NGHỆ THUẬT CHỤP HÌNH

Đây là chương 4 trong sách Đường Nở Hoa Lê Thị Thành, Thời Điểm xuất bản. Như một đóng góp vào nỗ lực hình thành Đường Tu Đức Việt. Mong được đón nhận ý kiến của những ai đang ưu tư cho một con đường mang bản sắc Việt.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường.


Bài học căn bản nhất về nghệ thuật chụp hình là tập nhìn. Phải thấy cái gì đã rồi mới chụp được. Cảnh vật đang muốn nói một điều gì, diễn ra bằng những đường nét và ngôn ngữ riêng biệt. Chứ cứ tưởng cảnh đẹp mà giơ máy lên bấm lung tung thì hình rửa ra sẽ chẳng ai ngửi được.

VAN GOGH: MỘT HIỆN TƯỢNG LẠ



Một tấm hình ăn khách thì có hồn, có thần. Mà người chụp cũng phải có thần, chụp bắt được thần. Ðối với nhà nghệ sĩ đích danh thì thấy được cảnh nào cũng đẹp, cũng có hồn cả. Vincent Van Gogh đã từng vẽ những bức tranh xem ra rất tầm thường mà người ta đã mua với giá mấy chục triệu tiền Mỹ, vì ông đã diễn được cái thần, cái hồn của sự vật.

Năm 1987, một năm trước ngày phong thánh Thánh Lê Thị Thành và Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, xảy một hiện tượng lạ lùng trong ngành hội họa. Những bức tranh của họa sĩ Van Gogh vẽ vào cuối thế kỷ 19 được mua với một giá khủng khiếp: bức Hoa Hướng Dương được bán với giá 41 triệu đô la vào tháng ba; đến tháng sáu thì bức Cầu ở Trinquetaille giá 20 triệu. Và tháng 11 thì một bức Hoa Cầu Vồng (Irises) được bán với giá 53 triệu.

Bộ những người dám bỏ một số tiền dễ sợ như vậy để mua những bức tranh này điên cả sao? Hay họ muốn làm ra vẻ phách lối ta đây quá dư tiền phải đi học làm sang? Nghe như truyện hoang đường mà lại xảy ra thực mới lạ.

Nhìn những bức tranh trên thì nhiều người cũng thấy thường thôi. Có gì đặc sắc đâu. Ai chả vẽ được. Nhưng một số người đã khám phá ra đường hướng của Van Gogh, gọi là đường hướng biểu hiện. Cái nhìn và cái thấy của Van Gogh nằm ở điểm là cuộc đời giầu sang lắm, sức sống sung mãn đã nằm sẵn trong vạn vật, chứ đâu phải những hăm hở kiếm tìm mệt nhọc của loài người như hiện nay. Chỉ cần dừng chân ngắm nhìn: một cọng cỏ, một bông hoa, một cái cầu, một cái ghế, ngôi nhà đang ở, xem ra tầm thường và nhàm chán, bỗng khám phá ra những lạ lùng. Vì một cành lá cũng đang biểu hiện sức sống của cả vũ trụ. Mà vũ trụ thì giàu có, tại sao lại cứ phải sống nghèo nàn ăn mày ăn xin những đồ viện trợ phế thải cuộc đời.

Khám phá ra được như vậy thì cuộc sống trở nên giầu có sung túc biết bao. Ngay ở vườn đàng sau và ngay trong nhà mình đã có nhiều triệu rồi, cả một kho tàng quí giá đang chờ được khám phá. Người mua bức tranh Hoa Hướng Dương hay Hoa Cầu Vồng của Van Gogh chỉ muốn nói lên sứ điệp đó cho con người mệt mỏi hôm nay: bạn đang quá giàu có rồi. Chỉ cần bừng mở con mắt: nguồn phú túc đang hiển hiện trước mặt mà Chúa Trời Ðất đã bày biện ra.

CHỤP BẮT ÐƯỢC KHO TÀNG GIẦU CÓ



Cuối hè 1888, họa sĩ Van Gogh thuê một căn gác của ngôi nhà màu vàng ở một góc đường thành phố Arles ở miền Nam nước Pháp. Rồi ông đã vẽ ngôi nhà đó thành một tác phẩm nổi tiếng mang tên là “Ngôi Nhà của Vincent ở Arles.” Có lẽ hơn bất cứ ai, “ông đã sống với nghệ thuật, vì ông đã dành hầu hết thời gian sau này để vẽ những hình ảnh về chính đời sống của ông, những gì ưa thích, bạn bè, phong cảnh nơi sinh sống, căn phòng, ngôi nhà, cái ghế đặc biệt. Ðối với Van Gogh, sống và nghệ thuật quả thực là một.”



Và chính Vincent Van Gogh đã tâm sự với người em trai tên là Theo:

“Anh giàu như Croesus, không phải bằng tiền, mà vì anh dồn cả tâm hồn và tìm thấy trong công việc những hứng khởi và nghĩa sống. Anh tin mãnh liệt vào nghệ thuật. Niềm tin này như dòng nước mạnh đẩy con người vào bến, dù mình cũng phải cố gắng một chút. Thật có phúc mà tìm được công việc như vậy. Mặc dù những khó khăn khá lớn và những ngày đen xám trong đời anh, anh vẫn không cho là xui xẻo.”

“Anh thật hạnh phúc với căn nhà và công việc mà chắc em cũng được may mắn dự phần trong đó.”


Van Gogh đã viết nhật ký bằng tranh, nhặt những hòn đá xem ra tầm thường là những biểu hiện cho thấy những lạ lùng từ nguồn sức sống, là những nhịp điệu của dòng sinh lực này, để ghi những bước chân Chúa nhảy băng qua lũng qua đồi đến tìm mình. Những gì nhỏ bé vô danh tiểu tốt mấy cũng đang nở hoa, vì Van Gogh khám phá ra Ðường Nở Hoa. Ít thấy cảnh “núi rừng hùng vĩ, sông hồ bát ngát” như nhiều người vẫn nghĩ và vẫn tìm. Tranh giá trị vì cho thấy được thần. Những người đang mất tinh thần mà xem tranh Van Gogh là tìm lại được nét an bình trong rối loạn, nét nẩy mầm sống trong tàn lụi.. . Như vậy điều quan trọng là biết cách nhìn và thấy được điều mà nhiều người nhìn mà như “mắt lợn luộc” chẳng thấy gì.

Mắt ảnh sĩ biết nhìn ra những nét đẹp và chụp được những tấm hình hút hồn trong cuộc sống hằng ngày qua những gì xem ra tầm thường bình lặng, dù ở phố lớn hay làng quê, dù ở nhà tư hay chung cư. Nét trân quí của một cái bút đang viết, cái chất xanh của một cây cảnh trên bàn. Cứ tưởng tượng một người trong rừng Nam Mỹ lần đầu tiên bước vào “thế giới” Bắc Mỹ. Cái gì cũng lạ quá. Hắn sẽ lấy tay rờ vào từng đồ vật, tò mò hỏi những điều mà đối với mình thì đã “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mà thực ra người lạ mặt này đang cho mình nhìn ra những cái rất lạ mà mình tưởng đã biết.

Mình cũng như nhiều người Âu Mỹ đúng là đang hành trình đi tìm nẻo bước sống sung túc thật, trong cuộc sống đơn giản thường ngày: tập luyện con mắt nhìn để thấy được những kỳ diệu như Van Gogh. Mình đi Arles tràn ngập nắng vàng nơi Van Gogh đã vẽ những bức tranh nổi tiếng nhất, vào xem những bức tranh nghệ thuật của Van Gogh trong bảo tàng viện Orsay ở Paris, hay đi lên Auvers-sur-Oise thăm ngôi mộ nhà nghệ sĩ vẫn còn sống mãi bên những bông hướng dương thật tươi do bao người ngưỡng mộ đưa tới.

Sau những bon chen vật lộn của xã hội mới, và những đấm đá ăn thua đủ của các chủ nghĩa, con người đang có khuynh hướng tìm về những gì mà chính Phúc Aạm đã đề cao: qua những gì đơn sơ bình lặng, người ta khám phá ra những phép lạ của đời sống. Sự có mặt hít thở từng phút giây trên mặt đất này chẳng phải là một phép lạ của sự sống sao? Cuộc đời thật giầu có, vậy mà nền văn minh hiện đại lại chỉ làm cho con người mỗi ngày mỗi mù tối và nghèo nàn thêm ra!

HÀO HỨNG HAY NGÁP VẶT ?



Có lần mình cùng với lớp học tu đức đi thăm một làng dân Da Ðỏ ở Pecos bang New Mexico. Mọi người xem ra hào hứng hết sức về lối sống của người dân này. Từ cách họ bài trí nhà cửa đến những nhà nguyện đào sâu xuống đất như đi xuống đáy lòng. Tự khung cảnh đã dẫn đến chiều kích siêu việt rồi, vượt qua những gì mà mắt thịt đang thấy, hoặc nhìn mà chẳng thấy. Rồi những bộ áo lông chim của những đạo trưởng shaman mặc khi cử hành nghi lễ, như để hóa thân thành chim bay bổng. Những tiếng trống vang lên làm rỗng tâm ra cho thần nhập, trống như sa mạc bao la trải dài trước mặt kia. Tất cả đều hết sức mới lạ. Như xem lần đầu, nghe lần đầu.

Nhưng mình lại để ý một người giữ cửa đứng bất động, lâu lâu giơ tay che miệng ngáp vặt, vì đối với anh ta thì mọi sự đã nhàm chán, ngày này qua ngày khác cũng chỉ bằng ấy chuyện thôi, chẳng còn thấy gì hấp dẫn nữa.

Vậy thì con mắt người chụp phải là con mắt của một người luôn kinh ngạc, như Ðức Maria, thấy được Chúa đang làm phép lạ, Chúa đang hiện ra. Thấy được thần linh Chúa qua mọi sự. Hiện thân của bình an kia rồi. Nét hòa hợp đất trời kia rồi. Sức phóng vượt tới qua nụ hoa vừa nở đây này. Người nghệ sĩ phải luyện được con mắt như thế. Tập nhìn như lần đầu biết nhìn mọi sự chung quanh. Mọi sự đều lạ lùng quá phải không? Từng mầu sắc, ánh sáng, kích thước mỗi vật: căn phòng, khung cửa sổ nhìn ra ngoài, con đường phía trước, lớp học, nơi làm việc, bạn bè, người lối xóm. Nhìn mọi sự như anh chàng tới đây từ trong rừng Nam Mỹ.

Vì thế mà bài mở đầu Nghệ Thuật Chụp Hình của Học Viện Chụp Hình New York về “Con Mắt Người Chụp” có câu này: bạn có thể chụp được tấm hình tuyệt tác nhất ở ngay trong vòng một dặm quanh bạn.

VẼ ÐỦ 100 LẦN



Trong “Nét thánh thiêng thường ngày” (Everyday Sacred), bà Sue Bender kể một truyện về một nhà giáo dạy vẽ tên là Gale. Lớp hội họa của bà Gale có một thực tập gọi là “Vẽ đủ 100 lần”. Phải chọn một đồ vật gì quen thuộc, đơn sơ, có thể mang đến lớp được mỗi lần. Phải vẽ đủ 100 lần đồ vật ấy. Chọn đồ vật thường thôi, không phải là đồ đạo hay đồ gia bảo quí. Bà Gale cũng bị học sinh yêu cầu cùng thực tập.

Quan sát một hồi, bà Gale chọn vẽ cái bình cũ mới kiếm được để trên kệ. Cái bình vừa phải, mạ bằng chất kim khí trắng. Bà nhìn kỹ cái bình và như nghe nó nói: xin đưa tôi xuống khỏi kệ đi! Ðúng là cái bình như có hồn đang muốn nói điều gì. Bà Gale vẽ bốn bức đầu thật dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng còn phải vẽ 96 bức nữa với những khía cạnh khác nhau, tâm tình khác nhau, không phải dễ nuốt đâu!

Không biết tí nào về chụp hình, bà Gale tập chụp cái bình vào nhiều lúc khác nhau. Bà để ý thành bình phản chiếu bất cứ gì chung quanh. Thế là bà thí nghiệm ngay. Ban đêm để cho đèn xe hơi chiếu vào, chụp thành bức trắng đen tương phản; để đèn thắng chiếu vào thì ra màu đỏ; ngồi gần Tivi thì phản chiếu hình trong đó. Có lần bà mang đi theo sang du lịch Aạu Châu, chụp được hình cảnh phản chiếu trên bình những nơi đi tới như Florence, Rome, Chartres...

Bà Gale nói lại thế này: “Ðôi khi tôi khám phá ra rằng, những nơi đơn sơ, tương đối nhỏ lại chụp được những hình đáng kể hơn những nơi quan trọng. Có lần phải ngồi nghỉ bên cạnh giếng, nghĩ xem phải chụp gì tiếp, quay tới quay lui thì thấy ngay chỗ cái bình đang nằm là tuyệt nhất. Tình cờ thường lại tạo ra kỳ thú”.



Phải vẽ một đồ vật đủ 100 lần là bắt buộc mình phải tìm ra cách thức và chất liệu mới. Tập nhìn thật kỹ mà khám phá ra vẻ kỳ lạ chưa từng thấy. Mục đích là bắt buộc ta phải vượt khỏi những gì vẫn giới hạn mình “biết rồi khổ lắm nói mãi” để khám phá ra chân trời mới. Và thường là tài năng và bản sắc riêng của bạn sẽ vụt lên từ đó.



DÒNG THÁC TUÔN ÐỔ



Ðứng nhìn thác nước Niagara ở bang New York, ai mà chẳng cảm thấy hút hồn. Nước ở đâu mà nhiều thế! Nước tuôn đổ ầm ầm xuống từ một nguồn như bất tận. Nước nhảy múa reo hò ca hát, chẳng một chút do dự sợ sệt. Nước mọc cánh trắng giang rộng bay phóng ra phía trước, thênh thang như một đàn hải âu. Nước đang reo vang niềm sinh thú tột cùng: quá đã, quá đã!

Thi hào Rabindranath Tagore đã vẽ lên hình ảnh thác nước như vậy để diễn tả cảm nghiệm dòng sức sống vẫn ngày đêm tuôn đổ xuống đời mình qua mọi chuyện, kể cả những gì tầm thường nhất:

Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận

Ðể lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng.

Ngày ngày lớp lớp qua đi Người vẫn không ngừng đổ rót

Song hồn tôi thì hãy còn vơi.


Dòng sức sống đang tuôn chảy qua vạn vật, qua từng cây cỏ, từng cành lá, qua từng bông hoa dại, qua mạch máu của mỗi người. Cũng chỉ là một dòng sống thôi. Và như vậy mỗi vật đều trở thành một bí tích, một mạch chuyển sinh lực từ dòng thác nước vô biên. Chỉ cần cắm được vào đó, hòa nhập vào đó, nối vào đó, giơ hai bàn tay ra mà đón nhận, chụp lấy. Có cần gì phải tới tận thác Niagara mới có cảm nghiệm dòng ơn thánh đâu. Ngay ở trong phòng này mình cũng đang thấy dòng thác nước ngày đêm tuôn chảy ào ào như vậy. Nhìn thấy thế thì cuộc sống hút hồn lắm, và sẽ chụp được những tấm hình mê ly.

Thường người ta chỉ thích chụp những cảnh hùng vĩ, chứ những cái nhỏ bé bình thường thì ít ai để ý. Vậy mà nhà chụp hình Maria lại chụp được những kinh ngạc qua những nhỏ bé thấp hèn. Vì chính Người cũng chỉ là một loài hoa xem ra không tên, không sắc, không hương, trong cuộc sống thầm lặng tại một làng quê tên là Na-gia-rét.

MỘT LOÀI HOA KHÔNG TÊN



Phạm Duy đã có lần diễn tả cái cảm nghiệm về một loài hoa không tên. Những gì xem ra nhỏ bé cũng vẫn là những dòng sinh lực tỏa hương thơm ra bốn hướng, tuôn chảy thành trùng dương, thành suối thác.

Một loài hoa không tên, không sắc không hương

Mà như lòng tôi, lộng lẫy thơm lừng, tỏa ra bốn hướng.

Một ngọn suối không tên, bé nhỏ ngoan hiền,

Mà như lòng tôi, nổi sóng lên đường, thành bốn trùng dương.

Và lòng tôi không tên, như suối, hoa tiên.


Nhìn chính mình và những gì không tên tầm thường hằng ngày mà thấy được “lộng lẫy thơm lừng, tỏa ra bốn hướng,” thì cuộc sống thú vị biết chừng nào.

Mỗi giây phút trong cuộc sống đều có thể hút hồn với cảm nghiệm bừng mở mắt nhìn thấy một cái gì mà mọi khi không thấy. Ðó là khoảnh khắc thánh ân (the moment of grace), giây phút bật sáng. Thác nước đang tuôn đổ ào ào. Mở tâm ra mà lãnh nhận, chứ đừng đóng kĩ rồi ngồi than:

Hai tay nhỏ bé thế này

Mà sao vẫn thấy chưa đầy bao nhiêu


Chụp hình là phương cách chụp bắt lại được nhịp điệu an bình của Thần Khí, tìm lại được nét thắm tươi hứng khởi của cuộc sống. Nhà chụp hình cảm nhận và hòa nhập vào cả một dòng thác sức sống đang tuôn đổ xuống lòng mình qua mọi sự, qua từng nhịp thở, từng cây cỏ vạn vật, như thi hào Tagore đã cảm nghiệm thấy:

“Cùng một dòng sinh lực tuôn chảy ngày đêm trong mạch máu tôi, cũng đang chảy tuôn qua thế giới, nhảy múa theo tiết điệu nhịp nhàng.

Cũng chính một sinh lực đang hân hoan phóng lên khỏi mặt đất nẩy mầm thành muôn vàn ngọn cỏ, vươn lên thành những lớp sóng cuồn cuộn hoa lá xum xuê.

Cùng một sinh lực đu đưa ru nhịp sinh tử trong nôi đại dương như nhịp thủy triều lên xuống.

Tôi cảm thấy cơ thể mình tươi thắm lại khi được cả sinh lực đất trời tuôn nhập. Và thấy thật thỏa thuê cảm nhận được lực bơm sinh khí qua bao thời đại đang đánh nhịp nhảy múa trong máu tôi lúc này.” (Lời Dâng #69)


TÊN MẸ LÀ HOA



Như đa số các người mẹ, chắc hẳn mẹ Lê Thị Thành cũng chỉ là một loài hoa âm thầm nhỏ bé, xem ra không tên, không sắc, không hương. Vì chẳng để lại gì. Không một tấm hình, không một chữ viết, cũng không có gì đặc sắc nổi bật. Thậm chí cũng chẳng còn lại một di tích nào, như căn nhà nơi sinh ra, căn nhà nơi sinh sống khi lập gia đình và trước khi bị bắt ở Phúc Nhạc để mà thăm viếng, học hỏi.

Có chăng là mấy lời tường thuật lại do con cháu mà Ðức Cha sở tại ghi nhận phúc trình về cho Tòa Thánh, và mấy khúc xương được đưa về Bộ Truyền Giáo và Hội Thừa Sai ở Paris. Thế thì làm sao mà vẽ lại được một hình ảnh cho con cháu mình bây giờ theo tiêu chuẩn Aạu Mỹ?

Những điều thuật lại về một người mẹ thì quá đơn sơ và ngắn gọn. Chỉ là vài nét phác họa, chẳng bao giờ có thể diễn tả hết được mọi khía cạnh một đời người. Ðây mới chỉ là những nét chấm phá bề ngoài mà thôi. Những gì không thấy được bằng chữ viết nhiều khi mới là những điều đáng nói. Chỉ có thể chụp được bằng con tim, khi đàn con chạm tới được những rung cảm sâu xa từ lòng mẹ bao la. Cứ nhìn vào mẹ mình thì rõ.

Mẹ mình cũng là Hoa, một loài hoa không tên, không sắc, không hương. Vậy mà sao có sức dội lên trong tim mình biết bao tình cảm ngút ngàn, láng lai, “lộng lẫy thơm lừng, tỏa ra bốn hướng.” Một loài hoa nhỏ như Thánh Têrêsa trong Khúc Hát Một Loài Hoa:

Con là một loài hoa

Trong muôn loài hoa nở gần xa,

Xin hát ca dâng Người

Một bài ca chan chứa niềm vui.

Một bài ca tri ân,

Một bài ca dâng Chúa từ nhân,

Hoa đâu dám chi khoe mình

Nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh.


NHÀ ẢNH LÊ THỊ THÀNH



Theo như thư phúc trình của Ðức Cha Liêu gửi về Bộ Truyền Giáo và Hội Thừa Sai Paris năm 1843, những “tấm hình” chụp được nơi Thánh Lê Thị Thành xem ra thật là tầm thường. Ðúng là một loài hoa không tên không sắc không hương.

Lúc 7 tuổi đã phải chia cách gia đình, cô bé Lê Thị Thành theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình, đời sống thật nghèo khổ chật vật. Cô bé Thành đã phải lam lũ ngay từ nhỏ, giúp mẹ đi làm kiếm cơm ăn, như nuôi tằm kéo tơ, và têm trầu đưa ra chợ bán. Nhưng dù vất vả bận rộn, bà mẹ không bao giờ lơ là việc dạy con về lòng đạo: cùng với con đọc kinh sáng tối sốt sắng, thường xuyên đi lễ, năng xưng tội và rước lễ.

Khi lớn lên thì lại chụp được những tấm hình khác cũng không tên tương tự: cô thiếu nữ Lê Thị Thành vào hội Con Ðức Mẹ, thưa kinh trong nhà thờ “chui”, 19 tuổi lập gia đình như đa số các cô gái trong làng. Vợ chồng trẻ cũng chân lấm tay bùn nghề nông chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa ở đồng bằng vùng Phát Diệm, cũng nuôi tằm kéo tơ, dệt chiếu. Ðất Phát Diệm có nhiều cói: đất ngọt trồng lúa, đất chua trồng cói. Vì thế mà nghề dệt chiếu rất thịnh và nổi tiếng.

“Nghệ sĩ” Lê Thị Thành đã chỉ chụp những gì nhỏ bé tầm thường hằng ngày như vậy đấy. Thế mà những tấm hình này đã trở thành tuyệt tác, được thế giới công nhận tìm mua với giá nhiều triệu mỹ kim, là vì “nhà chụp hình” Lê Thị Thành đã chụp được hình Chúa, hình thiên đàng, qua những tầm thường nhỏ bé đó. Cũng như Van Gogh đã thấy được cả sinh lực đất trời qua mỗi bông hoa dại. Như thi hào William Blake thấy được cả vũ trụ trong một hạt cát nhỏ.

Nhìn kỹ những hình chụp đơn sơ đó, mình bỗng nhận ra một nét quá ư đặc sắc, mà chắc chắn đây là điều Hội Thánh khi phong thánh cho Thánh Lê Thị Thành đã khám phá ra: con mắt của niềm tin. Có con mắt này thì thấy mọi sự đều khác, đều lạ lùng. Thấy được Chúa hiện ra qua những gì tầm thường nhất của cuộc sống thường ngày. Ngài đang hiện ra ở đây, lúc này. Mà Chúa thì giàu sang, toàn năng. Tôi vẫn nói mình là con Chúa mà nghèo xác nghèo xơ.

Cảm nghiệm có Chúa ở cùng là cảm nghiệm cốt lõi của đức tin. Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Bí mật giấu kín từ muôn thuở qua muôn thế hệ nay được “bật mí” cho anh em: Chúa Kitô ở trong anh em” (Col. 1:27). Vậy mà mấy khi tôi tin và thấy vậy!

Emmanuel. Người đây. Chúa của mọi sang giầu phong lưu và hạnh phúc đây. Chụp đi!

THIÊN ÐÀNG TRONG MỘT BÔNG HOA DẠI



Năm 1994 mình có dịp đi một chương trình linh thao đặc biệt kéo dài sáu tháng với một cha dòng Tên vùng New Orleans. Nó đặc biệt ở chỗ thao luyện để biết nhìn những gì xem ra không đặc biệt trong cuộc sống thường ngày, tập chụp bắt được Thần Khí Chúa vẫn sinh động hiện ra mỗi phút giây. Nghĩa là linh thao tại gia. Mỗi tuần đến gặp cha linh hướng một lần để chia sẻ cảm nghiệm bắt gặp gì.

Cứ thế mà sau sáu tháng mình đi mê chụp hình. Nhìn kĩ, để thấy được những kì thú, và chụp được những phép lạ trong cuộc sống. Và sau khi đi xem triển lãm những bức tranh nổi tiếng của Van Gogh tại Bảo Tàng Viện Tân Thời (MOMA) ở New York về, mình ghi tên theo lớp Học Viện Chụp Hình. Ðể tập chụp bắt được thần Chúa, cảm nhận được dòng thác sinh lực đang tuôn chảy.

Nhà ảnh Gary Braasch đã chụp được những phép lạ của thiên nhiên, của những tầm thường:

”Ðối với tôi, chụp hình thật là kì diệu. Ngay cả khi diễn những nét thường ngày, hình chụp có thể vén lên những ý nghĩa bất ngờ và huyền nhiệm. Sau vài phút nhìn kĩ một tấm ảnh đẹp, bạn sẽ thấy một cái gì sâu hơn. Tôi thích nhất là khám phá ra những nghĩa sâu qua những diễn tiến của thiên nhiên.”

Thiên nhiên có vô vàn đường nét diễn tiến. Những bức chụp cận ảnh mở ra những chân trời kì thú về vũ trụ khiến ta kinh ngạc. Dường như ngón tay nhà chụp hình đang có quyền sáng tạo trong việc cảm nhận những phép lạ diễn biến không ngừng ngay chung quanh mình. Những diễn tiến theo một qui trình được nhận ra nơi cây cối, súc vật, hòa nhịp với thiên nhiên. Những diễn tiến trong nhịp điệu lúc đổi mùa, trên mặt đất, trên cõi trăng sao. Mọi vật đang hòa vào một dòng sức sống chuyển động không ngừng. Cỏ cây uốn mình theo gió; sóng nước bãi biển và những làn nước gợn lăn tăn mặt hồ; đàn chim đang bay lượn...

Vẻ đẹp vô biên của vũ trụ thấy được ngay trước mắt, dù trong những phố thị ngột ngạt. Mình có thể đuổi theo những chiếc lá vàng đang chạy bên đường, hay nhìn ngắm những đường nét và mầu sắc nơi những bông hoa ngay trong vườn. Cái “nhà máy” nào mà sản xuất màu sắc lạ lùng vậy. Còn “nhà máy” sản xuất chất ngọt, chất chua cho trái cây mới kì thú chứ. Tất cả đều là những viên kim cương chờ ảnh sĩ khám phá ra. Nghệ sĩ đúng là một người giầu có đúng nghĩa nhất, vì chụp bắt được vẻ đẹp và đào lên được kho tàng giàu sang trong thửa vườn vũ trụ.

Những diễn biến như những nhịp điệu chuyên chở đầy ý nghĩa biểu tượng, nên những tấm hình đều vang lên những bài thơ tiềm ẩn của đất trời, những dòng nhạc trầm bổng nhịp nhàng, mà nếu không để giờ đủ mà nhìn sâu vào thì khó mà thấy được.

“Một trong những chìa khóa chụp được diễn tiến của thiên nhiên là cái nhìn thấy toàn thể trong từng phần. Chẳng hạn như chụp chi tiết một vỏ ốc trên bãi biển là đã có thể diễn tả cả một bãi biển mênh mông đó rồi, cũng như diễn tiến tăng trưởng của loài ốc. Những đường vòng xoáy vào cũng như xoáy ra như cùng diễn tả một lúc. Nó gợi lên những kỉ niệm, và cũng có thể là biểu tượng cho con đường nội tâm. Nó vẽ lên trong mắt mình hình ảnh một đứa trẻ đang lắng nghe tiếng sóng vỗ vớiợ tất cả vẻ kinh ngạc hút hồn.”

Chụp hình đúng là một phương cách khai mở được con mắt thứ ba để nhìn thấy những phép lạ mà trước đây mù tối không thấy được, vì những kì diệu và vẻ hút hồn của Thiên Ðàng đang hiển hiện trước mắt, trong từng hạt cát, từng bông hoa dại. Thi hào William Blake đã hứng khởi diễn lên cái thấy này:

Thấy được cả đất trời trong một hạt cát nhỏ

Và thấy cả thiên đàng trong một bông hoa dại.

Hãy chứa đựng cõi vô biên trong lòng bàn tay

Và giữ được vĩnh cửu trong một tiếng đồng hồ.


CHỤP ÐƯỢC NHỮNG PHÉP LẠ



Thomas Merton, một nhà tu đức điển hình nhất của thời đại này, đã diễn tả rõ nét về sức sung mãn của cuộc sống như những “hạt giống chiêm niệm” mang đầy sinh lực trổ sinh hoa trái:

“Mỗi phút giây và mỗi biến cố trong đời sống con ngưòi trên mặt đất đều gieo một điều gì vào tâm hồn mình... Chính tình yêu Chúa nói với tôi qua những con chim bay và dòng suối chảy, và ngay cả đàng sau sự ồn ào của thành phố, Chúa cũng nói với tôi qua những phán quyết của Ngài, và tất cả mọi sự đều do ý Chúa gửi đến cho tôi như những hạt giống.”

Ðức Maria đâu có để lại sách vở gì ngoài 7 câu nói xem ra cũng rời rạc và thường thôi: “Việc đó xảy ra thế nào được... Này con là tôi tớ Chúa... Con xin vâng... Linh hồn tôi tung hô Chúa... Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu... Sao con làm như vậy... Người ta hết rượu rồi.... Hãy làm theo lời Người bảo...”

Vậy mà bao nhiêu sách vở đã viết về con đường của Ngài, con đường khám phá ra cuộc đời đầy phép lạ, giầu có quá.

Ðức Maria đã ghi nhận mọi biến cố, ngắm nhìn kỹ, suy niệm trong lòng, khi sinh con nơi hang lừa, khi lạc con ba ngày.. . và mắt mở sáng khám phá ra bàn tay Chúa.

Những biến cố của mỗi đời người được ghi nhận bằng nhiều cách khác nhau. Có người diễn tả thành bài văn, bài thơ. Có người diễn ra bằng khúc sáo, nét nhạc, nét vẽ. Có người ghi nhận bằng một bức hình chụp. Những biến cố đời Ðức Maria đã được thu gọn bằng 15 bức hình chụp trong mầu nhiệm kinh Mân côi, chộp được hồn của Chúa, chụp được hình Chúa mà cũng là chính hình mình, qua 15 bước điển hình con đường của Thiên Chúa làm Người Tình đang nhảy qua núi băng qua đồi đến tìm mình, như tâm tình Nhã Ca:

Người yêu đang tới đây rồi

Như nai tơ nhảy qua đồi núi cao.




TRÁI CÂY BẰNG NGỌC


Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí, một nhà thần bí Công Giáo và là một thi hào nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, trong những giây phút bị tước đoạt nhất bỗng mở mắt sáng khám phá ra những lạ lùng.

Như vậy mỗi bài văn, bài thơ của Hàn Mặc Tử phải được đánh giá trên 49 triệu mới đúng. Vì ông đã khám phá ra vẻ kỳ diệu và sự giàu sang đầy ngọc đầy vàng trong cuộc đời ngay cả qua những khổ đau:

Trái cây bằợng ngọc vỏ bằng gấm

Còn mặt trời kia tợ khối vàng.


Bằng con mắt nghệ sĩ đích thực, bằng con mắt đức tin, bằng con mắt tình yêu được khai mở, Hàn Mặc Tử đã thấy Chúa có mặt tỏ bày tình yêu và “giải nghĩa yêu” qua mọi sự, dưới đáy nước hồ reo, qua tơ liễu run trong gió...

Ðây phút thiêng liêng đã khởi đầu...

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Ðể nghe dưới đáy nước hồ reo

Ðể nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem Trời giải nghĩa yêu.


Hàn Mặc Tử đã thấy được mọi cảnh vật dù rất tầm thường đều mang hương vị kỳ diệu như những phép lạ: “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, vườn ai mướt quá xanh như ngọc...”.

Chính nhạc sĩ Phạm Duy có lần nhận xét trong Trường Ca Hàn Mặc Tử: “Tất cả đều phải rất mượt mà, rất đậm đà, rất ngọc ngà... dù áo em chỉ là áo trắng, hoa đây chỉ là hoa bắp... Bởi vì thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thấy Ðạo ở tất cả, ở đáy nước hồ reo, và nhất là ở tình yêu...”.

Và trong Chơi Giữa Mùa Trăng Hàn Mặc Tử đã bày tỏ “Quan Niệm Thơ” của ông:

“Trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng... Tất cả trong thế gian này, hay có một cõi xuất thế gian nào nữa, những gì đã trụ trong hai thế gian ấy (cõi hữu hình và cõi vô vi) đềợu là hình ảnh của thơ cả. Ðức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ nhiệm mầu, phép tắc của Ðấng Chí Tôn.”

Ðúng rồi, Trời đang giải nghĩa yêu qua mọi sự... dù là cùi, dù là mồ thối. Ngài đã sống lại và đang hiện ra: “Thầy đây, chúng con đừng sợ... Bình an cho các con... Các môn đệ vui mừng vì trông thấy Chúa”.

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió.

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao...




SAO KHÔNG TẬP CHỤP ÐI?




Chụp hình là linh thao đấy. Nhìn ra được Ðường Nở Hoa. Mọi ngóc ngách đang nở hoa. Ðất đá đang nở hoa. Ðầu cành khô đang nở hoa. Thấy thần linh Chúa trong mọi sự, thấy được những phép lạ, những tuyệt tác trong những gì xem ra tầm thường nhỏ bé. Ðó là bài linh thao số 235 trong bửu bối của “ảnh sĩ” I-Nhã:

“Nhìn thấy Chúa hiện diện trong tạo vật như thế nào: trong mọi vật bằng cách ban cho được hiện hữu, trong thảo mộc bằng cách ban cho được sức sống, trong thú vật bằng cách ban cho được cảm giác, trong loài người bằng cách ban cho được suy nghĩ; và Chúa cũng ngự như vậy trong tôi bằng cách ban cho được hiện hữu, sức sống, cảm giác, trí khôn. Cũng vậy, hãy nhìn xem Chúa đã làm cho tôi nên đền thờ của Ngài như thế nào, vì Ngài đã tạo dựng nên tôi giống Ngài và theo hình ảnh Ngài.”

Với cái nhìn này thì thấy được Chúa cũng dễ lắm. Tấm hình sẽ thành tác phẩm tuyệt kỹ, vì đang chụp chính hình Chúa mà. Và nhất là cảm nghiệm được Chúa đang có mặt, hoạt động trong chính thân xác và tâm hồn mình. Không phải như một suy luận nào cả, mà là một thực chứngỳ, một cảm nghiệm. Cũng cùng một dòng sức sống Thần Khí. Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông thư “Ðệ Tam Thiên Niên Sắp Ðến” cũng nói rõ:

“Mọi tạo vật trong thực tế là một sự biểu lộ vinh quang của Người; đặc biệt con người là sự khai mở của vinh quang Thiên chúa, được kêu gọi để sống sự sung mãn của cuộc sống nơi Thiên Chúa.” (trang 8).

Vậy hãy tập nhìn kỹ đi. Nhìn và chụp đủ 100 lần bất cứ gì quanh mình. Rồi mình sẽ reo vui như thánh Duy-An Thập Giá với đôi mắt mở lớn kinh ngạc nhìn mọi cảnh vật mà nhận ra Người Tình là chính Chúa Trời Ðất đang hiện ra với mình mọi nơi mọi lúc:

Người yêu của tôi

Là biển xa khơi

Là thung lũng vắng

Là đồi núi cao

Là nhạc thinh lặng.


Chúa đang là một Người Tình chạy tới khấp khởi mừng vui tìm mình. Vườn Ðịa Ðàng đang hiển hiện đây này, dòng thác ân sủng đang tuôn đổ ngày đêm, có một dòng sông đầy vàng quí đang chảy qua đất này mà, sao lại phải đi tìm mải đâu đâu. Chỉ cần mở con mắt đức tin là cảm nghiệm thấy liền.

Thánh Lê Thị Thành đúng là một nhà chụp hình như Ðức Maria, như Thánh Duy-An Thập Giá, Thánh Phan Sinh, như Tagore. Mọi nẻo đường đều đang nở hoa, vì Chúa là Người Tình đang hiện ra, ánh sáng biến đổi mọi bóng tối. Người đấy. Thế nào mình cũng chụp được hình Người. Tấm hình sẽ trở thành tuyệt tác.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường; e-mail: andytuong@cox.net

Xin mời ghé thăm gia trang của Lm. Trần Cao Tường: vietcatholic.net/caotuong


Nhìn về tác phẩm ÐƯỜNG NỞ HOA LÊ THỊ THÀNH

“Tác phẩm vinh danh người mẹ Việt Nam, qua hình ảnh thánh nữ Lê Thị Thành.

- Tác phẩm đưa ra một lối sống nở hoa đem lại hạnh phúc sung mãn, mở ra một con đường nên thánh theo tu đức, linh đạo Việt Nam.

- Tác phẩm đem lại niềm hãnh diện và tự tin cho người Việt, khơi gợi cảm hứng để chúng ta cùng nhau xoay tròn điệu vũ thiêng của dân tộc, và với từng bước chân nở hoa trên đường tu đức Lê Thị Thành, chúng ta hướng đến viễn ảnh năm 2000 trong niềm hân hoan phấn khởi”. (nhà văn Quyên Di, Thời Ðiểm Công Giáo)

“Tôi sửa soạn đi Luân Ðôn thì nhận được cuốn Ðường Nở Hoa Lê Thị Thành. Rất vinh dự. Tôi thấy ấm lòng vô kể.” (nhạc sĩ Phạm Duy)

“Tác giả đã viết về bà Lê Thị Thành với một nguồn cảm hứng thánh thiện, đã nhìn trong cuộc đời đạo đức bình thường của người đàn bà Việt Nam thuộc thế kỷ 19 ấy những bài học cho thế giới ngày nay, một thế giới tiến bộ nhưng cũng có nhiều lệch lạc méo mó do sự tiến bộ ấy gây ra. Theo tác giả, cuộc đời luôn cần gìn giữ vẻ đẹp đơn sơ, trong trẻo và chân thật mà Thượng Ðế đã trao cho muôn loài, mà hình ảnh nữ thánh Lê Thị Thành, một người đàn bà mang đầy đủ đặc tính nữ giới Việt Nam, là một điển hình” (nhà văn Phạm Xuân Ðài, Thế Kỷ 21).

“Ðây là một bông hồng quý cả cho Giáo Hội, cả cho ngành sử. Quý lắm.” (nhà văn Trà Lũ, văn bút Toronto, Canada).

“Ðây là cuốn sách tu đức Việt theo lối sống Việt Nam, thật dí dỏm mà lần đầu tiên được đọc. Cầm cuốn sách trong tay có cảm tưởng như cầm một tấm lụa Việt Nam mịn màng, óng ánh quý giá. Hình dung Thánh nữ Lê Thị Thành là một con tằm, thân thế thật tầm thường hèn mọn, một loài sâu như bao loài sâu khác, và những hành động anh hùng trong đức tin của bà như những sợi tơ mịn màng dệt thành cái kén quý giá, khác xa những tổ sâu tầm thường. Lạ cái là theo những cặp mắt tầm thường thì con tằm là con tằm, cái kén là cái kén, có gì đặc sắc đâu, nhưng đối với người có con mắt tinh tường đã nhìn thấy được vẻ đẹp mĩ miều của sợi tơ, và đã dùng nó để dệt nên những tấm lụa mượt mà quí giá, trình bày cho khách thưởng lãm. Cầm tấm lụa này trên tay và thầm cám ơn người thợ dệt đã tốn công tốn sức phô bầy những nét đẹp của sợi tơ mỏng manh, đẹp đẽ và thật bền này” (Quỳnh Yến, nhóm Lên Ðường)