng trung thành của Giáo Hội đối với giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giêsu, và khả năng của Giáo Hội trong việc cung cấp một giải pháp tin mừng thay thế cho cuộc cách mạng tình dục, một cuộc cách mạng mà chất axít của nó đã hủy hoại rất nhiều niềm vui yêu thương được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề xuất”.

Nhân dịp này, linh mục de Sousa bác bỏ lập trường của Đức Hồng Y Wuerl, tổng giám mục Washington D.C., Hoa Kỳ. Vị giáo phẩm này đề nghị phương pháp giải thích tông huấn thích đáng nhất là coi không có gì trong tông huấn này thay đổi tín lý của Giáo Hội cả: tính bất khả tiêu của hôn nhân còn nguyên vẹn, các chỉ thị của Bộ Giáo Luật còn nguyên vẹn và cả vai trò của lương tâm cá nhân trong việc xác định trách nhiệm tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn.

Về điểm sau cùng, Đức Hồng Y Wuerl viết rằng “Tông huấn không tạo nên một thứ diễn trình tòa trong để vô hiệu hóa hôn nhân hay để thay đổi trật tự luân lý khách quan. Thay vào đó, tông huấn nhấn mạnh nhiều hơn tới vai trò của lương tâm cá nhân trong việc thích ứng hóa các chuẩn mực luân lý này vào các hoàn cảnh thực tại của bản thân”.

Linh mục de Sousa cho rằng Đức Hồng Y Wuerl co thể đúng khi cho rằng không có gì thay đổi về tín lý, vì ngài đọc nó như một giáo lý viên bậc thầy. Nhưng nhiều vị giáo phẩm khác không đọc nó như vậy. Các giám mục Malta, chẳng hạn, hay một số giám mục Đức. Họ rõ ràng đọc nó như một thay đổi về tín lý.

Tuy nhiên, điều Đức Hồng Y Wuerl hay các giám mục Malta nghĩ không quan trọng. Điều linh mục de Sousa mong ước là chính đức Phanxicô lên tiếng nói rằng Đức Hồng Y Wuerl đúng, và các giám mục Malta sai.

Quả thực, theo linh mục de Sousa, hiện có hai lối giải thích Niềm Vui Yêu Thương nhất là những điều liên quan tới giáo huấn về tình trạng các cặp sống trong một cuộc kết hợp tính dục ở bên ngoài cuộc hôn nhân hợp pháp.

Trường hợp thứ nhất là một người thừa nhận cuộc kết hợp của mình trái với giáo huấn Tin Mừng, và mong muốn một là ly thân hay, ít nhất, hạn chế các liên hệ tính dục, nhưng không thể làm được. Lý do thường được nêu ra là các hậu quả do người kia đe dọa.

Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, đứng đầu cơ quan giải thích các bản văn giáo luật, đưa ra trường hợp một người đàn bà muốn thế, nhưng người chồng theo dân luật sẽ tự sát nếu họ ngưng giao hợp tính dục.

Theo linh mục de Soua, thoạt nghe, trường hợp này có vẻ đầy cảm kích, nhưng thực ra, nó vẫn nằm trong truyền thống Công Giáo: người ta sẽ không có tội nếu làm một điều xấu nặng nhưng không hiểu biết về nó hoặc thiếu tự do khi làm nó.

Trường hợp thứ hai là hoàn cảnh của một cặp không lấy nhau hợp pháp, một là ly dị và tái hôn, hai là sống chung chưa bao giờ lấy nhau; cặp này hoàn toàn biết rõ mối liên hệ của họ trái ngược với Tin Mừng, nhưng quyết định tiếp diễn các liên hệ tính dục, coi nó như một diễn trình tốt hơn, xét vì nếu ly thân hay tiết dục sẽ dẫn tới các tội mới.

“Những tội mới” này là gì thì không được chỉ rõ nhưng không phải là các khó khăn cố hữu của việc tuân theo luật lệ luân lý trong một thế giới sa ngã.

Lối giải thích này quả có đi trệch ra ngoài giáo huấn về hôn nhân của Thánh Kinh. Theo cha de Sousa, đây là lãnh vực mà hình như đoạn 301 của Niềm Vui Yêu Thương đề cập tới khi nó dậy rằng “một chủ thể có thể biết trọn vẹn lề luật, thế nhưng… ở trong một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động và quyết định khác được mà không phạm thêm tội”.

Xem ra điều muốn nói ở đây là trong một số hoàn cảnh, sẽ tốt hơn nếu chọn sống các liên hệ tính dục ngoài hôn nhân một cách có hiểu biết và ưng thuận hoàn toàn. Đây quả là một điều mới lạ đối với giáo huấn của Giáo Hội vì đã dạy rằng có những hoàn cảnh trong đó về phương diện luân lý, người ta được phép thi hành các liên hệ tính dục ngoài hôn nhân hợp pháp.

Nếu thế, thì nó đã mâu thuẫn với giáo huấn rõ ràng của Thánh Kinh về hôn nhân và các liên hệ tính dục. Niềm Vui Yêu Thương có dạy thế không?

Linh mục de Sousa cho rằng chỉ có Đức Phanxicô mới làm người ta an lòng chứ không phải lời khẳng định của Đức Hồng Y Wuerl rằng Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

Một sự im lăng từng bị kết án

Sự im lặng của Đức Phanxicô đã gợi hứng cho linh mục Regis Scanlon, Dòng Capuchin Phanxicô, viết bài “Lịch sử nói với ta điều gì về Niềm Vui Yêu Thương”. Trong bài này, linh mục thuật lại câu truyện đã xẩy ra cách nay 1,500 năm dưới triều giáo hoàng của Đức Honorius I (625-638).

Đức Honorius bị áp lực phải phản ứng đối với lạc giáo Nhất Chí (monothelitism) được lòng người lúc đó; lạc giáo này cho rằng Chúa Giêsu Kitô, về phương diện bản tính, chỉ có một ý chí. Nhưng Giáo Hội vốn dạy rằng về phương diện bản tính, Người có hai ý chí không thể tách biệt nhau nhưng khác biệt nhau hay hai hoạt động khác biệt nhau. Đồng thời, Giáo Hội cũng dạy rằng về phương diện luân lý, Người chỉ có một ý chí và một hành động mà thôi. Nói cách khác, không có sự đối chọi nào giữa hai ý chí và hai hoạt động nơi Chúa Kitô.



Mặc dù Đức Honorius tin giáo huấn chân thực của Giáo Hội, nhưng ngài muốn tránh rắc rối trong Giáo Hội và tránh xúc phạm những người Nhất Chí, mà một trong số họ chính là Hoàng Đế Heraclius. Giống ngày nay, các giám mục muốn được minh xác, nhưng Đức Honorius khuyên nên giữ im lặng. Ngài khuyên giám mục Sergius như sau:

"Các trước tác thánh đã minh chứng rõ ràng rằng Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Chúa Con và Lời của Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, là một, khi thực hiện các việc thuộc Thiên Chúa và thuộc người ta. Tuy nhiên, về vấn đề các việc làm của Nhân Tính và Thần Tính, liệu một hoặc hai hoạt động cần phải được công bố và hiểu biết, thì những việc này không thuộc chúng ta; chúng ta hãy để chúng cho các nhà văn phạm học; những người này quen thuộc với việc trình bầy với giới trẻ nguồn gốc có giá trị nhất của các chữ dùng… Ta khuyên hiền huynh hãy giảng dậy với ta rằng có một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa chân thật nhất trong hai bản tính, hoạt động theo thần tính và theo nhân tính, vì ta vốn nhất trí với hiền huynh trong đức tin chính thống và sự hợp nhất Công Giáo, nhưng tránh không dùng các chữ đã được du nhập, tức một hay hai hoạt động”.

Ta nên lưu ý lời của Đức Honorius: “…những việc này không thuộc chúng ta; chúng ta hãy để chúng cho các nhà văn phạm học…” Ngài nghĩ rằng chân lý đã rõ ràng đủ và Giáo Hội không cần phải minh xác thêm nữa bằng các hạn từ như hai hoạt động và hai bản tính.

Tuy nhiên, khoảng 40 năm sau ngày Đức Honorius qua đời, Công Đồng Chung Thứ Sáu của Giáo Hội đã kết án sự kiện ngài giữ im lặng. Đức Giáo Hoàng Lêô II, kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Agatho, chấp nhận việc kết án này. Trong lá thư xác nhận gửi cho Hoàng Đế Constantine Pogonatus, ngài viết:

"Ta cũng kết án tuyệt thông những người sáng chế ra sai lạc mới, tức Theodore, giám mục Pharan, Cyrus thành Alexandria, Sergius, Pyrrhus, Paul, và Peter, là những kẻ gài bẫy chứ không hướng dẫn, thuộc Giáo Hội Constantinople; và cả Honorius, người đã không soi sáng Giáo Hội Tông Truyền này bằng tín lý của truyền thống Tông Đồ, nhưng để cho nó, vốn không tì vết, bị tì vết bởi sự phản bội phàm trần”.

Và trong thư gửi các giám mục Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng Lêô II cũng quả quyết rằng:

“Tuy nhiên, những ai dám chủ trương chống lại tính tinh ròng của tín lý Tông Truyền, đi trệch ra khỏi nó, thì quả thực đã bị kết án đời đời; họ là Theodore thành Pharan, Cyrus thành Alexandria, Sergius, Pyrrhus, Paul, và Peter, đều là người Constantinople; với Honorius người đã không dập tắt ngọn lửa chớm nở của tín điều lạc giáo, vốn là việc thích đáng của thẩm quyền Tông Truyền, nhưng vì sao lãng, đã nuôi dưỡng nó”.

Do đó, quyết định của Đức Honorius đã bị lên án không phải vì tích cực rao giảng sự sai lầm hay lạc giáo, mà chỉ vì đã “sao lãng” việc giảng dậy sự thật!

Cha Scanlon kết luận: “Trường hợp cổ xưa trên giúp ta liên hệ với Niềm Vui Yêu Thương. Dù sao, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đang giữ im lặng, rõ ràng để các giám mục tự ý đoán ra ý nghĩa của văn kiện mà không được ngài giúp đỡ mặc dù có những lời kêu gọi được soi sáng để tránh mù mờ xao xuyến. Trong khi sự im lặng của Đức Honorius ảnh hưởng tới tín lý đức tin (học lý), hành động của Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn nghiêm trọng hơn nữa vì sự im lặng của ngài liên quan tới các hành vi luân lý (thực hành) là điều trực tiếp và nhanh chóng ảnh hưởng tới người ta hơn.

Linh mục Scanlon tự hỏi: tại sao Đức Phanxicô giữ im lặng? Và ngài tự động trả lời: cho đến nay, chúng ta không biết tại sao. Theo ngài, chúng ta có thể nêu ý kiến, khẩn khoản yêu cầu, và ta thán một vị giáo hoàng về các hành động hay không hành động của ngài, như Thánh Nữ Catarina thành Sienna vốn làm, nhưng ta không thể chính thức xử án ngài. Chỉ có vị giáo hoàng mới xử án một vị giáo hoàng mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Niềm Vui Yêu Thương chắc chắn sẽ được một vị giáo hoàng sau này phán kết. Liệu ngài có được xử sự tốt hơn Đức Honorius hay không, không ai biết. Chỉ có Thiên Chúa mới biết. Chúng ta không biết hết mọi sự. Có những lý do mà chúng ta không biết tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ khước không giải quyết cuộc tranh chấp. Và bất chấp mọi điều đã được nói ra và thực hành, rất có thể ngài sẽ được các vị giáo hoàng sau này xử sự tốt hơn Đức Honorius.

Còn 1 kỳ: Sửa Sai Công Khai