Cuộc đời Cha Amrosio, cũng như bao tu sĩ khác đã tận hiến đời mình từ khi còn trẻ cho đến lúc già cho Giáo Hội. Dù phải trải qua bao sóng gió và thử thách, đặc biệt là quãng thời gian ‘học tập cải tạo’ đầy khắc nghiệt sau biến cố 30/4/1975, nhưng Ngài vẫn kiên trung phụng sự Thiên Chúa hết sức mình cho đến cuối đời.
Với cấp bậc Thiếu tá Tuyên Úy được nhiều ‘nể trọng’ trong quân đội VNCH và kể cả sau này, khi được trở về từ nhà tù cộng sản sau 13 năm bị đi cải tạo thừa khả năng và ‘tiêu chuẩn HO’ để đi tỵ nạn nước ngoài, nhưng dường như Cha muốn chọn những nơi chốn khó khăn, mà một trong những ‘dấu ấn’ ấy chính là một làng quê xa xôi hẻo lánh thuộc huyện Tư Nghĩa nằm ở tận mãi phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi gần dãy Trường Sơn, nơi Cha Ambrosio đã bỏ nhiều công sức làm nên xóm đạo Rừng Lăng lớn mạnh một thời.
Từ ngôi nhà Chúa từ ‘mái tranh vách đất’ (đúng nghĩa) thừa kế từ cha Anton Phạm Huy Chương, Ngài đã biến nó trở nên to lớn khang trang và xinh đẹp. Vào khoảng cuối những năm 60s, một hôm có hai vị khách lạ Tây phương một nam một nữ ghé vào sân nhà thờ đứng trò chuyện với Cha. Sau này nghe Cha Ambrosio kể lại mọi người mới biết thì ra trong lúc tham quan địa danh nổi tiếng đồi Thiên Ấn nằm cạnh con sông Trà Khúc, từ trên cao dùng ống nhòm quan sát thành phố Quảng Ngãi họ đã tình cờ phát hiện từ xa có hình cây Thánh Giá lớn, chính là mặt tiền của nhà thờ Rừng Lăng. Vì ngạc nhiên và tò mò mà họ đã cất công tìm đến tận đây để được “mục sở thị”.
Cùng với lo việc đạo cho giáo dân Cha còn xây và thành lập trường tiểu học Khiết Tâm gồm hai dãy khoảng hơn chục phòng học. Ngôi trường này nằm hai bên nhà thờ, chính giữa là vườn hoa. Tất cả được bao quanh bởi khoảng vài chục nóc nhà giáo dân làm nên một quần thể xóm đạo rất yên bình và xinh đẹp một thời.
Đáng nói là số học sinh theo học tại ngôi trường này phần lớn lại là con em gia đình nông dân nghèo ngoại đạo trong vùng, mà về sau không ít gia đình vì cảm mến những việc tốt lành Cha đã làm, họ đã cho con cái theo đạo luôn. Mỗi dịp lễ phục sinh hằng năm luôn có đông tân tòng tham dự. Phương thức truyền đạo thiết thực và hữu hiệu này hiện nay nhiều cùng quê khó nghèo cả nước vẫn đang cần.
Không chỉ là ‘kiến trúc sư’ Cha Ambrosio còn kiêm luôn khâu tổ chức khi phải tự tìm các sĩ quan có khả năng sư phạm xin biệt phái sang lo chuyện dạy học, đó là các thầy Cát, Thăng, Hướng, Cung, Kính v.v… đúng theo chương trình bậc tiểu học của VNCH lúc bấy giờ. Ngoài ra, Ngài còn thành lập phong trào Hùng Tâm Dũng Chí cho thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt học giáo lý mỗi ngày Chúa Nhật, mùa Hè tổ chức cho đi picnic xa còn những dịp lễ như Trung Thu, Giáng Sinh luôn có cắm trại trong khuôn viên rộng lớn của nhà thờ v.v…
Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là những ‘việc nhỏ’ so với cái nhiệm vụ chính đầy rủi ro bất trắc mà Ngài phải thi hành là thường xuyên đến thăm viếng và dâng Thánh lễ tại nhiều trại lính khác nhau trong phận sự của một linh mục tuyên úy Công Giáo.
Thời ấy chiến tranh ác liệt nên hiểm nguy đến tính mạng luôn rình rập Ngài. Còn nhớ có lần lễ 5g sáng Chúa Nhật giáo dân nhà thờ Rừng Lăng đọc hết hơn chuỗi tràng hạt rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng Cha sở đâu, mọi người bắt đầu ‘nhốn nháo’ sốt ruột… Chờ đến khi mặt trời mọc lên rồi mọi người mới hay tin lúc sáng sớm trên đường từ thị xã Quảng Ngãi về Răng Lăng chiếc xe Jeep của Cha bị ‘VC’ (Việt cộng) chận bắn tỉa ở cầu Ông Bố, cách nhà thờ khoảng vài km. May sao Cha cùng thầy Hướng (kiêm luôn lái xe) nhanh chân bỏ xe chạy núp vào lùm cây vệ đường đối diện nên ‘thoát nạn’. Rồi nhiều lần đang đi trên đoạn đường Quảng Ngãi - căn cứ Chu Lai (Tam Kỳ) Ngài bị du kích núp ven bờ ruộng hai bên đường ‘bắn tỉa’ nhưng không sao.
Cuối cùng rồi xóm đạo ấy sau biến cố 1975 cũng đã ‘tan tác’. Do Cha sở thì bị bắt còn đàn chiên vì hầu hết là gia đình lính, dân Công Giáo gốc Bắc di cư nên lo sợ cho sự an toàn của gia đình mà đành phải bỏ xứ chạy vào Nam thêm lần nữa.
Cha Ambrosio bị đi ‘học tập cải tạo’ biền biệt những 13 năm liền từ tháng 3/1975 và mãi đến năm 1988 mới được trả tự do. Đàn chiên thì đa phần ‘trôi dạt’ về vùng Long Khánh, số ít còn lại lên cao nguyên Ban Mê Thuột, Lâm Đồng lập nghiệp.
Mấy năm trở lại đây nhờ thông tin liên lạc thuận lợi nhiều giáo dân đã chẳng quản ngại đường xa đã ‘cất công’ đi tìm nhau, rồi ‘mò’ về lại ngôi nhà thờ Rừng Lăng thân thương năm xưa. Nhưng hỡi ôi! không biết tự bao giờ nó đã bị ‘chính quyền’ địa phương san thành bình địa, có lẽ vì ở một nơi quá hẻo lánh mà Giáo Hội không ai quan tâm chăng?
Còn ‘Cha già’ thì mọi người đã bảo nhau lần họp mặt thứ 3 vào đầu tháng 6 tới ở Biên Hòa nhất định sẽ rước Ngài về dâng Thánh lễ tạ ơn, nay cũng chỉ còn thấy trong mơ mà thôi! Xin tiễn biệt ‘Cha già’ Ambrosio với hoài mong chúng con sẽ cùng gặp lại Ngài ở một ‘xứ đạo Rừng Lăng’ khác vĩnh hằng hơn cái thế gian đầy bất trắc và hiểm nguy này.
Đôi hàng tiểu sử cha Ambrosio Đỗ Bích Ngô.
- 1946 – 1952 học tại Tiểu Chủng Viện Pio XII Hà Nội
- 1953 – 1959 học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích
- 1959 – 1960 thực tập mục vụ tại Đà Lạt
- Ngày 07/9/1960 thụ phong Linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn do Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền
- 1961 – 1965 làm cha giáo tại Tiểu chủng viện Làng Sông (Qui Nhơn) và Cha sở Tân Dinh
- 1965 – 1975 phụ trách Tuyên Úy Công Giáo cho Sư Đoàn 2 tại Quảng Ngãi – Chu Lai
- 1975 – 1988 Ngài bị đưa đi ‘học tập cải tạo’ tại nhiều nơi
- 1988 – 2014 nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng Linh mục gốc Hà Nội, ngã sáu Chợ Lớn nằm cạnh nhà thờ Thánh Nữ Jeanne D’Arc, 116/3 đường Hùng Vương, P9, Q5, Tp.HCM. Trong thời gian này Ngài tham gia làm Quản lý (2000 – 2005) và Giám đốc cho Nhà Hưu Dưỡng (2005 – 2010)
- Từ trần hồi 23g ngày 18/01/2014 do tuổi cao sức yếu
Alfonso, Giáo dân Rừng Lăng