Thiên Chúa ban cho Giáo Hội tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng khác nhau để sinh ích lợi cho tất cả mọi người, để cho toàn cộng đoàn kitô lớn lên hài hòa trong đức tin và tình yêu của Người như một thân thể duy nhất của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 1-10-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Tham dự buổi tiếp kiến đã có hàng ngàn nhóm hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó có phái đoàn 90 người Việt Nam ở Houston do cha Nguyễn Ngọc Thụ hướng dẫn. Cũng có các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như Côte d'Ivoire, Camerun, Nam Phi, Namibia; hay từ Á châu như Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Sri Lanka; hoặc từ châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô, Costa Rica, El Salvador, Paraguay, Colombia, Perù, Chile, Brasil, và từ Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: ”Các đặc sủng: khác biệt trong hiệp nhất”. Ngài nói: Ngay từ đầu Chúa đã làm tràn đầy Giáo Hội với các ơn của Thần Khí Ngài, và như thế khiến cho Giáo Hội luôn sống động và phong phú. Trong các ơn đó có vài ơn đặc biệt quý báu cho việc xây dựng và con đường của cộng đoàn kitô: đó là các đặc sủng. Vậy trong bài giáo lý hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu đặc sủng là gì? Làm sao nhận ra nó và đón nhận nó? Và nhất là sự kiện trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau và sự khác biệt và đa diện đó của các đặc sủng bị coi là điều tốt đẹp hay là một vấn đề.

Trong ngôn ngữ chung, khi nói tới ”đặc sủng” người ta thường hiểu nó là một tài năng, một sự khéo léo tự nhiên. Vì thế, đứng trước một người đặc biệt tài giỏi và hấp dẫn người ta thường nói: ”Đó là một người có đặc sủng”. ”Nó có nghĩa là gì?”. ”Tôi không biết, nhưng họ là người đặc sủng”. Chúng ta nói như vậy. Tuy không biết nhưng chúng ta nói như thế: ”Đó là một người đặc sủng”.

Tuy nhiên, trong viễn tượng kitô, thì đặc sủng cao hơn một đức tính cá nhân, một bẩm tính mà người ta có thể có; đặc sủng là một ơn thánh, một ơn do Thiên Chúa Cha rộng ban, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Và nó là một ơn được ban cho ai đó không phải vì họ giỏi hơn những người khác hay xứng đáng hơn, nhưng đó là một món qùa Thiên Chúa ban cho, để với chính sự nhưng không và tình yêu thương họ có thể dùng để phục vụ toàn cộng đoàn, cho thiện ích của tất cả mọi người. Một cách nhân loại thì người ta nói như thế này: Thiên Chúa ban cho đặc tính này, đặc sủng kia cho người này nhưng không phải cho cá nhân họ, mà là để phục vụ toàn cộng đoàn.

Hôm nay trước khi ra quảng trường tôi đã tiếp kiến biết bao nhiêu trẻ em tàn tật trong đại thính đường Phaolô VI, đông lắm. Có một hiệp hội tận hiến cho việc săn sóc các trẻ em này: là cái gì vậy? Hiệp hội này, các người nam nữ này có đặc sủng săn sóc các trẻ em tàn tật. Đó là một đặc sủng.

Cần phải nhấn mạnh ngay một điều quan trọng là sự kiện một người không thể tự mình hiểu mình có một đặc sủng hay không và đặc sủng nào. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe có người nói: ”Tôi có phẩm chất này, tôi biết hát hay lắm”, và không ai có can đảm nói với họ: ”Tốt hơn là bạn nên im đi, bởi vì bạn hành hạ tất cả chúng tôi khi bạn hát!” Không ai có thể nói tôi có đặc sủng này. Chính bên trong cộng đoàn nảy nở ra các ơn mà Thiên Chúa Cha ban tràn đầy cho chúng ta. Và chính trong lòng cộng đoàn mà người ta học và nhận ra các đặc sủng như là một dấu chỉ tình yêu thương của Người đối với mọi con cái Người. Vì thế thật là tốt, nếu từng người trong chúng ta tự hỏi: ”Chúa có khơi dậy nơi tôi đặc sủng nào không, trong ơn thánh của Thần Khí Người, và các anh em tôi trong cộng đoàn kitô đã nhận biết ra và khích lệ? Và tôi đã có cung cách hành xử như thế nào đối với đặc sủng đó: tôi có sống quảng đại bằng cách dùng nó để phục vụ mọi người hay không, hay tôi lơ là với nó và cuối cùng quên nó? Hay nó lại trở thành cớ cho tôi kiêu ngạo, đến độ luôn luôn than vãn về người khác và yêu sách rằng trong cộng đoàn người ta phải làm theo kiểu của tôi?” Đó là các câu hỏi mà chúng ta phải đưa ra. Nếu có một đặc sủng trong tôi, nếu đặc sủng đó được Giáo Hội thừa nhận, và nếu tôi có bằng lòng với đặc sủng đó hay tôi hơi ghen tương các đặc sủng của người khác và muốn có đặc sủng đó... Không, đặc sủng là một ơn. Chỉ có Thiên Chúa mới ban tặng cho mà thôi.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đẹp nhất là khám phá ra biết bao nhiêu đặc sủng khác nhau và biết bao ơn của Thần Khí, mà Thiên Chúa Cha đã ban tràn đầy cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích sự khác biệt của các đặc sủng như sau:

Điều này không được coi như là một lý do của sự lẫn lộn, khó chịu: tất cả là các món qùa Thiên Chúa Cha tặng ban cho cộng đoàn kitô, dể nó có thể lớn lên hài hoà, trong đức tin và tình yêu của Người, như một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Cùng Thần Khí, Đấng ban sự khác biệt của các đặc sủng, làm thành sự hiệp nhất của Giáo Hội: cùng Thần Khí. Do đó, đứng trước sự đa diện này của các đặc sủng, con tim chúng ta phải rộng mở cho niềm vui và phải nghĩ: ”Đẹp biết bao! Biết bao nhiêu ơn khác nhau, bởi vì chúng ta tất cả đều là con cái Thiên Chúa và đều được yêu thương một cách duy nhất”.

Vì vậy, khốn cho chúng ta nếu các ơn này trở thành lý do của ghen tương và chia rẽ! Như thánh tông đồ Phaolô nhắc nhớ trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô chương 12, mọi đặc sủng đều quan trọng dưới mắt Thiên Chúa, đồng thời không có ai là không thể thay thế được. Điều này có nghĩa là trong cộng đoàn kitô chúng ta cần nhau, và mỗi ơn nhận lãnh được thể hiện tràn đầy, khi được chia sẻ với các anh em khác, cho thiện ích của tất cả mọi người. Đó là Giáo Hội! Và khi Giáo Hội, trong sự đa diện của các đặc sủng, được diễn tả ra trong sự hiệp thông, thì không thể sai lầm: đó là vẻ đẹp và sức mạnh của ý thức đức tin, của ý nghĩa siêu nhiên của đức tin, do Chúa Thánh Thần ban để chúng ta tất cả cùng nhau bước vào trọng tâm của Tin Mừng và học đi theo Chúa Giêsu trong cuộc sống.

Hôm nay Giáo Hội mừng nhớ thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu. Chị thánh qua đời năm 24 tuổi và đã rất yêu thương Giáo Hội, muốn làm thừa sai, muốn có mọi đặc sủng và nói: ”Không, tôi muốn làm cái này cái nọ”, và muốn có mọi đặc sủng. Chị đã cầu nguyện và cảm thấy đặc sủng của mình là tình yêu và đã nói câu hay đẹp này: ”Trong lòng Giáo Hội con sẽ là tình yêu”. Và đặc sủng này tất cả chúng ta đều có: đó là khả năng yêu thương. Hôm nay chúng ta hãy xin thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu khả năng yêu thương Giáo Hội biết bao này, yêu thương Giáo Hội nhiều và chấp nhận mọi đặc sủng với tình yêu thương của con cái Giáo Hội, của Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật.

Các bạn thân mến, đó là điều Chúa xin chúng ta hôm nay: nhận biết các đặc sủng với niềm vui và lòng biết ơn, các đặc sủng mà Chúa phân phát trong cộng đoàn, và dấn thân cho nhau, theo các sứ vụ và phục vụ mà chúng ta được mời gọi. Như thế Giáo Hội lớn lên với ơn thánh của Chúa và trong mọi thời và mọi nơi, trở thành dấu chỉ đáng tin cậy và là chứng tá sống động cho tình yêu của Thiên Chúa.

Chào các tín hữu nói tiếng Đức Đức Thanh Cha nhắc cho họ biết tháng Mười là tháng Mân Côi. Ngài mời gọi mọi người suy gẫm cuộc sống và công trình của Chúa Kitô với đôi mắt của Mẹ Maria. Ngài nói: anh chị em hãy lần hạt Mân Côi và như thế đồng hành với công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình.

Trong tiếng Tây Ban Nha ngài đã đặc biệt chào Đức Cha Javier Echevarría. Giám hạt Opus Dei và tín hữu về tham dự lễ phong chân phước cho Đức Cha Alvaro del Portillo. Ngài xin gương sáng của chân phước trợ giúp họ quảng đại đáp trả lại lời Thiên Chúa mời gọi sống thánh thiện, làm việc tông đồ trong cuộc sống thường ngày, phục vụ Giáo Hội và toàn nhân loại.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha cầu mong tình yêu mà thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu có đối với Giáo Hội là giáo huấn cho cuộc sống thiêng liêng của họ. Ngài cầu chúc các anh chị em bệnh nhân dùng lời cầu nguyện như dụng cụ đương đầu với những lúc khổ đau khó khăn nhất. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng cuộc sống hôn nhân trên sự tôn trọng và lòng chung thủy với nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.