Chúa Nhật 3 Phục Sinh A

Cv 2,14.22-33 ; 1 Pr 1,17-21 ; Lc 24,13-35

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 24,13-35

(13) Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. (8) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. (19) Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói: còn chính Người thì họ không thấy”. (25) Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! (26) Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? (27) Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào ở lại với họ (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó (34) Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU:

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hướng dẫn hai môn đệ về đức tin để đang từ tâm trạng chán nản và vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (c 18 và c 21), các ông đã tìm lại được niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh qua việc nghe lời Người giải thích Kinh Thánh (cc 25-27.32), và được tham dự lễ nghi Bẻ Bánh do chính Người thực hiện (cc 30-31).

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-16: + Cùng ngày hôm ấy: Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có hai người trong nhóm môn đệ: Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc 10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là Cơ-lê-ô-pát (18). + Làng Em-mau: Một nơi cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm tương đương 11 km về phía Tây. Nhưng đến nay làng này đã không còn tồn tại và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng không xác định được vị trí cụ thể của ngôi làng này. + Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra: Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang bị buồn chán thất vọng, các ông vẫn không ngừng bàn tán với nhau trong lúc đi đường xa. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ: Đức Giê-su Phục Sinh luôn quan tâm đến các môn đệ và sẵn sàng đến giúp đỡ khi họ bị buồn phiền đau khổ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người: Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng, nên không nghĩ người khách lạ kia là thầy Giê-su. Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi ra khác với lúc còn sống. Trước đó bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng không nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người hiện ra gần mộ vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần.

- C 17-18: + “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?”: Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông dễ dàng tâm sự những lo âu chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem…: Họ nghĩ đây là một khách hành hương đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và có thái độ lãnh đạm với một biến cố lớn lao mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.

- C 19-21: + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét…: Cho đến lúc này, hai môn đệ này mới chỉ công nhận Đức Giê-su là ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép lạ đã làm. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình: Sự kiện mới xảy ra đã làm các ông chán nản thất vọng là: các nhà lãnh đạo Ít-ra-en đã nộp Ngưới để Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay đã sang ngày thứ ba rồi !

- C 22-24: + Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi…: Tâm trạng của các ông vẫn còn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các tông đồ đã chứng kiến mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn sống”, nhưng riêng các ông thì coi là chuyện hoang đường khó tin. Lời này cho thấy hai môn đệ này không phải loại người dễ tin. Do đó, một khi họ tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản bác được.

- C 25-27: + Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ !: Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?: Chúa Phục Sinh nhắc lại lời Người đã từng báo trước về số phận của Người: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ…: Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước đã làm chứng về con đường cứu thế Đức Giê-su đã chọn theo là: Qua đau khổ vào trong vinh quang (x. Lc 24,44 tt).

- C 28-31: + Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa: Giả vờ ở đây không phải là thái độ giả dối, nhưng là phương cách khôn ngoan để thử xem hai môn đệ này có thực lòng muốn nghe và muốn được Người ở lại với họ hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không bị ép buộc. + Họ nài ép Người: Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin Người ở lại trong nhà riêng cúa các ông để tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở. + Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn: Hai môn đệ đã lên tiếng mời vị khách lạ kia ở lại một cách khéo léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện tâm tình của các tín hữu khi ước ao kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể.

- C 32-31: + Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Người ta khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã cử hành bí tích Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Ở đây, Lu-ca cố ý dùng kiểu nói quen thuộc của phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19). Đây là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), và ám chỉ nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự bàn tiệc Thánh Thể giống như hai môn đệ làng Em-mau xưa. + Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người: Tiến trình đức tin của các tín hữu thường bắt đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tuyên xưng đức tin và được ơn thánh hóa nhờ việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể. + Nhưng Người lại biến mất: Từ đây Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ hiện diện cách thiêng liêng khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe lời giảng dạy của Hội Thánh, cùng nhau tham dự tiệc Thánh Thể và ân cần thăm viếng bác ái chia sẻ gạo tiền cho những người nghèo đói bệnh tật…

- C 32-35: + Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?: Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường để hưởng vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy…: Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và do lòng tin yêu Chúa thúc bách, hai môn đệ đang thất vọng trở thành những người phấn khởi vui tươi và hy vọng. Tâm trạng phấn khởi ấy khiến hai ông quên hết nhọc mệt để quay trở lại Giê-ru-sa-lem loan báo tin vui cho các anh em khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon: Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh hiện ra trước các Tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường: Hai môn đệ cũng chia sẻ niềm vui Chúa Phục Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác ở Giê-ru-sa-lem.

4. CÂU HỎI:

1) Hai môn đệ quê làng Em-mau nói trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ ? Tên của hai môn đề này là gì ? 2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại không nhận ra ngay người nói chuyện với mình chính là Chúa Phục Sinh ? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu ? 4) Câu trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của Đức Giê-su thế nào ? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì ? Tại sao giờ đây các ông lại tỏ ra chán nản tuyệt vọng ? 5) Hai môn đệ này có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su hay không ? Tại sao ? 6) Người khách bộ hành đã làm gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai ông ? 7) Đức Giê-su giả vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì ? 8) Câu nào của hai môn đệ là lời cầu nguyện mẫu mực về lòng tin yêu Chúa của các tín hữu hôm nay ? 9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su Phục Sinh vào lúc nào ? 10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu Chúa khi nào ? 11) Điều gì khiến hai môn đệ nhiệt tình loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Họ mới bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32)

2. CÂU CHUYỆN: CHÚA ĐANG Ở ĐÂU ?

Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn: bệnh tật, rủi ro mất xe, thất thoát tiền bạc… Anh đã nhiều lần cầu xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh chán nản và không còn đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên một bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân: hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh mà thôi. Anh chán nản ngồi nghỉ trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người: “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu mất để con phải một mình đương đầu với các khó khăn chồng chất như vậy ?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói: “Con hãy nhìn kỹ xem hai dấu chân in trên cát kia là của ai ?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to lớn của Chúa. Anh lại hỏi: “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con biến đi đâu rồi ? Bấy giờ Chúa mới trả lời: “Con ơi, hãy nhớ rằng: Ta luôn ở bên con trong mọi giây phút đời con. Những khi con gặp phải gian nan thử thách chính là lúc Ta đang bồng ẵm con trên cánh tay Ta đó !”

3. SUY NIỆM:

1. Về đức tin của hai môn đệ làng Em-mau:

a) Hai môn đệ làng Em-mau không sớm tin nhận Chúa Phục Sinh: Tại sao hai môn đệ Đức Giê-su đã từng gặp gỡ tiếp xúc, ăn uống với Thầy trong thời gian ba năm, đã từng nghe lời Thầy giảng dạy, từng chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm (x. Mt 11,5-6) thế mà sau khi Người sống lại, hiện ra đồng hành với họ suốt quãng đường dài 30 cây số, giảng dạy Kinh Thánh cho họ, nhưng họ lại không nhận ra Người ? Có lẽ Chúa Phục Sinh đã hiện ra mang một khuôn mặt mới. Các ông chỉ nhận ra Người khi ngồi đồng bàn ăn và qua các cử chỉ đặc trưng của Người: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”… (x. Ga 6,11; Mt 14,19), giống như Đức Giê-su đã làm trước đây.

b) Nguyên nhân khiến hai ông nhận biết khách kia là Chúa Giê-su ?: Hai môn đệ làng Em-mau không phải là những người dễ tin như các ông đã thuật lại cho vị khách bộ hành: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (c 19-20). Qua đó cho thấy các ông này đã tin Đức Giê-su là một Ngôn sứ và hy vọng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en (c 21). Các ông cũng có nghe mấy người đàn bà trong nhóm ra thăm mộ Đức Giê-su từ hồi sáng sớm mà không thấy xác Người trong mộ. Các bà này trở về nói đã gặp thiên thần hiện ra bảo rằng Thầy vẫn còn sống. Rồi các ông cũng nghe vài người trong nhóm môn đệ đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà kia nói. Nhưng chính Người thì họ lại không thấy” (c 22-24). Vậy nguyên nhân nào làm cho hai ông tin Thầy Giê-su thực sự từ cõi chết sống lại ?

-Một là nhờ việc nghe lời Chúa trong Kinh Thánh liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô: Các ông đã chia sẻ với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (c 32).

-Hai là nhờ thấy những cử chỉ và lời đọc của Chúa Giê-su: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (c 29-31). Như vậy nhờ dấu chỉ yêu thương của Chúa Giê-su cử hành khi lập bí tích Thánh Thể (x. Lc 22,19-20), mà hai ông đã nhận ra Người.

c) Đức tin thực sự phải thể hiện qua việc loan báo Tin mừng cho tha nhân: Tin Mừng cho thấy thái độ của hai ông sau khi đã tin Chúa Giê-su đã phục sinh như sau: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó. Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24,33-35). Chính nhờ sức mạnh của đức tin vào mầu nhiệm phục sinh mà hai ông đã hăng hái vượt quãng đường dài về Giê-ru-sa-lem ngay trong đêm để chia sẻ cho các anh em tin mừng mình mới cảm nghiệm.

2. Tin yêu và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay:

a) Lời Chúa và Thánh Thể: phương thế gia tăng đức tin: Ngày nay để có thể tin vào mầu nhiệm Chúa Giê-su phục sinh thì ngoài việc cầu xin Chúa trợ giúp như người cha của đứa bé bị quỷ ám trong Tin Mừng đã nêu gương: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24), mỗi người chúng ta còn phải siêng năng đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình hằng ngày, khi cùng học sống Lời Chúa trong sinh hoạt hội đoàn hằng tuần, và siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa và kết hiệp với Thánh Thể...

b) Chúa luôn đồng hành với chúng ta: Trong cuộc sống mỗi khi gặp phải cơn thử thách, chúng ta thường nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi mình rồi… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê việc đọc kinh cầu nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn tin vào bói tóan, đồng cốt, bùa ngải… Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng: Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Người ở bên ta những lúc ta được bình an, mà ngay cả những khi ta gặp rủi ro trái ý, bị thất bại trong việc thi cử, làm ăn thua lỗ, hay khi bị những chứng bệnh nan y… Chúng ta cần ý thức rằng Chúa vẫn luôn sống trong chúng ta vì Người là “Em-ma-nu-en” nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người luôn ở bên và sẵn sàng ban ơn trợ giúp khi ta kêu cầu Người như lời một bài hát quen thuộc: “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì…”

c) Tập nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi người bên cạnh: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta sự thật này là: Chúa Giê-su đang hiện thân nơi người chung quanh, có thể là người khách không quen trong một chuyến đi xa. Người có thể mang những khuôn mặt, hình dáng, tính tình, điệu bộ khác nhau nơi những người cùng khu xóm, phố chợ hay ngoài đường phố... Tình yêu của chúng ta đối với Chúa cần phải thể hiện ra với những con người cụ thể nói trên, chứ không phải chúng ta chỉ yêu một Chúa Giê-su trong tâm trí mà đủ.

4. THẢO LUẬN: 1) Khi gặp một người lỡ đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương Người đã dạy ? 2) Hãy dâng lên Chúa một lời cầu xin cho những ngừơi không cơm ăn áo mặc, không nhà cửa hay người thân ruột thịt… và quyết tâm đem Chúa là niềm vui và hạnh phúc đến cho họ.

5. NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa thương ban ơn trợ giúp để vượt qua giông tố cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, hay chạy đi tìm thỏa mãn những đam mê bất chính, dễ chán nản buông xuôi khi gặp nghịch cảnh. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.

- LẠY CHÚA. Hai môn đệ làng Em-mau đã sằn sàng đón tiếp một người khách lạ đang cần một bữa ăn tối và một chỗ nghỉ đêm. Chính nhờ lòng quảng đại ấy, mà hai ông đã nhận ra người khách là Chúa Phục Sinh, và đã trở nên vui tươi phấn khởi. Xin cho chúng con cũng biết quảng đại đi bước trước để làm quen với một người lạ đang bơ vơ lạc đường, đang gặp cơn bệnh nan y, cho chúng con biết lắng nghe những lời tâm sự của họ để ủi an nâng đỡ với hết khả năng của mình. Xin cho chúng con biết siêng năng lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa khi tham dự thánh lễ. Nhờ gặp gỡ Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được ơn Chúa biến đổi nên mới và chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau xưa.

LM ĐAN VINH - HHTM