CẤT BƯỚC

Cái nóng của mùa khô rải trên nhiều vùng của đất Việt khiến người ta ngột ngạt khó chịu. Trong khi những người phải bươn chải ngoài đường phố hay kiếm sống trên đất ruộng đất vườn thì vật vã với cái nóng, còn người giàu có xem ra không hề hấn gì khi trong nhà thì mát rượi, bước vào xe hơi cũng mát lạnh. Hình như có một chút gì đó “không cân” dưới gầm trời này.

Tôi xếp đồ dùng cá nhân vào va-li, đi về miền tây, vùng Kiên Giang quen thuộc và đến An Giang với nghĩa với tình. Và hành lý mang theo bỗng dưng làm chúng tôi khệ nệ khi mang theo cả quà tặng người cùng khổ.

Tôi phải cất bước đi. Đi để hiệp thông, để chia sẻ, để ủi an...chứ không thể cứ nằm võng ở nhà, đong đưa với cái điện thoại thông minh và xem phim truyền hình cho thỏa thích.

TIỆN LỢI

Chuyến bay Sài Gòn – Rạch Giá nhanh gọn làm chúng tôi quên nỗi sợ hãi khi đi xe khách (tai nạn giao thông trên đường bộ trở thành nỗi ám ảnh khi hằng ngày đều có thông tin trên truyền thông). Xe taxi còn đưa chúng tôi vào tận trong kênh 1 của vùng kênh rạch Tân Hiệp nữa. Nhớ lại ngày trước, mỗi lần bác tôi lên Sài Gòn thăm mẹ tôi thì phải qua hai phà, Mỹ Thuận và Vàm Cống, rồi phải đón đò chợ từ 3 giờ sáng, nghĩ thấy thương thương làm sao; giờ thì con cháu “đi một mạch” vào đến tận nhà! Đất nước tôi đường xá “lớn lên” từng ngày, nhưng còn “nhói lòng” nhiều điều khác!

VÙNG QUÊ

Con kênh cạn, người ta chặt bớt cây ở một vài chỗ để nạo vét lòng sông cho ghe thuyền đi qua dễ dàng nên cảnh hai bên bờ cũng bớt xanh mượt. Tôi đi qua cây cầu trước nhà thờ kênh 1 B mà lòng lâng lâng buồn: hai ông bà cụ cạnh nhà cháu tôi lần trước còn đi lễ, nói chuyện thân tình với tôi tại chân cầu này, thế mà lần này cả hai cụ đã có hình trên bàn thờ; tôi không còn được khẽ khàng đưa hai tay cho cụ cái phong bì để các cụ tiêu vặt nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, có những việc làm nhỏ bé, tôi không thể lặp lại nhiều lần với thời gian...

Ở vùng này, không còn nhà lá, nhà tình thương bán cho người nghèo ở khu dân cư cũng là nhà dạng cấp 4. Nơi chúng tôi trọ qua ba ngày có đủ tiện nghi, chúng tôi cũng không nhớ nhà khi net, cáp truyền hình và điện thoại là ba thứ mà chúng tôi đã có phần “nô lệ” trong đời sống. Vùng quê bây giờ cũng giống Sài Gòn nhưng nạn cướp bóc trắng trợn và dã man không có, “giang hồ miệt vườn” khi say rượu cũng phá rối nhưng ở kênh bên cạnh, khi có một số người mang ma túy đến bán cho vài người nghiện ngập thì làm cho vùng quê yên tĩnh có phần bất an.

ĐÁM CƯỚI

Người dân quê quí khách phương xa. Khi biết chúng tôi về đây có dự đám cưới, ai cũng vui vẻ hỏi thăm, chưa dứt câu chuyện với người này, lại bắt đầu câu chuyện với người khác. Đám cưới ở nhà quê thật đông vui, “tốn kém” thời gian: cả xóm đến nhà cô dâu phụ công việc giết heo buổi trưa, rồi đến tối là tiệc “nhóm họ”. Gọi là nhóm họ nhưng đúng nghĩa là “nhóm làng” vì cả làng đến ăn bữa tối gọi là ra mắt họ hàng hang hốc, có đến mấy chục mâm. Trưa hôm sau thì tiệc chính, không những họ hàng mà tất cả những người phương xa được mời cùng đều có mặt. Cha chính xứ cũng đến làm phép cả hai tiệc. Chúng tôi nói chuyện với hai cha vài câu rồi thôi; nhạc văn nghệ của đám cưới ở Sài Gòn hay ở quê cũng như tra tấn, chẳng ai nói với nhau được nhiều. Chưa hết, bố mẹ cô dâu còn mời chúng tôi hôm sau đưa dâu sang kênh 8. Chúng tôi xin kiếu vì. ..không đủ sức đi. Chúa Giêsu và Đức Mẹ cũng đi đám cưới. Tình thương của Chúa trong đám cưới là phép lạ; còn đám cưới ở đây, hẳn là là tình thương được gói ghém trong phong bì mà mọi người “chung sức” cho cô dâu chú rể.

NGƯỜI NGHÈO

Chúng tôi mang theo một chút hành trang cho người nghèo vùng quê. Lần này, khi chia sẻ, tôi không chộn rộn chụp hình vì không phải “báo cáo”. Vẫn hình ảnh đôi bàn tay gầy guộc đưa ra cầm cái phong bì, vẫn lời cảm ơn pha lẫn xúc động của bà mẹ trẻ gia cảnh khó khăn, vẫn là ông cụ già, bà cụ già không làm gì ra tiền...người nghèo tôi gặp gỡ chỉ có thế!

Tôi trở lại khu kinh tế mới để thăm chị Đào – người được độc giả Vietcatholic giúp cho mảnh đất và căn nhà để khỏi phải ở trên con đò nhỏ - Đã tám năm trôi qua, căn nhà vẫn thế, có nhiều đồ đạc lặt vặt hơn. Phía sau căn nhà bây giờ có hẳn một nhà bếp nhỏ. Chị đã gả đứa con gái lớn cho người ở Tiền Giang với năm mâm cỗ cúng tổ tiên. Giờ nhà chỉ có ba mẹ con, vẫn đi mót lúa theo mùa và được người trong giáo xứ giúp đỡ. Chị lại cất lời cảm ơn tôi khi nhận phong bì, nhưng tôi vui thầm vì miếng đất và căn nhà vẫn còn đó và tiếp tục là nơi trú ẩn cho ba mẹ con khi con gái chị lớn dần và đứa con trai đang vào tuổi thanh niên. Hoa quả của lòng mến quả là bền!

NGHĨA TÌNH

Chiều ngày hôm sau, chúng tôi đến Tòa giám mục Long Xuyên. Cái nắng chói chang lúc ba giờ chiều làm cho quang cảnh ở đây nóng khô, không một chút gió. Chúng tôi vào thăm Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần mà không hẹn trước. Ngài vui và câu đầu tiên nói với tôi là: “Nhóm Bông Hồng Xanh của con vẫn hoạt động phải không?”. Tôi và bà sui gia với gia đình hôn tay Đức Cha dù tay không thấy có nhẫn như những lần trước. Đức Cha hôm nay đã là cụ già tuổi 90 nói chuyện vẫn như những ngày còn đương chức tuy nhịp thở có phần nặng nề hơn.

Tôi nói những lời thán phục khi Đức Cha viết mỗi tuần một bài dài, mà bài viết chắc chắn là điều tốt cho nhiều người. Đức Cha cười và cho rằng những gì ngài viết là những điều ngài học tập, đọc sách và cầu nguyện, suy tư trong cả một quá trình sống và làm việc, chứ không phải những điều viết ra tự dưng mà có. Có hai điểm nhấn trong câu chuyện, ngài nhấn mạnh: “. ...Chúng ta đừng kiêu căng. Kiêu căng là làm hỏng mọi sự.....Cha có hai người mẹ: một là Đức Maria trên trời, hai là Mẹ của Đức Cha, lòng cha hay hướng về hai người mẹ đó”.

Sau đó, chúng tôi chào Đức Cha một cách bịn rịn lẫn thương cảm.

Chúng tôi đi qua dãy nhà khác thăm Đức Cha Giuse, Giám mục chánh tòa. Trông Đức Cha khác hẳn khi ngày đầu tôi đến Long Xuyên. Ngài nói về căn bệnh làm ảnh hưởng công việc họp hành của ngài kỳ họp vừa qua. Chúng tôi nhắc lại vài kỷ niệm ngày trước. Một giám mục nông dân thì khi còn trẻ hay bước vào tuổi thất thập cổ lai hy thì chất nông dân hiền hòa vẫn còn đó.

Khi chúng tôi chào Đức Cha thì cũng có một cha đến chào ngài ra về. Vài câu hỏi thăm mới biết cha ở kênh D, thế là cha cùng đi xe với chúng tôi. Qua đoạn đường hơn ba chục cây số trên xe, cha cho biết một vài chuyện trong giáo phận, về những người chúng tôi quen biết. Xen vào cuộc trò chuyện là những câu nói vui trên xe; quả thực, sống ở vùng đồng ruộng sông nước mà trông cha như “tài tử Hàn Quốc” vậy! Chúng tôi về đến nhà khi trời còn sáng, không quên cầm về những bịch bánh tráng nướng nổi tiếng gần khu chợ Tân Hiệp.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời kênh 1 khi thánh lễ sáng gần xong. Về đến Sài Gòn khi nắng vừa mới gắt. Chúng tôi vui với một chuyến đi đầy tình thân hữu, tình gia đình và không thiếu tình yêu thương với người cùng khổ.