HỐ NAI - Chiều thứ Sáu ngày 20/02/2015, nhằm ngày Mồng Hai Tết Ất Mùi, thánh lễ kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ được tổ chức long trọng tại nghĩa trang Giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc.
Hình ảnh
Cùng dâng lễ với Cha chánh xứ Đaminh Bùi Văn Án, có Cha phó Đaminh, cha Giuse đồng hương và Thầy phó tế Phaolo.
Cách đặc biệt, năm nào cũng vậy thánh lễ tại nghĩa trang giáo xứ là nơi quy tụ mọi người, mọi thành phần về tham dự rất đông. Ngày xuân xum họp gia đình; nhưng nơi nghĩa trang, bên phần mộ của người thân yêu trong ngày đầu Năm Mới, chắc hẳn là dịp giúp mỗi người chúng ta cảm nghiệm sâu xa về gốc rễ cội nguồn, về đạo hiếu, về sợi dây thiêng liêng nối kết những người ruột thịt.
Ánh nến lung linh, quyện với hương trầm nghi ngút, với ngàn hoa vạn thọ tươi thắm, bên mộ phần của người thân yêu, con cháu cùng cộng đoàn sốt sắng tham dự lễ thánh.
Mở đầu thánh lễ, Cha chánh xứ Đaminh, Ngài rất vui dâng lời chào mừng Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn hiện diện cùng với bà con trong giáo xứ, còn có số đông anh chị em từ các nơi xa gần trong ngoài nước, anh chị em các tôn giáo bạn thân quen cách này hay cách khác với các gia đình cũng đến tham dự.
Trong niềm vui hội ngộ hôm nay, Cha xứ mời mọi người cùng vỗ tràng pháo tay thay cho lời chào chúc nhau ngày đầu Năm Mới.
Sau tràng vỗ tay vang dội của cộng đoàn hiện diện, Ngài nói “Trong ngày đầu Năm Mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ, nhớ đến công đức sinh thành dưỡng dục của các Ngài, cầu xin cho Ông Bà Cha Mẹ còn sống được khang an trường thọ, cho những Vị đã qua đời được Chúa thương tha hết hình phạt, được mau về hưởng hạnh phúc với Chúa. Và nhớ đến Quý Cha cố, Quý Tu sĩ, Quý chức ban hành giáo, Quý ân nhân của giáo xứ, còn sống cũng như đã qua đời”.
Trong bài giảng lễ, bằng chất giọng Huế ngọt ngào dễ thương, Cha phó Đaminh Đoàn Giang Sơn chia sẻ với cộng đoàn.
“Kính thưa Cộng đoàn,
Mỗi người chúng ta được sinh ra từ lòng mẹ, được nuôi nấng bởi những giọt mồ hôi lao khó của người Cha và dòng sửa ấm nồng của Mẹ hiền, được ấp ủ trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình, để rồi ta cứ mãi lớn lên thành người. Công đức sinh thành hơn trời cao biển rộng, làm sao ta có thể đền đáp cho cân xứng?
Nói đến công đức sinh thành của cha mẹ, ai trong chúng ta cũng cảm thấy lòng trào dâng vị yêu thương ngọt ngào dịu êm, vì biết bao công khó của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”..
Thế đó, những câu ca dao tục ngữ về tình cha nghĩa mẹ đã đi vào lời ru của người mẹ Việt Nam, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là Hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Hiếu không chỉ còn là một nghĩa vụ, mà đã trở thành đạo: Đạo Hiếu hay còn gọi là Đạo Ông Bà.
Chính vì thế, vào những ngày Tết, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về bên mộ phần hay bàn thờ tổ tiên để thắp nén hương tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết cổ truyền để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta đi thêm 1 bước nữa, đó là tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối, đó là Thiên Chúa.
Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.
Mặt khác, đối với người ki-tô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người ki-tô hữu.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh mà chúng ta vừa nghe trong bài đáp ca đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.
Vậy nên khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng Ngôn Sứ I-sai-a: “có người Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang ? Cho dù người mẹ có quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” ( Is 49, 15.
Và như thế hôm nay chúng ta phải xác tín với nhau rằng sống trung thành với Thiên Chúa, đó chính là dấu chỉ của đạo hiếu: Dưới cái nhìn của Đức Tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. và thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của Thánh Phao-lô: “Những người làm cha mẹ,. ..hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ.
Lắng nghe Lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.
Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng quan tâm tới cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”.
Ngày hôm nay chúng ta dâng thánh lễ kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, chúng ta cũng ghi nhớ công ơn của quý cha, quý tu sĩ, quý chức, quý ân nhân và toàn thể những người đạng gửi thân xác tại ngĩa trang giáo xứ Bắc hải này, vì một cách nào đó, tất cả những người này đã có công xây dựng, hình thành và phát triển giáo xứ chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài được sớm vinh thăng cõi phúc. Chính trong sự nhớ ơn các vị tiền nhân và sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, chúng ta sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa như lời Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn được chọn làm ca nhập lễ hôm nay đã dạy: Con ơi giữ lấy lời Cha, Chớ quên lời Mẹ nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong lúc tối tăm, Ấy là chính những lời răn dạy truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, Khắc ghi công đức một niềm tri ân. (Cn. 6, 20-23).
Ước mong rằng tất cả chúng luôn sống hiếu thảo, qua việc vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già. Xin cho từng người trong chúng ta luôn biết xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm đầy tình yêu và ân phúc của Chúa. Amen”.
Tuy công đoàn hiện diện rất đông, nhưng việc tổ chức được diễn ra nghiêm trang trật tự, các phương tiện như xe ô tô, xe máy của cộng đoàn được ban giữ xe chu đáo cẩn thận. Ca đoàn giáo xứ hát rất hay, giúp cộng đoàn sốt sắng dâng hồn lên cùng Chúa.
Trước khi đọc lời nguyện kết lễ, một lần nữa Cha xứ dâng lời cảm ơn Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý chức, Quý cộng đoàn, Quý khách, Quý anh chị em các tôn giáo bạn, và Ngài không quên nhắc nhở mọi người hãy nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông trên các tuyến đường trong những ngày Tết Vui Xuân.
Thời tiết Xuân ở Hố Nai năm nay rất đẹp! thánh lễ kết thúc, màn đêm buông xuống, nơi các phần mộ lung linh ngọn nến sáng tỏa ngát hương hoa, con cháu quây quần đọc kinh cầu nguyện.
Ngày 21 tháng 2 vừa tròn kỷ niệm 21 năm lễ giỗ Thầy Đaminh Hà Chí Mỹ (Thầy già Khoan) cộng đoàn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện cho Thầy.
Hình ảnh
Cùng dâng lễ với Cha chánh xứ Đaminh Bùi Văn Án, có Cha phó Đaminh, cha Giuse đồng hương và Thầy phó tế Phaolo.
Cách đặc biệt, năm nào cũng vậy thánh lễ tại nghĩa trang giáo xứ là nơi quy tụ mọi người, mọi thành phần về tham dự rất đông. Ngày xuân xum họp gia đình; nhưng nơi nghĩa trang, bên phần mộ của người thân yêu trong ngày đầu Năm Mới, chắc hẳn là dịp giúp mỗi người chúng ta cảm nghiệm sâu xa về gốc rễ cội nguồn, về đạo hiếu, về sợi dây thiêng liêng nối kết những người ruột thịt.
Ánh nến lung linh, quyện với hương trầm nghi ngút, với ngàn hoa vạn thọ tươi thắm, bên mộ phần của người thân yêu, con cháu cùng cộng đoàn sốt sắng tham dự lễ thánh.
Mở đầu thánh lễ, Cha chánh xứ Đaminh, Ngài rất vui dâng lời chào mừng Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn hiện diện cùng với bà con trong giáo xứ, còn có số đông anh chị em từ các nơi xa gần trong ngoài nước, anh chị em các tôn giáo bạn thân quen cách này hay cách khác với các gia đình cũng đến tham dự.
Trong niềm vui hội ngộ hôm nay, Cha xứ mời mọi người cùng vỗ tràng pháo tay thay cho lời chào chúc nhau ngày đầu Năm Mới.
Sau tràng vỗ tay vang dội của cộng đoàn hiện diện, Ngài nói “Trong ngày đầu Năm Mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ, nhớ đến công đức sinh thành dưỡng dục của các Ngài, cầu xin cho Ông Bà Cha Mẹ còn sống được khang an trường thọ, cho những Vị đã qua đời được Chúa thương tha hết hình phạt, được mau về hưởng hạnh phúc với Chúa. Và nhớ đến Quý Cha cố, Quý Tu sĩ, Quý chức ban hành giáo, Quý ân nhân của giáo xứ, còn sống cũng như đã qua đời”.
Trong bài giảng lễ, bằng chất giọng Huế ngọt ngào dễ thương, Cha phó Đaminh Đoàn Giang Sơn chia sẻ với cộng đoàn.
“Kính thưa Cộng đoàn,
Mỗi người chúng ta được sinh ra từ lòng mẹ, được nuôi nấng bởi những giọt mồ hôi lao khó của người Cha và dòng sửa ấm nồng của Mẹ hiền, được ấp ủ trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình, để rồi ta cứ mãi lớn lên thành người. Công đức sinh thành hơn trời cao biển rộng, làm sao ta có thể đền đáp cho cân xứng?
Nói đến công đức sinh thành của cha mẹ, ai trong chúng ta cũng cảm thấy lòng trào dâng vị yêu thương ngọt ngào dịu êm, vì biết bao công khó của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”..
Thế đó, những câu ca dao tục ngữ về tình cha nghĩa mẹ đã đi vào lời ru của người mẹ Việt Nam, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là Hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Hiếu không chỉ còn là một nghĩa vụ, mà đã trở thành đạo: Đạo Hiếu hay còn gọi là Đạo Ông Bà.
Chính vì thế, vào những ngày Tết, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về bên mộ phần hay bàn thờ tổ tiên để thắp nén hương tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết cổ truyền để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta đi thêm 1 bước nữa, đó là tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối, đó là Thiên Chúa.
Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.
Mặt khác, đối với người ki-tô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người ki-tô hữu.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh mà chúng ta vừa nghe trong bài đáp ca đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.
Vậy nên khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng Ngôn Sứ I-sai-a: “có người Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang ? Cho dù người mẹ có quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” ( Is 49, 15.
Và như thế hôm nay chúng ta phải xác tín với nhau rằng sống trung thành với Thiên Chúa, đó chính là dấu chỉ của đạo hiếu: Dưới cái nhìn của Đức Tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. và thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của Thánh Phao-lô: “Những người làm cha mẹ,. ..hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ.
Lắng nghe Lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.
Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng quan tâm tới cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”.
Ngày hôm nay chúng ta dâng thánh lễ kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, chúng ta cũng ghi nhớ công ơn của quý cha, quý tu sĩ, quý chức, quý ân nhân và toàn thể những người đạng gửi thân xác tại ngĩa trang giáo xứ Bắc hải này, vì một cách nào đó, tất cả những người này đã có công xây dựng, hình thành và phát triển giáo xứ chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài được sớm vinh thăng cõi phúc. Chính trong sự nhớ ơn các vị tiền nhân và sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, chúng ta sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa như lời Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn được chọn làm ca nhập lễ hôm nay đã dạy: Con ơi giữ lấy lời Cha, Chớ quên lời Mẹ nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong lúc tối tăm, Ấy là chính những lời răn dạy truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, Khắc ghi công đức một niềm tri ân. (Cn. 6, 20-23).
Ước mong rằng tất cả chúng luôn sống hiếu thảo, qua việc vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già. Xin cho từng người trong chúng ta luôn biết xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm đầy tình yêu và ân phúc của Chúa. Amen”.
Tuy công đoàn hiện diện rất đông, nhưng việc tổ chức được diễn ra nghiêm trang trật tự, các phương tiện như xe ô tô, xe máy của cộng đoàn được ban giữ xe chu đáo cẩn thận. Ca đoàn giáo xứ hát rất hay, giúp cộng đoàn sốt sắng dâng hồn lên cùng Chúa.
Trước khi đọc lời nguyện kết lễ, một lần nữa Cha xứ dâng lời cảm ơn Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý chức, Quý cộng đoàn, Quý khách, Quý anh chị em các tôn giáo bạn, và Ngài không quên nhắc nhở mọi người hãy nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông trên các tuyến đường trong những ngày Tết Vui Xuân.
Thời tiết Xuân ở Hố Nai năm nay rất đẹp! thánh lễ kết thúc, màn đêm buông xuống, nơi các phần mộ lung linh ngọn nến sáng tỏa ngát hương hoa, con cháu quây quần đọc kinh cầu nguyện.
Ngày 21 tháng 2 vừa tròn kỷ niệm 21 năm lễ giỗ Thầy Đaminh Hà Chí Mỹ (Thầy già Khoan) cộng đoàn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện cho Thầy.