Hồng Kông: Các Kitô hữu cầu nguyện cho vợ chồng nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba

HỒNG KÔNG - Tối ngày 7 tháng 7, hơn 260 Kitô hữu Hồng Kông đã tham dự một buổi cầu nguyện cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) và vợ ông là bà Lưu Hà (Liu Xia) tại nhà nguyện bên trong một trường học Công Giáo.

Ông Lưu Hiểu Ba được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2010, được trả tự do hồi Tháng Hai nhưng bị ung thư gan trầm trọng và đang điều trị tại bệnh viện Shenyang (tỉnh Liêu Ninh). Vợ ông cũng đang bị quản thúc kể từ khi ông bị tù.

Trong buổi cầu nguyện, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun) – nguyên giám mục Hồng Kông nói rằng các Kitô hữu cảm thấy đồng cảm với đôi vợ chồng này và đã học được từ Lưu Hiểu Ba cách nói lên sự thật, ngài trích dẫn một đoạn trong Sách Tiên tri Giêrêmia (11: 19-23).

Đức Hồng Y nói rằng Lưu Hiểu Ba giống như vị tiên tri này trong Cựu Ước, người đã thay mặt cho Thiên Chúa nói lên sự thật. Ông Lưu nói sự thật, dựa trên lý lẽ và phân tích, và nói bằng sự bình tĩnh.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đặt câu hỏi: "Điều gì đã khiến cho ông Lưu cất lên tiếng nói?”. Đó chính là Hiến chương 08, mà các tác giả lấy cảm hứng từ ông Lưu; chính ông cũng là nguồn cảm hứng cho Hiến chương 77, ngài nói thêm.

Hiến chương 08 là bản tuyên ngôn đầu tiên mà hơn 350 nhà trí thức và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ký kết hồi năm 2008 để đánh dấu kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền.

"Chúng ta đã học được từ ông Lưu, một người nói lên sự thật", Đức Hồng Y nhận xét. "Chúng ta vẫn kiên trì lưu tâm đến những diễn biến ở Trung Quốc. Chúng ta bình tĩnh và ôn hòa. Chúng ta không hận thù, như ông Lưu đã không hận thù", ngài nhắc nhở.

Tại buổi cầu nguyện, những bài viết của ông Lưu, trong đó có bài "Tôi không có kẻ thù: Bản tuyên bố cuối cùng của tôi" được viết năm 2009 được trích dẫn và đọc lên. Một đoạn trích viết rằng: "Tôi mong muốn một ngày đất nước tôi trở thành xứ sở có tự do ngôn luận; ở đó, tiếng nói của mọi công dân sẽ được đối xử bình đẳng; Nơi mà các giá trị lý tưởng, niềm tin và quan điểm chính trị khác nhau... đều có thể cạnh tranh với nhau và cùng tồn tại một cách hòa bình; Tôi hy vọng rằng tôi sẽ là nạn nhân cuối cùng của những cuộc đàn áp văn chương bất tận của Trung Quốc và từ bây giờ sẽ không ai bị buộc tội vì tiếng nói của mình nữa".

Mục sư Hồ Chí Vỹ (Wu Chi-wai) của Phong trào Canh tân Giáo Hội Hồng Kông thì chia sẻ với các tham dự viên rằng mặc dù chúng ta không biết Lưu Hiểu Ba tin vào tôn giáo nào, nhưng các bài viết của ông đã chứa đầy những giá trị Kitô giáo. Mục sư Hồ đã trích dẫn bài cảm tưởng của ông Lưu về diễn văn của Thánh Gioan Phaolô II nói về tình yêu và hòa giải khi ngài viếng thăm Jerusalem và Trung Đông hồi năm 2001, và nhắc đến lời cầu nguyện của bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin) thuộc Phong trào các Bà mẹ của Thiên An Môn khi gặp những điều rắc rối.

Mục sư Hồ còn trích dẫn Thánh Vịnh 7:6-17, một bài hát khóc than để liên hệ đến vợ chồng ông Lưu vì những thống khổ và đau đớn của họ.

Đồng tổ chức buổi cầu nguyện này là sáu nhóm tổ chức Kitô giáo. Cuộc gặp gỡ bắt đầu bằng việc chiếu video tài liệu về Lưu Hiểu Ba với sự tham gia của ông vào phong trào dân chủ năm 1989, một cuộc phỏng vấn trước khi ông bị bắt và một chiếc ghế trống trong lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 2010; cũng như về bà Lưu Hà, người đang sống dưới sự giám sát và đe dọa.

Các Kitô hữu đã cầu nguyện cho cặp vợ chồng họ Lưu, tôn vinh ông Lưu Hiểu Ba như là "tù nhân lương tâm của Trung Quốc" khi ông cổ võ cho dân chủ, tự do, nhân quyền, pháp quyền ở Trung Quốc, nhưng bị bỏ tù bởi chế độ độc tài và khiến ông mất đi tự do. Bà Lưu Hà - vợ ông đã bị quản thúc tại gia và bị tước mất phẩm giá con người.

Họ nguyện xin Thiên Chúa nâng đỡ cho vợ chồng ông Lưu để họ được kiên vững trong thời gian bị khủng bố; cho tất cả các nhà bất đồng chính kiến và các nhà bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, những người đang bị tra tấn và quấy rối với hình thức tương tự.

Ngoài ra, các Kitô hữu cũng cầu nguyện cho nền dân chủ ở Trung Quốc đại lục và ở Hồng Kông.

Các Kitô hữu và công dân được mời gọi ký vào những tấm thiệp chúc lành mang nội dung "Hiểu Ba, chúng tôi ở bên cạnh ông" với một tấm hình Lưu Hiểu Ba đang cười. Các tấm thiệp này sẽ được gửi đến ông Lưu Hiểu Ba để chúc lành cho chủ nhân Giải Nobel Hoà bình và vợ ông. (AsiaNews)

Chân Phương