Nói hành - nói xấu

Thảo Mai dấu yêu, Thảo Mai ơi

Em mang đến cho ta niềm kiêu hãnh

Sự ngọt ngào và yêu mến thiết tha

Rồi một ngày ta đau đớn nhận ra

Môi miệng em chỉ toàn là dối trá!


Ngay tại cổng vào nhà thờ Santa Maria vùng Cosmedin ở Roma, có một phiến đá hình mặt người được khắc từ thế kỷ thứ nhất, được gọi là La Bocca Della Verità (miệng sự thật). Bất cứ ngày nào trong năm cũng đều có rất đông du khách từ các nơi trên thế giới đến tham quan phiến đá này, đặc biệt là các đôi tình nhân. Vừa để xin thánh Valentine chúc phúc cho tình yêu của họ bởi trong ngôi thánh đường này có lưu giữ thánh tích của ngài, và cũng vừa là cơ hội để họ chứng minh tình yêu trao cho nhau là sự thật. Trong hàng người dày đặc, từng đôi đi đến đặt tay vào miệng sự thật, tay kia cầm tay người yêu và nói “anh yêu em” hoặc “em yêu anh”. Nếu lời của họ là giả dối, tức thì phiến đá sẽ ngậm miệng lại và cắn chặt tay của họ. Vì tò mò, nên biết bao đôi trẻ tới đây, và cũng không ít người bỏ đi vì không dám cho tay vào. Không biết lúc đó, có bạn Việt Nam nào dám hát theo Elvis Phương “Tôi xin người cứ gian dối, Khi tôi hỏi người có yêu tôi, May ra còn được thấy đời vui”. Lỡ chẳng may, vui chẳng thấy đâu mà tay lại mất thì ... amen. Thôi thì cứ tìm cách kéo tay người yêu qua tham quan những nơi khác cho lành.

Bạn thân mến!

Thói giả dối đi kèm nói xấu là tật muôn thuở của con người. Rất nhiều chỗ trong Thánh Kinh đề cập và lên án nó. Thánh vịnh 41 kể: “Kẻ đến thăm con, miệng nói lời giả dối, nhưng chủ ý thâu tin độc địa, vừa ra khỏi nhà, đã vội rêu rao”. Sau này, Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu sơ khai “anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha”.

Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô rất ghét thói nói xấu. Đau đớn và buồn thay, đây không phải là thói tật chỉ của thảo dân, người đời, nhưng nó lan rộng khắp mọi hạng người cao sang quyền quý, len cả vào trong hàng giáo sĩ, đến nỗi Đức Thánh Cha phải nhắc đi nhắc lại. Có lần Ngài nói với các linh mục và giám mục: “Hãy đi nói thẳng vào mặt nhau. Các cha ông của chúng ta trong các Công Đồng đánh nhau, và tôi thích họ la hét nhau, rồi ôm nhau làm hòa hơn là đi nói xấu, nói chùng nói lén nhau”. Rất mạnh mẽ, cương quyết! Thậm chí ngài còn cho đó là “một tội lỗi xấu xa hơn hết”. Bởi, theo ngài, nói xấu là việc làm trực tiếp của quỷ”, do lòng ghen tuông, thù hận. Hơn nữa, Ngài còn gọi nó là thói tiểu nhân: “Đây là bệnh hèn nhát, những người không có can đảm để nói công khai nên xầm xì sau lưng người khác. Hãy đề phòng sự khủng bố của đàm tiếu!” -Một trong những lời phê phán với hàng lãnh đạo cấp cao Vatican dịp cuối năm 2014.

Chuyện xảy ra tại Roma: “một người mù ngồi chung xe buýt với các linh mục. Sau một lúc nghe các ngài kể chuyện hài hước vua đùa, ông ta hỏi: “quý vị đây là các linh mục phải không?”. Ngạc nhiên và hãnh diện, một vị hỏi: “ông không nhìn thấy mà sao lại biết chúng tôi là linh mục?”. - Tỉnh bơ, ông ta trả lời: vì tôi thấy quý vị toàn kể chuyện châm biếm giám mục (!). Thật là một câu chuyện đáng cho hàng tu trì và nhất là các linh mục suy nghĩ.

Tính nói xấu được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau, mà hình thức phổ biến nhất trong xã hội ngày nay đó là “thảo mai”. Loại người này luôn đâm sau lưng chiến sĩ: “Trước mặt thì ngọt xớt, sau lưng thì sát ớt vào nhau”, hay “miệng thì nam mô mà bụng thì một bồ dao găm”. Hành vi hèn nhát và giả dối này lại được được biện minh là sự khôn khéo, ngoại giao vv...

Loại thứ hai là nói theo: dù trong lòng không muốn, nhưng phải nói theo người kia vì “tế nhị”. Nếu mình không nói xấu theo thì sợ người đối thoại phiền lòng.

Lại có những người nói vì thói quen, vì không nghĩ ra điều gì khác để nói, nói như hài hước, tưởng rằng như thế sẽ giúp vui.

Loại nói xấu nào thì cũng ngầm khẳng định bản thân mình tài năng đức độ, dĩ nhiên không dựa vào thực lực của mình, nhưng dựa vào cách hạ giá người khác.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì hành vi nói xấu người khác cũng xuất phát từ sự giả dối, không có lòng tự trọng. Bởi nếu từ sự chân thật thì những lời nói về khuyết điểm sẽ mang tính xây dựng và được biết ơn; nếu có lòng tự trọng, người ta sẽ không đi hạ thấp hay “dìm hàng” anh em như thế.

Triết lý Khổng Tử cho rằng: đừng bận tâm tới người nói xấu, nhưng cũng phải nhìn nhận hệ quả của nó thật thảm hại, mà trước tiên là đối với chủ thể nói xấu: “Dục lượng tha nhân, tiên tu tự lượng; Thương nhân chi ngữ, hoàn thị tự thương; Hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu”: “Muốn xét người khác, trước nên xét mình; Nói xấu hại người, trở lại là tự hại mình; Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”.

Câu chuyện sau về nhà hiền triết vĩ đại Socrates khai sáng cho chúng ta:

Một người đến nói với Socrates: “Ngài có biết tôi mới nghe được một câu chuyện về người bạn của ngài không?”. Nhà hiến triết hỏi: “Ông có chắc chắn đó là sự thật?” - “Không, thực ra tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi và…”. Vậy “đó có phải là điều tốt không”, Socrates hỏi. - “Không, ngược lại…” Vị khách trả lời. “Thế câu chuyện đó có ích cho tôi hay không?”. Người kia đáp: “Không”. Socrates nhìn vào mắt của vị khách và nói một câu chuyện chưa chắc đúng, không tốt, không có ích, vậy tại sao ông mất thời gian để kể và tôi lại mất thì giờ để nghe?