Sống vui, sống khỏe, sống lâu,
Ngày qua tháng tới, nguyện cầu bình an.


Thượng Đế trao ban cho các loài thụ tạo được ơn sự sống. Sự sống là một mầu nhiệm. Mọi loài có sự sống đều có sinh, có tử. Có lúc khởi đầu và có lúc kết thúc. Không một loài thụ tạo nào sống mãi trên trần đời. Đời sống và sự tồn tại của mỗi loài đều khác biệt. Sự lưu truyền giống nòi cũng là một bí ẩn thẳm sâu. Từ tạo thiên lập địa, các loài sinh vật cứ tiếp nối truyền sinh và bảo tồn bản năng tự nhiên.

Loài người là thụ tạo cao quý được Tạo Hóa trao ban khả năng phát triển. Qua bao thời đại, con người đều cố gắng tìm tòi ý nghĩa, khám phá canh tân và mong đạt ước mơ. Làm sao chúng ta có thể sống vui, sống khỏe và sống lâu? Nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) đã viết bài hát mang tên (60 Năm Cuộc Đời): “Em ơi, có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu. 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi. 20 năm cuối là bao!” Khi tới tuổi 60 thì được lên hàng ‘cụ’, vào lục tuần. Tuổi của sự hưởng lạc, nghỉ ngơi và an vui bên đàn con lũ cháu.

Tuổi thọ trung bình của con người là 70. Trong Sách Cựu Ước, Thánh Vịnh 90 đã nhắc nhở mọi người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90, 10). Thực tế cuộc sống không như chúng ta vẫn mong đợi. Dọc cuộc đời, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu người đã ra đi từ tuổi: Sơ sinh, trẻ thơ, thiếu niên, thanh niên, trung niên, cao niên và lão niên. Cái chết, kết cục cuộc sống, có thể đến với bất cứ ai trong bất cứ lứa tuổi nào.

Thời gian thấm thoát qua mau. Một vài suy tư cho những ai đang bước vào lục tuần, tuổi 60. Nhìn lại những thế hệ trẻ theo sau, các cụ ta đã và đang bị đôn lên hàng đầu. Hiện nay, số người đang sinh sống trên thế giới là khoảng 7 tỉ 4. Chỉ có 12% số người đang sống từ 60 tuổi trở lên. Có nghĩa là khoảng 810 triệu số người đang được hưởng thọ. Những cụ ông, cụ bà bước vào lục tuần chẳng còn bao nhiêu người. Các cụ chỉ còn 10 năm, 20 năm hay cố lắm là 30 năm để sống trên trần đời.

Ngắn quá phải không các bạn! Chúng ta mong mỏi bước lên tuổi 50, rồi 60 và từ đó sẽ đổ dốc. Hãy tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, để đi trọn cuộc lữ hành trần thế. Còn 10 hay 20 năm nữa thôi, chúng ta cần phải làm gì? Hãy sống từng phút giây trong an vui hạnh phúc và khỏe mạnh. Rất ý nghĩa khi tác giả Dale Carnegie gợi ý trong Tác Phẩm “How To Stop Worrying And Start Living”, ‘Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống’.

Chúng ta lo toan đã nhiều. Chúng ta đã bon chen, lao lực, tranh dành và phấn đấu để sở hữu được nhiều thứ: Tiền bạc, của cải, tiếng tăm, danh dự, danh xưng, quyền lực và ảnh hưởng…tất cả mọi thứ cũng dần khép lại. Trên tuổi 60, nếu còn được chỗ đứng trong xã hội và sức khỏe kiện toàn là một hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng tất cả những thành qủa này cũng chẳng còn kéo dài được bao lâu nữa. Hãy biết tận dụng những gì bạn đang sở hữu để sinh ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Dùng thời gian quý báu này để dựng xây và đem niềm an vui hoan lạc cho cuộc sống.

Bước vào tuổi 60, sẽ có nhiều đổi thay cả thân xác lẫn tinh thần. Các triệu chứng bệnh hoạn bắt đầu nẩy sinh, đau lưng nhức mỏi, thấp khớp, mắt mờ, tai lãng, cao máu, cao mỡ, lục phủ ngũ tạng bắt đầu có triệu chứng và châu thân mệt mỏi…. Tinh thần có thể còn tinh anh, kinh nghiệm từng trải, suy nghĩ thâm sâu và ý kiến khôn ngoan, nhưng cũng có thể trở thành cố chấp, thiên kiến và lập dị. Cha ông thường nói: ‘Ông bảy mươi học ông bảy mốt’, điều này rất đúng. Ai cũng cần phải học hỏi thêm mỗi ngày. Càng có tuổi, càng phải lắng nghe.

Trong thời đại văn minh kỹ thuật tiến bộ ngày nay, cuộc sống có nhiều bước đột phá. Người trẻ thời nay rất linh hoạt và nhạy bén về nhiều mặt trong sinh hoạt. Họ rất dễ dàng thành công và gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp. Thế hệ cha ông phải lăn lưng ra sức làm lụng cực khổ để xây dựng gia đình và lo cho con cái. Giới trẻ ngày nay mau lẹ gia nhập cuộc sống và dễ dàng hoàn tất tốt các nhu cầu cần có. Các cha mẹ ngoài 60, đừng lo lắng quá nhiều về phần vật chất cho tương lai của con cái. Con cái có dư khả năng để tự lo liệu cho cuộc sống riêng tư. Cha mẹ cũng đừng mong chờ nơi con cái nhiều về sự chăm nom, thăm viếng hay giúp đỡ.

Chúng ta hãy cố gắng gìn giữ sức khỏe. Niềm an vui hạnh phúc là chúng ta còn có thể lo được cho chính bản thân mình và không lệ thuộc nhiều vào con cái. Khi chúng ta có chút vốn riêng tư và đủ tiền tiêu hằng ngày là quá sung sướng rồi. Về già, nhà cao cửa rộng cũng không giúp ích gì cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần một căn phòng nho nhỏ đây đủ tiện nghi là mãn nguyện lắm rồi. Sau nhiều năm tháng làm lụng vất vả và gom góp tiền của, đã đến lúc chúng ta có thể tiêu xài và chia xẻ. Sống vui và sống khỏe là quan trọng. Khi tâm hồn lạc an thì sức khỏe sẽ ổn định và chúng ta có thể sống lâu hơn một chút.

Chúng ta không nên so sánh và đua đòi với ai khác. Mỗi cá nhân và mỗi gia đình đều có những khác biệt riêng tư cần trân trọng. Chúng ta an vui tự tại với hoàn cảnh cuộc sống của mình. Đời sống có là bao! Mười năm, hai mươi năm hay hơn chút nữa, rồi ai cũng phải ra đi. Bạn đâu còn biết sự gì lưu lại trên thế gian. Chỉ có dấu ấn tình yêu nơi lòng người sẽ tồn tại. Lòng nhân nghĩa và đức ái sẽ được khắc ghi. Thời gian mãi trôi, mọi thứ khác sẽ đi vào dĩ vãng.

Mỗi ngày sống là một ngày hồng ân. Chúng ta cố gắng hưởng trọn từng phút giây trong cuộc đời. Sống an hòa với mọi người. Xây dựng tình thân hữu, thêm bạn bớt thù. Sống niềm vui tích cực. Chúng ta cố gắng tránh đi những sự hận thù, hờn dỗi, ganh tị và thù ghét. Thái độ tiêu cực chỉ làm hại đời của chúng ta. Nó giống như những con vi khuẩn sói mòn niềm vui, sức khỏe và cuộc sống của chúng ta.

Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được sống tới ngày hôm nay. Giây phút hiện tại là qùa tặng nhưng không. Chúng ta hãy đón nhận với lòng biết ơn và trân quí. Xin Chúa tuôn đổ ơn lành xuống trên mỗi người chúng ta.