Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên C

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ dùng lọai “tiền cho đi” thôi. Ông có không?

Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ “tiền lấy vào.” Ở đây không dùng được.

- Thế “tiền cho đi” là tiền gì?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại “tiền cho đi.”

Ông nhà giầu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại “tiền cho đi” cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu phần nào giáo huấn của Đức Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay về vấn đề tiền bạc. Tiền bạc là một phương tiện thanh toán để giúp con người trao đổi với nhau trong cuộc sống. Con người có nhiệm vụ quản lý tiền bạc và chỉ quản lý trong một thời gian nào đó. Nếu coi tiền bạc như tên đầy tớ thì tiền bạc sẽ đem lại lợi ích cho con người. Còn nếu coi tiền bạc như ông chủ thì tiền bạc sẽ làm hại con người, vì “không ai làm tôi hai chủ.”

Chúng ta có được tiền bạc do nhiều cách: Có những thứ đồng tiền do mồ hôi nước mắt chúng ta làm ra; có những thứ đồng tiền do chúng ta thừa kế của tổ tiên ông bà cha mẹ để lại; có những thứ đồng tiền do người thân, bạn bè, những mạnh thường quân giúp đỡ chúng ta; có những thứ đồng tiền do làm ăn bất chính, tham ô tham nhũng mà có…Đối với những đồng tiền chúng ta có được một cách hợp pháp, chúng ta phải sử dụng nó một cách tốt nhất. Hãy dùng nó để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình và gia đình mình; hãy dùng nó để giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó, đui mù, què quặt. Sách châm ngôn dạy: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17). Đó là những đồng “tiền cho đi.”

Còn đối với những đồng tiền chúng ta có được do lỗi đức công bằng: Trộm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hay là tham lam của công... Những thứ đồng tiền này, chúng ta phải đền trả. Phải đền trả cho ai? Giáo lý dạy rằng: Phải đền trả cho chủ của. Nếu người ấy đã chết hoặc mất tích thì phải đền trả cho con cháu hoặc người thừa kế của họ. Nếu không biết đền trả cho ai thì phải dùng tiền của ấy vào những công việc từ thiện, bác ái. Về vấn đề này, chúng ta có thể học tập gương của ông Giakêu trong Tin mừng theo Thánh Luca. Sau khi gặp được Đức Giêsu, ông Giakêu tuyên bố: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Chính vì thế, Đức Giêsu muốn chúng ta học sự khôn khéo của người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài không khen hành vi bất chính của anh ta, nhưng Ngài khen cái khôn khéo của anh ta: Biết lo cho tương lai. Nghĩa là, Ngài muốn mỗi người Kitô hữu chúng ta phải biết học tập sự khôn khéo đó để lo cho phần rỗi đời đời của mình. Đó chính là biết “dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”(Lc 16,9). Làm được như vậy, chúng ta cũng có được những đồng “tiền cho đi.”

Dẫu biết rằng, tiền của chỉ là phương tiện, là tên đầy tớ, nhưng đáng tiếc là thời nào cũng vậy, vẫn có những người nhân cách hóa đồng tiền, thậm chí có những người siêu nhiên hóa đồng tiền. Họ cho rằng: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người”; “có tiền mua tiên cũng được.” Người ta quá coi trọng đồng tiền. Người ta nâng đồng tiền lên thành ông chủ, thành Tiên, thành Phật. Người ta dùng đồng tiền để mua quyền lực, dùng đồng tiền để thay đổi cả lòng người, dùng đồng tiền để làm những điều bất chính. Thi sĩ Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã phải thú nhận:

Trong tay đã có đồng tiền,

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chua xót nói rằng:

Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,

Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.

Vì đồng tiền mà người ta có thể bất chấp đạo lý làm người cũng như làm con Thiên Chúa. Hành động của Giuđa cho chúng ta thấy điều đó: Vì 30 đồng bạc mà ông đã bán đứng thầy mình. Nhìn vào thực tế cuộc sống hôm nay chúng ta vẫn thấy: Vì đồng tiền mà cha mẹ con cái, anh chị em ruột thịt bỏ nhau; vì đồng tiền mà không còn tình nghĩa vợ chồng; vì đồng tiền mà người ta chém giết lẫn nhau, không còn tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bè bạn... Như vậy, vì tiền mà phải bán Chúa, vì tiền mà phải cắt đứt tình thân. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được" (Lc 16,13).

Tóm lại, tiền bạc chỉ là phương tiện thanh toán. Con người chỉ quản lý nó trong một thời gian. Trong thời gian được giao quản lý tiền bạc, con người cần phải làm thế nào để đồng tiền mình quản lý có ý nghĩa. Đồng tiền có ý nghĩa nhất là đồng tiền cho đi. Những đồng tiền cho đi là những đồng tiền còn, những đồng tiền giữ lại là những đồng tiền mất.

Xin Chúa cho tất cả mỗi người chúng ta luôn biết kiếm tiền một cách hợp pháp, biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, để có được nhiều đồng tiền cho đi. Đặc biệt, xin Chúa cho chúng ta đừng vì đồng tiền mà đánh mất tình Chúa, tình người. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành