Trong một vài tháng, những kẻ cực đoan Hồi giáo đã loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các Kitô hữu tại nhiều nơi ở Iraq. Cha Rebwar Basa đã chứng kiến thực tại mới này vào đầu tháng Bảy, khi ngài đến thăm gia đình của mình, đang tị nạn ở Erbil, thủ đô của Iraq Kurdistan.

Cha Rebwar Basa dòng Thánh Ormiza của Công Giáo Chanđê đang theo học tiến sĩ tại Rôma cho biết:

"Khi tôi đến sân bay và đi ra ngoài, tôi thấy nhiều, rất nhiều người dân nằm la liệt. Nhiều người Iraq đang ngủ bên ngoài thiếu thốn đủ mọi thứ."

Khu tự trị này đã đón hàng ngàn Kitô hữu chạy trốn cơn thịnh nộ của bọn khủng bố Hồi Giáo. Cha Basa nói rằng những Kitô hữu Iraq đã có từ thời các thánh Tông Đồ và thậm chí họ còn nói cùng một ngôn ngữ với Chúa Giêsu.

Cha nói:

"Những Kitô hữu chúng tôi tại Iraq có tiếng mẹ đẻ là tiếng Aramaic, ngôn ngữ Đức Giêsu nói hàng ngày. Sẽ rất buồn nếu một ngày kia chúng ta không tìm thấy bất cứ ai nói ngôn ngữ này nữa."

Trước khi sang Rôma theo học tiến sĩ, cha Basa đã làm mục vụ tại Mosul gần một thập niên. Nhưng giờ đây ngài không thể đến thăm thành phố. Đó là việc quá nguy hiểm. Tu viện, nơi ngài đã từng cư ngụ giờ đây bị rơi vào tay quân khủng bố Hồi Giáo.

Cũng giống các gia đình Kitô hữu, dòng của ngài và các nhà lãnh đạo tôn giáo đành phải bỏ lại nhà cửa và nhà thờ của họ để lánh nạn. Cha Basa thừa nhận khủng bố Hồi Giáo đã gây ra những thiệt hại nặng cho tương lai của Giáo Hội tại Iraq.

Cha nói thêm:

"Tôi đã học Triết học và Thần học ở Baghdad, và trong thời gian đó chúng tôi đã có hơn 70 sinh viên. Và giờ đây chỉ còn 20 hoặc 25 chủng sinh. Và tương lai có thể còn ít hơn."

Sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, các Kitô hữu Iraq bắt đầu phải di cư ra nước ngoài. Nhiều người bỏ nước ra đi, những người khác định cư ở Kurdistan.

Mặc dù có trụ sở tại thủ đô Baghdad, chủng viện Baghdad hiện đang được đặt tại Erbil. Và Thượng Hội Đồng Giám Mục Chanđê vào tháng Sáu vừa qua cũng đã diễn ra gần đó.