Triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô quả gây nhiều sóng gió, một phần vì những tuyên bố nghe "rất lạ tai" của ngài, nhất là đối với những người như tôi vốn quen với “tứ chung”, tin rằng có cả thiên đàng lẫn hỏa ngục và cả hai nơi đều có người “ở” cả, tuy thiên đàng đông hơn, còn hỏa ngục thí ít nhất cũng có anh Luxiphe. Đó là điều Cha Trần Đức Huynh, cha giáo của tôi ngày xưa ở Tiểu Chủng Viện Phanxicô Xaviê, cạnh Nhà thờ Huyện Sỹ, vốn vừa cười vừa nói với chúng tôi.



Thực sự mà nói, tôi cũng hy vọng như cha giáo và như Đức Phanxicô rằng hỏa ngục không có ai cả, vì nếu có ai thì chắc trong số ấy có tôi. Nay đã hơn 85 tuổi đầu rồi, mà xét công trạng thì không có mảy may, mà lầm lỗi thì ôi thôi vô kể. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được!

Thành thử nhờ lòng thương xót của Người, tôi hy vọng ai cũng lên thiên đàng cả, trong đó có tôi. Chính trong chiều hướng của lòng thương xót mà Đức Phanxicô cũng như tôi hy vọng như thế.

Nhưng sao ngài lại nói nửa chừng như thế khiến nhiều người tức mình. Tôi vốn nghĩ đây là thâm ý của Đức Phanxicô. Còn nhớ mới lên làm Giáo Hoàng năm 2013, tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro, ngài khuyến khích bọn trẻ hãy tạo lộn xộn (mess) lên. Khuyên người khác mà chính ngài không làm thì coi sao được. Nên từ đó, ngài luôn làm cho nhiều người khó chịu vì những câu nói “lạ tai” để người nghe tức mà đi tìm hiểu. Tôi cam đoan với quý độc giả, nhờ thế mà vốn giáo lý của người Công Giáo hiện nay phong phú hơn trước nhiều!

Nhà thông thái Ralph Martin, chủ tịch của Thừa tác vụ Canh tân [Renewal Ministry] và giám đốc các chương trình thần học sau đại học về Tân Phúc âm hóa của Đại Chủng viện Thánh Tâm tại Tổng giáo phận Detroit, dường như đồng ý với ý nghĩ của tôi khi, trên Catholic Thing, ngày 26 tháng 1, 2024, ông viết: các nhận xét ngẫu hứng gần đây của Đức Giáo Hoàng đã mang đến một thời điểm giảng dạy về chủ nghĩa phổ quát [universalism] và thực tại.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuấy động cuộc tranh cãi bằng một nhận xét không chính thức liên quan đến hỏa ngục mà ngài đưa ra vào ngày 14 tháng 1 trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp kéo dài một giờ với một chương trình truyền hình nổi tiếng của Ý.

Trong khi thừa nhận rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình, không phải là “một tín điều về đức tin”, Đức Giáo Hoàng đã suy đoán rằng hỏa ngục có thể trống rỗng và bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ đúng như vậy: “Điều tôi sắp nói không phải là một tín điều về đức tin, nhưng quan điểm cá nhân của tôi: Tôi thích nghĩ hỏa ngục là trống rỗng; Tôi hy vọng nó trống rỗng."

Trước hết, “tín điều” là gì?

Nói ngắn gọn, tín điều là lời tuyên bố của Giáo Hội liên quan đến một chân lý cần thiết được Thiên Chúa mạc khải cho sự cứu rỗi của chúng ta. Và mặc dù Đức Giáo Hoàng chỉ đưa ra suy đoán cá nhân của mình về khả thể hỏa ngục trống rỗng, điều mà ngài hy vọng là đúng như vậy, và ngài nói rõ rằng đây không phải là giáo huấn chính thức của Giáo hội, tuy nhiên nó vẫn cực kỳ tai hại.

Nó tạo nên mối thiện cảm rộng rãi đối với một tà giáo được gọi là “chủ nghĩa phổ quát”, dạy rằng có lẽ - hoặc chắc chắn - mọi người cuối cùng sẽ lên thiên đàng. Trong một số biến thể, ngay cả ma quỷ và ác quỷ cũng sẽ được cứu. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về điều này sau.

Bây giờ, trong môi trường này, điều cực kỳ quan trọng là chúng ta biết những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta về thực tại của hỏa ngục và làm sao có thể sa vào đó. Thật không may, những lẽ thật rất quan trọng này hiếm khi được rao giảng hoặc giảng dạy. Nhưng tin vui là những nhận xét của Đức Giáo Hoàng cho phép có một thời điểm giảng dạy, khi người ta có thể chú ý đến những sự thật này.

May mắn thay, ngày nay chúng ta có Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, một cuốn sách đáng tin cậy được truyền lại từ giáo huấn thường xuyên của Giáo hội về Bốn Điều Sau Cùng (sự chết, sự phán xét, thiên đường và hỏa ngục). Chúng ta cần biết Giáo hội dạy gì về hỏa ngục nếu chúng ta muốn giữ đầu óc minh mẫn và đôi chân đi đúng đường trong bầu không khí bối rối, mơ tưởng và phủ nhận này.

Sách Giáo Lý dạy gì?

Căn cứ vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Giáo lý dạy rõ ràng rằng ai chết mà không sám hối tội trọng thì sẽ xuống thẳng hỏa ngục:

“Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Người đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (‘autoexclusio’) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ ‘hỏa ngục’”(1033).

“Giáo huấn của Giáo Hội khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu ‘lửa muôn đời.’ Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Người con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng”. (1035; xem thêm 393).

Giáo huấn này, dựa trên Kinh thánh, là vì chúng ta là những sinh vật có thể xác nên cơ thể phục sinh của chúng ta sẽ tham gia vào những niềm vui vĩnh cửu hoặc nỗi kinh hoàng vĩnh cửu trong số phận cuối cùng của chúng ta. Sự đau khổ gấp đôi của hỏa ngục được mô tả theo truyền thống là nỗi đau mất mát và nỗi đau của giác quan.

Năm 1979, dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bộ Giáo lý Đức tin đã trả lời một số câu hỏi về cánh chung (giáo lý liên quan đến những điều tối hậu hoặc cuối cùng), và tái khẳng định giáo huấn truyền thống:

“Trung thành với Tân Ước và truyền thống, Giáo Hội tin vào hạnh phúc của người công chính một ngày nào đó sẽ được ở với Chúa Kitô. Giáo Hội tin rằng sẽ có hình phạt vĩnh viễn (poena aeterna) dành cho tội nhân, những người sẽ không được nhìn thấy Thiên Chúa, và hình phạt này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ con người tội nhân” (7).

Sách Giáo lý kêu gọi mỗi người Công Giáo sống cuộc sống của mình trong ánh sáng vĩnh cửu, với thế giới quan theo Kinh thánh kiểm soát sự hiểu biết và quyết định của họ. Đây không phải là thần học tháp ngà hay những lẽ thật trừu tượng, cứng ngắc. Đó là những lời cảnh cáo và lời ban sự sống, hướng tới hạnh phúc của chúng ta.

Một cách rất phổ biến để trốn tránh sự rõ ràng của giáo huấn này là đặt câu hỏi liệu thực sự có thể phạm tội trọng hay không, hoặc đối với những người dường như đang sống trong tình trạng tội trọng, liệu họ có thực sự bị quy tội hay không.

Sách Giáo lý giải quyết rõ ràng những phản bác này. Trước hết, nó khẳng định rằng không ai bị coi là không biết luật tự nhiên, tức là lương tri của con người rằng giết người một cách bất chính, trộm cắp, nói dối, lừa gạt và ngoại tình là sai trái. Sách Giáo lý còn dạy thêm rằng tất cả con người đều có nghĩa vụ tìm kiếm sự thật về Thiên Chúa và không thể thoải mái nghỉ ngơi trong điều được cho là dốt nát của mình (1791). Nó thậm chí còn thừa nhận, như tiên tri Giêrêmia đã thừa nhận, rằng trái tim con người thường rất hư hỏng - và việc giả vờ không biết về sai lầm nghiêm trọng mà chúng ta đang làm là đặc biệt đáng quy tội (1857-1861).

Hành động sai trái cách khách quan vẫn sai trái

Và sự thật chủ yếu vẫn là : Dù có thể giảm việc quy tội đến mức nào thì những hành động sai trái khách quan vẫn là sai trái và về bản chất là xấu xa, gây tổn hại cho những người thực hiện dù họ có đáng bị quy tội hay không.

Tôi sẽ trình bày chi tiết những vấn đề này trong Chương 6 - “Có ai chịu trách nhiệm không?” - trong cuốn A Church in Crisis: Pathways Forward [Một Giáo hội đang gặp khủng hoảng: Những con đường phía trước] (Emmaus Road, 2021). Chúng ta không nên tập trung vào việc chúng ta hoặc người khác phạm tội như thế nào, mà thay vào đó là việc chúng ta đang làm sai trái nghiêm trọng như thế nào, và cố gắng hết sức để thoát ra, với ân sủng của Thiên Chúa, khỏi những hành động sai trái khách quan gây tổn hại cho chúng ta và người khác, bất kể mức độ có thể quy tội của chúng ta như thế nào. Tôi nghĩ điều này phản ảnh tốt hơn lời khuyên của Chúa Giêsu về vấn đề tội trọng:

“Các ngươi đã nghe Luật dạy rằng: ‘Chớ phạm tội ngoại tình.’ Nhưng Ta nói với các ngươi, ai nhìn một người đàn bà mà thèm muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân sa hỏa ngục” (Mt 5:27-30).

Nói cường điệu kiểu người Do Thái? Đúng. Đừng móc mắt hay chặt tay nếu đó là công cụ của tội lỗi. Nhưng hãy làm mọi điều có thể để thoát khỏi tội trọng, vì nếu không làm vậy, bạn sẽ phải xuống hỏa ngục. Đây là một thông điệp cần được lắng nghe thường xuyên hơn ngày nay với tính cấp bách và thế giá lớn lao, sự khẩn cấp và thẩm quyền của Chúa Giêsu.

Sách Giáo lý dạy: “Những lời khẳng định của Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo hội về chủ đề hỏa ngục là lời kêu gọi con người có trách nhiệm sử dụng quyền tự do của mình trước số phận vĩnh cửu của mình. Chúng đồng thời là lời mời gọi hoán cải khẩn cấp: Hãy vào cửa hẹp; vì cổng và đường rộng dễ dẫn đến sự hủy diệt, kẻ vào đó thì nhiều. Vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít” (1036; xem thêm 1734, 1428).

Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên chúng ta phải tuân theo lời khuyên của Chúa và liên tục canh thức để khi cuộc sống trần thế của chúng ta hoàn tất, chúng ta có thể xứng đáng được cùng Người dự tiệc cưới, và được kể vào số những người được chúc phúc, chứ không phải như những đầy tớ xấu xa và lười biếng, bị buộc phải đi vào lửa đời đời, vào nơi tối tăm bên ngoài, nơi “người ta sẽ khóc lóc và nghiến răng” (Lc 13:28).

Đôi khi có người nói rằng chúng ta không nên dọa người khác phải hóan cải. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi hỏa ngục và hậu quả của tội lỗi là một khởi đầu tuyệt vời cho hành trình tâm linh. Thánh Têrêsa thành Avila, Phanxicô thành Sales và Inhaxiô thành Loyola chứng thực vai trò quý giá của nỗi sợ hỏa ngục trong việc thúc đẩy hành trình tâm linh. Như chúng ta biết, hành trình tâm linh không kết thúc ở đó. Nó dẫn đến “tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi” (1 Ga 4:18) về hình phạt, nhưng đó là hành trình của cả cuộc đời. Thực tế là hỏa ngục tồn tại, và điểm nhấn không thể nhầm lẫn của Kinh thánh cũng như cách giải thích truyền thống về những đoạn Kinh thánh như vậy của các nhà thần học vĩ đại nhất của Giáo hội là: rất có thể có nhiều người đến đó.

Không có thay đổi đáng kể

Đức Hồng Y Avery Dulles, có lẽ là nhà thần học hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 20, đã khẳng định trong một tiểu luận viết năm 2003 cho tờ First Things rằng cho đến giữa thế kỷ 20, không có thách thức đáng kể nào đối với hai quan điểm truyền thống của người Công Giáo. Giáo hội - và cách giải thích đồng thuận thần học phổ biến về Kinh thánh là số người bị hư mất nhiều hơn số người được cứu:

“Như chúng ta biết từ Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói nhiều lần về hỏa ngục. Trong suốt quá trình giảng dạy của mình, Người đưa ra hai và chỉ hai khả năng cuối cùng cho sự hiện hữu của con người: một là hạnh phúc vĩnh viễn trước sự hiện diện của Thiên Chúa, hai là sự dằn vặt vĩnh viễn khi không có Thiên Chúa. … Hiểu theo ý nghĩa hiển nhiên của chúng, những đoạn văn như thế này tạo ấn tượng rằng có một hỏa ngục, và có nhiều người đến đó; thực tế là nhiều hơn số người được cứu.”

Việc biết những sự thật này về Những Điều Sau Cùng và thực tại của Sự Phán xét Sau cùng cũng như kết cục kép của nó, thiên đường hay hỏa ngục, quan trọng đến mức Chúa Giêsu và các tông đồ thường cảnh báo về điều đó. Hết dụ ngôn này đến dụ ngôn khác và hết trước tác tông đồ này đến trước tác tông đồ khác, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta rằng sẽ có sự phân chia cuối cùng của loài người vào thời sau hết. Cỏ lùng sẽ bị ném vào lửa và cháy rụi; lúa mì được đem vào kho (Mt 13:36-43). Những trinh nữ khôn ngoan sẽ vào tiệc cưới, trong khi những trinh nữ dại thì không (25:1-13); cá tốt thì được giữ lại, cá xấu thì bỏ đi (13:47-50); con cái của ma quỷ sẽ bị loại khỏi Vương quốc, còn con cái Thiên Chúa sẽ vào đó (1 Ga 3:10); những ai có thiện cảm với Chúa Giêsu, thậm chí ăn uống với Người mà không tin và không vâng phục Người sẽ bị loại khỏi Nước Trời (Lc 13:22-30); những ai tin và vâng phục sẽ được vào.

“Sách Giáo lý (1038) nói rằng sự sống lại của tất cả những người đã chết, ‘của cả người công chính lẫn người bất chính’, sẽ diễn ra trước Cuộc Phán xét Sau cùng. Đây sẽ là giờ mà mọi người ở trong mồ sẽ nghe tiếng [Con Người] và ra khỏi, ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sẽ sống lại để chịu phán xét.' Rồi Chúa Kitô sẽ đến 'trong vinh quang, có các thiên sứ theo Người. … Trước mặt Người, tất cả các dân tộc sẽ tập hợp lại, và Người sẽ tách họ ra như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê, và đặt chiên ở bên phải, còn dê ở bên trái. … Và họ sẽ vào hình phạt đời đời, còn người ngay chính sẽ vào cuộc sống vĩnh cửu’” (1038; xem thêm 1001, 998).

Có rất nhiều mưu toan nhằm giải thích bỏ đi ý nghĩa thẳng thừng của Kinh thánh và cách giải thích thường xuyên của Giáo hội: Đôi khi bằng suy đoán thần học phức tạp, đôi khi bằng mơ tưởng và suy đoán dại dột, kết quả của tâm trí đen tối; đôi khi chỉ bằng cách phớt lờ nó với hy vọng rằng nó sẽ lùi vào hậu cảnh và héo mòn mà không cần phải phủ nhận nó; đôi khi chỉ bằng cách đi theo nền văn hóa đại chúng không còn coi trọng những sự thật như vậy nữa.

Não trạng này, kết hợp với tuyên bố ngày 14 tháng 1 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã tiếp thêm sinh lực cho tư tưởng và tình cảm phổ quát đang ảnh hưởng đến nhiều người Công Giáo. Các nhà thần học được kính trọng như Karl Rahner và Hans Urs von Balthasar đã suy đoán về khả thể có việc một hỏa ngục trống rỗng và rõ ràng đã làm cho sự đồng tình của họ đối với trường hợp đó, như tôi đã nhấn mạnh trong cuốn Will Many Be Saved? What Vatican II Actually Teaches and Its Implications for the New Evangelization [Liệu nhiều người có được cứu không? Những gì Vatican II thực sự dạy và những hàm ý của nó đối với việc Tân Phúc âm hóa] (Eerdmans, 2013). Những lý thuyết này đã thâm nhập vào suy nghĩ của nhiều nhà giáo dục tôn giáo và giáo sĩ cũng như vào cả người Công Giáo bình thường.

Sự kiện, sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã không nhấn mạnh đến truyền thống tín điều rõ ràng và chắc chắn về Bốn Điều Sau Cùng đã khiến nhiều người Công Giáo quên đi những sự thật này hoặc tự hỏi liệu chúng ta có còn tin vào chúng hay không.

Nếu chúng ta tin rằng hỏa ngục trống rỗng, có thể trống rỗng hoặc dân cư thưa thớt, thì nhân loại có xu hướng tự nhiên chú ý nhiều hơn đến việc “cải thiện thế giới” và thông cảm với những nguyên nhân của thế giới hơn là tập trung vào lời tuyên bố táo bạo rằng tên của Giêsu là tên duy nhất có thể cứu được bất cứ ai (Cv 4:12). Hoặc con người cần phải “tự cứu mình khỏi thế hệ gian ác này” (Cv 2:40), thông qua sự ăn năn, đức tin và phép rửa. Hoặc để thoát khỏi cơn thịnh nộ sắp đến (1 Tx 1:10), họ cần phải liên kết với Chúa Giêsu và Giáo hội và tuân theo mệnh lệnh của Người.

Nếu hỏa ngục trống rỗng - hoặc hoàn toàn có thể là như vậy - thì liệu chúng ta có thực sự cần phải nhấn mạnh rằng những gì Chúa Giêsu và các tông đồ dạy về mục đích của tình dục và hôn nhân của con người phải được tuân theo để được cứu hay không? Hay chúng ta có thể giả vờ một chút để hòa hợp hơn với “con người hiện đại”?

Đây không chỉ là một cuộc thảo luận bí truyền về “tín điều”. Những sự thật liên quan đến số phận cuối cùng của con người là những sự thật quan trọng nhất mà con người cần biết; và thật không may, chúng hiếm khi được nhắc đến nữa. Thông thường nhất, chúng bị nghi ngờ một cách công khai, gần đây nhất là do niềm hy vọng bản thân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô truyền cảm hứng, hoặc đơn giản là bị bỏ qua, điều này sau một thời gian sẽ gây ra nghi ngờ về tầm quan trọng hoặc tính trung thực của chúng.