Titus Techera (*), trên First Things ngày 19 tháng 12, 2024, cho hay: Vào ngày 24 tháng 11, vòng bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống Romania đã mang lại chiến thắng không lường trước được cho Călin Georgescu, một người bàng quan (outsider) theo chủ nghĩa dân túy, người đã bị các phương tiện truyền thông lâu đời phớt lờ và loại khỏi các cuộc tranh luận, đã vận động trên phương tiện truyền thông xã hội và podcast. Trong các chính sách, chiến lược vận động tranh cử và tình trạng phản bội giai cấp, sự giống nhau của ông với Donald Trump là rất đáng kinh ngạc. Thành tích của ông trong cuộc bầu cử thậm chí khiến một số người bình luận lo ngại về "hiệu ứng Trump" đang lan rộng khắp châu Âu.
Nhưng vào ngày 6 tháng 12, hai ngày trước cuộc bầu cử vòng hai dường như chắc chắn sẽ đưa Georgescu lên làm tổng thống, cuộc bầu cử đã bị Tòa án Hiến pháp Romania hủy bỏ. Tòa án biện minh cho hành động chưa từng có của mình với lý do rằng Nga có thể đã can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách khuếch đại phạm vi tiếp cận của Georgescu trên TikTok, như cáo buộc trong một tài liệu do chính phủ Romania công bố vào ngày 4 tháng 12. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính tư pháp.
TikTok đã đưa ra tuyên bố riêng của mình, trái ngược với chính phủ Romania: "Các mạng lưới mà chúng tôi phát hiện nhắm mục tiêu cụ thể vào cuộc bầu cử Romania cho đến nay đều là các hoạt động quy mô nhỏ được phối hợp trên TikTok hoạt động trong nước". Một mạng lưới cụ thể thúc đẩy Georgescu chỉ bao gồm bảy mươi tám tài khoản với chỉ 1,781 người theo dõi.
Georgescu đã tiến hành chiến dịch của mình mà không có nguồn tài trợ lớn, chủ yếu làm việc với các tình nguyện viên và hầu như hoàn toàn thông qua YouTube, Facebook và TikTok. Các hashtag chính liên quan đến chiến dịch của Georgescu đã thu hút tổng cộng 145 triệu lượt xem ở một quốc gia có 19 triệu dân, trong đó chưa đến một nửa sử dụng TikTok. Ba đối thủ chính của ông có số lượt xem cao hơn nhiều (ví dụ, Thủ tướng Marcel Ciolacu có 328 triệu lượt xem), nhưng những con số đó không chuyển thành phiếu bầu, như đã xảy ra với Georgescu.
Báo chí quốc tế đang định hình sự can thiệp của Tòa án như một biện pháp cứu nguy vào phút chót cho nền dân chủ. Nhưng ngay cả khi bằng chứng về sự can thiệp của phương tiện truyền thông xã hội của Nga không quá mỏng, thì Tòa án cũng không có thẩm quyền theo hiến pháp để hủy bỏ một cuộc bầu cử vì lý do như vậy. Điều 146(f) của Hiến pháp Romania, được Tòa án trích dẫn để ủy quyền cho hành động của mình, trao quyền cho Tòa án "bảo vệ việc tuân thủ thủ tục bầu cử Tổng thống Romania và xác nhận kết quả bỏ phiếu". Chính phủ Romania không tuyên bố rằng thủ tục bỏ phiếu đã bị can thiệp. Tại sao Tòa án lại trắng trợn đảo lộn trật tự hiến pháp như vậy?
Một câu trả lời là cuộc bầu cử vòng hai của Romania diễn ra vào thời điểm quan trọng khi không thể giả vờ việc Ukraine có thể đánh bại Nga, như David Goldman đã quan sát. Georgescu đang chạy trên một cương lĩnh hòa bình và đã chỉ trích những nỗ lực thay đổi chế độ của NATO. Vì Romania là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ, tham gia vào lá chắn tên lửa Aegis Ashore và có một đội quân đông đảo, nên quốc gia này rất quan trọng đối với sườn phía đông của NATO. Chiến thắng của Georgescu có thể có tác động ngay lập tức đến cuộc chiến.
Mặt khác, giới tinh hoa Romania hoàn toàn ủng hộ chiến tranh. Điều này khiến họ trở nên thân thiện hơn bao giờ hết với các đối tác phương Tây của mình, nhưng cũng đặt họ vào nguy cơ chính trị. Tính hai mặt này được thể hiện trong bức thư ngỏ của ứng cử viên tổng thống Elena Lasconi gửi Donald Trump trên X. Trong bức thư của mình, Lasconi tự nhận mình là tiếng nói dân túy của nhân dân, trong khi áp dụng những câu sáo rỗng của Russiagate vào Romania. Nhưng đồng bào của bà có nhiều khả năng coi bà là một người tỉnh lẻ nịnh hót trung tâm đế quốc. Không ai ở Romania sợ cuộc xâm lược của Nga vì lý do đơn giản là Nga, sau màn trình diễn kém cỏi ở Ukraine, không đủ khả năng để đối đầu với NATO.
Đáng ngạc nhiên là Lasconi cũng phản đối sự can thiệp của Tòa án; bà đã chuẩn bị đối đầu với Georgescu trong cuộc bầu cử vòng hai. "Chiến dịch của tôi công bằng và chính đáng", bà viết. "Không ai trong chính phủ nói gì về bất cứ gian lận bầu cử nào. Và vào giờ thứ 11, cuộc bầu cử đã bị hủy bỏ và thậm chí còn phân cực hơn trong xã hội Romania. Tôi sợ rằng trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ có một Romania lớn hơn ở nước ngoài so với ở quê nhà - và chúng ta sẽ trao cho Nga Romania mà tất cả chúng ta đều yêu quý".
Georgescu đứng về phía đối lập trong vở kịch chính trị này. Ông từ chối so sánh Putin với Hitler. Ông coi kế hoạch của NATO xây dựng căn cứ lớn nhất của mình tại châu Âu trên bờ biển Biển Đen của Romania là một hành động khiêu khích gây nguy hiểm cho đất nước ông. Đồng thời, ông tuyên bố cam kết của mình với NATO trong khi yêu cầu Romania được đối xử tôn trọng hơn. Một nhiệm kỳ tổng thống của Georgescu, cùng với nhiệm kỳ thủ tướng của Viktor Orbán của Hungary và Robert Fico của Slovakia, sẽ khiến chủ nghĩa hoài nghi về NATO trở nên dễ chấp nhận hơn.
Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy rất được ưa chuộng—và rất bị ghét—vì họ là những bức biếm họa về bản sắc dân tộc. Trump là hiện thân của nhiều nguyên mẫu người Mỹ: ông trùm kinh doanh, kẻ buôn dầu rắn, người kiêng rượu, tay chơi, phát thanh viên đêm giao lưu ở Las Vegas. Không có gì ngạc nhiên khi giữa lúc quốc gia tê liệt và chia rẽ, nhiều người Mỹ tìm đến một nhân vật Mỹ cường điệu như vậy để trấn an rằng quốc gia của họ vẫn có một tính cách dễ nhận biết—và một tương lai.
Georgescu là nhân vật duy nhất trong nền chính trị hậu cộng sản của Romania phù hợp với chương trình đó. Thông điệp của ông là người Romania nên nhớ đến lòng tự hào, lịch sử kháng cự của họ trước các cuộc xâm lược của đế quốc, đức tin của họ (phản ứng của ông trước chiến thắng của mình là tuyên bố, "tất cả chúng ta đều là một phần của một công trình vĩ đại, giữa chúng ta và cũng như tất cả chúng ta với Thiên Chúa"), các biểu tượng và nhân vật văn hóa đã giữ họ lại với nhau trong những thời điểm khó khăn. Ông đã hồi sinh khẩu hiệu kinh tế của đảng Tự do đầu thế kỷ XX trong thời kỳ đỉnh cao của chế độ quân chủ Romania: "tự chúng ta"—cũng là phương châm của Huân chương Vương miện Romania vào cuối thế kỷ XIX. Khoảnh khắc của chủ nghĩa dân tộc lãng mạn đó vẫn còn hiện hữu lớn trong trí tưởng tượng của công chúng (ngay cả những người cộng sản cũng phải xoa dịu nó), nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đại diện chính thức nào.
Georgescu là sự pha trộn kỳ lạ giữa cao và thấp, khiến ông trở thành một nhân vật cầu nối hợp lý trong nền chính trị Romania. Ông có bằng tiến sĩ và được đào tạo trong chính các tổ chức quốc tế tinh hoa mà ông hiện đang chỉ trích, từng phục vụ trong nhiều chính phủ và là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Sự hình thành lịch sự của ông thể hiện rõ qua sự pha trộn giữa giọng điệu bình dân với phong cách tư sản cũ (ví dụ, xưng hô với người đối thoại bằng đại từ lịch sự, trang trọng). Ông là người ăn mặc chỉnh chu, dành cả cuộc đời để cố gắng thành công trong các vấn đề công cộng, nhưng ông cũng là người đàn ông của gia đình, người luôn nói về túi khôn cổ xưa, tâm hồn và thể thần linh bên trong chúng ta.
Giống như nhiều người Romania khác, ông cũng thích các thuyết âm mưu, một tư duy dễ hiểu đối với một dân tộc đã chịu đựng bốn mươi năm kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản do những kẻ âm mưu thực sự gây ra. Tư duy âm mưu như vậy có thể là một gánh nặng - việc ra quyết định chính trị đúng đắn đòi hỏi phải có chủ nghĩa hiện thực - nhưng đó cũng là một phần trong sức hấp dẫn của Georgescu, vì nó xúc phạm đến tuyên bố của giới tinh hoa về chuyên môn phi cá nhân.
Những người theo chủ nghĩa dân túy thường nói rằng giới tinh hoa cần được dạy cho một bài học. Nhưng nói chính xác hơn thì giới tinh hoa kiên quyết từ chối học hỏi, và do đó cần phải bị thay thế. Nước Mỹ hiện đang cố gắng thực hiện điều đó và có thể truyền cảm hứng cho các cuộc nổi loạn chống lại giới tinh hoa tham nhũng ở những nơi khác. Trong trường hợp của Romania, đây sẽ là một vòng phản hồi phù hợp. Nền dân chủ Romania là sản phẩm của chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, trong khi chủ nghĩa dân túy Romania ngày nay là sản phẩm của những chuyển đổi kỹ thuật và kinh tế được thúc đẩy bởi chiến thắng đó.
Hiệu ứng Trump đối với châu Âu chỉ mới bắt đầu xuất hiện và chúng ta có thể mong đợi các cường quốc ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, sẽ bị rung chuyển bởi chủ nghĩa dân túy và tình cảm chống lại giới tinh hoa. Sự chuyển hướng sang Trump của Romania chỉ là khúc dạo đầu cho vở kịch.
____________________________________________
(*) Titus Techera là chiến lược gia của Chris Rufo và Điều phối viên Chương trình Quốc tế tại Quỹ Edmund Burke.