Ngày 13/12 vừa qua, BBC đã thừa nhận sai lầm khi loan tin rằng Giáo Hội Công Giáo đã 'im lặng' trước việc phát xít Đức cố gắng 'tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu'

BBC thừa nhận rằng trong phần tin tức buổi tối khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Auschwitz hồi đầu năm, họ đã hành động "trái ngược và bỏ qua bằng chứng" trong một phóng sư,̣ buộc tội Giáo Hội Công Giáo im lặng không phản ứng chính sách khủng bố của Đức Quốc xã đối với người Do Thái.

Văn phòng giải quyết khiếu nại của BBC đã thừa nhận rằng các phóng viên cuả họ đã không "cân bằng xem xét tới các lời công bố công khai của các vị giáo hoàng kế tiếp hoặc những nỗ lực được thực hiện dựa theo các hướng dẫn của Đức Piô XII để cứu người Do Thái khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã, và BBC đã duy trì và kéo dài một cái nhìn méo mó, mâu thuẫn với sự cân bằng bằng chứng ".

Cái nhìn méo mó nói trên liên quan đến một kết luận cuả bản tin lúc 6g chiều, kết luận với một phán xét rằng "Im lặng là phản ứng của Giáo Hội Công Giáo khi phát xít Đức mô tả người Do Thái là một lũ quỉ và sau đó cố gắng tiêu diệt họ khỏi châu Âu."

Cứu xét lại lời kết luận trên, Ngài Alton, Nam Tước của Liverpool, đã đệ đơn khiếu nại chính thức với BBC cùng với Cha Leo Chamberlain, cựu hiệu trưởng của trường Công Giáo Ampleforth.

Trớ trêu thay, phần báo cáo của BBC lại là phần để kể câu chuyện cuả một linh mục (nay là Thánh) Maximilian Kolbe tại Auschwitz. Thánh Maximilian đã bị bắt giữ vì xuất bản một tố cáo chống Đức Quốc Xã trong tạp chí 'Knight' của mình, mà lúc đó số lưu hành là trên một triệu tờ.

"Như thế thì im lặng là ở điểm nào?" Ngài Alton nói.

Ngài Alton cũng chỉ ra rằng nhiều sử gia đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng Piô XII vì những hành động của ngài trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sử gia Do Thái Pinchas Lapide viết rằng đức Piô " đã góp công cứu sống ít nhất là 700.000, có lẽ lên đến 860.000 người Do Thái, khỏi cái chết chắc chắn trong tay Đức Quốc Xã."

Tòa thánh Vatican cũng đã can thiệp để giúp đỡ người Do Thái thoát khỏi cuộc đàn áp ở Đông Âu, đã cấp cho họ giấy chứng nhận rửa tội và giấu họ trong thành phố Vatican. Ngoài ra, hơn 6.000 người Ba Lan, hầu hết là người Công Giáo, đã được Israel chính thức công nhận là "Người Công Chính trong số các dân tộc" cho vai trò của họ trong việc cứu mạng sống của người Do Thái Ba Lan.

Ngài Alton kết luận rằng, nếu phán xét một cách nhẹ nhàng, thì bản tin Auschwitz cuả BBC đơn giản là quá lười biếng.

"Cẩu thả, lười biếng, nhận xét theo thời - là những dấu hiệu của một loại 'mù chữ tôn giáo' có thể gây ra rất nhiều sai phạm; và là một phần của loại tin tức mơ hô,̀ sử dụng một báo cáo đơn giản nhưng thêm vào những cường điệu để làm tăng gia vị lên, sợ rằng sự thật hay chân lý làm hỏng một câu chuyện hay, " Ngài Alton viết.

"Nhưng nếu phán xét một cách nghiêm khắc hơn, thì bản tin của BBC có thể được xem như là một ví dụ mới nhất của một nỗ lực lâu dài muốn viết lại lịch sử."