Suy Niệm Chúa Nhật XXXII THƯỜNG NIÊN C

Nhóm Sađốc là những người không tin có sự sống lại. Họ đi ngược lại giáo huấn của Đức Giêsu. Vì thế, họ nghĩ ra một câu chuyện như chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay để chất vất Ngài: Ở đời này, một người phụ nữ lần lượt là vợ của bảy người đàn ông. Ở đời sau, người phụ nữ đó là vợ của ai? (x. Lc 20, 28-33).

Câu chuyện tuy không có thật nhưng làm cho người nghe cảm thấy thú vị. Đặc biệt, câu hỏi của người Sađốc đặt ra, làm cho người nghe cảm thấy tò mò, muốn biết câu trả lời của Đức Giêsu. Thực ra, nhóm Sađốc không có ý hỏi để biết, họ có ý bịa ra câu chuyện như thế nhằm mục đích thử Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng với câu hỏi của họ, Đức Giêsu sẽ thất thế. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho họ chưng hửng. Họ hỏi giả, Đức Giêsu trả lời thật. Câu trả lời của Đức Giêsu vén mở cho chúng ta biết thêm nhiều điều. Thứ nhất, Đức Giêsu chứng minh cho mọi người biết chết không phải là hết. Ngài nêu ra một đoạn trong sách Xuất hành mà nhóm Sađốc công nhận để chứng minh có sự sống lại. Đó là đoạn Kinh thánh kể lại, khi hiện ra với Maisen trong bụi gai đang cháy, Thiên Chúa đã tự xưng rằng: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp" (x. Xh 3,6). Thứ hai, Đức Giêsu cho mọi người biết cuộc sống ở thế giới bên kia khác với cuộc sống hiện tại: Những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì họ không cưới vợ lấy chồng; họ không chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần; họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại (x. Lc 20,35-36).

Không chỉ trong đoạn Tin mừng hôm nay Đức Giêsu mới đề cập tới vấn đề sự sống sau cái chết, nhưng cách này hay cách khác Ngài đã từng mạc khải về vấn đề này. Thật vậy, Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết qua các dụ ngôn: dụ ngôn người giàu có và Lazarô (x. Lc 16,19-26); dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 24-43); dụ ngôn về ngày phán xét (x. Mt 25, 31-46). Chính Ngài cũng đã tuyên bố với Maria rằng: "Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Khi còn sống, nhiều lần Ngài đã tiên báo về sự phục sinh của Ngài: “Con người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 9,22). Đúng như lời Ngài tiên báo, Tin Mừng thuật lại việc Ngài đã từ cõi chết sống lại và đã hiện ra với nhiều người trước khi lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Mt 28; Ga 20-21). Sách công vụ Tông đồ làm chứng rằng: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”(Cv 2,32; 10,41).

Giáo Hội cũng dựa vào giáo huấn của Đức Giêsu để dạy cho chúng ta biết rằng: con người có hai phần hồn xác. Xác là phần vật chất. Hồn là phần thiêng liêng. Khi còn sống trên trần gian này, hồn và xác luôn song hành với nhau. Nhưng, khi xác đã chết thì hồn và xác tách lìa nhau. Xác sẽ hư nát chờ ngày sống lại, còn hồn thì bất tử. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.” Niềm tin đó đã được các thánh xác tín một cách mạnh mẽ: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu trước khi hấp hối đã nói với chị em đang đứng xung quanh mình rằng: “Em không chết đâu, em đi vào cõi sống”; Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh tử đạo đã tuyên bố: “Kẻ trung thành với Đức Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên đàng.”

Có sự sống sau cái chết cũng là niềm tin của đa số con người qua mọi thời đại. Tại Việt Nam chúng ta, cách nào đó, người ta vẫn tin có sự sống đời sau. Họ cho rằng chết là trở về cội nguồn, vì “Sinh ký tử qui” (Hoài Nam Tử): sống gửi, chết về. Niềm tin đó được thể hiện qua việc họ kính nhớ những người đã khuất bằng cách: lập bàn thờ, lập bài vị, thắp hương, cúng vái, giỗ chạp…

Có sự sống đời sau cũng là niềm tin theo lẽ tự nhiên của con người. Bởi vì, nếu chết là hết thì cuộc đời này có ý nghĩa gì? Cần gì phải ăn ngay ở lành, cần gì phải làm phúc bố thí, cần gì phải sống công bằng, thành thật? Nếu chết là hết thì cần gì phải chấp nhận hy sinh đau khổ? Nếu chết là hết thì cần gì phải theo đạo, giữ đạo, sống đạo? Hay nói như Thánh Phaolô: “Nếu chết là hết, thì quả thật chúng ta là những kẻ đáng thương hơn ai hết” (x. 1Cr 15,19). Vì vậy, cần có đời sau thì cuộc sống đời này mới có ý nghĩa, cần có đời sau để thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng:” Có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt. Thánh Phaolô cũng cho biết, trong ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm (x. Rm 2,5- 6). Hơn nữa, con người luôn khát khao được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, nhưng ở đời này không bao giờ có được hạnh phúc ấy. Chính Thánh Augustinô đã thốt lên rằng: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa." Vì vậy, cần có hạnh phúc đời sau để thỏa mãn khát khao của con người.

Tóm lại, có sự sống sau cái chết, đó chính là giáo huấn của Đức Giêsu, là niềm tin của hầu hết nhân loại và đặc biệt là niềm tin của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở lời tuyên xưng niềm tin suông mà cần phải thực hành niềm tin đó trong cuộc sống bằng cách: luôn tỉnh thức sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan luôn cầm đèn cháy sáng trong tay (x. Mt 25, 1-13), hay như người đầy tớ luôn sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về (x. Mt 24, 42-44). Nghĩa là chúng ta luôn biết chu toàn bổn phận, xa tránh tội lỗi, nhất là tội nặng và làm nhiều việc lành phúc đức. Phải can đảm nói lên niềm tin của mình trước thử thách đau khổ, như bảy anh em mà sách Macabê kể lại trong bài đọc thứ nhất hôm nay rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn” (2 Mcb 7,14).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn nghĩ về cùng đích của đời mình, nhờ đó biết sống tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách sống tốt ở đời này để ngày sau được hưởng hạnh phúc trong nước Chúa. Amen

Lm. Anthony Trung Thành