ÂN LỘC VÀ TRÁCH NHIỆM

(Chúa Nhật X TN C)

Các bài Thánh Kinh mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật X TN C, cách riêng bài đọc thứ nhất và bải Tin Mừng hẳn nhiên có chung chủ đề vì cùng tường thuật hai câu chuyện gần giống nhau về nội dung. Bài đọc thứ nhất trích sách Các Vua quyển thứ nhất tường thuật câu chuyện ngôn sứ Êlia cầu nguyện và Chúa đã nhậm lời cho đứa con trai nhỏ của bà góa thành Sarepta vì bệnh nặng mà chết được sống lại (1V 17,17-24). Bài Tin Mừng thánh Luca cũng tường thuật câu chuyện tương tự đó là Chúa Giêsu đã dùng quyền năng cho anh thanh niên con một quả phụ thành Naim sống lại khi người ta đang đi chôn xác anh ta (Lc 7,11-17).

Sự sống là một ân lộc cao quý. Chúa Kitô đã từng nhắc nhớ người đương thời rằng lấy gì mà đổi được mạng sống mình. Mạng sống thì trọng hơn của ăn và hơn cả tài sản của cải (x.Mt 6,25). Qua các cuộc chinh biến hay các tai ương hoạn nạn người ta dễ dàng chấp nhận chân lý này. Trong các tình cảnh tai ương hay chiến tranh người ta sẵn sàng vất bỏ tất cả để cứu lấy mạng sống mình. Khi phục sinh đứa bé trai hay anh thanh niên thì Thiên Chúa đã thông ban một ơn lành cao quý. Tuy nhiên tôi đã từng hỏi các em thiếu nhi rằng khi Chúa Giêsu cho anh thanh niên sống lại là vì thương anh ta hay vì thương mẹ anh ta hơn thì các em dễ dàng trả lời là vì mẹ anh ta hơn. Tình cảnh góa bụa vốn hẩm hiu và bị thua thiệt nhiều mặt, nhất là ở thời kỳ trước đây khi mà kế sinh nhai chủ yếu dựa vào sức mạnh của cơ bắp. Các trang Cựu Ước không thiếu những lời của Thiên Chúa dành sự ưu ái cho mẹ góa, con côi, vì họ thường bị đối xử cách bất công. Ngay đến thời Giáo Hội sơ khai tình cảnh này vẫn tồn tại cách nào đó khiến các Tông đồ đã lập ra hàng Phó Tế để bổ khuyết cho thiếu sót này (x.Cv 6,1-7).

Ơn lành mà đứa bé trai và anh thanh niên lãnh nhận có đích nhắm xa hơn đó là vì người mẹ góa bụa của mình. Chúa cho đứa bé trai và anh thanh niên sống lại cốt để phụng dưỡng người mẹ góa bụa của họ. Một ơn lành trao ban cho người này không nguyên chỉ vì họ mà chắc chắc còn vì nhiều người khác nữa. Đến đây chúng ta càng xác tín lời của thánh tông đồ dân ngoại khi nói về các đặc sủng. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung… (1.Cor 12,4-7…).

Hai dữ kiện của hai câu chuyện cho thấy tiến trình của mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trong câu chuyện thứ nhất thì đứa trẻ chỉ được cho sống lại sau khi Êlia khẩn cầu Thiên Chúa và có vẻ như than trách cách nào đó khiến Thiên Chúa phải ra tay thi ân giáng phúc. Trái lại trong câu chuyên thứ hai thì chính Chúa Giêsu khi chứng kiến nỗi khổ của bà góa thành Naim đã không chờ người ta khẩn cầu, Người động lòng thương và giáng phúc thi ân. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến để làm của lễ đền tội cho chúng ta…Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga. 6,10-19). Đã yêu thì không có cảnh chờ đợi con khóc rồi mới cho con bú. Có sáng kiến và đi bước trước là những đặc tính tất yếu của tình yêu.

Dòng đời mỗi người, dòng lịch sử của mỗi tập thể lớn bé luôn có đó dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn có sáng kiến và luôn đi bước trước trong việc giáng phúc thi ân. Vấn đề là bạn, tôi, chúng ta có nhận ra ân tình bao la mà Thiên Chúa đã tuôn đổ cho mình hay không. Thực tế cho thấy rằng cả nguyên tấm vải trắng thì chúng ta ít quan tâm mà lại thường băn hăn bó hó với một vài vết nhăn hay vết bẩn nào đó. Chính vì thế lòng trí chúng ta dễ dán dính vào những nỗi khổ đau và mất mát mà quên đi bao ân lộc mình đã lãnh nhận. Ân lộc lớn nhất chính là sự sống của chúng ta cùng với những khả năng và nhiều điều kiện thuận lợi chúng ta đã và đang hưởng nhận.

Đi kèm với lộc ân thì luôn có đó sứ mạng. Tôi nhận được sự sống này với những khả năng và điều kiện thuận lợi này thì tôi có trách nhiệm phục vụ những ai? Khi biết tự đặt câu hỏi này thì phần nào đó tôi đang đón nhận ân lành của Thiên Chúa đúng và đẹp ý của Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa