Các quan tâm của Công Giáo về công chính hóa

119. Ngay trong thế kỷ mười sáu, đã có một sự hội tụ đáng kể giữa lập trường Luthêrô và lập trường Công Giáo liên quan đến sự cần thiết của lòng thương xót Thiên Chúa và sự bất lực của con người trong việc đạt được sự cứu rỗi bằng các nỗ lực riêng của họ. Công Đồng Trent dạy rõ ràng rằng người có tội không thể được công chính hóa bằng lề luật hoặc bằng nỗ lực của con người, khi phạt tuyệt thông bất cứ ai nói rằng "con người có thể được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa nhờ các việc mình làm, là những việc được thực hiện bằng các năng lực tự nhiên, hoặc qua lời giảng dạy của Lề Luật, và không cần ơn thánh của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô"(40).

120. Tuy nhiên, người Công Giáo thấy một số lập trường của Luther không ổn. Một số ngôn ngữ của Luther làm cho người Công Giáo lo lắng liệu có phải ông phủ nhận trách nhiệm bản thân đối với hành động của người ta hay không. Điều này giải thích tại sao Công Đồng Trent nhấn mạnh đến trách nhiệm và khả năng của con người hợp tác với ơn thánh của Thiên Chúa. Người Công Giáo nhấn mạnh rằng người được công chính hóa nên can dự vào diễn tiến của ơn thánh trong cuộc sống của họ. Bởi vậy, đối với người được công chính hóa, các nỗ lực của con người góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong ơn thánh và sự hiệp thông với Thiên Chúa.

121. Hơn nữa, theo cái hiểu Công Giáo, học lý "qui tội pháp lý" (forensic imputation) của Luther dường như phủ nhận sức mạnh sáng tạo của ơn thánh Thiên Chúa có thể vượt qua tội lỗi và biến đổi người được công chính hóa. Người Công Giáo muốn nhấn mạnh không những việc tha tội mà còn nhấn mạnh việc thánh hóa tội nhân nữa. Như vậy, trong việc thánh hóa, Kitô hữu lãnh nhận "công lý của Thiên Chúa" nhờ đó Thiên Chúa làm chúng ta thành công chính.

Cuộc đối thoại Luthêrô-Công Giáo về sự công chính hóa

122. Luther và các nhà cải cách khác hiểu học lý công chính hóa người tội lỗi như là "điều đầu tiên và chính yếu" (41) "hướng dẫn và phân xử mọi bộ phận khác của tín lý Kitô giáo" (42). Đó là lý do tại sao sự chia rẽ về điều này lại nghiêm trọng đến thế và công việc khắc phục sự chia rẽ này đã trở nên một vấn đề ưu tiên cao nhất đối với các liên hệ Công Giáo-Luthêrô. Trong hạ bán thế kỷ XX, cuộc tranh cãi này là chủ đề của nhiều cuộc điều tra sâu rộng bởi các nhà thần học cá nhân và một số cuộc đối thoại quốc gia và quốc tế.

123. Kết quả của các cuộc điều tra và đối thoại trên đây được tóm tắt trong Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa và, năm 1999, được Giáo Hội Công Giáo Rôma và Liên Minh Luthêrô Thế Giới Luthêrô chính thức công nhận. Trình thuật sau đây dựa trên Tuyên Bố này, một tuyên bố đưa ra một đồng thuận dị biệt hóa bao gồm các tuyên bố chung cùng với nhiều nhấn mạnh khác nhau của mỗi bên, vì cho rằng các khác biệt này không làm mất hiệu lực các điểm có chung. Do đó, đây là một sự đồng thuận không loại trừ các khác biệt, nhưng minh nhiên bao gồm chúng.

Nhờ ơn thánh mà thôi

124. Cùng nhau, người Công Giáo và người Luthêrô tuyên xưng rằng: "Nhờ ơn thánh mà thôi, trong đức tin vào công trình cứu rỗi của Chúa Kitô chứ không nhờ bất cứ công đức nào về phần chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân tâm hồn chúng ta trong khi trang bị và kêu gọi chúng ta làm việc lành"(JDDJ 15). Cụm từ "nhờ ơn thánh mà thôi" sau đó được giải thích thêm như thế này: "sứ điệp công chính hóa ... cho chúng ta biết rằng là những kẻ tội lỗi, cuộc sống mới của chúng ta hoàn toàn nhờ lòng thương xót đầy tha thứ và đổi mới mà Thiên Chúa thông ban như một ơn phúc và chúng ta tiếp nhận trong đức tin, chứ không bao giờ đáng công bất cứ cách nào "(JDDJ 17) (43).

125. Chính trong khuôn khổ này mà các giới hạn và phẩm giá của tự do con người có thể được nhận diện. Cụm từ "nhờ ơn thánh mà thôi" liên quan đến việc con người tiến tới sự cứu rỗi, được giải thích cách này: "Chúng tôi cùng nhau tuyên tín rằng mọi người đều phụ thuộc hoàn toàn vào ơn thánh cứu độ của Thiên Chúa mới được cứu rỗi. Sự tự do mà họ sở đắc trong tương quan với những con người và sự vật của thế giới này không hề là sự tự do trong tương quan với sự cứu rỗi "(JDDJ 19).

126. Tuy nhiên, khi người Luthêrô nhấn mạnh rằng con người chỉ có thể tiếp nhận sự công chính hóa, họ muốn hiểu điều này "loại bỏ bất cứ khả thể đóng góp nào vào sự công chính hóa chính họ, nhưng không phủ nhận rằng đích thân các tín hữu được can dự đầy đủ vào đức tin của họ, một việc can dự được chính Lời Thiên Chúa làm cho có hiệu lực" (JDDJ 21).

127. Khi người Công Giáo nói về việc chuẩn bị để tiếp nhận ơn thánh trong cụm từ "hợp tác", họ có ý muốn nói: điều này là "sự ưng thuận bản thân" của con người, tự nó vốn là "một hiệu quả của ơn thánh, chứ không phải là một hành động phát sinh từ các khả năng bẩm sinh của con người" (JDDJ 20) . Do đó, họ không làm mất hiệu lực của phát biểu chung này là: những người tội lỗi "không có khả năng tự chuyển hướng mình về Thiên Chúa để tìm sự giải thoát, xứng công được hưởng sự công chính hóa của họ trước mặt Thiên Chúa, hoặc đạt được sự cứu rỗi nhờ các khả năng của riêng mình. Sự công chính hóa chỉ diễn ra nhờ ơn thánh của Thiên Chúa mà thôi"(JDDJ 19).

128. Vì đức tin được hiểu không chỉ là kiến thức thực định (affirmative knowledge), nhưng cũng là sự tín thác của trái tim biết đặt căn cứ vào Lời Thiên Chúa, nên có thể tiếp tục nói chung rằng: "sự công chính hóa diễn ra 'nhờ ơn thánh mà thôi' (JD các số 15 và 16), nhờ đức tin mà thôi; con người được công chính hóa 'ngoài việc làm’(Rom 3:28, xem JD số 25)" (JDDJ, Phụ lục 2C) (44).

129. Điều thường bị phân rẽ và gán cho Tuyên Tín này hay Tuyên Tín nọ nhưng không cho cả hai Tuyên Tín nay được hiểu một cách mạch lạc có tính hữu cơ như sau: "Khi, nhờ đức tin, người ta tiến tới chỗ chia sẻ Chúa Kitô, thì Thiên Chúa không còn tính tội họ nữa và qua Chúa Thánh Thần, Người sẽ thực hiện trong họ một tình yêu tích cực. Hai khía cạnh của hành động nhân từ của Thiên Chúa này không hề tách biệt nhau"(JDDJ 22).

Đức tin và việc làm tốt

130. Điều quan trọng là người Luthêrô và người Công Giáo có quan điểm chung về cách nhìn sự cố kết của đức tin và việc làm: các tín hữu "đặt niềm tín thác của họ vào lời hứa nhân từ của Thiên Chúa bằng đức tin công chính hóa, một đức tin bao gồm lòng hy vọng vào Thiên Chúa và tình yêu đối với Người. Một đức tin như thế rất tích cực trong tình yêu và vì thế người Kitô hữu không thể và không nên tiếp tục không có việc làm (JDDJ 25)". Vì thế, người Luthêrô cũng tuyên xưng sức mạnh sáng tạo của ơn thánh Thiên Chúa, một sức mạnh "ảnh hưởng đến mọi chiều kích của con người và dẫn tới một cuộc sống hy vọng và yêu thương"(JDDJ 26). "Công chính hóa nhờ đức tin mà thôi" và "đổi mới" phải được phân biệt nhưng không được tách rời nhau.

131. Đồng thời, "bất cứ điều gì nơi người được công chính hóa có trước hoặc theo sau ơn phúc đức tin nhưng không đều không phải là cơ sở để được công chính hóa cũng như xứng công được nó" (JDDJ 25). Đó là lý do tại sao hiệu quả có tính sáng tạo mà người Công Giáo gán cho ơn thánh công chính hóa không có nghĩa là một phẩm tính không liên quan gì đến Thiên Chúa, hoặc là một "sở hữu nhân trần mà người ta có thể nại ra chống lại Thiên Chúa" (JDDJ 27). Đúng hơn, quan điểm này lưu ý tới việc trong mối liên hệ mới với Thiên Chúa, người chính trực được biến đổi và trở thành con cái Thiên Chúa được sống trong sự hiệp thông mới với Chúa Kitô: "Mối liên hệ bản thân mới mẻ này với Thiên Chúa hoàn toàn đặt cơ sở trên lòng nhân từ của Thiên Chúa và mãi mãi phụ thuộc vào việc làm cứu độ và sáng tạo của Thiên Chúa nhân từ, Đấng mãi chân thực với chính Người, đến nỗi ta có thể trông cậy nơi Người"(JDDJ 27).

132. Đối với vấn đề việc làm tốt, người Công Giáo và người Luthêrô cùng nhau tuyên bố: "Chúng tôi cũng tuyên xưng rằng các điều răn của Thiên Chúa duy trì tính giá trị của chúng đối với người được công chính hóa" (JDDJ 31). Chính Chúa Giêsu, cũng như các Thánh Tông Đồ, "khuyên răn các Kitô hữu phải đem lại các việc làm yêu thương", vốn "theo sau sự công chính hóa và là hoa trái của nó" (JDDJ 37). Để đòi hỏi có tính ràng buộc của các điều răn không bị hiểu lầm, phải nói điều này: "Khi người Công Giáo nhấn mạnh rằng người chính trực bị buộc phải tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, qua điều này, họ không phủ nhận rằng nhờ Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đầy thương xót hứa cho các con cái Người ơn được sống đời đời "(JDDJ 33).

133. Cả người Luthêrô lẫn người Công Giáo đều có thể nhận ra giá trị của việc làm tốt nhằm thâm hậu hóa sự hiệp thông với Chúa Kitô (x JDDJ 38f.), dù cho người Luthêrô nhấn mạnh rằng sự chính trực, hiểu như việc được Thiên Chúa chấp nhận và được chia sẻ sự chính trực của Chúa Kitô, là điều luôn luôn đầy đủ. Khái niệm công đức gây tranh cãi được giải thích như sau: "Khi người Công Giáo khẳng định đặc tính 'công đức' của việc làm tốt, họ muốn nói rằng, theo các nhân chứng trong Thánh Kinh, phần thưởng trên thiên đàng đã được hứa cho các việc làm này. Ý của họ là để nhấn mạnh tính trách nhiệm của người ta đối với các hành động của họ, chứ không tranh cãi đặc tính của những việc làm như ơn phúc, càng không bác bỏ điều này: sự công chính hóa vẫn luôn là một việc ban ơn thánh nhưng không"(JDDJ 38).

134. Đối với câu hỏi được nhiều người thảo luận về sự hợp tác của con người, trích dẫn sau đây của các Tuyên Tín Luthêrô rút ra từ Phụ Lục của Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa như một lập trường chung rất đáng chú ý: "Cách hành động của ơn thánh Thiên Chúa không loại trừ hành động của con người: Thiên Chúa thực hiện mọi sự, cả ý muốn lẫn thành tựu, do đó, chúng ta được mời gọi phấn đấu (cf Phil 2:12 ff.). ‘Ngay khi Chúa Thánh Thần khởi xướng việc tái sinh và đổi mới của Người trong chúng ta qua Lời Chúa và các bí tích thánh, điều chắc chắn là chúng ta có thể và phải hợp tác nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần .... '" (45)

Vừa là người công chính vừa là người tội lỗi cùng một lúc (Simul iustus et peccator)

135. Trong cuộc tranh luận về sự khác biệt khi nói rằng người Kitô hữu "cùng một lúc là người được công chính hóa và là một người tội lỗi", người ta đã được minh chứng rằng mỗi bên không hiểu chính xác cùng một điều như nhau qua các từ ngữ "tội lỗi", "tư dục", và "công chính". Điều cần thiết là phải tập trung không những chỉ vào công thức mà còn cả vào nội dung nữa mới đạt đến một sự đồng thuận. Với các đoạn thư Rôma 06:12 và 2 Côrintô 5:17, người Công Giáo và người Luthêrô nói rằng, nơi các Kitô hữu, tội lỗi không được và không nên thống trị. Họ cũng tuyên bố với đoạn thư 1 Gioan 1: 8-10 rằng các Kitô hữu không phải là không có tội. Họ nói tới việc "sự mâu thuẫn với Thiên Chúa bên trong các ham muốn ích kỷ của Adam cũ", hiện diện cả nơi người được công chính hóa, khiến cho một "cuộc chiến đấu suốt đời" chống lại nó trở thành cần thiết (JDDJ 28).

136. Xu hướng trên không tương hợp với "kế sách nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho nhân loại", và nó "mâu thuẫn một cách khách quan đối với Thiên Chúa" (JDDJ 30), như người Công Giáo vốn nói. Đối với họ, vì tội lỗi có đặc tính của một hành vi, nên người Công Giáo không nói đến tội lỗi ở đây, trong khi người Luthêrô thấy trong xu hướng mâu thuẫn với của Thiên Chúa này có một sự từ chối hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và do đó gọi nó là tội lỗi. Nhưng cả hai đều nhấn mạnh rằng xu hướng mâu thuẫn với Thiên Chúa này không tách người được công chính hóa ra khỏi Thiên Chúa.

137. Theo các giả định trong hệ thống thần học của ngài và sau khi nghiên cứu các tác phẩm của Luther, Đức Hồng Y Cajetan kết luận rằng cái hiểu của Luther về sự đảm bảo của đức tin ngụ ý thiết lập ra một Giáo Hội mới. Cuộc đối thoại Công Giáo-Luthêrô đã nhận diện được các hình thức tư tưởng khác nhau của Cajetan và của Luther khiến dẫn tới việc họ hiểu lầm nhau. Ngày nay, người ta có thể nói: "Người Công Giáo có thể chia sẻ mối quan tâm của các nhà cải cách trong việc đặt cơ sở cho đức tin trong thực tại khách quan của lời Chúa Kitô hứa hẹn, trong việc quay mặt khỏi kinh nghiệm của chính mình, và tín thác vào một mình lời tha thứ của Chúa Kitô mà thôi (xem Mt 16:19; 18:18)" (JDDJ 36).

138. Người Luthêrô và người Công Giáo đã rơi vào trạng huống: Tuyên Tín này lên án giáo huấn của Tuyên Tín kia. Do đó, sự đồng thuận dị biệt hóa như đã được trình bầy trong Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa chứa đựng hai khía cạnh. Một mặt, Tuyên Bố cho rằng các việc bác bỏ hỗ tương giáo huấn của Công Giáo và Luthêrô như đã được mô tả ở đây không áp dụng cho Tuyên Tín kia. Mặt khác, Tuyên Bố tích cực khẳng định có sự đồng thuận đối với các chân lý cơ bản về học lý công chính hóa: "Cái hiểu đối với học lý công chính hóa trình bầy trong bản Tuyên Bố này cho thấy có sự đồng thuận trong các chân lý cơ bản của học lý công chính hóa giữa người Luthêrô và người Công Giáo" (JDDJ 40).

139. "Dưới ánh sáng sự đồng thuận này, các khác biệt còn lại về ngôn ngữ, về khai triển thần học, và về sự nhấn mạnh để hiểu sự công chính hóa là những điều có thể chấp nhận được. Bởi thế, các giải thích khác biệt của người Luthêrô và của người Công Giáo về công chính hóa là những điểm bỏ ngỏ đối với nhau chứ không phá hủy sự đồng thuận về những chân lý cơ bản"(JDDJ 40). "Do đó, các kết án về tín lý của thế kỷ thứ mười sáu, liên quan đến học lý công chính hóa, nay đã xuất hiện dưới một ánh sáng mới: Giáo huấn của các Giáo Hội Luthêrô trình bày trong Tuyên Bố này không còn nằm dưới các kết án của Công Đồng Trent nữa. Các kết án trong các Tuyên Tín Luthêrô không còn áp dụng vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo Rôma trình bày trong Tuyên Bố này nữa"(JDDJ 41). Đây là một đáp ứng rất đáng chú ý đối với các tranh chấp về học lý này, từng kéo dài gần nửa thiên niên kỷ nay.

Kỳ sau: Chương IV (tiếp theo): Phép Thánh Thể