Theo tin của tạp chí Crux, Chúa Nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư vừa qua, Cha Arturo Sosa Abascal, Bề Trên Cả Dòng Tên, đã lên tiếng với một chương trình tin tức của Ý để bác bỏ các lời tố cáo cho rằng ngài “tương đối hóa” các sách Tin Mừng hoặc mắc lạc giáo tín lý khi, vào hồi tháng Hai năm nay, tuyên bố rằng các lời Chúa Giêsu nói trong Tân Ước cần phải được “bối cảnh hóa”.

Bác bỏ các lời cáo buộc “tương đối hóa” lời lẽ của Chúa Giêsu, và thậm chí lạc giáo tín lý, Cha Bề Trên Cả vẫn duy trì việc ngài nhấn mạnh rằng không ai thu băng Chúa Kitô cả và, do đó, các tuyên bố quy kết cho Người trong Tân Ước, kể cả về hôn nhân, cần được “giải thích”.

Ngài nói: “Tôi không biết tại sao nhiều người đến thế nổi sùng với tôi vì điều tôi nói rằng vào thời Chúa Giêsu, không có người thu băng, vì đó là sự thật”.

Ngài có ý nhắc tới cuộc bàn cãi nổ ra hồi tháng Hai, khi ngài dành cho Giuseppe Rusconi, một nhà báo Thụy Sĩ lão thành chuyên viết về Vatican, một cuộc phỏng vấn dài. Trong cuộc phỏng vấn này, nhà báo Rusconi hỏi Cha Sosa về các nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Müller, viên chức đứng đầu tín lý của Vatican, về câu Chúa Giêsu nói về hôn nhân “không ai được phân rẽ điều Thiên Chúa đã kết hợp” và thêm rằng “không quyền lực nào ở trên trời hay dưới đất, không thiên thần hay vị giáo hoàng nào, không công đồng hay luật lệ của các giám mục nào, có khả năng thay đổi nó”.

Phần lớn coi câu trích của Đức Hồng Y Müller như để tỏ ý hoài nghi đối với việc thận trọng mở cửa để người ly dị tái hôn phần đời rước lễ, căn cứ vào văn kiện về gia đình, Niềm Vui Yêu Thương, của Đức Phanxicô.

Cha Sosa nói với nhà báo Rusconi: “ông nên bắt đầu bằng việc suy tư xem Chúa Giêsu thực sự đã nói điều gì. Vào thời đó, không ai có máy thu băng để thu lại lời người ta nói. Điều chúng ta biết được là lời lẽ của Chúa Giêsu cần được bối cảnh hóa, chúng được phát biểu trong một ngôn ngữ nhất định, một môi trường đặc biệt, và chúng được ngỏ với một ai đó chuyên biệt”.

Lời phát biểu trên gây nên một phản hồi sôi động trên các blog Công Giáo nói tiếng Ý, trên đó, một số nhà bình luận tố cáo Cha Sosa chủ trương thuyết duy tương đối đối với Thánh Kinh, xem nhẹ lời lẽ của Chúa Giêsu, vì coi chúng phát xuất từ truyền thống Công Giáo, và thậm chí phạm lạc giáo tín lý.

Hôm Chúa Nhật, Cha Sosa lên tiếng với hãng tin Ý TGCOM24 để bác bỏ các tố cáo đó. Cha nói: “Các sách Tin Mừng được viết ra từ 40 tới 50 năm sau Chúa Giêsu. Truyền thống sớm nhất là truyền khẩu, và các nhân chứng đầu tiên là các tông đồ, các môn đệ, những người bắt đầu thuật lại những điều Chúa Giêsu đã nói.

“Sau đó, các cộng đồng Kitô hữu phát sinh từ trải nghiệm này viết ra các sách Tin Mừng để truyền lại lời lẽ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta sẽ nói tới sau này.

“Nếu đọc các sách Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy chúng tương tự nhau nhưng cũng khác nhau, vì các cộng đồng mà chúng ngỏ lời với khác nhau. Đây là những bản văn chúng ta biết như là lời Thiên Chúa. Nói thế rồi, ta cũng phải xét tới một điều khác, muốn hiểu điều được viết ra, ta phải hiểu bối cảnh trong đó, nó được viết ra.

“Lời lẽ của Chúa Giêsu phải được hiểu trong bối cảnh của chúng, như được Giáo Hội giải thích trong ý nghĩa đầy đủ. Theo một nghĩa nào đó, các tín lý là kết quả của việc giải thích này của Giáo Hội. Tất cả những điều này giúp chúng ta hiểu tốt hơn”.

Cha Sosa lý luận rằng những người nổi sùng với ngài lầm khi cho các nhận định của ngài có tính “tương đối hóa”. Ngài nói với chương trình tin tức của Ý rằng “Ngược lại mới đúng. Khi chúng ta giải thích, là để hiểu tốt hơn điều Chúa Giêsu nói trực tiếp. Nếu chúng ta hiểu tốt hơn điều Chúa Giêsu nói, thì chúng ta cũng sẽ hiểu tốt hơn phải hành động ra sao giống như Người”.

Hãng tin Catholic World News, ngày 10 tháng Tư, cũng đưa tin Cha Sosa bác bỏ các lời tố cáo lạc giáo. Theo họ, các phát biểu của Cha hồi tháng Hai đã khiến có những khiếu nại chính thức về điều hãng này gọi là “đi ngược lại tín lý Công Giáo”.