350 triệu cử tri trong 25 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu được mời gọi xử dụng lá phiếu để tuyển chọn 732 Dân biểu Nghị viện Âu châu. Tùy theo Luật Bầu cử của từng quốc gia, 25 cuộc tuyển cử được tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 6 năm 2004. Ðối với cử tri 10 nước vừa gia nhập Liên hiệp Âu châu ngày 01.05.2004 thì đây là lần đầu tiên họ tham gia việc lựa chọn đại biểu cho nước mình tại Nghị viện Âu châu.

Tuy là cơ quan duy nhất trực tiếp do dân bầu, nhưng Nghị viện chỉ có những quyền rất giới hạn do các Hiệp ước Maastricht và Amsterdam qui định:

1. Về ngân sách, Nghị viện có quyền tu chính các chi tiêu không bó buộc (1/3 ngân sách soạn thảo bởi Ủy Ban và biểu quyết bởi Hội Ðồng Tổng Trưởng). Ðối với các chi tiêu bó buộc, Nghị viện cũng chỉ có thể đề nghị những thay đổi, nhất là về Chính sách Nông nghiệp chung, nhưng chính Hội đồng Âu châu có quyết đ ịnh chung thẩm. Tuy nhiên, vào tháng chạp hằng năm, Nghị viện Âu châu, khi biểu quyết Ngân sách tài khóa tới, các dân biểu Âu châu có thể bác bỏ toàn thể Ngân sách dự trù.

2. Khi làm luật, Hội đồng Tổng trưởng cần phải có sự đồng thuận (codécision) của Nghị viện. Về quyền lập pháp, Nghị viện Âu châu hành xử quyền nầy theo bốn thủ tục khác nhau :

a) tham vấn thường (consultation simple): Nghị viện Âu châu cho ý kiến (thí dụ: về việc ấn định giá nông sản);

b) thủ tục hợp tác (procédure de coopération): nếu ý kiến không được chấp nhận bởi Hội đồng Tổng trưởng, Nghị viện có thể bác bỏ đề nghị trong lần biểu quyết lần thứ hai. Tuy nhiên, Hội đồng Tổng trưởng vẫn có thể thắng chung cuộc, bằng đầu phiếu toàn thuận 100%;

c) thủ tục đồng thuận (procédure de codécision) : nếu Hội đồng Tổng trưởng không tôn trọng ý kiến của Nghị viện Âu châu trong quyết định chung thì Nghị viện có thể ngăn cản sự thông qua đề nghị luật. Thỏa ước Amsterdam (có hiệu lực từ 01.05.1999) đã mở rộng việc áp dụng thủ tục nầy trên khoảng 40 lãnh vực khác nhau :

d) tham vấn tính hợp lệ (avis conforme) của Nghị viện Âu châu trong việc hình thành các thỏa hiệp song phương với các quốc gia không là thành viên Liên hiệp Âu châu và với những quốc gia xin gia nhập Liên hiệp. Theo Thỏa hiệp Nice (01.02.2003), sự tham vấn tính hợp lệ cần thiết trong lãnh vực mà sự đồng thuận đòi hỏi.

3. Ðể kiểm soát chánh trị đối với các cơ chế Liên hiệp Âu châu :

- Thảo luận và biểu quyết các Nghị quyết (résolutions);

- Nghị viện có quyền chất vấn và chế tài Ủy Ban với đa số cần thiết 2/3.

- Ðặt những câu hỏi viết hay nói cho Ủy Ban, Hội đồng Tổng trưởng…

- Chuẩn nhận việc bổ nhiệm Chủ tịch Ủy Ban Âu châu;

Ngoài ra, các dân biểu cũng có quyền đưa ra các đề nghị luật.

Trong tương lai, khi Hiến pháp mới của Liên Hiệp Châu Âu được thành hình thì Nghị viện Âu châu sẽ có thêm quyền hành.

Nghị Viện Âu châu sẽ được bầu nhân dịp nầy, số dân biểu sẽ tăng từ 626 lên 732 và được chia như sau giữa các Quốc gia thành viên, theo dân số : Ðức (99), Anh, Pháp, Ý (78 mỗi nước), Tây ban nha, Ba-lan (54), Hoà lan (27), Bỉ, Hy lạp, Bồ đào nha, Hung-gia-lợi, Cộng-hòa Tiệp-khắc (24), Thụy điển (19), Áo (18), Ðan mạch, Phần lan, Slovaquie (14), Ái nhĩ lan, Lituanie (13), Lettonie (9), Slovénie (7), Chypre, Estonie, Lục-xâm-bảo (6) và Malte (5).

Nghị Viện Âu châu sử dụng 9 ngôn ngữ, họp khoáng đại một tuần mỗi tháng tại Strasbourg. Ngoài ra, còn vài phiên họp thu hẹp trong năm tại Bruxelles và văn phòng tại Luxembourg. Giữa các phiên họp hằng tháng, hai tuần được dành để họp các Ủy ban thường trực và một tuần họp nhóm tại Bruxelles

Dân biểu Nghị viện Âu châu được bầu cho một nhiệm kỳ 5 năm. Lương bổng được hưởng như các Dân biểu của quốc gia mình đang hưởng. Bởi thế có những chênh lệch Lương bổng, phụ cấp rất lớn giữa các Dân biểu đến từ Tây Âu và Trung hay Ðông Âu.

Tỉ lệ đi bầu từ lần đầu 69% số người ghi danh (1979) đã giảm xuống còn 49,4% (lần cuối năm 1999). Lần nầy, các Viện thăm dò dư luận tiên đoán chừng 50% số người ghi danh sẽ tham gia bầu cử.