TA ĐÃ GỌI CON KHI CÒN Ở TRONG BỤNG MẸ

Tháng 9 năm 1843, trên con đường dốc và gồ ghề lên nhà Dòng Thánh Bernard xây trên ngọn núi, người ta trông thấy bước đi không nhọc, một thanh niên trạc độ 20 tuổi, dáng bộ rất tư lự và như đang mơ mộng đắm theo một lý tưởng cao khiết của đời sống, đôi mắt nhìn sâu và đượm vẻ rầu rầu, tố lộ một tính tình ôn tồn hòa nhã.

Phong cảnh đẹp oai hùng và tráng quan chiêm của dẫy núi Alpes, làm nẩy nở trong tâm hồn người trai tráng hàng trăm nghìn tư tưởng quảng bác. Nguồn cảm dũng ứa lên như nước triều dâng, xúc động tấm lòng tri ân Đấng Thiên Chúa uy quyền phép tắc, người thanh niên tấm tắc khen ngợi ”phải dừng bước giờ lâu và để rơi những giọt ngọc”Rồi lại bước đi, đi tới ngọn núi xây nhà Dòng. Nhà Dòng như ngọn hải đăng tung ra xa xa tứ phía ánh sáng hy vọng và bác ái.

Cha Bề trên Dòng phải ngẩn lạ khi nhìn người khách trẻ trung đến thăm: hình dung đẹp oai, nét mặt thẳng thắn, tỏ rõ một linh hồn trung chính và to lớn. Cha tiếp đãi rất lịch thiệp. Cha vấn an quí thân phụ, quí quán và quí danh. Quí danh câu là LOUIS MARTIN, sinh ngày 22 tháng 8 năm 1823 ở thành Bordeaux nơi từ mẫu ở hồi hiền phụ sung chức đại úy trong đoàn quân pháo thủ bình giặc ở Tây-Ban-Nha. Hiện nay gia quyến ở tỉnh Alencon mà câu là trưởng tử.

Có phải vì muốn du lịch, muốn lên thăm nhà Dòng mà người trai anh tuấn kia bước đi đường miền cảnh đẹp như ru, nhưng xa xăm và hiểm trở? Từ Normandie đến Suisse nhiều lần phải chống gậy dò từng bước. Không, không phải người thanh niên ấy muốn du lịch, muốn đến xin tạm trú một đêm ở ngọn non hiu quạnh này đâu. Người thanh niên ấy muốn xin ở tu trọn đời.

Cha Bề trên hỏi: “Cậu đã học mãn khóa Latinh chưa?”

“Lạy cha, chưa.”

“Đáng tiếc thật, đó là một điều kiện cốt yếu để nhận vào Dòng, nhưng cũng không lo, cậu về học thêm và sau chúng tôi sẽ được hân hạnh nhận cậu.”


Người khách bất mãn của chúng ta lộn đường trở xuống. Ngày ấy, cuộc đời cậu đáng gọi là cuộc lưu ly; nhưng trong tâm trí cậu đã cảm thấy rằng: Dòng Thánh Bernard chỉ là một kỷ niệm êm ái trong đời cậu, chứ không phải là cuộc đời cậu. Cuộc đời cậu, Đức Chúa Trời đã có một chương trình khác.

Cũng trong thành Alencon, mấy năm sau, một buổi sáng mát dịu dàng, trên đường phố trẽ lại nhà Dòng Thánh Vincent de Paul, ngọn cây, ngành cây hai bên vỉa hè rung rung theo gió, xô đi giồ lại như giùng giằng”ngần ngại”một thiếu nữ dáng thùy mị nết na, gương mặt tươi tỉnh gợn nhiều nét đoan chính và can trường, tên là cô MARIE GUÉRIN, cùng với bà mẹ nhẹ nhàng gót sen bước lại phía nhà các bà Sơ. Lòng thiếu nữ ôm đã lâu một chí tu tác, nhưng chợt trông thấy cô, bà Bề trên được ơn soi sáng ngay, nên sau mấy lời niềm nở cười nói chào hỏi, bà trả lời dứt khoát rằng: Chúa không muốn.

Cô Marie Guérin ngậm ngùi trở lại nhà, ở cùng chị cả và một em trai”

Hiểu là việc tu không thành, cô thiếu nữ không nghĩ gì đến tu nữa. Ngày đêm cô thầm thì trong lòng lời cầu xin chất phác nầy:

“Lạy Chúa, con không đáng làm bạn trăm năm Chúa như chị con, con vui lòng kết duyên trao ngãi với người thế gian, để hoàn thành ý Chúa. Trong bậc vợ chồng, xin Chúa cho con sinh được nhiều con cái: con sẽ cho đi tu hết.”

Chúa đã để dành cho cô một thanh niên xứng đáng trao gửi hồn xác mà chúng ta vừa đọc ở trên. Và một ngày đã định, ngày 13 tháng 8 năm 1858, trong nhà thờ Đức Bà thành Alencon người ta thấy cử hành trọng thể lễ cười cô MARIE GUÉRIN đẹp duyên cùng cậu LOUIS MARTIN.

Chính chiều ngày lễ cưới, Louis Martin đã tỏ lời tâm huyết cùng bạn trẻ: mình muốn gìn giữ và chỉ yêu dấu bạn như em yêu dấu nhất thôi”Nhưng qua mấy tháng tâm tình trao đổi, Louis Martin hiểu thấu tâm ý bạn, mơ ước bạn, thì đã đồng tâm hiệp ý cùng bạn ước mơ thấy có đàn con nhởn nhơ nô chơi để vui ấm cửa nhà và rồi nhẩn nha cho đi tu hết. Lúc ấy như Thánh tobias, sẽ có thể cầu xin cùng Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa biết lòng tôi, tôi đi kết bạn chỉ vì ước ao có dòng dõi để chúc tụng ngợi khen Chúa đời đời.”

Tổ uyên ương ấy nở được 9 bông hoa trắng: 4 bông vừa nở, thiên đàng ngắt ngay lấy đem về làm cảnh, còn 5 bông sau lần lượt hái dâng cho 2 dòng: Dòng Kín và Dòng Thăm Viếng.

Hai anh sinh ra cũng là bởi nước mắt và lời cầu nguyện. Sau 4 chị, cha mẹ Têrêxa tha thiết nài xin Chúa và cậy Thánh Giuse bầu cử cho nhà mình một linh mục truyền giáo, thì lần ấy sinh được con trai tốt đẹp, đặt tên là M.J. LOUIS. Nhưng than ôi! Đứa bé chỉ mới ra mắt với mẹ được 5 tháng đã vôi vã về nghỉ thiên đàng.

Cha me lại khẩn khoản khấn hết tuần chín ngày nầy đến tuần chín ngày khác, thế nào cũng xin Chúa ban cho gia đình một linh mục truyền giáo. Nhưng ý Chúa không như ý chúng ta, đường lối Chúa đi khác đường lối nhân loại. Cha mẹ lại sinh được con trai thứ hai, thật là chứa chan hy vọng, và, cái “và” đau đớn, chưa đầy chín tháng, đứa bé lại theo anh về thiên đàng.

Thôi, thế là xong! Cha mẹ Têrêxa không hy vọng gì có con đi truyền giáo nữa.

A! phải mà lúc đó, cha mẹ Têrêxa biết được tương lai rực rỡ vẻ vang của con gái út sẽ sinh sau, đoán được phần thưởng trọng hậu Chúa sẽ trả công lòng ao ước truyền giáo của mình. Người con gái út ấy sẽ được Hội Thánh tặng phong là Thánh Sư các nơi truyền giáo đồng hàng vinh dự cùng Thánh Phanxicô Xavie, thì vui sướng chừng nào.

Về cô gái út nầy, một văn hào giá trị đã viết:

“TÊRÊXA là một vị truyền giáo lạ lùng của đời nay, có tiếng nói đanh thép và vô địch, có cuộc đời vui tươi và dịu ngọt mãi, linh hồn nào đã có lần được nếm mùi dịu ngọt ấy quyết không còn muốn giam cầm mình trong vũng nước bùn lạnh hôi tanh tội lỗi”.

Về cha mẹ Têrêxa, một cha Dòng Tên đã viết trên đầu cuốn TRUYỆN MỘT TÂM HỒN dịch sang tiếng Bồ-Đào-Nha trước nhất lời đề tặng nầy:

“Muôn đời kính nhớ Thận phụ phúc hậu chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đáng là mô phạm cho bậc làm cha mẹ trong các gia đình Công giáo”.

Câu đề tặng đó, đủ để khen ngợi quí Thân phụ Têrêxa, khen ngợi cái tinh thần truyền giáo muôn cách, cũng bằng khen ngợi cái tinh thần giáo hóa đàn con nên lành thánh.

Lần lượt trong TRUYÊN MỘT TÂM HỒN chúng ta nghe TÊRÊXA nhẩn nha kể lể rất khéo léo sự thể gia đình Người, con đường Người tu tác và nên thánh, nên trọn lành.

Chúng ta sẽ được hứng vui và được kích thích rất mạnh mẽ trên đường nhân đức.

Quần Phong, ngày 24-4-1948

(TRÍCH LỜI “TỰA” SÁCH “MỘT TÂM HỒN”,
DO TRINH NỮ TÊRÊXA VIẾT, KIM-THIẾU DỊCH) HÙNG-TÂN