(Multan 2/5/2004). Ủy Ban Nghiên Cứu Chính Sách Phát Triển Giáo Dục (SDPI) của Pakistan vừa đưa ra lời khuyến cáo chính phủ nước này phải thay đổi chính sách giáo dục đừng quá thiên vị Hồi Giáo.

SDPI gồm 29 thành viên trong đó hầu hết là người Hồi Giáo, chỉ có 2 người Ấn Giáo và 2 người Kitô Giáo, đã được thành lập vào tháng Năm 2002. Trong số 2 vị Kitô Giáo, có ông Mahboob Sada là người Công Giáo đảm trách chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Học Hỏi Kitô Giáo tại Rawalpindi, một thành phố gần thủ đô Islamabad.

Báo cáo của SDPI nhìn nhận rằng sách giáo khoa của Pakistan không nhạy cảm trước sự phân hóa về tôn giáo trong xã hội nước này, kích động bạo lực và khích lệ những thành kiến, phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử giữa các công dân với nhau.

Ông Mahboob Sada cho biết: "Hiển nhiên là có quá nhiều thứ tiêu cực trong vô số các chương trình học và các sách giáo khoa đang dùng hiện nay, đó là lý do mà các nhóm tôn giáo thiểu số đòi phải có những thay đổi hầu nâng cao hiệu quả giáo dục cho thế hệ trẻ".

Ủy ban đề nghị chánh phủ sửa lại sách giáo khoa để tạo ra một xã hội "dung thứ hơn và tôn trọng nhân quyền hơn". Hiện nay, các sách giáo khoa cho người ta có cảm giác rằng "Pakistan chỉ dành cho Hồi Giáo mà thôi bởi vì Hồi Giáo được dạy cho mọi học sinh bất kể niềm tin, bao gồm cả những đoạn bắt buộc trong kinh Qur'an".