TRANG PHỤC TRONG THÁNH LỄ - ĐÃ QUA RỒI CHUYỆN Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC?

Xã hội đa nguyên ngày hôm nay tôn trọng mọi sự khác biệt. Chính sự khác biệt làm cho thế giới phong phú đến độ kỳ thú. Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu mọi sự việc cứ na ná như nhau, cuộc đời sẽ đơn điệu khi hành vi mỗi người thảy đều tương tự.

Về điều này thì thời trang là một lãnh vực đặc thù rõ nét, linh hoạt nhất. Giới trẻ, với sự năng động và sức sống mãnh liệt của nó lại càng bị thời trang cuốn hút và là chất kích thích cho sự sáng tạo không mỏi mệt cho sự khác biệt.

Là một linh mục, không phải chuyên viên và càng không là tín đồ thời trang, tôi không muốn tìm hiểu: Thời trang phải khác biệt như thế nào, và tới mức nào thì được coi là đẹp, được xã hội chấp nhận? Nhưng tôi muốn đặt câu hỏi: Giới hạn nào cho sự khác biệt thời trang?

Câu hỏi được đặt ra, bởi trong Thánh Lễ thêm sức vừa qua tại một nhà thờ vùng quê sông nước, tôi nhận thấy dân ở đó ăn mặc thật khác biệt, hay theo ý của tôi là rất hỗn tạp: người thì không giấu nổi nét “chân quê”, kẻ lại rất ư “à la mode”; vẫn còn đó các nam-thanh lụng thụng trong đồ bộ pijama, và rồi kia là các nữ-tú ngượng ngịu áo hai dây, hay tung tăng sơ mi giấu quần.

Dẫu biết phong trào “Việt Nam nói là làm” hay “mình thích thì mình mặc thôi”, nhưng tưởng nghĩ thời trang đường phố chỉ xuất hiện nơi phố thị đô hội, đầu thôn cuối xóm, như chính cái tên gọi, không ngờ nó lại hiện diện ngay cả nơi tôn nghiêm linh thánh. Dẫu biết thời trang thuộc về cảm nhận thẩm mỹ của mỗi người, nhưng người ta cũng cần biết loại nào thích hợp với mình cũng như phải nhận định mặc nó ở đâu thì được chấp nhận. Sau thánh lễ đề cập trên, nói chuyện về trang phục trong nhà thờ, các cha ngoài xứ mới chê tôi cù lần vì không biết các xứ đạo vùng quê bây giờ văn minh cả rồi: áo hai dây đã xưa, nay là thời của quần jeans 5 phân hay quần siêu ngắn, thời của sơ mi giấu quần.

Có nên không các nhà thờ đặt các bảng hướng dẫn như nhiều Thánh đường ngoại quốc. Ở Italy chẳng hạn, nhiều vương cung thánh đường chỉ chấp nhận người có trang phục thích hợp, cấm mặc quần shorts, váy ngắn trên đầu gối, áo không tay vv…. Thế nên khi mặc áo cổ rộng hay để cánh tay trần, các nữ du khách sẽ được yêu cầu đi ra ngoài tìm mua (có nơi phát miễn phí và yêu cầu trả lại) một “scrollata di spalle” (tiếng Anh là shrug) loại áo vai có tay dài, hoặc ít nữa là một “scialle” (tiếng Anh là shawl) loại khăn lớn trùm cả vai và tay như nhiều người Việt Nam vẫn điệu đà ở các vùng lạnh.

Quy luật phụng vụ rất nghiêm ngặt, cả về lễ quy cũng như lễ phục cho các tư tế thừa tác, và bỏ ngỏ quy tắc ứng xử cũng như thời trang của các tư tế cộng đồng, tức của những người tham dự. Chỗ trống này thuộc về trách nhiệm của các vị quản đốc thánh đường. Chắc chắn nhiều linh mục rất quan tâm nhắc bảo chuyện y phục xứng kỳ đức, mong rằng những người tham dự, nam cũng như nữ, cần trang phục chỉnh tề, lịch lãm.

Hãy nhớ thời trang thuộc về mỹ cảm mỗi người, loại nào thích hợp cho ta và nơi nào mặc thì xứng hợp. Đừng để bản thân lạc lõng nơi lễ hội cũng đừng biến mình thành lố bịch nơi thiêng thánh chỉ vì cách ăn mặc lệch pha.

Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng