Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một tin đáng chú ý nữa về Pakistan là việc các phụ nữ Kitô phát động một phong trào đấu tranh chống lại những sách nhiễu và sự khinh miệt phụ nữ tại quốc gia này. Một bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng là thái độ bất lịch sự đến mức nham nhở của đàn ông Pakistan với phụ nữ ngoài đường, nhất là với các phụ nữ Kitô là những người không mặc burqa và không che mặt theo kiểu Hồi Giáo.
Asia Bibi là ai và tình trạng của phụ nữ tại quốc gia đa số là người Hồi Giáo này như thế nào là những nội dung chính trong chương trình hôm nay của chúng tôi.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một thẩm phán Tòa án Tối cao Pakistan đã đột ngột đệ đơn từ chức để tránh khỏi phải xử vụ án Asia Bibi.
Thẩm phán Iqbal Hameed Rehman gây sửng sốt cho các quan sát viên nhân quyền vào hôm 13 Tháng 10, khi bất ngờ đệ đơn từ chức. Ông ta là một trong ba thẩm phán đã được giao để xử vụ án gây tranh cãi trong đó Asia Bibi, một người phụ nữ Công Giáo phải đối mặt với án tử hình vì tội báng bổ tiên tri Muhammad.
Đơn xin từ chức của ông ta được chuẩn y vào ngày 26 tháng 10 và Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố hoãn phiên tòa. Phiên tòa xử Asia Bibi đã bị trì hoãn nhiều lần vì những lý do ấm ớ khiến người phụ nữ Công Giáo này bị giam cầm oan ức trong suốt 7 năm qua.
Asia Bibi là ai? Thưa: Asia Bibi tên thật là Aasiya Noreen sinh năm 1971. Tên Asia Bibi được các nhà báo quốc tế gọi thường hơn. Tháng 6 năm 2009, cô tranh cãi với một nhóm các phụ nữ Hồi Giáo là những người cấm không cho cô được uống nước chung với họ từ một vòi nước công cộng. Các phụ nữ Hồi Giáo này sau đó đã tố cáo cô nói những lời báng bổ tiên tri Muhammad.
Cô bị cáo buộc đã nói những lời sau khi các phụ nữ Hồi Giáo này chế nhạo tôn giáo của mình: “Tôi tin vào tôn giáo của tôi và tin Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên thập tự giá cho tội lỗi của nhân loại. Tiên tri Mohammed của bạn đã từng làm được gì để cứu độ con người?”
Cuộc bách hại bắt đầu.
Asia Bibi lập tức bị bắt. Tháng 11 năm 2010, mặc dù không có bằng chứng nào hỗ trợ cho các cáo buộc chống lại cô, tòa án địa phương tại quận Sheikhupura trong bang Punjab tuyên án tử hình cô và còn bắt đóng phạt một số tiền lên đến 1,100 Mỹ Kim. 40,000 người Hồi Giáo bao quanh khu vực toà án không ngừng la lên “Giết nó đi, giết nó đi, Allahu Akbar!”
Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 can thiệp cùng với một số nhà lãnh đạo trên thế giới nên án tử hình bị trì hoãn và vụ án được tái xét sau khi một thỉnh nguyện thư gồm 400,000 chữ ký được thu thập trên toàn quốc Pakistan.
Các phiên tòa bị trì hoãn nhiều lần vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì các thẩm phán sợ bị giết. Hai nhân vật nổi tiếng Pakistan đã bị ám sát chết vì lên tiếng bênh vực cô là ông Shahbaz Bhatti, người Công Giáo, Bộ Trưởng Bộ Các Nhóm Thiểu Số; và ông Salmann Taseer, người Hồi Giáo, là Thống đốc bang Punjab.
Công lý ở đâu?
Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 10 năm 2014, tòa án Tối cao tại Lahore bác đơn kháng cáo của Asia Bibi và giữ nguyên án tử hình.
Tháng 11 năm đó, các luật sư Pakistan và quốc tế đưa vụ án lên Tòa án Tối cao Pakistan. Ngày 22 tháng 7 năm 2015, trước áp lực quốc tế, Tòa án Tối cao Pakistan truyền ngưng tử hình Bibi. Tháng 11 năm ngoái Tòa án Tối cao Pakistan truyền cho tòa án tại Lahore xử lại. Sau nhiều lần trì hoãn, tòa án tại Lahore tuyên bố sẽ xử vào ngày 26 tháng 3 năm nay 2016; nhưng lại trì hoãn đến tháng 11 và nay có lẽ sẽ trì hoãn vô thời hạn.
Thà mất job hơn bị giết.
Thẩm phán Rehman nói rằng ông không thể tham gia xét xử trường hợp Bibi vì ông đã từng tham gia trong vụ xử ông Salman Taseer, Thống đốc Punjab bị giết sau khi ông bày tỏ sự ủng hộ cho Bibi.
Những người ủng hộ Asia Bibi nêu câu hỏi tại sao thẩm phán Rehman chờ đợi cho đến gần ngày phiên tòa mở ra mới rút lui. Các quan sát viên cho rằng có thể ông đã bị áp lực từ các chiến binh Hồi giáo, những người đã nằng nặc đòi xử tử Bibi.
Đối với nhiều phụ nữ ở Pakistan, khi cần phải ra khỏi nhà, họ luôn cảm thấy khó chịu, thậm chí là sợ hãi trước những cái nhìn chằm chằm vào thân thể họ của người khác phái, lúc nào cũng quanh quẩn đâu đó chung quanh họ. Bên cạnh đó, còn có những lời chọc ghẹo nham nhở, thô tục kèm theo với những tiếng cười khả ố.
Bực mình với thái độ mất lịch sự này, Anila Ansari, một người Công Giáo sống nhiều năm tại Anh đang điều hành một đài phát thanh tại Pakistan đã quyết định tung ra một “chiến dịch chống những cái nhìn nham nhở” trên chương trình phát thanh quốc gia.
Ý tưởng này được kể là chưa từng có ở đất nước nơi những giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ luôn tỏ ra thù ghét phụ nữ và thường sẵn sàng “hợp thức hóa” các hành vi bạo lực chống lại các phụ nữ Kitô.
Anila Ansari đã trở về đất nước mình sau hai thập niên sống tại Vương quốc Anh.
Ở khắp mọi nơi công cộng, cô cảm thấy không ngừng bị đe dọa bởi những ánh mắt nhìn chằm chằm vào người mình mặc dù ở chốn đông người.
“Tôi đã đến nhiều nơi khác nhau, các văn phòng nhà nước, nhà hàng… mọi nơi tôi đều có thể nhìn thấy những đôi mắt dõi theo mình,” cô nói với thông tấn xã AFP từ văn phòng đài Radio99 nằm ở trung tâm của thủ đô Islamabad.
“Vì vậy, tôi đã bắt đầu hỏi các đồng nghiệp nữ của mình: ‘Chuyện này chỉ xa với tôi hay các bạn cũng bị như thế’, và mọi người đều nói với tôi rằng ‘Oh đó là một căn bệnh truyền nhiễm đang lây lan nhanh ở quốc gia này’”.
“Họ còn đề cập đến một trường hợp bi đát, trong đó một nhóm Hồi Giáo còn táo tợn xông vào nhà một thiếu nữ Công Giáo và ngang nhiên bắt cô ta về làm vợ bé của một tên nhà giàu được sự hỗ trợ của các giáo sĩ Hồi Giáo trong vùng.”
Khi Anila Ansari đề cập điều này với các cộng sự viên nam giới nhiều người không nhận ra vấn đề và cho đó là chuyện tự nhiên.
“Họ cười giả lả, có khi tỏ ra khó chịu hoặc thậm chí nổi khùng lên với tôi,” cô giải thích thêm rằng những người đàn ông này đổ lỗi cho phụ nữ không chịu che mặt, không chịu mặc burqa và trang điểm khi đi ra đường.
Ansari cho biết cô đã phát động chiến dịch này để làm nổi bật “những ảnh hưởng của thái độ nham nhở này đối với sức khỏe tâm thần của người phụ nữ là những người phải được có cơ hội học tập và làm việc bình đẳng với nam giới.”
Ansari tin rằng trong số thính giả lên tới 25 triệu trên toàn quốc, nhiều người sẽ ủng hộ ý tưởng này.
Cô cũng tổ chức các cuộc tranh luận thường xuyên ngoài đường và khuyến khích các thính giả gọi vào đài để bày tỏ quan điểm của họ. Nhiều người ủng hộ chương trình “Bạn sẽ không thích nếu có ai đó cứ nhìn chằm chằm vào mẹ, chị và em gái của bạn hay buông ra những lời nham nhở “
Najib Ahmed, giám đốc của đài phát thanh, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ dự án này ngay từ đầu.
“Ở đất nước chúng tôi, người ta che dấu đi nhiều chuyện, không muốn thảo luận chúng,” ông nói.
“Nó là cơ sở của tất cả mọi thứ, cơ sở của nền kinh tế, nếu những người phụ nữ không thoải mái khi đi ra ngoài đường họ sẽ không thể làm công việc của mình như các đồng nghiệp nam giới khác.”
Một buổi chiều tháng Chín, Anila và các đồng nghiệp đã tụ tập trên vỉa hè bên ngoài trụ sở Radio99 để truyền bá thông điệp của họ trên đường phố. Họ đưa ra các truyền đơn nói “Đừng nhìn phụ nữ chằm chằm. Đó là vô đạo đức!” một xướng ngôn viên hét lên.
Sana Jaffry, một phụ nữ trẻ mặc một chiếc khăn trùm đầu màu hồng và đeo kính râm, cho biết dự án đã làm cô lên tinh thần vì cô thường bị xách nhiễu bởi những người đàn ông trên đường đi làm.
Cô nói: “Nền kinh tế của đất nước chúng ta tiếp tục thê thảm vì quá nhiều phụ nữ bị nhốt ở nhà để tránh bị sách nhiễu. Chiến dịch Radio99 là một bước đầu tiên. Tuy nhiên, để thực sự thay đổi mọi thứ vấn đề này phải được sự can thiệp của chính phủ”.
Gần đó, Ayyan Ali, một người đàn ông trẻ mặc trang phục truyền thống cương quyết chống lại.
Anh ta nói: “Phụ nữ là danh dự của cha mẹ. Nếu họ không mặc burqa bao trùm cơ thể, họ không thể khiếu nại nếu có ai đó đang nhìn chằm chằm vào họ”.
“Nếu họ đi ra ngoài trên đường phố trong trang phục không phù hợp, thì họ bị sách nhiễu là đáng”.
Theo Ali, hầu hết những người đàn ông Pakistan đều chia sẻ quan điểm của anh ta.
Phụ nữ ở Pakistan đối mặt với sự phân biệt rất lớn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Pakistan là đất nước đứng thứ 144 trong số 145 quốc gia về quyền bình đẳng giới tính.
Ansari hy vọng diễn đàn của cô có thể mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận về các vấn đề khác đối với phụ nữ và trẻ em gái như tệ nạn giết con vì danh dự gia đình, hôn nhân cưỡng ép, và cô dâu còn trẻ con.
Đối với luật sư và nhà bênh vực nữ quyền Rafia Zakaria, vấn đề quấy rối phụ nữ ngoài đường xuất phát từ thái độ khinh miệt phụ nữ và tệ nạn tranh ảnh khiêu dâm lan tràn trên Net.
Chọc ghẹo phụ nữ là một hành động đe dọa nhằm mục đích “đẩy phụ nữ ra khỏi các lĩnh vực của đời sống công cộng,” cô nói thêm rằng mục tiêu này đã được xác nhận bởi các giáo sĩ bảo thủ.
“Họ tin một cách sai lầm rằng đó là một yêu cầu của đạo Hồi”