MỤC III : SO SÁNH TÊN ĐỆM NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VÀ VIỆT NAM

TIẾT A: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

Về phương diện nhiệm vụ, tên đệm người tây phương, Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng sau:

1. Dùng Tên Đệm Để Phân Biệt Thế Hệ: Với người Âu Mỹ, có bốn cách để phân biệt thế hệ mà chúng tôi đã trình bày là: Thêm từ ngữ Junior; Dùng tên đệm khác nhau; Dùng tiếp đầu ngữ; Dùng tiếp vĩ ngữ như trường hợp Fitzgerald của Anh Mỹ hay Sergeyevich của Nga.

Với người Việt và Trung Quốc, người ta phân biệt thế hệ bằng cách dùng các từ ngữ có ý nghĩa thân tộc như Bá, Mạnh, Trọng, Quý. Hoặc dùng từ ngữ trong bài thơ định sẵn. Mỗi thế hệ sẽ dùng một chữ để làm tên đệm. Đọc các tên đệm này, ta biết người đó vai vế ra sao, thuộc thế hệ thứ mấy trong gia tộc.

2. Dùng Tên Họ Mẹ Làm Tên Đệm: Cả người tây phương lẫn Việt Nam và Trung Quốc đều có phong tục dùng tên họ mẹ làm tên đệm cho các con. Ý nghĩa dùng tên họ mẹ để ghi dấu lịch sử hôn nhân giữa hai dòng họ, hoặc để nhắc nhở con cái về tên họ mẹ.

3. Tên Đệm Để Có Âm Thanh Hài Hòa: Tên người Việt cũng như tây phương không nhất thiết phải có tên đệm. Tuy nhiên, nhiều khi đặt tên đệm chỉ vì muốn toàn bộ tên có âm thanh hài hòa. Một cái tên như John James Jones, khi đọc lên có âm cụt ngủn, vì mỗi tên chỉ có một âm tiết, không hay bằng tên có số âm tiết khác nhau như James Stephen Jones. Tên Trần Nghĩa nghe không hài hòa cho bằng Trần Trung Nghĩa.

4. Dùng Tên Ðệm Làm Tên Chính: Cả người tây phương lẫn người Trung Quốc và Việt Nam đều có tục lệ lấy tên đệm làm tên chính. Gia đình một giáo sư Mỹ thân quen với chúng tôi có các tên là Dugan Jack Peterson; Dugan Albert Peterson và Dugan Smith Peterson. Gia đình họ Tống nổi tiếng ở Trung Quốc có các bà Tống Khánh Linh, tức bà Tôn Văn; bà Tống Mỹ Linh tứ bà Tưởng Giới Thạch và Tống Ái Linh, Tống Diệu Linh. Hai cô con gái vua Minh Mạng có tên là Trọng Khanh và Trúc Khanh.

TIẾT B: NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT

Tên đệm người tây phương so với tên đệm người Việt Nam và Trung Quốc có các điểm dị biệt sau:

1. Về Nguồn Gốc: Tên đệm người Việt và Trung Quốc là ngôn ngữ thông thường, ai cũng hiểu ý nghĩa. Ngược lại, tên đệm người tây phương thuộc ngôn ngữ đặc biệt, không mấy ai hiểu ý nghĩa. Ví dụ tên đệm Stephen bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là được đội triều thiên. Tên loại này sẽ được trình bày trong chương bốn.

2. Về Lịch Sử: Tên đệm người tây phương mới xuất hiện gần đây, ban đầu chỉ có tên gọi hay tên chính. Đến thế kỷ thứ 10 trở đi, người Âu Châu mới bắt đầu có tên họ và từ đó mới có tên đệm. Vào thế kỷ thứ 18, nhiều người Hoa Kỳ vẫn còn xa lạ với tên đệm. Ngược lại, người Trung Quốc và Việt Nam đã có tên đệm rất sớm. Trước Công Nguyên, ta đã có danh tướng Lý Ông Trọng và đầu Công Nguyên, ta đã có bà Triệu Thị Trinh tức bà Triệu.

3. Về Ý Nghĩa: Tên đệm người tây phương không nhằm bổ túc cho tên chính để có ý nghĩa rộng hơn. Ngược lại, tên đệm của ta có thể phối hợp với tên chính hay tên họ để có ý nghĩa rộng hơn. Ví dụ tên Văn Minh. Nếu chỉ có từ Minh thì ý nghĩa tên bị hạn chế là sáng. Nhưng nếu tên là Văn Minh, nghĩa sẽ rộng hơn, được hiểu là tình trạng tiến hóa của loài người về các mặt khoa học nghệ thuật, xã hội, chính trị. Vì đặc tính này mà tên đệm của người tây phương không đóng vai trò quan trọng, có thể bỏ đi hoặc viết tắt. Tên đầy đủ của Tổng Thống Clinton là William Jefferson Clinton, nhưng người ta bỏ tên đệm chỉ nói Bill Clinton (Bill là tiếng gọi tắt của William). Đối với người Việt, khi đã có tên đệm thì không thể bỏ đi, nếu bỏ, tên sẽ chỉ một cá nhân khác.

4. Về Vấn Đề Thế Hệ: Tên đệm người tây phương mới chỉ có khả năng phân biệt thế hệ hai đời cha con. Sự phân biệt ấy không có hệ thống. Ngược lại, các cụ chúng ta đặt các bài thơ để con cháu dùng làm tên đệm, mỗi thế hệ, mỗi chi ngành trong gia tộc dùng tiếng khác nhau. Tên đệm của gia tộc cụ Dương Lâm hay con cháu vua Minh Mạng có thể dùng đến 16 hay 20 thế hệ. Ngoài ra, người Trung Quốc và Việt Nam không bao giờ dùng tên bố làm tên đệm như người tây phương vì như thế là phạm tội bất kính. Trái lại, người tây phương cho đó là nghĩa cử vinh danh người cha.

5. Tên Đệm Biến Thành Tên Họ: Tên đệm của người tây phương không bao giờ biến thành tên họ. Ngược lại, tên đệm người Việt có thể biến thành tên họ. Đọc cổ sử ta thấy các dòng họ Lê Duy, Nguyễn Phúc, Nguyễn Hựu. Các từ Duy, Phúc, Hựu trước đây là tên đệm, nhưng được lưu truyền từ đời này sang đời kia và đã biến thành tên họ kép. Các loại tên họ này chưa được các nhà làm từ điển Việt Nam để ý. Nhưng, tại Trung Quốc, người ta đã chấp nhận tên họ kép từ lâu.

Tóm lại, đối với người tây phương, tên đệm không có nhiều nhiệm vụ như của người Trung Quốc và Việt Nam. Lý do vì người tây phương mới có tên đệm gần đây, họ không có phong tục thờ cúng tổ tiên, và nét đặc trưng văn hóa của họ không có tinh thần ngũ đại đồng đường, nên vấn đề thứ cấp và liên hệ họ hàng không phải là điều quan trọng trong cuộc sống gia đình người tây phương.