BÀ GIOANNA, MẸ CỦA CHÂN PHƯỚC ANRÊ, LÀ GƯƠNG MẪU CỦA CÁC BÀ MẸ GIA ĐÌNH

Theo sử liệu còn để lại, chúng ta biết về Anrê mở mắt chào đời vào năm 1625, đời Vua Lê Thần Tôn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cai trị xứ Nam (Đàng Trong) năm thứ 12. Sinh quán của Anrê là họ Lò Giấy, làng Long Uyên, giáo xứ Mằng Lăng, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sử liệu cũng cho biết Anrê thuộc gia đình đông con, Anrê là con út. Ông thân sinh mất sớm, Anrê sống với mẹ và các anh chị (1). Anrê được Cha Đắc Lộ ban Bí Tích Rửa Tội năm 1641 cùng với 90 người tân tòng khác. Lúc đó Anrê đã 15 tuổi trọn (2). Cũng từ đó Anrê được cha Đắc Lộ hướng dẫn và dấn thân làm việc tông đồ với cha. Vì thế, Anrê là một trong những thầy giảng đầu tiên do các cha Dòng Tên đào tạo. Thầy Anrê làm việc tông đồ hăng say, đầy niềm tin và tinh thần tận hiến. Tuy còn trẻ, Thầy được bề trên tín nhiệm, anh em quý mến và giáo dân ái mộ. Phải chăng lòng nhiệt thành tông đồ đó đã dẫn Thầy Anrê đến phúc tử đạo! Chưa đầy ba năm truyền giáo, Thầy Anrê bị bắt và chịu chém đầu một cách anh dũng năm 1644, khi chưa tròn 19 tuổi xuân (3).

Thầy Giảng Anrê, người tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam nay được Giáo Hội tuyên phong chân phước, là thành quả của ơn Chúa tuôn đổ xuống trước tiên qua thân mẫu của ngài là bà Gioanna. Như bao nhiêu vị thánh, chân phước Anrê có thể hãnh diện khẳng định rằng: “Tôi đã bú lấy đức tin từ trong sữa mẹ của tôi”.

Quả vậy, theo sử liệu, bà Gioanna thuộc dòng tộc quý phái. Bà là một trong những bông lúa đầu mùa của các Cha Dòng Tên. Có lẽ bà đã được học đạo bởi một linh mục truyền giáo Dòng Tên người Bồ Đào Nha dạy đạo. Vì thế, bà mang tên thánh Juana, đọc qua tiếng Việt là Gioanna. Khi được rửa tội bà đã sống một đời sống đạo đức, bác ái gương mẫu, ảnh hưởng nhiều tới Thầy Anrê, là người con trai út. Người con trai này “đã bú lấy đức tin từ trong sữa của bà” (4).

Nói được như vậy bởi vì Bà là người đã hun đúc đức tin cho Anrê, đã dâng Anrê cho Chúa và Giáo Hội qua bí tích Rửa tội (1641), đã chăm lo cho Anrê học giáo lý, sống đạo, gần gũi các cha thừa sai, đặc biệt với cha Đắc Lộ. Chắc chắn cũng nhờ sự quan tâm mẫu tử của bà mà Anrê đã được ơn gọi làm Thầy Giảng. Và khi đã thành cán bộ truyền giáo, Anrê chắc chắn lại được bà Gioanna theo dõi, nâng đỡ, cộng tác về mọi mặt.

Về tinh thần: cầu nguyện mỗi ngày, khích lệ khi biết Anrê vất vả, gặp khó khăn an ủi khi biết Anrê cực lòng nản chí.…

Về vật chất: lo cơm ăn, áo mặc, tiền bạc hằng ngày dùng đủ cho bản thân; lo giúp Anrê đủ điều kiện cần thiết để làm việc tông đồ, giúp đỡ các tân tòng, các gia đình hay các địa điểm truyền giáo mới; cũng như quan tâm đến chính cộng đoàn nhỏ bé và non trẻ của các Thầy giảng, đặc biệt trong thời gian vắng bóng cha Đắc Lộ, hay các thừa sai.

Bà Gioanna còn tận tình giúp các linh mục thừa sai trong những công trình truyền giáo, xây dựng các họ đạo mới. Bởi lẽ nhờ lòng đạo đức, nhờ đức tin, bà biết dùng những ảnh hưởng của gia đình quý phái để mở Nước Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Những suy nghĩ trên đây của chúng ta được khẳng định bằng những sự kiện lịch sử còn ghi lại về đời sống của bà Gioanna:

“Bà Gioanna, thân mẫu của Thầy Giảng Anrê mai sau, cũng là một giáo hữu rất nhân đức của họ Phú Yên”. “Bà rất chăm sóc cho việc giáo dục Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”. Quả thực, mặc dầu góa chồng và đông con, “bà đã lo cho cậu, ngay từ những năm đầu, được học chữ nghĩa kinh sử”, chuẩn bị vốn liếng nhân bản và văn hóa cho người tông đồ mai sau (5).

Trong thư viết năm 1641 để bá cáo cùng cha Bề trên cả Cardim, cha Đắc Lộ không nói gì đến cuộc tòng giáo của Anrê, vì lúc ấy Anrê chỉ là một thiếu niên thường như mọi thiếu niên khác, nào có đáng kể gì. Nhưng sau này, khi tường thuật cuộc tử đạo oanh liệt của Thày Giảng Anrê, giáo sĩ xác nhận rằng: “đúng ba năm trước khi chết, Thầy đã được thân mẫu dẫn đến với tôi và tôi đã có diễm phúc rửa tội cho Thầy” (6).

Sau khi được rửa tội vào khoảng tháng 5, năm 1641, thiếu niên Anrê vẫn ở nhà với mẹ. Trước kia bà chăm sóc dạy dỗ con, thì từ lúc con vào đạo, bà lại càng chăm sóc hơn nữa. Nhờ đó mà Anrê sớm có căn bản đạo đức. Cha Đắc Lộ viết: “Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép rửa tội chưa lâu, Thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong thời gian ngắn, đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới” … Chẳng bao lâu trong thâm tâm, Anrê được nghe tiếng gọi thiêng liêng: Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên này nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”(7).

Theo Cha Phan Phát Huồn, tại Quảng Nam, Cha Buzomi, một thừa sai hiền lành, ăn nói có duyên, được dân chúng rất mực yêu mến. Khi cha ngỏ ý muốn dựng một nhà thờ, thì chính bà Gioanna đã rộng rãi, chịu hết mọi phí tổn giúp cha, không những dựng nhà thờ, mà còn dựng thêm một nhà khác để làm nơi cha dạy giáo lý và trú thân khi cần thiết (8).

Ngay sau khi vào đạo, bà Gioanna đã nhiệt thành làm việc tông đồ. Chính bà đã chinh phục được một người anh đã 74 tuổi làm quan lớn một vùng không xa Hội An theo đạo. Rồi bà đã dẫn các cha thừa sai đến tận nhà dạy đạo cho ông anh. Cũng nhờ đó, các cha dạy thêm được nhiều người khác nữa (9).

Theo Cha Đắc Lộ, lúc bà Gioanna dẫn đứa con 15 tuổi đến cho cha rửa tội, bà có ngờ đâu con của bà “ngoài ơn Thánh Tẩy bằng nước, lại được Đức Chúa Trời ban ơn Thánh Tẩy bằng máu” (10). Con bà đã chết vì Chúa như thánh Anrê vậy.

Từ gương sáng của bà Gioanna, góa phụ, thân mẫu của Thày Giảng Chân Phước Anrê Phú Yên, chúng ta có thể chia sẻ mấy điểm sau đây:

Từ gương sáng của bà Gioanna, chúng ta đào sâu giáo huấn, của Công Đồng dạy: “Cha mẹ là những người đầu tiên thông truyền cho con cái đức tin và những gương mẫu nhân đức sống động, đặc biệt là đức tin” ( GH 11,44; TD, 30,31).

Từ gương sáng của bà Gioanna, chúng ta suy tư và ứng dụng vào đời sống thực tế lời dạy sau đây của Công Đồng: “ Cha mẹ là những người đầu tiên phải cổ vũ ơn gọi riêng của từng đứa con và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn gọi làm linh mục” (GH 11). “Cha mẹ phải hướng dẫn con cái ý thức về ơn gọi của mình và về nhiệm vụ làm việc tông đồ” (GD 2).

Từ gương sáng của bà Gioanna, chúng ta chia sẻ và tự vấn để sống tốt hơn lời nhắn nhủ của Công Đồng về tinh thân truyền giáo:”Tất cả con cái Giáo Hội phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào việc truyền giảng Phúc Âm… Mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu…” (TG 36).


“Cây lành sinh trái ngọt”, Hữu xạ tự nhiên hương”, “Lời nói bay đi, gương lành thu hút”, là những câu tục ngữ Việt Nam đầy ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa ấy sáng ngời trong đời sống làm mẹ trọn vẹn của bà Gioanna đối với người con út Anrê Phú Yên. Người viết bài này muốn mượn lấy những câu tục ngữ trên đây như những cầu chúc chân thành gửi đến Quý Phụ Huynh. Xin Chân Phước Anrê và thân mẫu Gioanna cầu cho chúng ta.

Chú thích

(1) PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Người chứng thứ nhất, Sài Gòn 1959, tr. 39-40.

(2) PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sd, tr. 53.

(3) NGUYỄN HỒNG, Lịch sử truyền giáo Việt Nam, Sài Gòn 1959, tr. 178.

(4) NGUYỄN KHẮC XUYÊN, Để hiểu lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVI, I, Ánh sáng publishing, 1994, ( Hoa Kỳ), tr. 10-12; PHẠM ĐÌNH KHIÊM, SD, TR. 46-47.

(5) PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sd, tr. 52.

(6) PHẠM ĐÌNH KHIÊM, sd, tr. 56.

(7) ALEXANDER DE RHODES, La Glorieuse Mort d’ Andre’, Catéchiste de la Cochinchine, Paris, 1653,tr. 76.

(8) PHAN PHÁT HUỒN, Việt Nam Giáo Sử, I, Sài Gòn, 1965, tr. 48.

(9) NGUYỄN KHẴC XUYÊN, sd, tr. 12.

(10) DE RHODES, sd,tr. 3.