Chương năm: để anh em sinh nhiều hoa trái
Việc huấn luyện giáo dân: Luôn đạt đến sự trưởng thành hơn

57. Hình ảnh trong Tin Mừng về cây nho và các cành nho cho chúng ta thấy một khía cạnh nền tảng khác trong đời sống và sứ vụ của giáo dân : lời kêu gọi phải lớn lên, không ngừng trưởng thành, và luôn luôn sinh hoa trái nhiều hơn.

Giống như một người làm vườn nho chuyên cần, Chúa Cha chăm sóc vườn nho của Ngài. Dân Israel đã tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa mau đến bằng lời kinh này : “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại ! Tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ : bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (Tv 80,15-16). Còn Đức Giêsu thì nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2).

Sức sống của cành tùy thuộc vào sự gắn liền với cây là Đức Giêsu-Kitô : “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Con người được Thiên Chúa mời gọi trong sự tự do của mình, để lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Con người không thể không trả lời, không thể không đảm nhận trách nhiệm. Những lời của Đức Giêsu ám chỉ đến trách nhiệm vừa đáng sợ, vừa làm phấn khởi : “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6).

Chính trong cuộc đối thoại này giữa Thiên Chúa kêu gọi và con người được gọi trong ý thức trách nhiệm của mình, mà người ta thấy có thể và thậm chí cần thiết phải có một sự huấn luyện toàn vẹn và thường xuyên cho người giáo dân. Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã có lý khi dành một phần lớn công việc của mình cho điều đó. Đặc biệt, sau khi diễn tả việc huấn luyện kitô-giáo như “một tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Đức Kitô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”, các ngài xác quyết rõ ràng : “Việc huấn luyện giáo dân phải nằm trong số những ưu tiên của giáo phận và phải có chỗ đứng trong chương trình hoạt động mục vụ, sao cho mọi cố gắng của cộng đồng (các linh mục, giáo dân, tu sĩ) đều quy hướng về mục đích này”209.

Khám phá và sống ơn gọi cũng như sứ vụ cá nhân của mình

58. Việc huấn luyện giáo dân có một mục tiêu cơ bản là giúp họ khám phá ngày một rõ ràng hơn ơn gọi cá nhân của họ và giúp họ sẵn sàng ngày một nhiều hơn để sống ơn gọi đó trong việc chu toàn sứ vụ riêng của họ.

Thiên Chúa gọi tôi và Người sai tôi như người thợ vào vườn nho của Người ; Thiên Chúa gọi tôi và Ngài sai tôi đi làm việc cho Triều Đại Người hoàn thành trong lịch sử : ơn gọi và sứ vụ cá nhân đó xác định phẩm giá và trách nhiệm của từng người giáo dân, nó cũng là đường hướng chủ lực của toàn bộ công trình huấn luyện. Công trình này có mục đích giúp người giáo dân nhận ra phẩm giá ấy trong niềm hoan lạc và tri ân, giúp họ đương đầu với trách nhiệm ấy một cách trung tín và quảng đại.

Quả thật, Thiên Chúa đã nghĩ đến chúng ta từ đời đời và Ngài đã yêu thương chúng ta như những nhân vị duy nhất và không thể thay thế, gọi mỗi người chúng ta bằng tên riêng của mình, như người Mục Tử Tốt Lành “gọi tên từng con chiên một” (Ga 10,3). Tuy nhiên, chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa chỉ được mặc khải cho mỗi người chúng ta trong tiến trình lịch sử của đời ta và của những thăng trầm của nó. Do đó, đây là một mặc khải tiệm tiến : theo một nghĩa nào đó, là mặc khải ngày này qua ngày khác.

Thế mà, để có thể khám phá ra ý định cụ thể của Chúa về đời sống chúng ta, cần phải có các điều kiện : mau mắn và ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa, trung thành và kiên tâm cầu nguyện, tiếp xúc với một vị linh hướng hướng dẫn thiêng liêng khôn ngoan và từ ái, nhìn ra, trong niềm tin, những ân điển và những tài năng mình đã nhận được, đồng thời cũng nhìn ra những hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau mà mình đang sống.

Ngoài ra, trong cuộc sống của mỗi người giáo dân, còn có những thời điểm đặc biệt có ý nghĩa và có tính cách quyết định để biện phân lời mời gọi của Chúa và đón nhận sứ vụ Người giao phó : trong số đó, có thời thiếu niên và thời thanh xuân. Tuy thế, đừng ai quên rằng Chúa, như người chủ vườn trong dụ ngôn, kêu gọi vào mọi lúc trong cuộc đời, kêu gọi hiểu theo nghĩa Ngài tỏ cho biết thánh ý của Ngài một cách cụ thể và chính xác ; đó là lý do vì sao tỉnh thức, hiểu theo nghĩa ân cần chăm chú nghe tiếng Chúa, là thái độ nền tảng và kiên trì của người môn đệ.

Dù sao đi nữa, đây không chỉ là biết điều Thiên Chúa muốn nơi ta, nơi mỗi người chúng ta, trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống. Còn phải làm điều Thiên Chúa muốn ; lời Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nói với các gia nhân ở Cana , nhắc nhớ cho chúng ta điều đó : “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Để hành động với tất cả lòng trung tín theo ý định của Thiên Chúa, người môn đệ cần phải có khả năng và làm cho mình ngày càng có khả năng hơn. Chắc chắn phải có ân sủng của Chúa ; ân sủng này không bao giờ thiếu, như thánh Lêô Cả đã nói : “Đấng đã ban cho bạn phẩm giá, sẽ ban cho bạn sức mạnh !”210 . Nhưng cũng phải có sự cộng tác tự do và có trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Đó là trách vụ diệu kỳ và đòi hỏi vẫn luôn chờ đợi mỗi giáo dân, mọi kitô-hữu : luôn nhận biết hơn nữa nguồn phong phú của đức tin, của bí tích Thánh Tẩy và sống những sự phong phú đó trong sự sung mãn không ngừng gia tăng, như lời thánh tông đồ Phêrô khuyên nhủ chúng ta, khi ngài nói về sự sinh ra và lớn lên như hai giai đoạn trong đời sống kitô-hữu : “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1 Pr 2,2).

Huấn luyện toàn vẹn để có một đời sống thống nhất

59. Đối với người giáo dân, việc khám phá và thực hiện ơn gọi và sứ mạng cá nhân đòi họ phải được huấn luyện để có một cuộc sống thống nhất, là nét ghi dấu nơi chính hữu thể của họ, với tư cách là những chi thể của Giáo Hội và là công dân của xã hội nhân loại.

Trong cuộc sống của họ, không thể có hai đời sống song song : một bên là đời sống gọi là “thiêng liêng” với những giá trị và những đòi hỏi riêng ; và bên kia là đời sống “trần thế”, nghĩa là đời sống gia đình, nghề nghiệp, những tương quan xã hội, sự tham gia chính trị, các hoạt động văn hóa. Cành nho nào được ghép vào cây nho là Đức Kitô sẽ trổ sinh hoa trái trong mọi lãnh vực của hoạt động và của cuộc sống. Thực vậy, mọi lãnh vực của đời sống giáo dân đều nằm trong ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn những lãnh vực đó là “môi trường lịch sử” để đức ái của Đức Giêsu-Kitô được mặc khải và thực thi, nhằm vinh quang Chúa Cha và phục vụ các anh em. Mọi hoạt động, mọi tình huống, mọi dấn thân cụ thể - chẳng hạn như khả năng chuyên môn và sự liên đới trong công việc, sự yêu thương và tận tụy trong gia đình cũng như việc giáo dục con cái, dịch vụ xã hội và chính trị, việc trình bày chân lý trong lãnh vực văn hóa - tất cả những điều đó là cơ hội được Thiên Chúa quan phòng để “không ngừng thực thi đức tin, đức cậy và đức mến”211.

Công Đồng Vatican II đã kêu gọi mọi người giáo dân hướng tới sự thống nhất đời sống này khi Công Đồng mạnh mẽ tố giác tính cách nghiêm trọng của sự phân cách giữa đức tin và đời sống, giữa Tin Mừng và Văn Hóa : “Công Đồng khuyến khích các kitô-hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn những bổn phận trần thế của họ, và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế, nhưng phải kiếm tìm một quê hương hậu lai, mà vì thế tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó một cách khẩn thiết hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, khi đó đời sống tôn giáo đối với họ chỉ giới hạn trong những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta”212.

Đó là lý do vì sao tôi đã khẳng định rằng một đức tin mà không trở thành văn hóa là một đức tin “không được đón nhận trọn vẹn, không được suy nghĩ thấu đáo, và không được sống một cách trung tín”213.

Các khía cạnh của việc huấn luyện

60. Nhiều khía cạnh phối hợp với nhau của việc huấn luyện toàn vẹn người giáo dân được lồng vào trong một tổng hợp đời sống như vậy.

Chắc chắn việc huấn luyện thiêng liêng phải chiếm một vị trí ưu đãi trong đời sống của mỗi người, bởi vì mỗi người được kêu gọi để không ngừng lớn lên trong tình thân mật với Đức Giêsu-Kitô, trong sự hòa hợp với ý muốn của Chúa Cha, trong sự tận tụy cho các anh em, trong bác ái và công bình. Công Đồng nói : “Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ thánh. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa”214.

Ngày nay, việc huấn luyện giáo lý cho các tín hữu mỗi ngày một khẩn thiết hơn, không những vì sự năng động tự nhiên thúc đẩy việc đào sâu đức tin, nhưng còn vì nhu cầu “minh giải niềm hy vọng” nơi họ trước một thế giới cũng như trước những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của thế giới. Do đó, một hoạt động huấn giáo có hệ thống, thích hợp với lứa tuổi và với những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, một sự thăng tiến văn hóa theo tinh thần kitô-giáo cách cương quyết hơn, được coi là tuyệt đối cần thiết, để có thể trả lời cho những vấn đề muôn thuở cũng như những vấn đề mới đang làm cho con người và vũ trụ hiện nay giao động.

Đặc biệt, một điều không thể thiếu được, là người giáo dân, nhất là những người tham gia nhiều cách khác nhau vào lãnh vực xã hội hoặc chính trị, cần phải hiểu biết chính xác hơn về học thuyết xã hội của Giáo Hội, như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhiều lần đòi hỏi trong các phát biểu của mình. Khi nói tới việc tham gia của giáo dân vào chính trị, Thượng-hội-đồng đã diễn tả như sau : “Để người giáo dân có thể tích cực thực hiện dự phóng cao quý này trong lãnh vực chính trị (tức là dự phóng làm cho người ta nhìn nhận và quý trọng các giá trị nhân bản và kitô-giáo), chỉ khuyến khích mà thôi thì không đủ, cần phải trao cho họ những phương tiện cần thiết để đào tạo lương tâm xã hội của họ, đặc biệt dựa vào học thuyết xã hội của Giáo Hội, là học thuyết bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những chỉ dẫn hành động (x. TB. Giáo Lý Đức Tin, “Huấn thị về Tự Do kitô-giáo và giải phóng”, 72). Học thuyết này phải được đua vào trong chương trình huấn giáo cơ bản và phải được giải thích trong những khóa chuyên biệt cũng như trong các trường học và đại học. Cũng nên ghi nhận rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội có tính năng động, nghĩa là nó thích ứng với hoàn cảnh không gian và thời gian. Các vị chủ chăn có quyền và nghĩa vụ đề ra những nguyên tắc luân lý thuộc lãnh vực trật tự xã hội cũng như những lãnh vực khác ; mọi kitô-hữu phải ra sức bảo vệ các quyền con người ; tuy nhiên, việc dấn thân tích cực trong các đảng phái chính trị được dành cho người giáo dân”215.

Trong bối cảnh của việc huấn luyện giáo dân cách toàn vẹn và thống nhất, phải lưu tâm tài bồi các giá trị nhân bản ; đó là điều quan trọng trong công tác truyền giáo và tông đồ. Chính trong chiều hướng này, Công Đồng đã viết : “(Giáo dân) nên quý trọng chuyên môn nghề nghiệp, ý thức gia đình và công dân, cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự lương thiện, tinh thần công bình, lòng thành thực, sự tế nhị, lòng quả cảm ; không có những đức tính đó, không thể có đời sống kitô-hữu đích thực”216.

Những cộng tác viên của Thiên Chúa, nhà giáo dục

61. Huấn luyện các tín hữu ở đâu và bằng những phương tiện nào ? Những ai và những cộng đồng nào được kêu gọi để chu toàn nhiệm vụ huấn luyện giáo dân cách toàn vẹn và thống nhất ?

Cũng như công trình giáo dục con người liên kết sâu xa với thiên chức làm cha làm mẹ, việc huấn luyện kitô-giáo bắt nguồn và nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa ; Ngài là người Cha yêu thương và giáo dục con cái. Phải, Thiên Chúa là nhà giáo dục đầu tiên và cao cả của Dân Người, như đoạn văn tuyệt với trong bài ca của Môsê đã viết : “Gặp thấy nó giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng, Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xòe cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình. Duy một mình Đức Chúa lãnh đạo dân ; chẳng có thần ngoại bang nào bên cạnh Chúa” (Đnl 32,10-12 ; x. 8,5).

Công trình giáo dục của Thiên Chúa được bày tỏ và hoàn tất nơi Đức Giêsu là Thầy, và tác động từ bên trong tâm hồn con người nhờ sự hiện diện năng động của Thánh Thần. Giáo Hội - hiền mẫu được kêu gọi để cộng tác vào công trình giáo dục này của Thiên Chúa, trong chính bản thân Giáo Hội cũng như trong những phát biểu và diễn đạt khác nhau của mình. Chính như thế mà người giáo dân được huấn luyện nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội, trong sự hiệp thông và cộng tác hỗ tương giữa mọi thành phần của Giáo Hội là linh mục, tu sĩ và giáo dân. Chính như thế mà toàn thể cộng đồng giáo hội, trong các chi thể khác nhau của mình, nhận được sự phong phú của Thánh Thần và góp phần cộng tác vào đó. Thánh Mêthôđô Olympia đã viết : “Những người bất toàn ... được cưu mang và thành hình, giống như trong lòng một người mẹ, nhờ những người hoàn hảo hơn, để họ cũng được cưu mang và sinh ra do sự cao cả và vẻ đẹp của nhân đức”217 ; đó là điều đã xảy ra cho Thánh Phaolô, người đã được cưu mang và được đưa vào Giáo Hội nhờ những kitô-hữu đã được đào tạo (qua ông Anania), để rồi đến lượt ngài, ngài cũng trở nên hoàn hảo và làm cha thiêng liêng của biết bao con cái !

Công trình giáo dục trước hết là việc của Giáo Hội toàn cầu ; đức Giáo Hoàng giữ vai trò nhà giáo dục đầu tiên của giáo dân. Là người kế vị Thánh Phêrô, ngài có tác vụ “củng cố anh em mình trong đức tin” bằng cách giảng dạy cho mọi tín hữu những yếu tố thiết yếu trong ơn gọi cũng như sứ vụ kitô-giáo và giáo hội. Không chỉ những lời do chính ngài nói, nhưng cả những gì được chuyển đạt trong các văn kiện của các Cơ Quan khác nhau của Tòa Thánh đều phải được giáo dân lắng nghe với lòng tuân phục yêu mến.

Giáo Hội Duy Nhất và phổ quát cũng hiện diện trong mỗi phần khác nhau của thế giới, trong các Giáo Hội địa phương. Tại mỗi Giáo Hội địa phương, Giám Mục có một trách nhiệm cá nhân đối với giáo dân ; ngài phải huấn luyện họ bằng việc loan báo Lời Chúa, cử hành phụng vụ Thánh Thể và các bí tích, làm sinh động và hướng dẫn đời sống kitô-hữu của họ.

Trong lòng Giáo Hội địa phương hoặc giáo phận, có sự hiện diện và hoạt động của giáo xứ. Giáo xứ giữ một vai trò thiết yếu trong việc huấn luyện giáo dân cách trực tiếp và cá nhân hơn. Thực vậy, giáo xứ có điều kiện dễ dàng hơn để đến với riêng từng người và từng nhóm, nên được kêu gọi đào tạo các phần tử của mình biết lắng nghe Lời Chúa, biết đối thoại với Chúa trong cử hành phụng vụ cũng như cầu nguyện riêng, biết sống bác ái huynh đệ, và làm cho họ thấy được, một cách trực tiếp và cụ thể hơn, ý nghĩa của sự hiệp thông giáo hội và của trách nhiệm truyền giáo.

Trong lòng một số giáo xứ, nhất là các giáo xứ rộng lớn và phân tán, sự hiện diện của những cộng đồng giáo hội nhỏ bé có thể rất có ích cho việc huấn luyện các kitô-hữu, bằng cách làm cho ý thức và kinh nghiệm về sự hiệp thông và về sứ vụ giáo hội trở nên sâu xa và sắc bén hơn. Như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã tuyên bố, có thể có một hình thức trợ giúp khác, qua việc huấn giáo sau bí tích thánh tẩy dưới hình thức dự tòng, trình bày lại một số yếu tố trong Nghi thức Khai Tâm Kitô-giáo Cho Người Lớn, để giúp họ đón nhận và sống kho tàng phong phú bao la và lạ lùng của bí tích Thánh Tẩy mà họ đã lãnh nhận, cũng như những trách nhiệm phát xuất từ bí tích đó.218

Trong việc huấn luyện giáo dân tại giáo phận hay giáo xứ, nhất là với những gì liên quan đến ý nghĩa của sự hiệp thông và của sứ vụ, sự nâng đỡ lẫn nhau giữa các thành phần khác nhau trong Giáo Hội có một tầm quan trọng đặc biệt : sự nâng đỡ này vừa bày tỏ vừa thể hiện mầu nhiệm Giáo Hội là Mẹ và là Nhà Giáo Dục. Các linh mục và tu sĩ phải giúp đỡ giáo dân trong việc huấn luyện họ. Trong chiều hướng này, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã kêu mời các linh mục và các ứng viên sắp chịu chức thánh hãy “chuẩn bị chu đáo để có khả năng giúp đỡ giáo dân trong ơn gọi và sứ vụ của họ”219. Về phần mình, chính giáo dân cũng có thể và phải giúp đỡ các linh mục và tu sĩ trên bước đường thiêng liêng và mục vụ của các ngài.

Các môi trường giáo dục khác

62. Gia đình Kitô-giáo, như là “Giáo Hội tại gia”, cũng là một trường học tự nhiên và căn bản trong việc huấn luyện đức tin : từ bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận được ân sủng và trách vụ giáo dục kitô-giáo cho con cái mình, làm chứng trước mặt con cái và chuyển đạt cho chúng cả các giá trị nhân bản lẫn các giá trị tôn giáo. Khi bập bẹ học nói những tiếng đầu tiên, đứa trẻ cũng học ca tụng Thiên Chúa, Đấng mà chúng cảm thấy gần gũi như một người Cha đầy thương yêu ân cần ; khi học những cử chỉ trìu mến đầu tiên, đứa trẻ cũng học cách cởi mở với người khác và nhận ra ý nghĩa của đời sống con người trong việc cho đi chính mình. Chính cuộc sống hằng ngày của một gia đình kitô-giáo đích thực làm nên “kinh nghiệm đầu tiên về Giáo Hội”, là kinh nghiệm giúp trẻ em được vững mạnh và phát triển trong việc hội nhập tích cực và có trách nhiệm vào một cộng đồng giáo hội rộng lớn hơn và vào xã hội dân sự. Các đôi vợ chồng và cha mẹ kitô-hữu càng ý thức nhiều hơn rằng “Giáo Hội tại gia” của mình tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội toàn cầu, thì con cái của họ càng có thể được đào tạo về “cảm thức Giáo Hội” và càng hiểu biết vẻ đẹp của việc hiến dâng sức lực của mình để phục vụ Nước Thiên Chúa.

Các trường học và đại học công giáo cũng là những môi trường quan trọng cho việc huấn luyện, cũng vậy là các trung tâm giúp canh tân đời sống thiêng liêng, mà ngày nay đang gia tăng. Trong bối cảnh xã hội và lịch sử hiện thời, được đánh dấu bởi sự tiến triển sâu xa về văn hóa, sự tham gia của cha mẹ kitô-hữu vào sinh hoạt của nhà trường vẫn còn thiếu sót, như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nêu lên ; phải chuẩn bị những giáo dân đang hiến mình cho công cuộc giáo dục, như cho một sứ vụ giáo hội đúng nghĩa ; phải thiết lập và khuếch trương những “cộng đồng giáo dục”, bao gồm một trật những bậc phụ huynh, các vị giảng huấn, các linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện giới trẻ. Để nhà trường có thể thi hành một cách xứng đáng chức năng giáo dục, giáo dân phải cảm thấy cần đòi hỏi mọi người tôn trọng sự tự do đích thực trong việc giáo dục và cổ võ sự tự do ấy vì lợi ích của mọi người, kể cả nhờ đến một pháp chế dân sự thích hợp.220

Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã có những lời lẽ quý trọng và khuyến khích mọi giáo dân, nam cũng như nữ, đang đảm nhiệm trách vụ giáo dục trong các trường học và các viện giáo dục với một tinh thần công dân và kitô-giáo sâu sắc. Ngoài ra, các ngài cũng lưu ý một nhu cầu khẩn cấp là các giáo dân làm giáo viên hay giáo sư trong các trường khác nhau, công giáo hay không, phải là chứng nhân đích thực của Tin Mừng, bằng gương sáng đời sống, bằng khả năng và lương tâm nghề nghiệp, bằng các bài giảng huấn thấm nhuần tinh thần kitô-giáo, dĩ nhiên phải luôn tôn trọng sự độc lập của các ngành khoa học và các bộ môn khác nhau. Một điều đặc biệt quan trọng là việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, do giáo dân đảm trách, lấy việc phục vụ con người trong toàn bộ những giá trị và những đòi hỏi của con người làm tiêu chuẩn : Giáo Hội trao phó cho các giáo dân này việc lo sao cho mối liên hệ thâm sâu giữa đức tin và khoa học, giữa Tin Mừng và văn hóa nhân loại, được dễ cảm nhận hơn đối với mọi người.221

Một trong những đề nghị của Thượng-hội-đồng có viết : “Thượng-hội-đồng này nhờ đến vai trò ngôn sứ của các trường học và đại học công giáo, ca ngợi sự tận tụy của các thầy cô, những nhà giảng huấn mà hiện nay đa số là giáo dân, sao cho trong các cơ sở giáo dục công giáo, họ có thể đào tạo được những người nam nữ thể hiện ‘giới răn mới’. Sự có mặt cùng một lúc của các linh mục và giáo dân, cũng như các tu sĩ nam nữ, giúp cho người thụ huấn thấy được một hình ảnh sống động của Giáo Hội và giúp họ dễ dàng nhận biết sự phong phú của Giáo Hội (x. TB. Giáo Dục Công Giáo, “Nhà giáo dục giáo dân, chứng nhân của đức tin trong các trường học”)”222.

Tương tự như thế, các nhóm, các hiệp hội và các phong trào cũng có chỗ đứng trong việc huấn luyện giáo dân. Thực vậy, mỗi tập thể trên, với những phương pháp riêng của mình, đều có khả năng cống hiến một sự huấn luyện ăn sâu vào chính kinh nghiệm của đời sống tông đồ ; các tập thể này cũng có dịp để bổ túc, cụ thể hóa và định rõ tính chất việc huấn luyện mà các phần tử của mình đã nhận được từ các thầy khác hay các cộng đồng khác.
Mọi người huấn luyện lẫn nhau

63. Việc huấn luyện không phải là đặc quyền của một số người, nhưng thực sự là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người. Về điều này, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng yêu cầu : “Làm sao cho mọi người, nhất là những người nghèo, đều có thể được huấn luyện, để đến lượt mình, chính họ có thể trở thành nguồn mạch huấn luyện cho mọi người” ; các Nghị Phụ còn thêm : “Trong việc huấn luyện, nên sử dụng những phương tiện thích ứng giúp cho người kitô-hữu thực hiện tốt hơn ơn gọi đầy đủ làm người và làm kitô-hữu của họ”223.

Để thực hiện một đường lối mục vụ thực sự hữu hiệu, cần phải cổ võ việc đào tạo các người huấn luyện, kể cả việc thiết lập các khóa học hay các trường dành riêng cho công việc đó. Việc đào tạo những người mà, đến lượt mình, sẽ đảm nhận công việc huấn luyện giáo dân, là một đòi hỏi tiên quyết để bảo đảm việc huấn luyện tổng quát và sâu xa cho toàn thể Dân Chúa, cho mọi giáo dân.

Trong công trình huấn luyện, cần phải lưu ý đặc biệt tới văn hóa địa phương, như Thượng-hội-đồng đã kêu gọi rõ ràng : “Việc huấn luyện các kitô-hữu phải hết sức quan tâm đến văn hóa địa phương, vì văn hóa này góp phần vào chính việc huấn luyện ; việc huấn luyện ấy phải hướng dẫn để nhận định những giá trị đã có trong văn hóa truyền thống, và những giá trị trong văn hóa mới. Phải chú ý đến những nền văn hóa khác nhau có thể cùng tồn tại trong một dân tộc hay trong một quốc gia. Với tư cách là Mẹ và là Thầy của các dân, Giáo Hội sẽ cố gắng bảo tồn, khi có dịp, nền văn hóa của các nhóm thiểu số đang sống giữa lòng các quốc gia lớn”224.

Trong công trình huấn luyện, có một vài xác tín hết sức cần thiết và phong phú. Trước tiên, đó là xác tín rằng không thể có việc huấn luyện đích thực và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm nhận và phát triển trách nhiệm đào tạo chính mình : quả thực, mọi việc huấn luyện thiết yếu là một thứ “tự-huấn-luyện”.

Tiếp đến là xác tín rằng mỗi người chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc huấn luyện : chúng ta càng huấn luyện mình cho tốt hơn thì càng có khả năng huấn luyện người khác.

Điểm đặc biệt quan trọng là ý thức rằng công trình huấn luyện cho dù chắc chắn không thể không nại tới các phương tiện và phương pháp của khoa học nhân văn một cách thông minh, nhưng nó chỉ hữu hiệu trong mức độ sẵn sàng để Thiên Chúa hành động : chỉ có cành nào không sợ để cho chủ vườn nho cắt tỉa mới mang lại hoa trái nhiều hơn cho chính mình và cho người khác.

Kêu mời và cầu nguyện

64. Để kết luận văn kiện hậu-thượng-hội-đồng này, một lần nữa, tôi nhắc lại lời kêu mời của “gia chủ” như Tin Mừng đã nói : Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi ! Có thể nói rằng ý nghĩa mà Thượng-hội-đồng hiểu về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân nằm ngay trong lời kêu mời này của Đấng Cứu Thế gửi tới mọi người, đặc biệt các giáo dân, nam cũng như nữ.

Công việc của Thượng-hội-đồng đã mang lại cho tất cả mọi tham dự viên một kinh nghiệm thiêng liêng lớn : kinh nghiệm một Giáo Hội, trong ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng biện phân và đón nhận lời mời gọi được lặp đi lặp lại của Chúa, nhằm trình bày, một lần nữa, cho thế giới ngày nay biết mầu nhiệm hiệp thông và tính năng động trong sứ vụ cứu độ của Giáo Hội, và điều đó được thực hiện nhờ hiểu rõ vị trí và vai trò đặc biệt của giáo dân. Tông Huấn này muốn làm cho hoa trái của Thượng-hội-đồng được nên phong phú bao nhiêu có thể, trong tất cả các Giáo Hội phân tán khắp nơi trên thế giới ; hoa trái đó phát sinh từ việc toàn thể Dân Chúa, trong đó có các giáo dân, đón nhận hữu hiệu lời mời gọi của Chúa.

Chính vì vậy, tôi hết lòng khuyên nhủ mọi người và từng người, hãy kiên quyết gìn giữ trong tâm hồn cũng như trong đời sống một ý thức về Giáo Hội, nghĩa là ý thức mình là chi thể của Giáo Hội Chúa Kitô và mình được tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông cũng như vào năng lực tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội.

Điều tối quan trọng là tất cả mọi kitô-hữu phải ý thức về phẩm giá đặc biệt mình đã nhận được qua bí tích Thánh Tẩy : nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm con yêu dấu của Chúa Cha, làm chi thể tháp nhập vào Đức Giêsu-Kitô và Giáo Hội của Người, làm đền thờ sống động và thánh thiện của Thánh Thần. Một lần nữa, với tâm tình cảm động và biết ơn, chúng ta hãy đọc lại những lời của Thánh Sử Gioan : “Anh em hãy xem, Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1).

Sự “mới mẻ Kitô-giáo” này được ban cho các chi thể của Giáo Hội, làm nên nền tảng của việc tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô, và cũng làm nên nền tảng của ơn gọi nên thánh trong tình yêu ; sự mới mẻ đó được diễn tả và thực hiện nơi người giáo dân theo “đặc tính trần thế” là tính cách “riêng biệt và đặc thù” của họ.

Ngoài ý thức về phẩm giá kitô-hữu của mọi người, cảm thức về Giáo Hội còn bao gồm cảm thức mình thuộc về mầu nhiệm Giáo Hội - Hiệp Thông : đó chính là một khía cạnh nền tảng và có tính cách quyết định cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Đối với mọi người cũng như từng người, lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly : “Xin cho họ được nên một !”, mỗi ngày phải trở nên một chương trình sống và hành động có tính cách đòi hỏi và không thể trốn tránh.

Cảm thức sống động về sự hiệp thông giáo hội, một ân huệ Thánh Thần thúc đẩy chúng ta tự do đáp lại, sẽ có được hoa trái quý báu là làm nổi bật một cách hài hòa, trong Giáo Hội “duy nhất và công giáo”, nét đa dạng phong phú về ơn sọi và hoàn cảnh sống, các đoàn sủng, tác vụ, trách vụ và nhiệm vụ ; hoa trái đó còn là một sự cộng tác đầy tin tưởng và dứt khoát hơn của các nhóm, các hiệp hội và các phong trào giáo dân, trong việc liên đới chu toàn sứ vụ cứu độ chung của chính Giáo Hội. Sự hiệp thông này, tự nó, đã là dấu chỉ lớn lao đầu tiên về sự hiện diện của Đức Kitô Cứu Thế trong thế giới ; đồng thời, nó cũng cổ võ và thúc đẩy hoạt động tông đồ trực tiếp và truyền giáo của Giáo Hội.

Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, toàn thể Giáo Hội, các chủ chăn cũng như tín hữu, phải cảm thấy mạnh mẽ hơn trách nhiệm của mình là tuân phục lệnh truyền của Chúa Kitô : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), và có một hứng khởi truyền giáo mới. Giáo Hội được trao phó một công trình có tầm mức lớn lao, có nhiều đòi hỏi và rất huy hoàng rực rỡ : công trình của cuộc phúc-âm-hóa mới mà thế giới ngày nay đang hết sức cần đến. Giáo dân phải cảm thấy mình là thành phần chủ động trong công trình này, được kêu gọi để loan báo và sống Tin Mừng, bằng cách phục vụ con người và xã hội trong tất cả những gì là giá trị và đòi hỏi nơi cả hai.

Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhóm họp vào tháng mười Năm Thánh Mẫu, đã đặc biệt trao phó những công việc của mình cho sự cầu bầu của Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế. Giờ đây, tôi cũng trao phó cho sự cầu bầu của Người thành quả thiêng liêng từ những kết quả của Thượng-hội-đồng. Kết thúc văn kiện hậu-Thượng-hội-đồng này, trong sự hiệp thông với các Nghị Phụ và các giáo dân hiện diện trong Thượng-hội-đồng, với mọi thành phần của Dân Thiên Chúa, tôi muốn thân thưa với Đức Trinh Nữ, dưới hình thức một lời cầu nguyện :

Lạy Trinh Nữ rất thánh,
Mẹ Đức Kitô và Mẹ Giáo Hội,
chúng con vui mừng và cảm phục,
hiệp nhất với lời kinh Magnificat của Mẹ,
một bài ca đầy tri ân cảm mến.
Cùng với Mẹ, chúng con tạ ơn Thiên Chúa
đã “tỏ tình thương trải qua đời nọ đến đời kia”,
tạ ơn vì ơn gọi chói ngời
và vì sứ vụ muôn vẻ của người giáo dân.
Chúa kêu gọi đích thân mỗi người trong họ
sống hiệp thông tình yêu và thánh thiện với Chúa
và hiệp nhất với nhau như anh em
trong đại gia đình các con cái Chúa.
Họ cũng được sai đi
chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô
thông truyền lửa Thánh Thần
bằng đời sống phúc âm của họ
trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống trần gian.
Lạy Đức Trinh Nữ,
Mẹ đã xướng lên bài ca Magnificat,
xin hãy đổ đầy tâm hồn họ
tâm tình biết ơn và lòng hăng say
vì ơn gọi và sứ vụ này.
Mẹ đã là “nữ tỳ của Thiên Chúa”,
đầy lòng khiêm cung và độ lượng,
xin cho chúng con được hoàn toàn sẵn sàng như Mẹ
để phục vụ Thiên Chúa và đem ơn cứu độ cho thế giới.
Xin mở lòng chúng con
đến tận những chân trời bao la của Vương Triều Thiên Chúa
và của việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi tạo vật.
Trái Tim Mẹ không ngừng lo lắng
về bao nỗi hiểm nguy,
về vô vàn sự dữ đang đè nặng trên những con người
trong thế giới hôm nay.
Nhưng Trái Tim Mẹ cũng lưu ý
đến bao nhiêu sáng kiến vì lợi ích con người,
đến nhiều khát vọng lớn lao hướng về các giá trị,
đến những tiến bộ đạt được
đem lại hoa trái dồi dào của ơn cứu độ.
Lạy Đức Trinh Nữ can trường,
xin ban cho chúng con sức mạnh tâm hồn
và niềm tín thác vào Thiên Chúa,
sẽ giúp chúng con thắng vượt mọi chướng ngại
để hoàn thành sứ vụ của chúng con.
Xin Mẹ dạy cho chúng con
giải quyết những thực tại trần gian với ý thức mãnh liệt
về trách nhiệm của người kitô-hữu
và trong niềm hy vọng hân hoan
Ngày Nước Thiên Chúa đến,
Ngày của Trời Mới Đất Mới.
Mẹ đã hiện diện trong Nhà Tiệc Ly,
cùng với các Tông Đồ cầu nguyện,
trông đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống
trong ngày Lễ Ngũ Tuần ;
giờ đây, xin Mẹ cầu khẩn Chúa Thánh Thần
lại ngự xuống tràn đầy
trên mọi tín hữu nam nữ,
để họ hết lòng đáp lại ơn gọi và sứ vụ của mình,
như cành của cây nho đích thực,
được kêu gọi trổ sinh nhiều hoa trái
cho cuộc sống trần gian.
Lạy Mẹ Nữ Trinh,
xin hướng dẫn và nâng đỡ chúng con
để chúng con luôn sống
như những người con đích thực
của Giáo Hội của Con Mẹ,
và để chúng con có thể góp phần xây dựng
nền văn minh của chân lý và tình yêu trên trái đất
theo ước muốn của Thiên Chúa
và vì vinh quang của Người. Amen.


Ban hành tại Rôma, gần Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 30 tháng Mười Hai, năm 1988,
ngày lễ Thánh Gia thất Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse,
năm thứ mười một triều đại Giáo Hoàng của tôi.
Ioannes Paulus PP. II

chú thích

1 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen gentium, s. 48
2 Thánh Grêgôriô Cả, Bài giảng về Phúc Âm I, XIX,2
3 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, Apostolicam actuositatem, s. 33
4 Đức Gioan-Phaolô II, Bài giảng trong lễ đồng tế Bế mạc Thượng-hội-đồng Giám Mục khóa VII, 30/10/1987
5 x. Đề nghị 1
6 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, Gaudium et spes, s. 11
7 Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng khóa ngoại lệ năm 1985, sau khi khẳng định “tầm mức quan trọng và tính hiện đại lớn lao của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng” đã thêm : “Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đồng thời nhận thấy rằng các dấu chỉ trong thời đại chúng ta có phần nào khác với những dấu chỉ thời Công Đồng, bao gồm những vấn đề và những âu lo còn to lớn hơn nữa. Thực vậy, khắp nơi trong thế giới, không ngừng gia tăng sự đói khổ, đàn áp, bất công, chiến tranh, khổ đau, khủng bố và nhiều hình thức bạo lực đủ loại khác nhau” (Giáo Hội, dưới quyền Ngôi Lời Thiên Chúa, cử hành những mầu nhiệm của Đức Kitô để thế giới được cứu độ. Bản phúc trình tổng kết, II, D,1)
8 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội ..., s. 7
9 Thánh Augustinô, Tư thuật I, 1
10 x. Tài liệu làm việc, “Ơn gọi và sứ mệnh người giáo dân trong Giáo Hội và thế giới hai mươi năm sau Công Đồng Vatican II”, s. 5-10
11 CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 1
12 CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 6
13 x. Đề nghị 3
14 CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31
15 CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31
16 Đức Piô XII, Diễn từ đọc trước các Tân Hồng Y (20/02/1946)
17 CĐ Firenze, Sắc lệnh cho người Armênia : DS 1314
18 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10
19 Thánh Augustinô, Chú giải Tv XXVI, II, 2
20 x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10
21 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Bài giảng khởi đầu thừa tác vụ Mục tử Tối Cao (22/10/1978)
22 x. nhắc lại giáo huấn này trong Tài liệu làm việc, “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới hai mươi năm sau Công Đồng Vatican II”, s. 25
23 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 34
24 nt. s. 35
25 nt. s. 12
26 nt. s. 35
27 Thánh Augustinô, Thành Đô Thiên Chúa, XX, 10
28 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 32
29 nt. s.31
30 Đức Phaolô VI, Diễn từ đọc trước các bề trên và thành viên các Tu Hội đời (02/02/1972)
31 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 5
32 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31
33 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31
34 nt., s. 31
35 nt., s. 48
36 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 32
37 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31
38 nt., s. 31
39 Đề nghị 4
40 “Là những thành phần trọn vẹn của Dân Thiên Chúa và của Nhiệm Thể, được tham dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, người giáo dân diễn tả và làm nổi bật nét phong phú của phẩm giá đó trong cuộc sống giữa trần gian. Có những công việc đối với những phần tử trong hàng giáo sĩ được coi là có tính cách phụ thuộc hoặc ngoại thường, thì đối với người giáo dân, phải được coi như một sứ vụ tiêu biểu. Ơn gọi riêng của người giáo dân là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 31)” (Đức Gioan-Phaolô II, Suy niệm khi đọc kinh Truyền Tin, ngày 15/3/1987)
41 x. đặc biệt chương V Hiến chế tín lý về Giáo Hội, các số 39-42, bàn về “lời mời gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội”
42 THĐGM năm 1985, Khóa ngoại lệ lần II, Giáo Hội dưới quyền Ngôi Lời Thiên Chúa cử hành mầu nhiệm Đức Kitô để cứu độ thế giới, Bản phúc trình tổng kết, II, A, 4
43 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 40
44 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 42. Những xác quyết long trọng và hết sức sáng sủa này của Công Đồng nhắc lại cho chúng ta một chân lý nền tảng của đức tin Kitô-giáo. cũng thế, chẳng hạn như đức PIÔ XI đã viết trong thông điệp Casti connubii, gửi các đôi vợ chồng kitô-hữu : “Dù trong hoàn cảnh hay tình trạng sống nào của mình, mọi người đều có thể và phải bắt chước mẫu gương hoàn hảo về sự thánh thiện do Thiên Chúa ban cho con người, đó là Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta ; và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, mọi người đều có thể và phải đạt đến đỉnh trọn lành kitô-giáo, như mẫu gương của bao vị thánh đã minh chứng”.
45 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 4
46 Đề nghị 5
47 Đề nghị 8
48 Thánh Lêô Cả, Bài giảng XXI
49 Thánh Maximô, Khảo luận III về bí tích Thánh Tẩy
50 Thánh AugustinÔ, Khảo luận về Tin Mừng theo thánh Gioan, 21, 8
51 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 33
52 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 4
53 THĐGM năm 1985, Khóa ngọai lệ lần II, Giáo Hội dưới quyền Ngôi Lời Thiên Chúa cử hành mầu nhiệm Đức Kitô để cứu độ thế giới, Bản phúc trình tổng kết, II, C, 1
54 Đức PHAOLÔ VI, Huấn từ ngày thứ tư (8/6/1966)
55 x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 6
56 x. nt., s. 7 vv…
57 nt., s. 9
58 nt., s. 1
59 nt., s. 9
60 nt., s. 7
61 nt., s. 7
62 nt., s. 4
63 Đức Gioan-Phaolô II, Bài giảng trong lễ đồng tế Bế mạc Thượng-hội-đồng Giám Mục khóa VII, (30/10/1987)
64 x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 4
65 x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội, s. 5
66 x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh Mục, s. 2 ; Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 10
67 x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 10
68 x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thư gửi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh (9/4/1979), 3-4.
69 Giáo Luật, can. 230 §3
70 x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh Mục, s. 2 và 5
71 x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 24
72 Giáo Luật liệt kê một số nhiệm vụ và hoạt động dành cho thừa tác viên có chức thánh, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt và nghiêm trọng, cụ thể khi không có linh mục và phó tế, các việc đó có thể do một giáo dân thi hành trong một thời gian nào đó, với sự chấp thuận hợp pháp trước đó và sự ủy nhiệm của thẩm quyền giáo hội : x. can. 230 §3 ; 517 §2 ; 776 ; 861 §2 ; 910 §2 ; 943 ; 1112 ; v.v…
73 x. CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ, s. 28 ; Giáo Luật, can. 230 §2 viết : “Các giáo dân có thể được chỉ định tạm thời thi hành chức vụ đọc sách trong các hoạt động phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân có thể thi hành công tác của người dẫn giải, ca trưởng hoặc những chức năng khác theo luật định”
74 Giáo Luật trình bày các chức năng hay nhiệm vụ khác nhau mà giáo dân có thể thi hành trong cơ cấu tổ chức của Giáo Hội “ x. can, 228 ; 317 § 3 ; 436 § 1, 50 và §2 ; 483, 494 ; 537 ; 759 ; 776 ; 784 ; 785 ; 1228 §2 ; 1435 ; v.v…
75 x. Đề nghị 18
76 Đức PHAOLÔ VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, 70
77 Giáo Luật, can. 230 §1
78 Đề nghị 18
79 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 3
80 “Do sự đón nhận những đoàn sủng này, dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian, để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội, trong sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình” (nt.)
81 Đề nghị 9
82 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 12
83 x. nt., s. 30
84 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, s. 11
85 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 23
86 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 10
87 x. Đề nghị 10
88 x. Giáo Luật, can. 443 §4 ; 463 §§1-2
89 x. Đề nghị 10
90 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 28
91 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 28
92 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về việc Dạy Giáo Lý, Catechesi tradendae (16/10/1979), s. 67
93 Giáo Luật, can. 515 §1
94 x. Đề nghị 10
95 x. CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ, s. 42
96 x. can. 555 §1, 1o
97 x. can. 383 §1
98 Đức PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước hàng giáo sĩ Rôma (24/6/1963)
99 Đề nghị 11
100 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 10
101 nt.
102 x. Đề nghị 10
103 Thánh GRÊGÔRIÔ CẢ, Bài giảng về Ed II, I,5
104 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 16
105 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Kinh Truyền Tin (23/8/1987)
106 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 18
107 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 19 ; xt. 15 ; Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 37
108 Giáo Luật, can. 215
109 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 39
110 x. nt., s. 40
111 x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 19
112 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 23
113 x. nt.
114 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 23
115 nt., s. 20
116 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 24
117 Đề nghị 13
118 Đề nghị 15
119 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Diễn văn đọc tại Hội nghị toàn quốc Giáo Hội Italia (10/4/1985)
120 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 1
121 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 30
122 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 10
123 Đức PHAOLÔ VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii nuntiandi (8/12/1975), s. 14
124 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Bài giảng khởi đầu thừa tác vụ Mục Tử Tối Cao (22/10/1978)
125 Đề nghị 10
126 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội, s. 20 ; xt. s. 37
127 Đề nghị 29
128 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội, s. 21
129 Đề nghị 30 bis
130 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 5
131 x. CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 22
132 nt.
133 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người, Redemptor hominis (4/3/1979), s. 14
134 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 40
135 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 12
136 “Nếu chúng ta cử hành trọng thể cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, chính là để chứng tỏ rằng mỗi người có tính độc nhất và bất khả thay thế. Các bản thống kê, xếp lọai, các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội cũng như những khả năng của con người mà thôi không đủ để bảo đảm rằng con người có thể sinh ra, tồn tại và hành động như một hữu thể độc nhất và bất khả thay thế, chỉ có Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho con người điều đó. Đối với Thiên Chúa, con người luôn luôn là hữu thể độc nhất và bất khả thay thế ; là người đã được nghĩ đến từ đời đời, đã được tuyển chọn từ đời đời ; là người được mời gọi đích danh” (Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Sứ điệp Giáng Sinh gửi thế giới 1979)
137 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 27
138 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về Gia Đình, Familiaris consortio (22/11/1981), s. 30
139 x. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Hồng ân sự sống (22/2/1987)
140 Đề nghị 36
141 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Sứ điệp Ngày quốc tế hòa bình lần thứ XXI (8/12/1987)
142 Thánh Augustinô, Về Giáo lý vỡ lòng XXIV, 44
143 Đề nghị 32
144 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 24
145 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 12
146 x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về Gia Đình, ss. 42-48
147 x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về Gia Đình, s. 85
148 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 8
149 Về mối tương quan giữa công lý và nhân từ, x. Thông điệp Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Dives in misericordia (30/11/1980), s. 12
150 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 75
151 nt., s. 74
152 nt., s. 76
153 x. Đề nghị 28
154 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp về xã hội, Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), s. 38
155 x. Đức GIOAN XXIII, Thông điệp Hòa bình trên trái đất
156 x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp về xã hội, s. 39
157 x. Đề nghị 26
158 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 63
159 x. Đề nghị 24
160 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 67 ; x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp về Lao động, Laborem exercens (14/9/1981), ss. 24-27
161 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp về xã hội, s. 34
162 CĐ Vatican II, Hiên chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 53
163 x. Đề nghị 35
164 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 58
165 Đức PHAOLÔ VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, ss. 18-20
166 x. Đề nghị 37
167 Th. GRÊGÔRIÔ CẢ, Bài giảng về Tin Mừng I, XIX, 2
168 CĐ Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô-giáo, s. 2
169 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư gửi Giới Trẻ toàn thế giới, nhân dịp Năm quốc tế Giới Trẻ, s. 15
170 Đề nghị 52
171 Đề nghị 51
172 CĐ Vatican II, Sứ điệp gửi “Giới Trẻ” (08/12/1965)
173 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 48
174 JEAN GERSON, De parvulis ad Christum trahendis
175 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Diễn từ đọc trước các nhóm Người Cao Tuổi của các Giáo phận Italia (23/3/1984)
176 Đức GIOAN XXIII, Thông điệp Hòa bình trên trái đất
177 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về Gia Đình, s. 24
178 Đề nghị 46
179 Đề nghị 47
180 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 9
181 Đức PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước Ủy Ban về Năm Quốc tế Phụ Nữ (18/4/1975)
182 Đề nghị 46
183 Đề nghị 47
184 nt.
185 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội ..., s. 10
186 Sau khi nhắc lại chiều kích Thánh Mẫu của đời sống Kitô-giáo mang một sắc thái đặc biệt đối với người phụ nữ và cảnh sống của họ, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế viết : “Thực vậy, nữ tính đặc biệt liên kết với Thân Mẫu Đấng Cứu Thế. Đây là một đề tài chúng ta sẽ có thể đào sâu vào một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này là dung mạo của Đức Maria làng Nadarét soi sáng cho chính thân phận người nữ qua việc Thiên Chúa, trong biến cố nhập thể cao cả của Con Ngài, đã tín nhiệm vào sự phục vụ tự do và chủ động của một người phụ nữ. Như thế, người ta có thể quả quyết rằng người phụ nữ khi hướng về Đức Maria, tìm thấy nơi Mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình, và thực thi sự thăng tiến đích thực của mình. Dưới ánh sáng của Đức Maria, Giáo Hội khám phá ra nơi dung mạo của người phụ nữ những nét phản chiếu một vẻ đẹp như tấm gương dọi lại những tấm hình cao đẹp nhất mà tâm hồn con người có thê có : đó là việc hoàn toàn hiến thân vì tình yêu ; đó là sức mạnh chịu đựng những đau khổ lớn lao nhất ; đó là trung tín vô hạn và sức hoạt động không mệt mỏi ; là khả năng hài hòa trực giác sâu xa với lời nói nâng đỡ và khích lệ” (Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, Redemptoris Mater (25/3/1987), s. 46
187 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông thư Mulieris dignitatem, về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ (15/8/1988), s. 16
188 x. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyền ngôn về vấn đề phụ nữ lãnh nhận chức tư tế thừa tác (15/10/1976)
189 x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, s. 26
190 nt., s. 27 ; “Giáo Hội là một thân thể có sự phân biệt, trong đó mỗi thành phần có nhiệm vụ của mình : các trách vụ được minh định rõ ràng và không được lẫn lộn. Các trách vụ đó không có nghĩa là thành phần này đứng trên thành phần khác : chúng không tạo nên một lý do nào để ganh tỵ nhau. Đoàn sủng duy nhất mà người ta có thể mong ước, đó là đức ái (x. 1 Cr 12-13). Những người lớn nhất trong Nước Trời không phải là các thừa tác viên, nhưng là các vị thánh” (TB. Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về vấn đề phụ nữ lãnh chức tư tế thừa tác)
191 Đức PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước Ủy Ban về Năm Quốc tế Phụ Nữ (18/4/1975)
192 Đề nghị 47
193 nt.
194 CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 36
195 Đức GIOAN-PHAOLÔ, Tông Huấn về Gia Đình, s. 50
196 Đề nghị 46
197 Đề nghị 47
198 THĐGM khóa VII (1987), Sứ điệp gửi dân Chúa
199 Đề nghị 53
200 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư Đau Khổ Cứu Độ, Salvifici doloris (11/02/1984), s. 3
201 Thánh INHAXIÔ thành Antiôkia, Gửi người Ephêsô VII, 2
202 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư Đau Khổ Cứu Độ, s. 31
203 Thánh AMBRÔSIÔ, Về đức đồng trinh VI, 34 ; x. Thánh AUGUSTINÔ, Bài giảng CCCIV, III, 2
204 x. Đức PIÔ XII, Tông Hiến Provida Mater (02/02/1947) ; Giáo Luật can. 573
205 Đề nghị 6
206 x. Đức PHAOLÔ VI, Tông Thư Sabaudiae gemma (29/01/1967)
207 Thánh PHANXICÔ SALÊ, Dẫn vào đời sống trọn lành
208 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 4
209 Đề nghị 40
210 “Đấng đã ban phẩm chức thì cũng sẽ ban khả năng” (thánh LÊÔ CẢ, Bài giảng II, 1)
211 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 4
212 CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay, s. 43 ; xt. Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội, s. 21 ; Đức PHAOLÔ VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, s. 20
213 Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Diễn từ đọc trước các tham dự viên Hội Nghị của Phong trào trong Giáo Hội dấn thân vào lãnh vực văn hóa (16/01/1982), 2 ; xt. Thư gửi Hồng y Agostino Casaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, qua thư này Đức giáo hoàng thiết lập Hội Đồng Giáo Hòang về Văn Hóa (20/5/1982) ; Diễn văn đọc tại cộng đồng đại học Louvain (20/5/1985)
214 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ của giáo dân, s. 4
215 Đề nghị 22 ; xt. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp về Xã Hội, s. 41
216 CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ của giáo dân, s. 4
217 Thánh MÊTHÔĐÔ Ôlympia, Symposium III, 8
218 Đề nghị 11
219 Đề nghị 40
220 Đề nghị 44
221 Đề nghị 45
222 Đề nghị 44
223 Đề nghị 41
224 Đề nghị 42