Trải qua một cuộc bễ dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng


(Đoạn Trường Tân Thanh)

Từ khi cuốn phim “Cuộc Thương Khó của Đức Kitô” được trình chiếu vào ngày thứ tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay năm nay cho đến Chúa nhật Lễ Lá - tức gần năm tuần lễ - tôi mới có cơ hội đi xem phim đó. Nhiều bài bình luận rất phong phú trên các đài truyền thanh, truyền hình, các mạng lưới truyền thông và cả báo chí nữa đã phê bình rất nhiều về cuốn phim đang gây nhiều nguồn dư luận khác nhau.

PHIM BÀI DO-THÁI?

Một nhóm thượng tế và đám dân Do-Thái ở kinh thành Giêrusalem thời đó đã gào thét yêu cầu Philatô phải kết án tử hình cho Đức Kitô, nếu không họ đe dọa nổi loạn. Biến cố đó đã đi vào lịch sử nên nhóm thượng tế và đám dân Do-Thái đó không thể khước từ trách nhiệm của họ trong việc làm đổ máu Đức Kitô là một người vô tội. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là toàn dân Do-Thái ở mọi nơi và mọi thời đều mang trách nhiệm lịch sử đó và qua các thế hệ họ đã bị gán ghép cho cái tội danh “giết Chúa” một cách bất công.

Thật ra nhóm thượng tế Do-Thái đó tượng trưng cho một số giáo sĩ ở mọi nơi và mọi thời đã kết án Đức Kitô, bằng chính hành động phản lại lời cam kết của họ là sống đời tận hiến của một mục tử nhân lành. Họ đã làm hoen ố đạo Chúa bằng những ngôn hành bất xứng của mình.

Đám dân Do-Thái kia mấy hôm trước đã lớn tiếng hoan hô Đức Kitô nhưng bây giờ cũng gào thét đòi lên án tử hình Ngài. Họ tượng trưng cho một số đông đảo giáo dân ở bất cứ nơi nào và thời nào…luôn luôn thay lòng đổi dạ, sẵn sàng phản bội Đức Kitô và Giáo Hội, qua những ngôn hành gây chia rẽ hận thù trong cộng đồng và đôi khi dùng cả ngòi bút nhằm đả phá những điều công chính thuộc truyền thống Mạc Khải để lôi cuốn nhiều người đi vào con đường lầm lạc.

PHIM CỔ VÕ SỰ BẠO HÀNH ?

Những cảnh tàn bạo xảy ra cho Đức Kitô từ khi bị bắt trong vườn Giếtsêmani cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá ở đỉnh đồi Canvariô trong khoảng thời gian 12 tiếng đồng hồ thật kinh hoàng, khiến hầu hết khán giả không cầm được nước mắt. Những điều mô tả trong bốn Phúc Am không diễn tả hết những chi tiết liên quan đến cuộc bạo hành đối với Đức Kitô như cuốn phim đã trình bày.

Tuy nhiên khán giả thắc mắc, với cuộc bạo hành khủng khiếp như thế, nhất là qua những trận đòn chí tử mà Đức Kitô vẫn không gục chết hay ít nhất quân lính phải khiêng Ngài hay kéo lết Ngài đến Núi Sọ để hành hình. Trái lại Ngài vẫn có thể lê bước vác cây thập giá rất nặng để đi trên đoạn đường dài khổ nạn như thế, cho dù Ngài đã phải ngã xuống ba lần và sau mỗi lần cũng có thể chổi dậy để tiếp tục hành trình tử nạn. Cuộc bạo hành nầy gây ấn tượng mạnh nhưng điều đó xem khó xảy ra trong thực tế như cuốn phim đã mô tả.

Cảnh tượng Đức Kitô bị đóng đinh tay chân vào thập giá thật ghê rợn, cho khán giả thấy rõ cực hình đó khủng khiếp đến mức độ nào, chứ không nhẹ nhàng như được mô tả một cách đầy thi vị qua bốn Phúc Am.

HIỆN THÂN CỦA SỰ ĐAU KHỔ NHÂN LOẠI

Qua các thời đại, Giáo Hội vẫn luôn dạy rằng sự thương khó và cuộc tử nạn của Đức Kitô là hậu quả của tội lỗi nhân loại. Bên cạnh giáo lý căn bản có tính cách truyền thống đó, người ta có thể nhìn thấy một khía cạnh khác là Đức Kitô hiện thân cho những khổ đau chồng chất của nhân loại từ thuở tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế. Những khổ hình dành cho Ngài chính là những đau thương đã và đang xảy ra hằng ngày cho nhân loại, do hậu quả của chiến tranh, sự bóc lột đàn áp, những nhà tù trại giam, những nơi tập trung cải tạo và cả những bệnh nhân đang đau đớn quằn quại trên giường bệnh hay những người già yếu đang bị bỏ rơi nơi các viện dưỡng lão…

Những khổ nạn về thể xác của Đức Kitô khiến khán giả cảm thấy bàng hoàng đau đớn, nhưng hình ảnh Đức Mẹ - một phụ nữ Á Đông dịu hiền - tuy đau xót đến tan nát cả cõi lòng nhưng vẫn can đảm đứng vững trong cơn thử thách, không kêu gào thảm thiết mà chỉ để rơi vài giọt lệ lăn dài trên đôi gò má khiến rung động tâm can khán giả một cách sâu xa.

BÓNG DÁNG SATAN QUA LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Bóng dáng Satan đã phảng phất qua suốt cuốn phim, khởi đầu từ Vườn Địa Đàng đến Vườn Cây Dầu và cuối cùng tại ngôi vườn nơi có phần mộ của Đức Kitô…Thần Ác Satan đã gây bao tang tóc đổ vỡ trên trần gian.

Một Giu-Đa đã phản bội vì tham tiền, nhưng rồi bị lương tâm cắn rứt mà tiêu biểu là lũ qủy nhỏ chạy theo quấy phá, cuối cùng đành đi tìm cái chết để rũ bỏ nợ đời. Một Phêrô đã chối bỏ Thầy mình ba lần trong sự yếu đuối lầm lạc nhưng đã chổi dậy do cái nhìn đầy tríu mến của Đức Kitô. Những tên lý hình hăng say trong sự bạo hành, sung sướng trên sự đau khổ của người khác, nhất là những người vô tội, vì hoàn cảnh dun rủi đã trở thành nạn nhân của họ. Một Herode sống đời vương giả cũng như một Philatô chỉ muốn củng cố địa vị của mình…làm sao có thể cầm cân nảy mực để thực thi công lý.

DÙNG CHÍNH TRỊ ĐỂ KẾT ÁN NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Nhóm thượng tế và đám dân Do-Thái xưa kia đã dùng đòn chính trị để đưa Phi-la-tô vào thế kẹt phải kết án tử hình cho Đức Kitô. Trải qua các thời đại cho đến ngày nay, những chiến sĩ Phúc Am đã và đang ngã gục trên các cánh đồng truyền giáo hay bị tù đày tra tấn trong các lao xá, các trại tập trung…Họ thường bị vu cáo, gán ghép vào các tội danh có tính cách chính trị như chống lại chính phủ, nhà nước hay nhân dân.

Phi-la-tô ngày xưa cũng như các chính quyền độc tài ngày nay, đã kết án những người công chính chỉ vì muốn bảo vệ vị thế chính trị của mình mà thôi.

CHẤP NHẬN MỌI THỬ THÁCH

Khi giờ đã đến, Đức Kitô đã chấp nhận tất cả những gì mà Đức Chúa Cha muốn thực hiện nơi Ngài. Với quyền phép của con Thiên Chúa, nhưng đến giờ Chúa Cha muốn Ngài bó tay, Đức Kitô đã phải run sợ và kinh khiếp mà chấp nhận Thánh Ý của Ngài không chút do dự.

Trong cuộc sống của người tín hữu, có những lúc quá đen tối không thấy chút ánh sáng ở cuối đường hầm, như làm ăn thua lỗ, phải tan gia bại sản, bị sa thải thất nghiệp với gánh nặng gia đình trên vai, bị bạn bè lường gạt phản trắc, vu oan giá họa hoặc gặp cảnh đau yếu hoạn nạn, gia đình vở lỡ tan tác, con cái hư hỏng bỏ nhà đi theo băng đảng…Trong mọi trạng huống đau buồn đó người tín hữu nên can đảm chấp nhận với sự phó thác trọn vẹn và lòng cậy trông.

SỨ ĐIỆP YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

Đối với những tên lý hình gây đau khổ cho mình, Đức Kitô luôn xin Đức Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Tình yêu đã xóa bỏ hận thù và đem lại sự an bình nội tâm. Chấp nhận mọi nghịch cảnh, tha thứ cho những người mang lại bất công và khổ đau cho mình cùng yêu thương những kẻ thù nghịch hãm hại mình. Đó là sứ điệp của cuốn phim “Cuộc Thương Khó của Đức Kitô”.

Ngôn sứ Isai đã cho thấy chủ đích cuộc thương khó của Đức Kitô - người Tôi Trung - bằng những lời lẽ sau đây:

“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,

Phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,

Bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới,

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,

Đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,


Còn chúng ta, chúng ta tưởng người bị phạt,

Bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

Bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;


Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

Đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.


(Is 53,3-5)