HỌP MẶT ANH EM PHAN SINH LÀM MỤC VỤ & TRUYỀN GIÁO

Năm nay, năm 2013, với số đuôi của năm là con số 13 có vẻ không may mắn đối với người thường, thì lại trở thành vận may đối với người tu sĩ phan sinh làm mục vụ (21 quản xứ) và truyền giáo (4 điểm, trong đó 2 ở nước ngoài). 2 không 13 (2013), trở thành 2 nhân 13 ra con số 26 người ghi danh tham dự “tuần” họp mặt. Giờ chót thì hai người không dự được, một là anh Phú, công tác đột xuất, hai là anh Quế, Suối Dầu, ra sân bay trễ chuyến Nha Trang – Saigon, nên còn lại đúng hai tá tông đồ, gồm các anh: John Phước (trưởng đoàn), Xuân Quý (Truyền giáo), Công Minh (Mục vụ); Hữu Lệ (Hà Nội); Đình Sĩ, Thanh Hải, Duy An, Trung Phụng (Vinh); Thành Trung, Văn Long, Hữu Chi, Ya Thu, Đình Phục, Khánh Thông, Văn Liên (Kontum); Đình Ngọc, Văn Huân, Văn Dám, Văn Mai (Nhatrang); Văn Bình, Văn Sang (Saigon); Xuân Quế (Bà Rịa); Văn Đình, Đình Tài (Long Xuyên). Lần họp mặt này có ba đặc điểm:

Xem Hình

1. Nước ngoài : Chưa lần nào cuộc họp mặt được tổ chức ngoài Nước, dẫu rằng đối với một số anh em họp mặt tại Vinh năm nào phải vượt cây số ngàn nhiều hơn lần này. Kampuchia là nơi được chọn làm địa điểm gặp gỡ cho năm nay. Đất nước này sát ranh với Việt Nam, và Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam đã có một cộng đoàn Tua Krosong, cách thủ đô Pnompenh 18 cây số, có 4 anh em (Dũng, Vượng, Biên, Duy), với nhiều chân rết tại đó.

Chưa đi chưa biết Cam-bô

Đi rồi mới biết Kampu hơn mình


Họ hơn mình vì nếp sống văn minh hiện tại và họ hơn mình vì quá khứ lẫy lừng chưa từng nghe đến. Văn hoá hiện tại (tức văn minh) thể hiện nơi các công trình kiến trúc có nét riêng, nhìn là biết văn minh Khmer. Cách chào khách và cám ơn khách có nét riêng không lẫn vào đâu được, và nhất là xe chạy ngoài đường dẫu kẹt cứng cũng không bóp còi inh ỏi “như ta” ! Họ tự do hơn ta vì đa đảng và không thấy tường lửa (firewall) ở đâu cả. Còn quá khứ, thì từ thế kỷ 12, họ đã xây dựng quần thể Angkor to lớn mà đặc biệt là toàn bằng đá xếp lên nhau, không xi măng kết dính. Cột đá, tường đá, lan can đá, và ngói cũng bằng đá uốn cong mái nhà ! Cung đình Huế nếu còn nguyên vẹn so với quần thể Angkor, cũng may lắm chiếm được một góc nhỏ ! Lại nữa Vương quốc Khmer thời trước là rất rộng lớn, trải dài từ Thanh Hoá cho tới Hà Tiên Rạch Giá, trừ một giải hẹp sát biển cho Vương quốc Chăm-pa mà thôi. Việt Nam thời đó chưa có tên, mà chỉ là một Đại Việt nhỏ bé chưa bằng Bắc Bộ ngày nay !

2. Dài ngày: Vì đi nước ngoài mà lại trải dài và rộng trên đất nước này, nên thời gian đương nhiên cũng phải kéo dài, 4 ngày 5 đêm, tức gần trọn tuần lễ. Đi sáng sớm thứ hai 18-11 từ Đakao và về đến Saigon chiều tối thứ sáu 22-11-13. Một thời gian dài kỷ lục tương đương với thời gian của trọn tuần tĩnh tâm năm (xem chi tiết cuối bài này).

3. Di động: Đây là sáng kiến hay, bày cho anh em sau này bắt chước. Số là thời gian anh em ngồi trên xe khá nhiều, nhất là có những chặng đường dài hun hút, nên theo sáng kiến của anh Phước, anh em đã biến nhà xe thành phòng họp di động có máy lạnh. Với chiêc micrô trên tay, anh em chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo tại địa bàn mình. Anh em khác chỉ cần mở tai nghe, còn mắt có thể nhắm lại hoặc hé ra ngắm đường. Buổi họp trong phòng cố định chỉ có hơn một tiếng trước giờ lễ tại nhà trẻ mới xây thuộc cộng đoàn anh em ở Tua Krosong. Còn lại toàn là “họp” di động.

Trong suốt nhiều giờ của hai ngày ngồi xe, anh em đã thổ lộ nhiều điều mà nếu ngồi họp cố định có khi không đủ can đảm để kể lể. Qua đây anh em biết được nhiều điều hữu ích, nhất là những bước đường gian nan để hình thành chương trình truyền giáo mục vụ tại đất Chùa Tháp và nước Vạn Voi (Lào). Tại xứ Chùa Tháp (Kampuchia) thì xã hội rất dễ cho hoạt động Đạo, nhưng giáo quyền lại rất khó cho linh mục Việt đến. Lý do, đa số Công Giáo tại đây là người Việt, nếu linh mục cũng là người Việt, làm lễ tiếng Việt, thì số người Khmer Công Giáo ít ỏi kia sẽ bị lạc lõng, và mang tiếng là theo Đạo Việt. Các giám mục tại đây buộc các linh mục phải làm lễ bằng tiếng Khmer dẫu giáo dân dự lễ có khi chỉ toàn là người Việt. Bốn giám mục (trong đó có một vị hưu) đều là ngoại quốc. Linh mục thì hầu hết cũng là ngoại quốc, trừ Việt Nam (cũng có một vài vị Việt, nhưng phải rất thông thạo tiếng Khmer). Trái lại, ở Lào, giáo quyền rất dễ chấp nhận linh mục Việt đến làm việc, nhưng phía xã hội lại không dễ dàng cho các hoạt động Đạo. Hiện nay tại Lào, tỉnh dòng cũng đã cắm một anh em bên đó (Quang Huyền).

Cái “di động” thứ hai là không có chỗ nào dâng lễ đến hai lần. Năm ngày là di động đến năm nơi cách xa nhau. Hai nơi được xem như “nhà thờ chính toà” (Kampong Cham và Pnom-Penh), hai nơi là nhà thờ Công Giáo duy nhất thành phố (Siem Reap) và nhà thờ nơi anh em Phan sinh đóng đô Tua Krosong, một nơi là nhà thờ có 2 tượng Đức Mẹ vớt lên từ dòng sông Mêkông, nên được xem như một trung tâm hành hương, mà người Việt từ Đất Việt đến rất đông. Có nơi chính giám mục (người Indonesia) ra dọn đồ lễ cho anh em, có nơi lễ ngoài giờ mà trẻ em con người Việt và người lớn đầy nửa nhà thờ…. Giờ giấc dâng lễ cũng di động: lúc 12g trưa, khi 3g chiều, lúc 6g sáng hơn, khi lại 10g30 trưa, lúc 5g chiều mà trời đã gần như tối.

Về giờ kinh: giờ nào không đọc chung được, thì anh em đọc riêng, nhưng vẫn giữ đủ những gợi ý và lời cầu cho Hội Đồng Dòng Mở Rộng đang diễn ra tại Ba Lan mà anh Phục Vụ Tỉnh nhà là một thành viên được bầu chọn tham dự.

Thật là một kỳ họp mặt đáng ghi nhớ, có một không hai ! Có người thừa thắng xông lên đòi sang năm đi xa hơn nữa !

Sau đây chi tiết hành trình, dựa trên phác thảo sẵn trong thư mời, và thực thi gần như trọn vẹn:

Ngày 1 (18/11/2013): TP.HCM – SIEMREAP (550 Km)

* 05h00: Khởi hành từ Đakao, Saigon

* Làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu MỘC BÀI – BAVET

* Ăn sáng trên đất Kamp: hủ tíu Nam Vang

* Đoàn tiếp tục khởi hành đi SIEMREAP, qua các tỉnh SVAY RIENG. PEYVENG.

* DÂNG LỄ, và ăn trưa tại thị xã Kampong Cham (nơi giám mục ở)

* Tiếp tục hành trình qua các tỉnh Kampong Thom, tham quan cầu đá ong – được xây dựng từ thời kỳ tiền ANGKOR.

* Đoàn nhận phòng KS – ăn tối – nghỉ đêm tại SIEMREAP.

Ngày 2 (19/11/2013): SIEMREAP quần thể ANGKOR

* 06h: -Đi chứng kiến anh Mặt Trời mọc trên nền Angkor Wat, nhưng trời mây mù, nên không thấy được dung nhân anh, đành quay về ăn sáng. Sau đó tham quan:

1/ TAPROHM: được xây dựng từ thế kỷ thứ XII, nơi HOLLYWOOD chọn làm bối cảnh quay bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” với rừng cây K’nia và cây tùng có bộ rễ bao phủ xuống Tường Thành độc đáo.

2/ ANGKOR THOM được xây dựng từ thế kỷ thứ XII, ANGKOR THOM là quần Thể Hoàng cung và các đền BAYON với 54 tượng Thần 4 mặt cao từ 12m trở lên, được tạc theo Phật thoại mỗi khuôn mặt một vẻ “hỉ, nộ, ái, ố” mang nét độc đáo riêng và cổng Nam ANGKOR THOM. Có thể dừng lại chụp ảnh các điểm ven đường, đền PRERUP, BANTEAY, KDEI, TAKEO, hồ SRANG, SÂN VOI, SÂN VUA HỦI, ĐỀN BAPHOUN và HOÀNG CUNG

* Ăn trưa về KS nghỉ ngơi.

* 14g dậy đi DÂNG LỄ tại nhà thờ SIEM REAP

* 15g: Tham quan ANGKOR WAT được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ XII, chu vi 5,6 km với 5 Tháp, Tháp cao nhất cao 65m, ngắm toàn cảnh ANGKOR WAT và hoàng hôn SIEM REAP từ độ cao 65m.

* Dự tiệc BUFFET, thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt ca múa nhạc Cung Đình KHMER – nghỉ đêm tại SIEM REAP.

Ngày 3 (20/11/2013): SIEM REAP – PHNOM PENH (314km)

* 5h30: Đoàn trả phòng, khởi hành về PHNOM PENH – qua các tỉnh KAMPONG THOM, KAMPONG CHAM. Ăn sáng dọc đường.

* Đoàn ghé điểm bán các loại côn trùng, trái cây, đường Thốt Nốt

* Ăn trưa buffet hải sản, và nhận phòng KS tại PHNOM PENH.

* 14h: Đoàn tham quan Cung Điện Hoàng Gia, và Chùa Vàng – Chùa Bạc nơi có tượng Phật bằng vàng nặng 90kg, dát 2086 viên kim cương, tượng Phật bằng Ngọc Bích cao gân 1m, nền Chùa được lát bởi 5.329 viên gạch bằng bạc ròng, mỗi viên nặng 1,125 kg bạc.

* 16h: đoàn đi đến với Mẹ MÊKÔNG – DÂNG LỄ.

* Viếng Mẹ xong, đoàn ăn tối, tiếp sau là tham quan Casino lớn nhất Phnom Penh, sau đó đoàn về lại KS, tự do đi chợ đêm và ngủ.

Ngày 4 (21/11/2013): ĐẾN CỘNG ĐOÀN PHANXICÔ TẠI TUA KROSONG

* 6h: lên xe – đi ăn sáng tại một quán phở người Việt.

* Tham quan họ đạo Bungchuk nơi anh Dũng vừa xây gần xong ngôi nhà thờ.

* Đến cộng đoàn Tua Krosong. Họp Mục Vụ và Truyền Giáo.

* 10h30: DÂNG LỄ tại nhà thờ cạnh cộng đoàn, nơi đa phần Công Giáo là người Việt (từ Suối Nghệ đến lập cư)

* 11h30 Ăn trưa – Sau đó lên đường về lại Pnom Penh nghỉ ngơi.

* 15h: đi chợ chính Phnom Penh 4 cửa (như chợ Bến Thành), mua sắm.

* Kẹt xe, và còn sớm, nên ghé lại Casino hơn nửa tiếng trước khi ăn cơm chiều.

* 19h45 về lại KS nghỉ ngơi.

Ngày 5 (22/11/2013): PHNOMPENH – TP.HCM (235km)

* 5h30: Trả phòng

* 6h15: DÂNG LỄ tại nhà Thờ Chánh Tòa PHNOMPENH (thực ra là nhà nguyện ĐCV Nam Vang. Đức Giám Mục dùng một tầng của Chủng viện làm nhà thờ chính toà tạm, khác với nhà nguyện)

* Tham quan bên ngoài cung điện hoàng gia, nơi tiếp giáp với mặt nước sông Mêkông mênh mông, và xem đàn bồ câu rợp trời bay lượn.

* Ăn sáng tại Phnom Penh

* sau đó khởi hành hướng về Sài Thánh. Khi qua Phà, ghé điểm mua giầy dép Thái, Lào.

* Ăn trưa tại cửa khẩu Bavet, phía Kampuchia.

* Qua cửa khẩu Mộc Bài, ghé Siêu Thị mua hàng không thuế và ôm hết lên xe trực chỉ Saigon. Về đến Đakao gần 5 giờ chiều, giờ Việt Nam !

An-Phong ghi lại