Ngày 03-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Giêsu vẫn hiện diện
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
07:29 03/05/2010
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH C

+++

A. DẪN NHẬP

Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài diễn từ giã biệt của Đức Giêsu (Ga 13,31; 14,31). Việc Đức Giêsu ra đi đã làm cho các môn đệ buồn sầu lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trấn an các ông, Người khuyên các ông “đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14,27), vì Người ra đi rồi sẽ trở lại với các ông bằng một cách thế khác.

Đức Giêsu khuyên các ông hãy giữ mối tinh thắm thiết với Người, đừng “cách mặt xa lòng”, và cách thế để tỏ lòng yêu mến đối với Người là hãy thực hiện những điều Người truyền dạy: ”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy”(Ga 14,5). Và tuân giữ lời Người là thước đo cụ thể và chính xác nhất lòng yêu mến của các ông đối với Người.

Đức Giêsu còn cho các ông biết việc Người ra đi thì có lợi cho các ông hơn vì Người có ra đi thì Thánh Thần mới được sai đến để dạy dỗ và nhắc nhở các ông, giúp các ông hiểu thấu đáo hơn những lời nói và việc làm của Người khi còn tại thế: ”Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7).

Sau cùng, Đức Giêsu còn hứa ban cho các môn đệ sự bình an riêng của Người. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho chúng ta: ”Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 15,1-2.22-29

Ngay từ ban đầu, Hội thánh cũng gặp một ít trục trặc, nhưng đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Số là đang khi Phaolô và Barnabê truyền giáo cho dân ngoại thì có những người Do thái từ Giêrusalem đến buộc dân ngoại tân tòng phải cắt bì và phải tuân giữ luật của Maisen. Hai vị truyền giáo không đồng ý nên trình vấn đề này lên Hội thánh.

Các Tông đồ đã họp hội nghị tại Giêrusalem và ra quyết nghị: những người ngoại tân tòng chỉ phải giữ những cái tối thiểu. Hội nghị đã cử Phaolô, Barnabê và mấy vị khác đến Antiochia với sứ mạng báo tin cho họ: chỉ cần giữ những điều cần thiết, đó là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm.

+ Bài đọc 2: Kh 21,10-23

Trong một thị kiến khác, thánh Gioan được trông thấy “kinh thành muôn thưở” lý tưởng trong tương lai. Đó là hình ảnh uy nghi của Giêrusalem mới được trình bầy cho chúng ta:

- Thành từ trên trời ngự xuống.

- Rất xinh đẹp và tươi sáng.

- Thành không có đền thờ vì chính Thiên Chúa là đền thờ của thành; thành cũng không có mặt trời mặt trăng vì chính Thiên Chúa là ánh sáng của thành.

- Đó là Hội thánh tương lai trên trời khi vương quốc của Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang trọn vẹn.

+ Bài Tin mừng: Ga 14, 23-29

Bài Tin mừng lấy từ bài diễn từ của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và ý chính là sự ra đi sắp xẩy ra của Người. Người bảo đảm cho các môn đệ rằng Người sẽ không để cho họ mô côi. Dù Người ra đi, Người và họ sẽ không rời nhau. Nếu họ giữ lời Người, họ sẽ được đưa vào trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Thánh Thần sẽ nhắc họ lời Người.

Trong dịp này, Người trấn an các môn đệ trong cuộc ra đi của Người. Vì thế, Người hứa ban cho các ông sự bình an, một thứ bình an đặc biệt mà thế gian không thể ban cho.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Những lời hứa của Đức Giêsu

I. SỰ HIỆN DIỆN MỚI CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Sự ra đi của Đức Giêsu

Trong suốt thời gian rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, các môn đệ đã được Người rao giảng về Nước Trời, được nghe những lời Người giảng, chứng kiến những việc Người làm, nhưng các ông chưa hiểu được ý Chúa. Các ông cứ tưởng Chúa mời gọi mình để được hưởng đặc quyền đặc lợi, được ăn trên ngồi trốc, được quyền lãnh đạo và được mọi người tôn trọng trong Nước Người sắp thành lập.

Nhưng không, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói về sự ra đi của Người: Người sẽ bị bắt, bị đánh dòn, bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Thật là một tin sét đánh làm cho các ông chao đảo. Các ông chìm vào sự đau buồn trước viễn cảnh mất Người. Họ không muốn Người đi, họ muốn giữ Người lại vì “Ra đi là chết trong lòng một ít”.

Các ông cảm thấy lo sợ vì như sống trong cảnh rắn mất đầu, các ông sẽ phải cô đơn, phải gặp nhiều trắc trở và gian nan thử thách. Tương lai còn mù mịt, không biết số phận mình sẽ rao sao. Đức Giêsu hiểu rõ tâm trạng của các ông.

2. Những lời khích lệ của Đức Giêsu

Đức Giêsu nói với họ rằng Người không để cho họ mồ côi đâu. Người ra đi rồi sẽ trở lại với họ, để bắt đầu giữa họ và trong họ một cách hiện diện khác, mầu nhiệm, chỉ dành cho những ai trung tín với lời Người. Người không có ý đề cập đến sự trở lại với hình dạng thể lý, cũng không phải sự trở lại huy hoàng trong ngày thế mạt, nhưng, ngay từ bây giờ, là sự hiệp thông nghĩa thiết với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi: ”Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).

Đức Giêsu còn cho biết việc ra đi của Người sẽ có lợi cho các ông hơn, vì như Người nói: ”Các con sẽ buồn vì nghe nói Thầy phải rời xa các con. Lòng các con sẽ buồn sầu và sợ hãi, nhưng này Thầy bảo cho chúng con biết Thầy ra đi sẽ tốt cho các con hơn, vì khi ấy, Cha Thầy sẽ sai Thánh Thần đến giúp các con tăng trưởng theo một cách thức mới”.

Hay nói cách khác, Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết đã đến giờ Người phải rời xa các ông ít lâu, đã đến giờ họ phải bắt đầu một giai đoạn mới trong việc phát triển tâm linh, đã đến giờ họ cần được phát triển theo một phương cách mới.

Đức Giêsu nhấn mạnh cho các ông tư tưởng này là hãy bình tĩnh: ”Các con đừng xao xuyến và sợ hãi”(Ga 14, 27). Người không bỏ rơi các ông nhưng luôn hiện diện với các ông bằng một cách thức khác mà các ông không ngờ.

Truyện: Thầy đã vác con trên vai

Chúa Giêsu và một thanh niên cùng đồng hành trên một bãi cát dài trên biển. Bốn vết bàn chân hằn lên rõ trên mặt cát. Nhưng khi chàng thanh niên chẳng may gặp phải khó khăn thử thách, anh ta liền nhìn xuống mặt cát thì chỉ thấy còn lại hai dấu bàn chân. Anh kinh ngạc thất vọng kêu lên: ”

- Thưa Thầy, lúc nãy Thầy trốn đi đâu để con bước đi một mình ?

Chúa Giêsu nhỏ nhẹ bảo anh ta:

- Con thử nhìn kỹ xem, coi đó là những vết chân của ai ?

Nghe lời Chúa, anh thanh niên nhìn kỹ lại thì mới tỉnh ngộ ra, đó là những dấu chân của Chúa. Anh ta vội thắc mắc la lên:

- Vậy thưa thầy, lúc đó con ở đâu ?

Chúa âu yếm trả lời:

- Con ạ, những lúc con gặp khó khăn gian nan, chính khi đó Thầy biết con không đủ sức chịu đựng nên Thầy đã vác con trên vai Thầy để cứu giúp con khỏi hoạn nạn đấy.

Dĩ nhiên đây là câu chuyện tưởng tượng, nhưng lại là một câu chuyện đầy ý nghĩa vì nó nói lên được một sự thật mà có lẽ ngày xưa các Tông đồ cũng như ngày nay chúng ta đều không nhận ra hoặc chưa tìm hiểu cặn kẽ: đó là Chúa luôn luôn hiện diện bên ta để bênh vực giúp đỡ ta.

Một chân lý thật đơn giản và rõ ràng. Vì suốt trong thời gian truyền đạo, riêng tư cũng như công khai, Chúa Giêsu luôn nhắc đi nhắc lại câu nói: ”Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Thế thì tại sao trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những lúc gặp gian nan khốn khó chúng ta hầu như quên sự hiện diện của Chúa, thậm chí đôi lúc có những người đối xử, ăn nói kiểu như không có Chúa nữa.

3. Những lời căn dặn của Đức Giêsu

Người ta thường nói: ”Cách mặt xa lòng” (Tục ngữ) nghĩa là xa nhau thì dễ quên nhau. Đây là một kinh nghiệm rất phổ biến vì nó thường xẩy ra hằng ngày một cách rất tự nhiên. Đức Giêsu muốn đề phòng cho các môn đệ khỏi lâm vào cảnh đau lòng “cách mặt xa lòng”, nên trước khi về trời, về cùng Chúa Cha, Người đã đảm bảo với môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có chuyện xa mặt cách lòng, và về phía con người cần phải giữ lời Thầy để “cách mặt, nhưng gần lòng”.

a) Về phía Thiên Chúa

Đức Giêsu đảm bảo với các môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có cách mặt xa lòng đâu. Chúng ta có thể trưng ra những câu Đức Giêsu nói với các ông trong bữa Tiệc Ly:

- “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với các con (Ga 14,23)

- “Cha Thầy phái đến nhân danh Thầy, Đấng Bào chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con”(Ga 14,26).

-Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế, chứ không để các con mồ côi đâu.

Như vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong các con, các con được yêu mến, dạy dỗ, được bào chữa nâng đỡ và được ban phúc bình an, không còn phải xao xuyến, sợ hãi, mà còn được vui mừng về cùng Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Vậy, về phía Đức Giêsu, Người càng xa mặt về phần xác bao nhiêu, thì về phía thiêng liêng càng gắn bó kết hợp với các con ở khắp mọi nơi mọi lúc.

b) Về phía loài người

Để đề phòng khi xa mặt Chúa, mà lòng mình không xa Chúa, thì Đức Giêsu đã bảo: ”Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”(Ga 14,23). Giữ lời Thầy là một trắc nghiệm rõ nhất, chính xác nhất về lòng mến Chúa.

Đức Giêsu đã nói: ”Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Câu nói này đủ xác định thế nào là yêu mến Chúa, nghĩa là dấu hiệu, bằng chứng để chúng ta biết được hay người khác biết được chúng ta yêu mến Chúa là chúng ta tuân giữ lời Chúa. Vì đây cũng là thước đo lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa nhiều hay ít, đó là chúng ta giữ lời Chúa nhiều hay ít.

Chúa bảo chúng ta hãy tuân giữ lời Chúa, nhưng lời Chúa ở đâu ? Nếu trả lời một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói: lời Chúa chứa đựng trong Sách Thánh, tức là trong Kinh Thánh. Nhưng nếu hiểu rộng ra, chúng ta có thể nói: lời Chúa còn chứa đựng trong Thánh truyền, tức là một phần mạc khải được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu và trong giáo huấn của các giáo phụ. Lời Chúa còn chứa đựng trong Phụng vụ, tức là những gì Giáo hội sống và thể hiện trong sinh hoạt phụng tự. Và lời Chúa còn chứa đựng trong đời sống của Giáo hội, tức là giáo huấn của các công đồng, các Đức Giáo hoàng, các Giám mục.

Tóm lại, Kinh thánh, Thánh truyền, phụng vụ và giáo huấn của Giáo hội, đó là những kho tàng chứa đựng lời Chúa. Nhưng thông thường và cụ thể, mỗi khi nói đến lời Chúa, chúng ta thường hiểu là Thánh Kinh, nhất là sách Tin mừng.

Ngoài ra, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ và chúng ta khi xa mặt Chúa, phải có đức tin vững vàng trong cơn gian nan thử thách. Thiên Chúa xếp đặt cho chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ, để ta trưởng thành về tâm linh. Nhưng trong suốt thời gian chịu đựng thử thách đó, Thiên Chúa không bỏ rơi ta. Người luôn ở trong ta để động viên và giúp đỡ ta vượt qua gian khổ, để đức tin của ta ngày càng mạnh mẽ và trưởng thành.

Truyện: Con kén và con bướm.

Ngày nọ, một chuyên gia sưu tầm các loài bướm vào một công viên, thấy một cái kén lạ treo lơ lửng trên cành cây, ông ta liền bứt lấy cành cây ấy và đem kén bướm về nhà nghiên cứu. Ít ngày sau, ông thấy có cái gì động đậy bên trong kén. Ông biết là sắp tới lúc con bướm nở. Hôm sau, cái kén lại nhúc nhích, nhưng cũng chẳng có gì khác xẩy ra. Ngày thứ ba vẫn thấy kén nhúc nhích mà con bướm bên trong cũng không ra được. Nghĩ rằng tại cái kén mà bướm không ra được, ông lấy con dao sắc ra rạch vỏ kén giúp nó ra ngoài. Có điều sau một ngày mà con bướm vẫn không bay ra được, và cuối cùng chết.

Về sau, ông được một người bạn thân là nhà côn trùng học cho biết lý do con bướm không bay ra được, là do thiên nhiên đã xếp đặt cho nó phải tự phấn đấu để thoát ra khỏi cái kén. Ngày nào nó phát triển đến độ tự mình đạp bể cái kén chui ra ngoài thì mới chứng tỏ nó phát triển đầy đủ và mới có khả năng sinh tồn được trong thiên nhiên. Muốn làm con bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, thì bướm phải trải qua thời kỳ làm con sâu lặng lẽ, rồi phải ẩn mình trong cái kén một thời gian, đợi ngày phát triển đầy đủ. Còn nếu ông rạch cái kén giúp nó ra ngoài trước thời hạn, là ông vô tình tiêu hủy khả năng phát triển và sinh tồn của nó.

Chúng ta chẳng khác gì con bướm nọ: Thiên Chúa đã hoạch định cho chúng ta phải đấu tranh gian khổ để nhờ đó chúng ta được tiến triển về mặt tâm linh. Chúa đã an bài mọi sự để vào một số thời điểm trong cuộc sống chiêm niệm của chúng ta, vào một số thời điểm trong cuộc sống tín trung của chúng ta, vào một số thời điểm trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta phải nỗ lực gian khổ. Vào những thời điểm ấy, Thiên Chúa ở rất gần chúng ta. Chúa biết rõ chúng ta cần phải chịu gian khổ một thời gian vì lợi ích riêng của chúng ta, vì nhờ những gian khổ này chúng ta mới được tăng triển về mặt thiêng liêng để trở thành những Kitô hữu vững mạnh (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật năm C, tr 133).

II. ĐỨC GIÊSU BAN THÁNH THẦN CHO CÁC MÔN ĐỆ

Nay Đức Giêsu ra đi, sự lưu truyền của Thiên Chúa trong Giáo hội không phải là một sự tồn kho bất động, bởi vì chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu, làm nên sự lưu truyền này bằng cách dạy dỗ và nhắc nhở cho Giáo hội tất cả những gì Đức Giêsu đã ban bố khi còn ở trần gian.

Đúng vậy, Lời của Đức Giêsu không phải là một “sự vật”, nhưng là một “con người nào đó”. Dù Đức Giêsu đã ra đi, nhưng vẫn có một “Đấng khác” đến để tiếp tục Lời của Chúa Cha, một thầy phụ đạo thần linh, một thầy nội tâm, được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu.

Một thời kỳ đã kết thúc, thời kỳ người ta thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai. Với biến cố Phục sinh, một thời kỳ mới bắt đầu, một cách thể khác cho liên hệ giữa Người và các môn đệ. Thời kỳ Chúa Thánh Thần mà “Cha sai đến nhân danh Thầy”. Người sẽ dẫn các ông tới chỗ hiểu thấu đáo lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu.

X. Léon Dufour giải thích rằng:”Tiếp theo thời kỳ mạc khải của Đức Giêsu Nazareth, là thời kỳ của Đấng Bầu Chữa. Người tỏ lộ cùng một mạc khải, nhưng đầy đủ, trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Giêsu ở trần gian kết thúc, nhưng đối với các môn đệ, Chúa Thánh Thần còn rọi sáng những lời Đức Giêsu dạy rõ hơn khi các ông nghe lúc trước”(Lecture de l’Evangile selon Jean, Seuil, tr 120).

Nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã dạy lúc tại thế. Khi nói nhắc lại thì không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách nói của Thánh Kinh, là khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh.

Về vấn đề này, X. Léon-Dufour chú giải: ”Khi nhắc các môn đệ nhớ lời của Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần không chỉ lặp lại giọng điệu của Thầy cho những trí nhớ quá tệ, nhưng Người còn giải nghĩa dưới ánh sáng Phục sinh cho các ông nắm bắt được ý nghĩa mà, cho đến lúc này, còn rất tối tăm đối với các ông… Nhiệm vụ giải thích của Chúa Thánh Thần liên quan tới sứ điệp của Ngôi Con, nhằm làm cho cộng đoàn nơi mạc khải luôn được tiếp tục và hiện thực một cách sáng tạo trong đời sống các tín hữu. Như thế, lời Đức Giêsu luôn sống động qua thời gian”(Sđd, tr 132).

III. ĐỨC GIÊSU BAN BÌNH AN CHO CÁC ÔNG

Đức Giêsu nói với các môn đệ: ”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Theo phong tục Do thái, khi từ giã nhau, người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào từ biệt thông thường, vì thế gian chỉ có thể cầu chúc bình an chứ không thể tự mình ban bình an được, còn Đức Giêsu chính Người ban bình an riêng của Người.

Trong tiếng Hip-ri, bình an là Shalom, một chữ được dùng rộng rãi trong Thánh Kinh. Nội dung từ ấy rất phong phú đến nỗi từ “bình an hay hòa bình” chỉ chuyển tải một phần ý nghĩa. Một cách tổng quát, nó có ý nghĩa một sự viên mãn phổ quát, một điều kiện trong đó không một vật gì được thiếu sót. Từ ấy diễn tả hạnh phúc hoàn hảo chỉ thuộc về Thiên Chúa. Khi người ta có bình an, người ta sống trong sự hiệp thông hoàn hảo với Thiên Chúa.

Vì vậy, Bình an, đối với người quen thuộc Thánh Kinh, không phải chỉ là vắng bóng bạo hành, tĩnh lặng tâm hồn, không có chiến tranh, mà chính là sức khỏe, sự thịnh vượng, hạnh phúc sung mãn, ơn cứu độ. Và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.

Theo cha Cantalamessa, Đức Giêsu không nói tới một sự bình an bên ngoài, chủ yếu là không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau. Người nói đến bình an đó trong những dịp khác, chẳng hạn khi nói: ”Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Người nói đến một sự bình an khác, bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Điều này thật rõ ràng nơi lời nói mà Đức Giêsu thêm vào liền theo đó trong đoạn văn này của thánh Gioan: ”Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại. Từ Đức Giêsu sử dụng là “shalom”. Người Do thái chào chúc lẫn nhau với lời này và vẫn còn làm thế; chính Đức Giêsu đã chào các môn đệ với lời này vào buổi chiều Phục sinh và truyền cho các môn đệ chào hỏi dân chúng cùng cách thức như thế: ”Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”(Lc 10,5-6).

Đức Giêsu có thể ban bình an cho các Môn đệ bởi vì chính Người sở hữu sự bình an: ”Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Bình an là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, Người có thể ban cho ta ơn bình an. Chúng ta có thể ban sự bìn an nào nếu không phải là sự bình an của chúng ta ? Người Kitô hữu có ơn gọi đem lại bình an. Nhưng khổ nỗi, thay vì chúng ta đem lại bình an cho người khác, chúng ta bắt họ chịu đựng sự bất an và bất hạnh của chúng ta.

Sự bình an thực sự chỉ có khi chúng ta tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu là: ”Các con hãy yêu thương nhau”(Ga 13,34). Về vấn đề này, Đức Giáo hoang Gioan Phaolô II nói: ”Con đường của bình an chung cục phải đi qua trong tình thương và hướng tới việc tạo nên một nền văn minh tình thương. Giáo hội chăm chú nhìn về Đấng là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và bất chấp mọi đe dọa không ngớt gia tăng, Giáo hội không ngừng hy vọng, Giáo hội không ngừng kêu cầu và phục vụ hòa bình của nhân loại trên trái đất” (Dominum et Vivificantem đoạn 67)

Không thể có bình an nếu không có sự tha thứ. Hãy tuân giữ luật yêu thương, và tha thứ cho nhau, ngay cả kẻ thù của mình (Mt 5,44), thay vì luật báo thù – luật rừng. Bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực. Báo thù không dẫn đến hòa bình.. Chỉ có tình thương mới đem lại bình an thực sự mà thôi. Vì Thiên Chúa là Tình yêu cũng là nguồn bình an (Ga 4,8,16; Rm 16,20).
 
Thử xem lại mấy kinh bị sửa lại
Linh mục Fx Nguyễn hùng Oánh
08:36 03/05/2010
THỬ XEM LẠI MẤY KINH BỊ SỬA LẠI ??

Các bậc sinh thành chúng ta, rồi đến con cháu giữ đạo nhờ thuộc lòng Kinh Bổn do các vị thừa sai và tổ tiên chúng ta có trình độ Hán Nôm cộng tác làm thành. Công của cái ngài rất lớn, rất giá trị. Thần học và Tu đức của Kinh Bổn rất cao. Việc sửa Kinh Bổn cần thiết vì văn phong xưa và nay của tiếng Việt đã thay đổi theo đà tiến bộ của thời gian. Tuy nhiên, có thể hiểu sai mà thay đổi ?? Xin đưa ra ít thí dụ;

1- Kinh TRUYỀN TIN (Angelus)

Lời nguyện: Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa ban ơn (Chúa) xuồng trong linh hồn chúng tôi, là kẻ đã nhờ lời thánh Thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kytô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng tôi ngày sau khi sống lại, đặng đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kytô là Chúa chúng con. Amen ( Sách Mục lục, Nhà in và xuất bản Cần thơ ấn quán, 5/1 Nguyễn công Trứ – Cần thơ 1961 ).

Sách Kinh địa phận Hà nội không thêm (Chúa), và theo tiếng và âm chuẩn Hanoi dùng từ ngữ “được” thay từ ngữ đặng.

Lúc bé cho đến giờ ( 73 tuổi), chúng tôi đã học kinh ở giáo xứ Phú Yên (Tân yên) huyện Quỳnh lưu, Nghẹ an và còn thuộc như thế nầy: …………. là kẻ đã nhờ lời thánh Thiên Thần truyển mà biết thật Chúa Kytô là Con Chúa đã xuống thế làm người thì xin vì công ơn chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Gía, Chúa cho chúng tôi ngày sau khi sống lại …………

Mấy năm gần đây, một số nhà thần học Việt nam đặt vấn dề sai thần học nơi câu: vì công nghiệp Chúa chịu nạn chịu chết (chữ Chúa ở đây chỉ Chúa Cha )… và đề nghị sửa lại: vì công nghiệp Con Chúa chịu nạn chịu chết hoặc: vì công nghiệp Người chịu nạn chịu chết.

Thiết tưởng xin xét lại cách dùng chữ THÌ ( là liên từ nối hai tư tưởng, nối hai mệnh đề hoặc nối hai câu )

Cách nói: đói thì ăn, khát thì uống. Chữ thì trong hai câu nầy nối hai động từ lại với nhau. Và có thề nói: tôi đói thì ăn, tôi khát thì uống, không cần lập lại chủ từ tôi (tôi đói thì tôi ăn, tôi khát thì tôi uống). Bảng đề cho công nhân: Ai làm suốt ngày thì được ăn. Vậy, tôi làm suốt ngày thì được ăn. Không cần lặp lại chủ từ: tôi làm suốt ngày thì tôi được ăn.

Học giả Phạm Quỳnh viết về giá trị Truyện Kiều: ” Như vậy thì Truyện Kiều không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý “ (Bài diễn thuyết về quốc ngữ, Nam Phong số 86 ) ( không lập lại: mà Truyện Kiều đối với văn học thế giới ). Thơ của cụ Nguyễn Trãi: Ở bầu thì dáng ắt nên tròn, Xấu tốt, đều thì lắp khuôn. Cụ đã vận dụng cách sáng tạo câu tục ngữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Câu nói của Nguyễn thế Vinh (1716-1767): Văn chương có đủ sức sửa sang việc đời thì mới đáng lưu truyền ở đời (không lạp lại: thì văn chương mới đáng). Trong Quốc văn giáo khoa thư, truyện “Ông già với bốn đưá con “: ” Các con phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau, thì mới đủ thế lực mà đôí vơi người ngoài” (không lập lại: thì các con mới đủ thế lực )

. Thiết nghĩ tổ tiên chúng ta không viết: thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết

mà viết: thì xin vì công ơn chịu nạn chịu chết, vì một mặt các ngài dùng từ ngữ thì nên không lập lại Con Chúa, hai là nói tới công ơn chịu nạn chịu chết thì phải biết thật là công ơn của Chúa Kytô là Con Chúa …, các ngài thông hơn chúng ta ! Hơn nữa, ta nói tiếng Việt, người ngoại quốc nghe tưởng là ta hát, còn ta thì nói “êm tai, chói tai”, thiết tưởng đọc câu: thi xin vì công ơn chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Gía, Chúa cho chúng con xuôi tai hơn câu: thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh gía, cho chúng con.

2- Kinh Mười Điều Răn

“ Mười điều răn ấy tóm về hai điều nầy MÀ CHỚ: trươc kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen “ (nguyên bản )

“ Mười điểu răn ấy tóm lại hai điều nầy MÀ NHỚ: trươc kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen (bản sửa lại).

Có lẽ người sửa lại không hiểu ý nghĩa từ ngữ MÀ CHỚ. Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích “ mà chớ “: chắc như vậy, quả như vậy, không có thể gì khác ( Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ). Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, mà chớ: certainement,, sans aucun doute. Thời nay, từ ngữ “mà chớ” không thấy có trong các Tự điển tiếng Việt. Ta có thể tìm được cách nói nầy trong các thứ ngắm (ngắm Rằng: Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu

Thứ ba thì ngắm: “….. Tôi có trách được quân Giudêu đóng đanh Chúa tôi giường ấy chăng ? Nếu tôi suy cho tỏ thì biết rằng: quân ấy đóng đanh Chúa tôi có một lần, vả lại vì lầm chẳng biết, mà tôi đã nghe biết, đã xem thấy hình tượng, đã tin thật, song tôi còn đóng đanh Con Đức Chúa Trời nhiều lần là phạm nhiều tội mà chớ “.

Thứ bốn thì ngắm: …… Thật có một ý cho tôi thờ phượng kính mến Cha Cả hết lòng hết sức, mà làm mọi việc lành cho nên, cho được rỗi linh hồn mà chớ. Có khi ép mình mà ăn một hai miếng thì cũng chẳng sinh nên cơ nhục gì, một nguội lạnh lòng liên, ấy là cội rễ mở đàng tội lỗi mà chớ.

3- Kinh Phúc thật tám mối

Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì ĐẠO NGAY, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Xin xem các nhà dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt câu trên (Mt 5,10 ):

Bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh văn Căn: phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Bản dịch của cha Nguyễn thế Thuấn: phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ (năm 1965). Dịch lại năm 1976: Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Bản dịch của Cha An sơn Vị năm 1983: Phúc thay ai vì điều công chính chịu cơn bắt bớ ! Vì được chiếm hữu Nước Trời.

Bản dịch của Hội Ghi-đê-ôn (ban nhuận chính ): Phước cho kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì nước trời là của kẻ ấy.

Bản dịch của Phụng vụ Giờ kinh: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ.

Tham khảo các bản tiếng nước ngoài:

Bản Vulgata ( cũ ): ” Beati qui persecutionem patiuntur propter iustitiam, quoniam ipsorum est regnum caelorum.

Louis Pirot Albert Clamer, La Sainte Bible: Bienheureux ceux qui sont persécutés

pour la justice, car le royaume des cieux leur appartient.

La “Bible de Jérusalem” năm 1961: ” Heureux les persécutés pour la justice car le Royaume des Cieux est à eux.

The new american bible: ” Blessed are they who are persecuted for the sake of righteousness for theirs is the kingdom of heaven.

Sống công chính, vua Minh Mạng bách hại tổ tiên ta thì vua Minh Mạng tự cho mình là người sóng công chính ( Minh Quân). Dụ bắt đạo đầu tiên của vua nầy phán: chúng dạy thiên đàng hoả ngục là những điều mê hoặc dân chúng, chúng dựng lên nhiều nhà thờ cho nam nữ ra vào hỗn độn để quyến rủ đàn bà con gái, chúng móc mắt những người đau ốm. Thât là trái luân thương đạo lý. …… Trẫm truyền cho tất cả những ai theo tả đạo nầy, từ quan đến dân, nếu biết sợ uy quyền của Trẫm thì hãy thật lòng bỏ tả đạo nầy …(dụ năm 1833, năm 1836 ).

Đối với vua Tự Đức, thời đó ai dám bảo vua Tự Đức không phải là Minh Quân ? Dụ năm 1848 lùng bắt các giáo sỹ ngoại quốc, dụ năm 1857 lên án quan quân ăn tiền tha cho người có đạo, dụ năm 1859 bắt các quan quân theo đạo, bao vây các làng có đạo.

Tháng bảy 1861: triều đình Huế ra lệnh tăng cường quản lý nghiêm ngặt số dân theo đạo: Đối với dân theo đạo Gia Tô – không kể gìa, trẻ, trai, gái; không kể kẻ đã bỏ đạo hay chưa bỏ đạo - đều phải thích chữ vào mặt và chia ghép đến các xã thôn không có người theo đạo để tiện việc quản thúc; đối với những giáo dân đầu sỏ, hung ác phài giam giữ cẩn thận; trường hợp quân Pháp – Tây Ban Nha kéo quân đến vùng có đạo ở thì lập tức phải đem giết hết dân đạo. Nơi nào không làm tròn việc nầy, sẽ chiểu quân luật trị tội. Dương Kinh Quốc, Việt nam những sự kiện lich sử (1858-1918), Nhà xuất bản Giáo dục 2006, trang 27).

Tháng mười hai 1861: Triều đình cho công bố một số hình thức xử lý đối với dân theo đạo. Chia làm hai loại. Loại đang bị đưa đi phục dịch việc quân: nếu cố tình không bỏ đạo, sẽ bị giam giữ cho đến chết; nếu là loại đầu sọ, hung hăng sẽ loại ra cho thắt cổ chết ngay ( quan địa phương chịu trách nhiệm giáo dục và mỗi tháng kiểm tra 2 lần để phân loại ). Loại đang bị đưa đi an trí: ai đã bỏ đạo nhưng xét ra chưa thực tâm, sẽ bị đánh 20 trượng, ai chưa bỏ đạo sẽ bị đánh 80 trượng; ai trốn đi nơi khác, bắt được sẽ sẽ đánh 100 trượng. Do lệnh nầy (và các lệnh trước đó) nguyên tỉnh Nam định có hơn 4.800 giáo dân bị giết. (sách đã dẫn trang 29).

Các dụ cấm đạo của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều nói: Gia-tô tả đạo tức là đạo bất chính, đường lối không chính đáng; quan dân, nhóm văn thân dùng ba cách nói: tả đạo, tà đạo, tử đạo (đạo bất chính, đạo tà ma, ma thuật, dối trá, thứ đạo nầy là phải chết (tử đạo). Chống lại sự sai trái của vua quan và dân thời đó, các nhà thừa sai và tổ tiên ta nói: ai chịu khốn nạn vì ĐẠO NGAY, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trơì là của mình vậy. Từ ngữ “ đạo ngay” dịch từ chữ iustitia, rất chuẩn.

4- Kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

Các nhà Truyền giáo và Tổ tiên ta dịch với tài trí sáng tạo nhưng rất đúng với ý nghĩa kinh: Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui, được cậy, thân

lạy Mẹ ( Salve Regina, mater misericordiae: vita, dulcedo et spes nostra, salve) Salve. .

: lạy…. Salve: thân lạy Mẹ. Cùng một chữ “salve”(lạy) làm khởi đầu và kết thúc (thân lạy Mẹ ) để chuyển tiếp cho câu sau không chê vào đâu được ! Với tinh thần cầu nguyện, các ngài dịch: làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy thay vì địch đúng nghĩa, đúng chữ: mẹ thương xót là sự sông, sự vui, sự cậy trông của chúng con. …. Hỡi ôi ! Bà là Chúa bầu chúng tôi …(trong Nam in là: Hỡi ôi ! Bà là Chủ bầu chúng tôi): avocata nostra không dịch là thầy cải, hoặc trạng sư vì thời đó chỉ nhờ kẻ có quyền thế trước mặt vua, quan cầu bầu cho. Thánh Gioan gọi Chúa Kytô là Đấng cầu bầu (I Ga 2, I: paraklétos), và Chúa Thánh Thần cũng là Đấng cầu bầu, Gioan 14, 16). Mấy nhà thần học lấy tước vị của Đức Kytô gán cho Đức Mẹ (thí dụ: Đức Mẹ đồng công cứu chuộc, ở đây là: Chúa bầu chúng tôi). Nếu hiểu đúng Đức Mẹ luôn luôn ở vai trò thụ tạo, hoàn toàn lệ thuọc vào Ba Ngôi Thiên Chúa thì vai trò Đức Mẹ là Chúa bầu chúng tôi vượt trên mọi thụ tạo có thế giá bậc nhất trước toà Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một xác tín mạnh liệt giữa mẹ và con cái. Theo thần học nầy, các ngài sáng tác kinh “ Cầu ơn chết lành”: Tôi lạy ơn rất thánh Đức Bà Maria là chúa bầu tôi, tôi tin thật Đức Chúa Trời ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha có phép tắc vô cùng, đã ban cho Đức Bà được quyền phép cả trên trời dưới đất. Vì vậy tôi cầu cùng Đức Bà phù hộ cho tôi trong khi tôi lâm chung, kẻo phải chước kẻ nghịch thù tôi. Amen. (xem hai kinh tiếp)

5- Kinh Trông cậy

Chúng tôi trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng tôi nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng.

Hằng chữa chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh nầy các nhà Truyền giáo và tổ tiên chúng ta dịch từ kinh nào ? Chúng tôi đã đi hỏi từ các nguồn ( nguồn kinh tiếng Tây Ban nha, tiếng Latinh, tiếng Pháp ), rút cuộc vị linh mục

giáo sư đại học giở năm sau sách kinh và tìm thấy nó nằm sau cùng các kinh đọc hằng ngày bằng tiếng Latin: Sub tuum praesidium confugimus. Nếu đúng như vậy, các nhà Truyền giáo và tổ tiên chúng ta đã có một bản dịch đầy chất sáng tạo nhưng rất đúng ý nghĩa của bản kinh. Thời nay, có vị đã đặt vấn đề. Từ ngữ chớ, chớ có nghĩa là “cấm làm” (chớ lấy của người, chớ làm chứng dối ), khuyên đừng làm ( chớ lười biếng ). Xem ra, bề dưới dùng từ ngữ “chớ” đối với bề trên tỏ ra bất kính vì dám sai bảo bề trên. Các ngài đã ý thức rất rõ điều đó nên các ngài dùng: xin chớ trong các kinh đọc nghĩa là xin Chúa, xin Đức Mẹ vv đừng để con …... Chữ xin ghép vơi chữ chớ trở thành lời nói với thái độ khiêm nhường (xin)

và cung kính. Cụm từ “Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng” dịch từ Virgo gloriosa (et benedicta) thuộc loại vocatif (Domine, audi me, lạy Chúa, xin nghe tiếng con) có thể đọc “cậy Mẹ đồng trinh hiển vinh sáng láng”, nhưng các ngài đã rất có lý khi để vài người đọc: ” chúng tôi trông cậy ….. trong cơn gian nan thiếu thốn (nghỉ, rồi mới đọc tiếp ): Đức Nữ Đồng trinh hiển vinh sáng láng” ( để chuyển tiếp cho tất cả đọc): Hằng chữa chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ, Amen ( lặp lại kinh Lạy Cha: (cầu với Chúa) bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ (ma quỹ) thành lời cầu với Đức Mẹ: hằng chữa chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ. Amen). Tuyệt !

6- Lạy Cha chúng con ở trên trời (Pater noster, qui es in caelis)

Phải cám ơn và cám ơn lắm lắm nhóm dịch kinh Lạy Cha của linh mục Nguyễn Văn Vi và các nhóm qua các thời cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên câu đầu của kinh Lạy Cha (Lạy Cha chúng con ở trên trời ) vì đúng với quan niệm về không gian của người Việt ta. Ta nói: trong nhà, ngoài sân; ta nói: trên trời, dưới đất và ông trời thì ở trên trời, mưa cho người thế khắp nơi được mùa.

Nếu dịch là: Lạy Cha chúng con, cha ở trên trời, thì đây là cách nói thông dụng của tiếng Việt. Thí dụ: mẹ, mẹ ở trong nhà phải không ? Bố, bố ờ đâu ? Trường hợp đặc biệt, tiếng Việt mới dùng sở hữu tĩnh từ (possessive adjectives), thí dụ: mẹ bị bệnh nặng, đứa con ôm lấy mẹ vừa khóc vưà kêu: mẹ của con, mẹ có đau lắm không ? hoặc một chào đón đặc biệt:

Cha sở chúng con đã về !. Kinh Lạy Cha, kêu ông trời bằng cha (văn hóa công giáo đưa vào văn hóa tiếng việt “gọi ông trời bằng cha), các ngài đã dịch: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Không ai hiểu theo tiếng nói Việt nam: chúng con ở trên trời vì quan niệm ông trời ở trên trời, con người ờ dưới thế. Cũng không phải thêm tiếng cha theo cách nói thông thường của người Việt (bố ơi, bố ở đâu ?). Các ngài cũng không dịch: Lạy Cha của chúng con ở trên trời vì người Việt hay nói: mẹ con, bố con chứ không nói mẹ của con, bố của con. Tóm lại, các ngài đã dịch đúng tiếng nói Việt nam. Còn bây giờ có người dịch: Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời hoặc Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời là cách nói của người Pháp v.v. Dùng từ ngữ “ngự” cho trang trọng nhưng “ngự” có thẻ là ở tạm, còn từ ngữ “ở” có tính cách lâu dài. Các ngài đã cân nhắc rất kỹ khi dịch.
 
Tin hay không Tin?
Lm. Jos Đinh Công Phúc
09:22 03/05/2010
Tin hay không Tin?

Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối…. Những lời của bài hát này đã đi sâu vào hồn tôi từ lúc nào, tôi không nhớ. Tôi cũng chẳng nhớ đây là bài hát của tác giả nào. Tôi chỉ biết rằng những lời diễn tả thật sâu sắc về Đức tin của tác giả đã khơi dậy sự khao khát của chính tôi về niềm tin của mình. Thực sự, cho dù tin hay không – cuộc đời của tôi vẫn tiếp tục. Cái khác biệt độc đáo ở đây là sự đón nhận hay khước từ sẽ quyết định sự sống mãi hay trầm luân, sự sáng ngời hay mù tối etc. Chính vì cái hệ quả này của Đức tin mà tôi muốn nhìn lại mình một cách nghiêm túc hơn.

Trước nhất, cuộc sống của chúng ta không thể không có niềm tin. Không ai có thể có một cuộc sống thực sự, nếu không có niềm tin. Chúng ta có những niềm tin siêu nhiên mà chúng ta gọi là Đức tin. Tin mà còn có Đức nữa, vì tự nhiên chúng ta chẳng có thể có được. Dù điều mà ta tin vượt ngoài khả năng hiểu biết, chúng ta vẫn tin. Chúng ta cũng có những niềm tin tự nhiên, một cái gì rất người, được diễn tả hằng ngày và thậm chí trong mọi giây phút của cuộc đời.

Để cho cuộc sống được hoàn mỹ, con người cần cả hai thứ niềm tin đó. Chúng ta cần sự bảo lãnh của một niềm tin siêu nhiên, vì không ai có thể hiểu biết mọi sự. Nhân loại cũng không thể giải mã được tất cả những mầu nhiệm, những bí ẩn của thiên nhiên và của con người. Chúng ta cũng cần những niềm tin rất là người, để cuộc sống có bình an, hy vọng. Chúng ta sẽ không thể có bình an và hy vọng, nếu chúng ta sống mà không tin nhau – trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, hay trong Giáo hội.

Như vậy, cho dù chúng ta tin vào ai, vào cái gì – tin là cần thiết. Nó không thể thiếu trong cuộc đời của bất cứ ai. Nếu không còn niềm tin, đời sẽ không còn ý nghĩa. Nếu không còn niềm tin, cuộc sống và tương lai chỉ còn là một ảo ảnh mơ hồ. Mọi sự xấu xa, nghi ngờ, lăng nhục, ghen ghét, chửi rủa, giết chóc, hận thù, chiến tranh sẽ hiện diện khi sự tin tưởng không còn nữa. Vì thế, niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau sẽ giúp chúng ta loại bỏ đi những khuynh hướng tiêu cực của bản tính nhân loại, để phát triển những đức tính tích cực và cần thiết. Điều này giúp chúng ta sống một cuộc sống của ân sủng, đầy hạnh phúc, vui tươi, bình an và hy vọng. Tin hay không tin là sống mãi hay trầm luân là thế.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng: Tại sao tôi tin mà tôi không có bình an, hạnh phúc? Tại sao tôi tin mà niềm tin của tôi “bị đánh cắp,” vì phụ bạc, vì người khác không tin giống tôi? Tại sao tôi tin, mà người khác không làm giống như tôi tưởng, thậm chí Chúa cũng dường như hành động cách khác (Lạy Chúa làm sao con hiểu nổi?), etc. Ở trong hoàn cảnh này có lẽ chúng ta phải thành thực và khiêm tốn chấp nhận rằng: niềm tin của chúng ta có vấn đề! Rất có thể tôi đã quá tự cao và cho rằng chỉ những gì tôi nghĩ, tôi tin là đúng? Rất có thể tôi đã đảo lộn trật tự và giá trị thực sự của niềm tin, vì chủ nghĩa cá nhân, vì sở thích, vì tính ích kỷ của tôi, etc? Mẹ Giáo hội đã rất khôn ngoan để phòng ngừa những sự hiểu biết phiến diện, cá nhân chủ nghĩa khi nhấn mạnh rằng Đức tin và niềm tin của chúng ta có tính tông truyền, tính cộng đoàn là thế! Vì lẽ, cá nhân chủ nghĩa, phe nhóm, sự hiểu biết phiến diện…. là những nguyên nhân của sự sai lầm, chia rẽ, bất công, thù hằn, giết chóc…Như vậy, nếu sự tin tưởng của chúng ta gây mâu thuẫn, gây bất bình, gây nghi ngờ…hoặc chúng ta không hiểu nổi – chúng ta cần đặt lại vấn đề về chính niềm tin của mình. Chúng ta cần nhìn lại vấn đề dưới những lăng kính khác hơn, xa và lạ hơn, bao quát hơn.

Có lẽ, những câu hỏi muôn thủa của Đức tin có thể sẽ giúp chúng ta khai sáng một niềm tin thực sự: Tin là gì? Tôi tin vào ai? Tại sao tôi lại dám tin như thế, etc?

Tin là gì? Bài thánh ca thách thức tôi nhìn lại Đức tin của mình đã trả lời rất ngắn gọn và rõ ràng: Tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối…Thật đơn giản! Nếu tôi tin là tôi chấp nhận. Nếu tôi từ chối, thì rõ ràng tôi đã và vẫn tiếp tục không tin. Thế nhưng, tin hay không tin, không chỉ đơn giản là những thái độ từ chối hay chấp nhận dễ dàng, mau qua như con người thời nay thường làm. Nếu thế thì hệ quả của nó thật là nghiêm trọng. Đây là vấn đề mà dù cá nhân hay tập thể, xã hội hay Giáo hội đang phải đối diện. Chỉ cần một cái nhìn người ta đã có thể đến với nhau, chấp nhận nhau. Nhưng cũng chỉ một giờ, vài ngày hay mấy tháng, người ta đã trở nên ghê tởm nhau, xa tránh nhau. Quá đơn giản. Quá dễ dãi.

Giá trị của niềm tin thực sự sẽ không bao giờ hiện diện trong những thái độ dễ dãi, đơn giản như thế này. Đúng ra chúng ta có thể nói đây không còn phải là tin, mà là thích. Tôi cảm thấy thích, và tôi chấp nhận. Khi mà tôi không còn thấy thích nữa hoặc tôi không thích, thì mọi sự cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Ngược lại, thái độ và hành động của niềm tin không phải là thích mà là hiểu – ít nhất trong một giới hạn nào đó. Chính vì thế, cái chấp nhận của niềm tin hoàn toàn khác xa những cái chấp nhận mau qua, nay thay mai đổi. Nó đòi hỏi một sự dấn thân thực sự, một cuộc sống. Nó gắn liền với mạng sống của một con người. Thế mới nói – tin là sống, là sống mãi. Thế mới nói – tin là dấn thân. Thế mới nói – tin là theo, etc. Và nếu chúng ta có thể nói rằng tôi sẽ bỏ niềm tin của tôi, bỏ đức tin của tôi – thì đúng ra thực sự tôi đã chưa bao giờ tin!

Tôi thì không khá gì về mặt ngôn ngữ học, nhưng nghĩ đến đây, tôi thấy ngôn ngữ Việt của chúng ta giúp ích rất nhiều cho chúng ta hiểu thế nào là tin hay không tin. Nếu như tôi đúng, thì ngôn ngữ Việt của chúng ta không chỉ diễn tả cái mà chúng ta tin. Thực sự nó đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để cái niềm tin của chúng ta được diễn tả. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều đó. Chúng ta thường không chỉ nói Tin một cách bâng quâ, đơn độc. Khi chúng ta nói tin, thường chúng ta kèm theo một chữ nào đó. Tin kính, đã tin thì kính, đã kính thì nể, là trọng. Tin yêu, đã tin là yêu, đã tin là mến. Tin cẩn, đã tin thì phải cẩn trọng, đã tin thì phải kính cẩn. Tin cậy, đã tin là cậy. Không phải là lợi dụng, dựa dẫm, mà là phó thác tin tưởng, noi theo, etc. Đây chỉ là một vài ví dụ. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong từ điển Việt ngữ của chúng ta. Như vậy, cái chấp nhận của niềm tin và đức tin chẳng đơn giản chút nào, mà là một cuộc sống, là sự sống và là con người. Nó không dễ dàng nay thay mai đổi.

Tôi tin vào ai? Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ càng xác định rõ ràng hơn những vấn nạn niềm tin của chúng ta. Tôi có thể dễ dàng trả lời rằng tôi tin vào Thiên Chúa. Điều này thì đúng, thế nhưng chưa đủ, và có thể nói thậm chí còn thiếu nền tảng. Đây là một trong những vấn nạn khó khăn của con người thuộc mọi thời đại. Lý do là vì Chúa thì vô hình. Xưa thì không biết, nhưng ngay tại thời điểm này thì tôi nghĩ không ai dám ngạo mạn nói rằng tôi biết rõ Chúa nên tôi tin! Tôi cũng có thể nói rằng tôi tin Chúa đã mạc khải, đã và đang hiện diện. Điều này thì cũng đúng, nhưng chỉ có mạc khải không thôi thì cũng chưa đủ. Đó là chưa kể thế nào và đâu là mạc khải thực sự của Thiên Chúa! Và cho dù bạn có sở hữu tất cả mạc khải của Thiên Chúa đi chăng nữa, thì chưa chắc là bạn đã có đủ ơn để hiểu đúng. Chính vì thế, ngoài những xác tín như trên, tôi lại còn phải nói rằng tôi tin vào Giáo hội – với một truyền thống giàu và sâu sắc trong kinh nghiệm, với hai ngàn năm của sự khôn ngoan vừa Chúa mà vừa người nữa.

Hơn thế nữa, Chúa cũng không chỉ mạc khải gói gọn một cách đơn thuần trong sự hiện diện hữu hình của Giáo hội, mà là từ muôn thủa và dưới nhiều dạng nhiều cách (Do Thái, 1: 1). Giáo hội cũng không phải là một thực tại tôn giáo duy nhất trong thế giới này. Vì thế, những xác tín của tôi đã được lãnh nhận từ Giáo hội lại cũng cần được bổ túc và làm cho giàu có bởi những xác tín của tôi về chính tôi, về thế giới này, và cả những kinh nghiệm tôn giáo cùng xác tín của tất cả những anh em cùng và khác niềm tin với tôi nữa.

Có vẻ đây đã là một cái nhìn khá tổng quát, nhưng phải nói rằng, nó còn phải được nhìn trong nhiều khía cạnh. Chính vì thế mà không ai trong chúng ta dám hãnh diện cũng như can đảm tuyên bố rằng, tôi biết hết và biết đủ, tôi không cần ai, hoặc người khác phải theo tôi, ngoại trừ là tôi có vấn đề. Và chính cái vấn đề đó đã thể hiện tôi là ai, khi mà tôi nói rằng: Tôi không tin Giáo hội nữa, tôi không tin vào cái tổ chức đó nữa. Điều này nói lên rằng tôi đã ở trong tình trạng bệnh hoạn của niềm tin, một đức tin méo mó, một niềm tin chết. Như thế, để trả lời cho câu hỏi “tôi tin vào ai” cũng chẳng hề dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều có gắng, không chỉ của riêng tôi, mà của cả một Giáo hội, cả nhân loại. Và đây là lý do Giáo hội kêu mời chúng ta kiên trì lắng nghe tiếng Chúa qua và cùng với Giáo hội cũng như mọi anh em của chúng ta. Đức tin tông truyền và đồng hành trong đức tin cũng là thế. Để đức tin được vững mạnh và triển nở một cách sung mãn, chúng ta cần có nhau, cần lắng nghe nhau, và cùng đồng hành với nhau. Để trả lời cho vấn đề đức tin, chúng ta đã và vẫn còn cần đến những kinh nghiệm và sự hiểu biết của mọi người, cho dẫu rằng những suy nghĩ đó có trái ngược với chúng ta đi chăng nữa. Chính sự khác biệt trong cái thế giới này, là sự giàu có của Thiên Chúa, và cũng là sự giàu có của nhân loại mà chính Chúa đã ban cho chúng ta.

Tại sao tôi lại dám tin như thế? Tôi dám tin vào Thiên Chúa, vào Giáo hội, nơi anh em vì nhiều lý do. Tôi dám tin vào Thiên Chúa cũng như sẵn sàng dấn thân vì lẽ tôi tin rằng: Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Dù có thể chẳng bao giờ tôi có thể hiểu Ngài. Dù tôi vẫn phải thốt lên rằng: Lạy Chúa làm sao con hiểu nổi? Tôi cũng có thể sẵn sàng đáp lại lời tin và yêu đối với Giáo hội, vì lẽ rằng Mẹ Giáo hội đã và đang cố gắng làm cho Thánh ý Chúa được thực hiện; Mẹ Giáo hội đã sống và đúc kết tất cả những kinh nghiệm thăng trầm của nhân loại trải dài suốt hai ngàn năm lịch sử - chắc chắn Giáo hội khôn ngoan hơn tôi nghĩ! Tôi cũng dám tin vào tương lai, vào mọi người, vì lẽ nếu không vì sự lầm lẫn trong đánh giá cũng như ảnh hưởng của tội lỗi trong việc tìm kiếm chân lý – không ai muốn đối sử mất nhân tính cũng như hành động trong sai lầm. Và tôi tin rằng Chúa có cách của Ngài để hướng dẫn lịch sử cứu độ. Ngài đã cầu nguyện cho những ai đã sai lầm, và cho chính tôi: Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm! Thực sự những sai lầm này không chỉ trong quá khứ, mà vẫn đang và sẽ còn tiếp tục bị vấp phạm và được thực hiện bởi nhiều người. Cho dù tội lỗi có lan tràn, thì ân sủng của, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ không thiếu. Tội, mà còn được gọi là Hồng Phúc –vì thế mà tôi luôn cần đến Chúa. Thiên Chúa luôn có cách của Ngài. Vấn đề là tôi cần sự khiêm tốn, cần mở lòng ra để đón nhận, cần chấp nhận những điều tôi chưa có thể hiểu, etc. Và chính vì thế mà cho dù tôi không hiểu, tôi vẫn tin.

Như vậy, tin hay không tin không chỉ đơn giản là một sự chấp nhận dễ dãi, mau qua – nay thay mai đổi. Nó cũng chẳng đơn thuần là một quyết định có tính cách cá nhân của riêng tôi, cho dù tin là một hành động cần có tính cá nhân của chủ thể. Tin, dẫu đối thần hay là đối nhân, vẫn là một quyết định bền vững được dựa trên cả một kho tàng mạc khải và những kinh nghiệm của cả nhân loại. Chính vì thế nó đòi hỏi tôi phải khiêm nhường, lắng nghe, chấp nhận, etc. Hành động tin của tôi cũng không đơn giản chỉ có tính cách hình thức chấp nhận bên ngoài, mà nó là cả một sự thay đổi tận căn của một đời sống. Tin hay không tin, đời sống này sẽ quyết định vận mệnh trường tồn. Tin là chấp nhận, là đi theo, là mở lòng, là hy vọng, là sống…cho dẫu rằng đời lắm chông gai, bách hại, mờ tối, etc…là thế. Nếu cần nhìn lại một chút niềm tin của mình có thực sự hay không, bài thánh ca “Tin hay không tin…” có thể sẽ giúp bạn và tôi rất nhiều!
 
Tôi quan niệm đi Đạo là xin ơn ''Tôi cứ thiếu thốn hoài''
Phó tế: GB. Maria Định Nguyễn
17:04 03/05/2010
* Tôi nhai và nuốt Lời Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” ( Tv 23, 1)

* Chuyện kể: Người Tín hữu hôm nay hay đọc kinh to và hát lớn: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn là thiếu thốn chi?...”, thế nhưng rất hay than thở, kêu ca về hoàn cảnh của mình. Có một bà kia đi lễ, lần hạt hàng ngày; nhưng lại hay trách móc Chúa và Đức Mẹ khi những điều bà xin chưa được đáp ngay. Vì bà quan niệm đi đạo chỉ để xin ơn, chứ không lo thực hành Lời Chúa và những điều Giáo hội dạy.

Một hôm bà vào thăm cha xứ, ngài rất siêng năng đọc Lời Chúa, thấy bà, ngài vội quay lưng đi, đọc lớn tiếng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi cứ thiếu thốn hoài”. Bà liền nói: “Con vẫn hát là Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi cơ mà !. Cha xứ liền quay lưng lại nói với bà: Người ta cũng một cái miệng lúc hát thì Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, nhưng khi đi lễ hay rước kiệu thì rất nặng về xin ơn, chứ không lo xin thực hành Lời Chúa và noi gương Đức Mẹ, nên sau đó trở về cuộc sống, đời sống tâm linh họ rât nghèo nàn!!.

* Một phút suy tư: Biết, hát, đọc Lời Chúa vẫn chưa đủ, cần phải thực hành Lời Chúa nữa ! Kinh Thánh sẽ mãi là bản văn chết khô, nếu bạn không đem áp dụng thực hành, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh tác động, thúc đẩy vào đời sống cá nhân của mình.

Nhiều người có quan niệm lợi nhuận, nghĩ đi đạo chỉ để xin ơn, trong các lễ lạy, rước sách,..., mà quên thờ lạy, cảm tạ, sám hối và nói chuyện, tâm sự với Chúa như một người bạn, để thực hành điều Chúa dạy. Đức tin cần phải biểu hiện bằng hành động chứ không bằng lý thuyết. Học, hiểu vá áp dụng Lời Chúa vào những thử thách thường nhật, đó là cách hiểu biết chính xác, và đúng mức nhất.

Nếu tôi là người có trách nhiệm huấn giáo tinh thần cho Tín hữu, tôi cần đầu tư hết lòng và tôi đa thì giờ cho việc nghiên cứu, học tập và chia sẻ cho họ cách sống đạo trưởng thành, đừng để họ “không biết gì, dễ bảo, dễ dạy.” Rồi họ giữ đạo một cách vụ lợi, ấu trĩ, phàn nàn, lẩm bẩm, kêu trách Chúa, thì thật là đáng tiếc biết bao!!!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 03/05/2010
MỨT

N2T


Mứt, thời tam quốc gọi là “mật ngâm”, thời Tống thì gọi là “mật rán”, về sau, bởi vì nó là loại thực phẩm nên mới đổi dùng bộ “thực”.

Theo truyền thuyết, một đầy tớ nữ trong cung đình vì nhớ nhung chồng đang đánh nhau ngoài chiến trường, nên một hôm đang đi bách bộ phía sau vườn hoa, vô tình phát hiện quả mơ chín rơi rụng trong ổ ong mật, cô ta cảm thấy thật uổng phí, bèn leo lên cây nhặt trái mơ trong ổ ong mật mà ăn thì cảm thấy chua chua ngọt ngọt, ăn rất ngon, thế là cô ta hái tất cả trái mơ xuống đem về nhà bếp, dùng mật ong, đường và muối ngâm thành trái mơ mật.

Bởi vì trái mơ mật có vị chua chua ngọt ngọt giống như tâm tình nhớ nhung chồng vậy, nên dùng nó để làm quà tặng trong tiệc tiễn quân.

Tương truyền đó là nguyên nhân của “mứt”.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Có những người khi có tâm sự buồn thì uống rượu liên tù tì, bất cần đời; có người khi buồn thì đóng cửa ở nhà không đi đâu cả; lại có người khi buồn thì sống buông thả...

Buồn thì ai cũng có, nhưng khi buồn mà lý trí vẫn còn, thì là cái buồn của người biết đem cái buồn biến thành niềm vui, đó là người có ý chí.

Chúa Giê-su cũng buồn lắm khi dùng bữa ăn vượt qua cuối cùng của mình với các môn đệ, nhưng từ trong nỗi buồn ấy Ngài để lại cho các môn đệ và nhân loại hai bí tích tràn đầy sức sống: bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền chức Thánh, và từ trong hai bí tích này, mà Ngài vẫn cứ ở lại mãi với các môn đệ và Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế.

Từ quả trái mơ tầm thường biến thành quả mứt ngon ngọt, từ trong nỗi buồn biến thành niềm vui của người nữ tỳ, và từ bữa tiệc ly biến thành bữa tiệc hằng sống trên thiên đàng của Chúa Giê-su...

Người Ki-tô hữu cũng sẽ không để cho hĩ nộ bi ai chi phối cuộc sống đầy hy vọng của mình, nhưng luôn cậy nhờ ơn Chúa để làm cho cuộc sống mình trở thành niềm vui cho mọi người.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 03/05/2010
N2T


44. Dựa vào cây Thánh Giá, không để Thánh Giá dựa vào mình.

(Thánh Philiphê Neri)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 03/05/2010
N2T


435. Tôn trọng mình, bao dung người khác.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:15 03/05/2010
Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan

Ngày nay tại các „chợ sách“ ở khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy bày bán những loại sách báo đưa ra những tham vọng đầy phiêu lưu của một số tác giả, chẳng hạn họ đã tìm cách giải thích các vấn đề thuộc lãnh vực tín ngưỡng, như sự hiện hữu vả bản thể của Thiên Chúa, tâm thức tín ngưỡng hay sự xác tín tôn giáo của con người, v.v…, bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên và coi các giải đáp của họ là chân lý khách quan, bất di dịch.

Bởi vậy, trong thời gian gần đây người ta đã thấy xuất hiện một số sách báo thuộc khuynh hướng nói trên, như: cuốn „Das Gottes-Gen“ (Di truyền vi tử của Thiên Chúa) của Dean Hammer, „Und Mensch schuf Gott“ (Và con người đã tạo dựng nên Thiên Chúa) của Pascal Boyers, „Der gedachte Gott – Wie Glaube im Gehirn entsteht“ (Vị Thiên Chúa được suy diễn – Đức tin nảy sinh ra thế nào trong não bộ) của Andrew Newberg, hay cuốn „Die Vermessung des Glaubens“ (Sự đo lường đức tin) của Ulrich Schnabel. Và bây giờ với tác phẩm dưới tựa đề „Gott, Gene und Gehirn“ (Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ), hai tác giả Rüdiger Vaas và Michael Blume lần đầu tiên đã trình bày cái nhìn tổng quát về một lãnh vực rộng lớn, mà trên đó các nhà nghiên cứu sự tiến hóa, các nhà di truyền học, các nhà khảo sát não bộ, các tâm lý gia, các triết gia và cả đến các nhà khoa học về tôn giáo, v.v… đã đùa giỡn với những khả năng chuyên môn của mình. Nhưng trong lãnh vực ấy, họ còn động chạm tới sự hiện hữu của Thiên Chúa, một vấn đề của đức tin tôn giáo, một vấn đề hoàn toàn vượt khỏi các phạm trù suy luận của trí năng, và như thế vượt lên trên các lãnh vực chuyên môn của họ.

Còn trong tác phẩm của họ, hai ký giả khoa học Rüdiger Vaas, chủ nhiệm Nguyệt san „Bild der Wissenschaft“ (Hình ảnh về khoa học) và Michael Blume, nhà khoa học về tôn giáo, đã đưa lên hàng đầu đoạn trích dẫn từ mạng thông tin về xã hội sinh học „Edward O. Wilson“. Câu được trích dẫn như sau: „Chúng ta đã đạt tới được giai đoạn quyết định trong lịch sử sinh học, trong giai đoạn mà chính tôn giáo trở thành đối tượng cho những giải thích của khoa học tự nhiên“. Vì thế, một cuốn sách như cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“ có thể được coi là cả một khiêu khích đối với những người có tín ngưỡng. Cuốn sách này xem ra được hai tác giả viết ra với đầy đủ ý thức như tựa đề phụ của cuốn sách đã cho thấy điều đó: „Warum Glaube nützt – Die Evolution der Religiosität“ (Đức tin có ích lợi gì – Sự tiến hóa của tâm tình tín ngưỡng).

Dĩ nhiên, ở đây trong trường hợp hai tác giả Rüdiger Vaas va Michael Blume người ta không thể khẳng định là họ có chủ ý nhằm xúc phạm đến tâm thức tín ngưỡng, hay thuộc phong trào bạo động quá khích, nhằm châm biếm và thóa mạ các người có tín ngưỡng một cách thô lỗ, chẳng hạn như trường hợp nhà sinh vật học vô thần Richard Dawkins với cuốn „Der Gotteswahn“ (Sự ảo tưởng sai lầm về Thiên Chúa), triết gia Daniel Dennett với cuốn „Den Bann brechen – Religion als natürliches Phänomen“ (Loại bỏ sự mê hoặc – Tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên) hay văn sĩ Sam Harris với cuốn „Das Ende des Glaubens“ (Con đường cùng của đức tín).

Ngay cả một thái độ giản lược thiếu khoa học như thường được sử dụng trong những cuốn sách vừa được nói đến ở trên, người ta cũng không tìm gặp trong cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“. Qua đó, hai tác giả R.Vaas và M. Blume đã cho thấy rằng họ khá khách quan, chân thành và trung thực trong nhận thức của mình, chứ không chủ quan, quá khích và một chiều như các tác giả có thái độ bài tôn giáo khác. Đó là điều được minh chứng rõ rệt trong câu viết sau đây: „Bởi vậy, ngay chính một bằng chứng đầy xác tín về những nguyên tắc thuộc thần kinh sinh học và tiến hóa sinh học nơi những biểu hiệu tôn giáo thì không có nghĩa là những biểu hiệu ấy xét về mọi phương diện không gì khác hơn là những sinh hoạt của não bộ và phương tiện đã được xác định một cách theo di truyền học cho việc sống còn và việc tiếp tục truyền sinh dòng giống“.

Một sự trung thực trong lãnh vực khoa học như thế - thực ra là một điều đương nhiên luôn luôn phải vậy - rất đáng trân trọng và cảm phục. Đàng khác, thái độ trung thực ấy cũng không thể biến một cuốn sách vào loại có trung bình thành một tác phẩm có giá trị được.

Cuốn sách của Rüdiger Vaas và Michael Blume được coi là vào loại trung bình do nhiều lý do. Trước hết, người ta đã không tìm thấy trong đó lập trường xa tránh cần thiết đối với những thái độ bài bác tôn giáo một cách cực đoan của những người vô thần như Dawkins, Dennett hay Harris, v.v… với những lập luận chủ quan một chiều và quá khích của họ. Trái lại, thay vì có thái độ cần thiết đó, cuốn sách đã vô tình hay hữu ý lại còn quảng bá một cách gián tiếp các lập luận của những người vô thần kia.

Qua đó, người ta nhận thấy rõ được rằng một khi các tác giả chưa thể tìm ra được những luận cứ cần thiết, thì họ đã trích dẫn những quan điểm đối lập. Vì thế, nhiều khi chính những trích dẫn không đúng chỗ đã làm giảm thiểu giá trị, nếu không muốn nói là làm sai lạc chính quan điểm của tác giả. Điều ấy muốn nói rằng ngay cả „những lý do thuộc lý thuyết khoa học“ – mà những người đa nghi chấp nhận và chào đón một cách nghiêm chỉnh, những người „tuy nhiên tỏ ra rất bất đồng với sự sinh học hóa (một phần) tôn giáo“ – được bàn cãi một cách duy nhất về những giả thuyết của những người mà trên nguyên tắc cùng đồng ý cho rằng tâm tình tín ngưỡng hay lòng đạo hạnh của con người là sản phẩm của sự diễn tiến thích nghi thuộc tiến trình tiến hóa. Trong tác phẩm, trước hết ba giả thuyết sau đây đã được nêu lên:

1) Tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm của sự thích nghi trực tiếp của sự tiến hóa. Điều đó muốn nói rằng những người có tín ngưỡng có được nhiều lợi điểm trong quá trình đào thải hơn những người vô tín ngưỡng.

2) Tâm tình tín ngưỡng chỉ là một sản phẩm phụ của những biểu tượng khác, tức những biểu tượng chiếm giữ một lợi điểm như thế. Việc làm một người có tín ngưỡng, thì trong cuộc tranh đấu cho cuộc sống không hề là một lợi điểm, hay ít ra chỉ là một lợi điểm gián tiếp mà thôi.

3) Và cuối cùng, tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm văn hóa thuần tuý. Vì thế, tâm tình tín ngưỡng không gì khác hơn là kết quả một sự tiến hóa thuộc lãnh vực xã hội và văn hóa, một sự tiến hóa không chứa đựng trong mình những nguyên tắc truyền sinh mang tính cách quyết định.

Tuy nhiên, sau cùng các tác giả đã không đủ can đảm dành ưu tiên cho bất cứ giả thuyết nào trong ba giả thuyết vừa được nêu ra, và bởi vì họ không tìm thấy giả thuyết nào trong ba giả thuyết ấy hội đủ các chứng cứ có tính cách thuyết phục, nên họ không những cho rằng điều đó là do sự non trẻ của một „ngành khoa học“ mới mẻ, nhưng đồng thời còn coi đó như một sự chứng thực cho tinh thần khoa học riêng của họ.

Ở đây người ta tự hỏi: điều đó sẽ làm cho ai được vui mừng và hãnh diện? Phải chăng người ta lại vỗ ngực hãnh diện vì sự bất lực ở chỗ là „ngành khoa học“ đang còn quá non trẻ, như hai tác giả đã công nhận, nên đã không thể nhận thức được một cách đầy đủ vấn đề mang tính cách quyết định!

Nhưng người ta cũng không được phép quên rằng có một sự thật mà từ hàng ngàn năm nay vẫn bất biến, vẫn không hề thay đổi, đó chính là: Tinh thần không hề được xây dựng trên những nền tảng vật chất, trái lại toàn thể vật chất nhất thiết phải hoàn toàn được dựa trên nền tảng tinh thần. Nói cách khác, không phải vật chất sản sinh ra tinh thần như Karl Marx và các người Mác-xít chủ trương, nhưng chính tinh thần là nguyên lý làm phát sinh ra vật chất.

Vào cuối cuốn sách „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“, hai tác giả R. Vaas và M. Blume đã trích dẫn câu nói sau đây của nhà văn Erich Kästner, một câu nói rất phù hợp với chủ đề mà họ đưa ra mổ xẻ trong cuốn sách: „Die Fragen sind es, aus denen das, was bleibt, entsteht“: (Đó là những vấn nạn mà điều nảy sinh ra từ chúng thì không hề thay đổi). Đúng thế, những vấn nạn được nêu lên về Thiên Chúa, về sự hiện hữu và về bản thể của Người, người ta có thể nêu lên để tìm hiểu, chứ không thể để bài bác hay phủ nhận được, vì sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều minh nhiên, nhưng bản thể của Người ra sao thì hoàn toàn vượt khỏi mọi phạm trù suy luận của trí năng con người. Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một chân lý khách quan, không có gì có thể thay đổi được. Nhưng nếu hai tác giả đã trích dẫn đúng chỗ câu nói của Erich Kästner, người ta cũng cần nói với họ: Hỡi các chú sư tử, các chú rống lên rất hay! Nhưng khi nào thì các chú mới nêu ra được những vấn đề chân chính!

Thật vậy, những người vô thần và những người có óc bài trừ tôn giáo đã làm một việc hoàn toàn thiếu lô-gích, hoàn toàn không hợp lý, khi họ không những đưa ra mổ xẻ và bình luận mà còn phê phán và khẳng định, nếu không nói là kết án găy gắt, về những vấn đề hoàn toàn không nằm trong phạm vi khả năng chuyên môn của họ. Họ là những chuyên gia về khoa học thực nghiệm, về sinh vật học, về hóa học, về văn chương, về triết học hay xã hội học, v.v… nhưng họ lại đưa ra những khẳng định thuộc phạm vi tín ngưỡng, thuộc thần học, tức những khẳng định về Thiên Chúa và về các vấn đề thuộc đức tin. Bởi vậy, những phê phán của họ không tránh khỏi sự lệch lạc, một chiều, thiếu tính cách khách quan, và vì thế không phù hợp với sự thật.

Dĩ nhiên, các tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và Kitô giáo nói riêng, không phải là một hội kín, nhưng là một đơn vị công khai và có pháp nhân trong xã hội, nên người ta không những có quyền mà còn luôn được khuyến khích tìm hiểu, mổ xẻ, phân tích và phê bình. Nhưng thái độ mổ xẻ tìm hiểu một cách khách quan thì khác với thái độ phê bình chỉ trích và bài bác chống đối một cách chủ quan và mù quáng. Ở đây, có lẽ chúng ta cần nhắc lại một câu ngạn ngữ vốn được mọi người nhìn nhận như một thái độ xử thế đúng đắn, đó là: „Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe“. Thật vậy, các nhà trí thức chân chính và tất cả những người có bản lĩnh và có lương tri lành mạnh, không bao giờ đưa ra những nhận định hay những phê phán một cách quả quyết về những vấn đề nằm ngoài hay vượt lên trên khả năng chuyên môn và sự hiểu biết của họ, tức những vấn đề mà mình họ không nắm vững hay chưa hiểu rõ. Trái lại, họ luôn chân thành lắng nghe ý kiến của những người chuyên môn về những vấn đề đó.

Việc các người vô thần đưa ra những nhận định đầy tính chất chủ quan, thiếu cân nhắc và thiếu tham khảo đầy đủ về những vấn đề thuộc tín ngưỡng nói chung và về sự hiện hữu của Thiên Chúa nói riêng, âu cũng là một thứ „bệnh thời đại“ của con người hôm nay, bệnh phán đoán theo kiểu „ếch ngồi đáy giếng“: Từ những hiểu biết thuộc lãnh vực chuyên của của mình, họ cứ chủ quan cho rằng mình đã nắm hết kho tàng tri thức của nhân loại trong tay, vì thế họ đã vô tình hay chủ ý quên đi rằng kho tàng tri thức của nhân loại thì bao la vô tận, nhất là sự tri thức trọn vẹn về Thiên Chúa lại hoàn toàn vượt khả năng hiểu biết của con người. Do đó, những nhận định họ đưa ra thường có tác dụng tuyên truyền và kích động, chứ không phù hợp với sự thật khách quan. Vâng, sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan.

__________________

Sách tham khảo:

Rüdiger Vaas/Michael Blume: Gott, Gene und Gehirn. Warum Glaube nützt. Die Evolution der Religiosität. Nhà xuất bản S. Hirzel, Stuttgart 2009, 254 trang.
 
Nỗi đau đớn thể hiện trên Khăn liệm Thành Turin trao cho chúng ta niềm Hy vọng
Dominic David Trần
08:27 03/05/2010
Nỗi đau đớn thể hiện trên Khăn liệm Thành Turin trao cho chúng ta niềm Hy vọng, Đức Thánh Cha Benedicto giáo huấn

TURIN, nước Ý ngày 02 tháng Năm 2010, theo bản tin liên hợp của Thông tấn Xã Công Giáo toàn cầu (CNA/EWTN News)

Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã dâng Thánh Lễ sáng Chúa Nhật tại Công trường Thánh Charles ở thành Turin. Trong bài giảng lễ ngài đã dậy về Điều Răn Mới của Đức Chúa Giêsu Kitô và cũng tuyên bố rằng chính qua Cuộc Khổ Nạn Thương Khó của Đức Chúa Kitô, được thực chứng trong Khăn liệm Turin -trao đã ban cho chúng ta niềm Hy Vọng.

Đức Thánh Cha Benedicto đến Turin vào sáng Chúa Nhật cho chuyến tông du thành phố này. Chương trình của ngày thứ nhất là dâng Thánh lễ cho 25 ngàn giáo dân ở trước công trường Thánh Charles.

Lời huấn dụ trích từ bài đọc Tin Mừng hôm nay, Đức Thánh Cha nói rằng Đức Chúa Giêsu, trong khi truyền giảng điều răn mới "..Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em,. .." Đức Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ một phương thức

" để tiếp tục duy trì sự hiện diện của chính Chúa trong một cách thế mới giữa các môn đệ." Đức Thánh Cha tuyên bố là lời phán truyền ấy đến nay vẫn là Chân lý; " Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Đức Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, Người vẫn ở cùng chúng ta."

Đức Thánh Cha giải thích là đã có khác biệt giữa lời mời gọi yêu thương nhau từ một mệnh lệnh tương tự như vậy đã chép trong Cựu Ước so với Tin Mừng hôm nay đã nghe là ở điểm Đức Chúa Giêsu đã bổ sung thêm, ". .. Anh em hãy thương yêu nhau

như Thầy đã yêu thương anh em. .."

Điều Răn Mới này khác với lời dạy ở trong Cựu Ước là bởi Yêu thương nhau " như Chúa đã yêu anh em.." có nghĩa là "Một Tình Yêu không có giới hạn, không biên giới, tình yêu phổ quát ở khắp mọi nơi, một tình yêu có thể chuyển hóa tất cả những cảnh ngộ tiêu cực và thay đổi mọi nghịch cảnh-ngang trái trong kiếp người... để trở nên tiến triển tốt đẹp và vươn lên trong yêu thương."

Đức Thánh Cha giải thích thêm, " Trong khi trao ban đìều răn mới này, Đức Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải sống trong một thứ tình yêu y hệt như Tình Yêu của Chúa đã yêu ta, Tình Yêu ấy phải là Dấu chỉ chân thật đáng tin cậy, phải rất hùng hồn và hiệu qủa

cho việc loan báo với thế gian rằng Nước Chúa đang ngự đến."

Quảng diễn trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha kêu gọi cách riêng các giáo sĩ linh mục và phó tế nên nhận thức về điều răn mới này trong khi đối diện với biết bao là công việc mục vụ, học cách thế thu hút sức mạnh để chuyển giao Tin Mừng cho mọi người từ

"những mối Tình Yêu với Chúa trong kinh cầu nguyện." của chính giáo sĩ linh mục phó tế.

Đức Thánh Cha cũng khuyên các giáo sĩ tu sĩ chú tâm vào Tin Mừng để ươm trồng và gặt hái một chiều kích thực sự về Tình Hiệp Thông và Huynh Đệ" với những người chung quanh và qua đó cung cấp thêm chứng nhân trong sứ vụ của họ là, " quyền năng của Tình Yêu trổi vượt cao hơn mọi sự"

Đối với tất cả tín hữu Thiên Chúa Giáo, Đức Thánh Cha Benedicto XVI tuyên bố rằng trong khi phải đối diện với muôn trùng khó khăn trong cuộc sống hôm nay-cuộc đời riêng của chúng ta có thể được kiện cường bởi "những điều chắc chắn đến từ Đức Tin, những điều đoan chắc rằng chúng ta không lẻ loi đơn độc, và rằng Thiên Chúa yêu từng người một trong chúng ta như nhau-không có một chút nâng đỡ khác biệt nào cả và Thiên Chúa ở với mọi người trong Tình Yêu của Chúa.Vì vậy mỗi cộng đoàn Kitô hữu phải trở nên một khí cụ Tình Yêu của Chúa thật vững chắc."

Đức Thánh Cha hô hào mọi người- đặc biệt là lớp trẻ-" Không bao giờ đánh mất hy vọng. Vì Hy vọng, là Đức Cậy Trông, đến từ Đức Chúa Kitô Phục Sinh, từ chiến thắng vinh hiển của Thiên Chúa trên cái chết và tội lỗi."

"Khi nói về Hy Vọng, đây chính là thông điệp của Khăn liệm thành Turin, trong tấm vải liệm này chúng ta cảm nghiệm được biết bao đau đớn nhọc nhằn khổ đau mà chính chúng ta đang gánh chịu thật ra đấy chỉ là gương sao, là phản ảnh những sự Khổ Nạn Thương Khó của Chúa Giêsu KiTô trên chính cuộc đời của mỗi người trong chúng ta thôi. Và bởi chính lý do này mà Nỗi đau đớn thể hiện trên khăn liệm Turin là một Dấu chỉ của Hy vọng."

Chính Đức Chúa KiTô đã dùng Thánh Giá để chiến thắng ma qủy và sự dữ và trong thời điểm Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu KiTô cũng đã là một điềm tiên báo cho chúng ta rằng; " Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa."

Cũng theo chương trình tông du, sau khi dâng Thánh lễ xong, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI sẽ dến chiêm ngưỡng Khăn Liệm thành Turin vào buổi xế trưa cùng ngày.

Dominic David Trần.
 
Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Đông sẽ nhằm duy trì căn tính Kitô giáo và cổ võ đại kết
Nguyễn Hoàng Thương
14:37 03/05/2010
Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Đông sẽ nhằm duy trì căn tính Kitô giáo và cổ võ đại kết

Vatican City (AsiaNews) - Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về Trung Đông sẽ có mục tiêu kép: "củng cố và làm cho các Kitô hữu vững mạnh trong căn tính của họ qua Lời Chúa và các Bí tích, và làm sống lại sự hiệp thông giáo hội giữa các Giáo Hội, để họ có thể là chứng nhân Kitô giáo đích thực, trong mối liên hệ với các Giáo hội và các cộng đoàn giáo hội khác". Do đó thật khẩn thiết cần có một sự dấn thân vào công cuộc đại kết một cách chắc chắn. Đây là những điểm nổi bật lên từ phiên họp lần thứ ba của Hội đồng về Trung Đông, Ban Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, theo một tuyên bố được Ban này đưa ra hôm 03/05/2010.

Thượng Hội Đồng Giám Mục, diễn ra từ ngày 10 đến 24/10, "sẽ là một cơ hội quý giá cũng để thẩm tra tình hình tôn giáo và xã hội, để mang đến cho các Kitô hữu một viễn tượng rõ rệt làm thế nào để trở thành chứng nhân tích cực của Chúa Kitô trong bối cảnh xã hội đa số là Hồi giáo. Vì vậy, những ý nghĩa suy tư về hoàn cảnh hiện nay không dễ dàng chút nào, vốn được ghi dấu bởi cuộc xung đột và bất ổn, gây ra làn sóng di dân, trong đó có nhiều Kitô hữu".

Giáo hội "bất chấp những khó khăn của thời điểm hiện tại, dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vẫn tự tin về một tương lai của hoà bình, công lý và tôn trọng sự hợp tác với các thành viên Do Thái giáo và Hồi giáo, vì lợi ích của tất cả các cư dân trong khu vực".

Trong phiên họp này, một chương trình dự thảo đã được trình ra, trên cơ sở những phản ứng đối với Tài Liệu Hướng dẫn Tổng Quát (Lineamenta), được bổ sung bởi những đóng góp từ các Giáo hội Công giáo Đông Phương tự trị (sui iuris), các hội đồng giám mục, các cơ quan của Giáo triều và các tổ chức tôn giáo khác nhau. Dự thảo này sẽ phục vụ như là một tài liệu nghiên cứu và là nghị trình cho các nghị phụ.

Cuối cùng, tuyên bố cho hay rằng các thành viên của Hội đồng Tiền Thượng Hội đồng Giám Mục sẽ tham dự Thánh Lễ mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ cử hành ở Nicosia, trong thời gian ngài ở Cyprus, theo lịch trình diễn ra từ ngày 4 đến 6 tháng Sáu tới. Trong chuyến tông du của Ngài, Đức Thánh Cha sẽ phân phát Tài Liệu Làm Việc (Laboris Instrumentum) cho các vị mục tử của các giáo hội ở Trung Đông.
 
Đức Cha Thomas Collins: ''Xin tri ân Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI''
Dominic David Trần chuyển ý
21:03 03/05/2010
Đức Cha Thomas Collins: "Xin tri ân Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI"

(Nhân mừng kỷ niệm 5 năm trên ngôi vị Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Benedicto XVI, Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins đã viết một bài suy niệm vừa mới được lại đăng trên trang nhà của Tổng Giáo Phận Toronto. Xin trân trọng chia xẻ đến qúy đấng bậc và độc giả VietCatholic.)

TORONTO, ngày 19 tháng Tư năm 2010. Trong những ngày này Giáo Hội Công Giáo vui mừng kỷ niệm 05 năm ngày Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu lên ngôi vị là

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Cá nhân tôi chân thành tri ân ngài -vì nhờ ở các tác phẩm đã xuất bản cũng như các trước tác của ngài trong nhiều năm qua đã giúp đỡ tôi triển nở về tri thức và linh đạo. Những tác phẩm của ngài không những bao gồm các công trình nghiên cứu hàn lâm dành cho các học giả thần học gia bạn bè nhưng còn có cả các tập sách tương đối nhỏ và đa dạng với các chủ đề liên quan việc noi gương Đức Chúa KiTô; "Hãy theo Thầy". Những tập sách mỏng này thường khá ngắn vì được viết ra như những cố gắng mục vụ để giúp mọi người hiểu về Đức Tin trọn vẹn hơn, và sống Đức Tin có nhiều kết qủa tốt đẹp hơn.

Sự trong sáng và đơn giản trong cách thế ngài chia xẻ là điều trước nhất mà cả người đọc sách của ngài lẫn người nghe ngài huấn dụ đều nhận thấy. Tôi sẽ không bao giờ quên bài giáo lý mà ngài đã giảng cho một nhóm các em nhỏ được Rước Mình Thánh Chúa Lần Đầu trong lúc diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Thánh Thể vào năm 2005. Trong mấy chục ngàn em nhỏ phủ kín Công Trường Thánh Phêrô, đã có một số em được ngồi bao quanh ghế của Đức Giáo Hoàng và nêu câu hỏi. Điều trước hết làm tôi xúc động là cái phong thái mà con người thông minh và học hành rất uyên bác này trao đổi về Đức Tin Công Giáo rất rõ ràng khiến cho mọi người nghe và cùng hiểu được ngay bất kể là họ ở độ tuổi nào và dẫu cho ngài không cần phải tỏ ra là ngài đang lịch sự khiêm hạ.

Trong lúc các em nhỏ này thay phiên nhau đến lượt nêu câu hỏi lên Đức Thánh Cha, người ta đã cảm nhận được rằng đấy là "vấn đề của hai KiTô hữu; Kitô Hữu này.. . 7 tuổi và Kitô Hữu kia...79 tuổi; một Kitô Hữu bé con và một Kitô Hữu là Đức Giáo Hoàng- Hai Kitô Hữu này nói chuyện với nhau thật tự nhiên và thoải mái như thể cả hai đang cùng là các môn đệ của Đức Chúa Giêsu, và cả hai môn đệ này đang cảm tạ hồng ân bao la của Thiên Chúa thông qua các Mầu nhiệm Thánh Thể và Hòa Giải."

Ad Limina, cứ mỗi một độ từ 6 đến 7 năm là các Đức Giám Mục trên thê giới sẽ hành hương về Giáo Đô Rôma để cầu nguyện tại các mộ của hai Đại Thánh Tông Đồ Phêrô và Phao-lô, sau đó đến triều yết Đức Giáo Hoàng và gặp các Đấng Bậc đứng đầu một số Thánh Bộ liên quan tại Giáo Triều Vatican. Năm 2006 là đến lượt nghiã vụ của Hàng Giám Mục Canada. Khi tôi được phép triều kiến Đức Giáo Hoàng, ngồi đối diện với ngài tại bàn

làm việc của ngài- ngài đã yên lặng lắng nghe tôi diễn tả về những niềm vui cũng như biết bao thử thách trong đời của một vị Giám Mục Chính Tòa tại Giáo Hội Địa Phương- thỉnh thoảng ngài góp thêm những nhận định hết sức ân cần và rất đỗi thông tuệ sắc sảo. Tôi đã thực sự cảm thức được về ngài: con người đang thật sự chú tâm lắng nghe: ngài đang đồng cảm và chia xẻ với chính tôi. Đó chắc chắn là lời giải thích vì sao uy tín của

ngài đã vang dội trong lòng các Giám Mục trên toàn thế giới khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger hãy còn là Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý-Đức Tin.

Nếu cần biết về ý tưởng là nên làm gì khi được triều yết và được phép thảo luận với Đức Thánh Cha thì xin qúy vị hãy tìm đọc hai tác phẩm; "Muối của Đất (Salt of the Earth)"; "Thiên Chúa và Thế gian (God and the World)" của một nhà báo đã có công phu sưu tập và cẩn thận ghi chép lại những lúc được phép tiếp chuyện trong thời gian rất rộng rãi với ngài. Chính nhờ được phép dành nhiều thời gian với Đức Hồng Y Ratzinger mà một số nhà báo hay bi quan và khô khan đã trở lại thực thi Đức Tin Công giáo.

Học giả Joseph Ratzinger rõ ràng là một Thần học gia rất xuất sắc, thế nhưng khi qúy vị đọc các tác phẩm của ngài, qua tất cả những suy tư sâu sắc và mức hiểu biết vô cùng uyên bác của ngài-chúng ta sẽ luôn luôn có cùng một nhận thức chân tình nồng ấm -đầy ắp tình người có cội nguồn từ bởi Phúc Âm, như những khi ngài tìm cách lý giải Đức Tin Thiên Chúa giáo với lý luận rõ ràng và bằng những thí dụ có ý nghiã giúp đỡ về mặt thực tiễn. Chiều kích nhân bản hay ý nghĩa của con người được thấy rõ trong các tác phẩm của ngài có lẽ là do ngài yêu thích các công trình của giáo phụ Âutinh, vị thánh thông thái và nhiệt thành.

Bao nhiêu năm trôi qua- tôi luôn luôn bận lòng vì một suy tư là; vì sao một nhân cách trầm tĩnh và đầy khiêm hạ như ngài Joseph Ratzinger lại phải hứng chịu bao điều phản kháng hung bạo và những sự hờn ghen dữ dội như vậy, cả lúc ngài là Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý-Đức Tin thuở trước và cho đến tận hôm nay khi ngài là Đức Giáo Hoàng? (Tại sao cây muốn lặng mà gió không ngừng? Tại sao người hiền nhân chân chính này luôn mắc nạn?-Dominic David Trần xin phép quảng diễn suy tư của Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins theo triết lý Việt Nam.) Suy luận căn bản để lý giải cho hiện tượng này tất cả là vì nhân cách lịch thiệp đặc biệt tử tế của ngài- ngài kiên định loan truyền Đức Tin của Hội Thánh bằng phong cách dũng cảm-không khoan nhượng-không thỏa hiệp với những gì đi ngược lại với Giáo Lý và Đức Tin của Hội Thánh Chúa; và rõ ràng là vì vậy mà một số người (đã thỏa hiệp hoặc có nhân nhượng với những gì trái với Đức Tin của Hội Thánh Chúa) đã bị quẫn trí, trở nên cuồng nộ và chống lại ngài.

Đức Giám Mục rất thông thái Sheen của Hoa Kỳ có lần đã nói rằng-"Đã không có đến 10 người Mỹ thù ghét Giáo Hội Công Giáo ở trong nước Mỹ; nhưng đã có đến mấy chục triệu người Mỹ đã rất ghét cái hình ảnh sai lạc về Giáo Hội Công Giáo đã được thể hiện trước mặt họ." Cá nhân tôi chỉ hy vọng một cách đơn giản là với những người bình thường và có suy tư công tâm, ngay cả trong trường hợp họ bất đồng ý kiến với Giáo Hội Công Giáo hay với cá nhân Đức Thánh Cha họ nên nhìn sự việc và con người một cách thật khách quan xét trên cả hai khía cạnh.

Trong những ngày này chúng ta vui mừng cho cả Đấng đang giữ ngôi vị Giáo Hoàng và ân sủng Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo Hội trong hơn hai ngàn năm qua Các Đức Giáo Hoàng-tuy các ngài khác nhau về nhân cách nhưng các ngài đã phục vụ Dân Chúa bằng lãnh đạo linh hướng mà Dân Hội Thánh Công Giáo cần có trong cuộc lữ hành trần thế qua thế giới nhiều biến động và không sẵn lòng với các sứ điệp của Tin Mừng-cho dù có rất nhiều con dân thuộc về trần thế này thực ra rất cần rất cần Tin mừng của Thiên Chúa.

Các lễ mừng kỷ niệm luôn luôn là dịp để cho mọi người suy tư sâu sắc hơn về những điều gì có ý nghĩa nhất, những vấn đề quan trọng nhất, và nguời Công Giáo chúng ta có thể nhân cơ hội này- để gắn bó cuộc đời chúng ta mật thiết hơn trong Đức Chuá Giêsu Kitô-để cầu nguyện và để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta (Đức Giáo Hoàng Benedicto) một Vị Tôi Tớ khiêm hạ nhưng rất đỗi kiên định của Các Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng hiện nay đang kế vị ngai tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ.

+ Đức Cha Thomas Collins, Tổng Giám Mục Toronto
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
“Suối Nguồn”, Ngày của Mẹ tại Trung Tâm Mục Vụ, TGP Sài Gòn
Nguyễn Hoàng Thương
08:22 03/05/2010
“Suối Nguồn”, Ngày của Mẹ tại Trung Tâm Mục Vụ, TGP Sài Gòn

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”


Câu ca dao gần như mỗi người Việt Nam đều được lắng nghe và thuộc nằm lòng từ thưở bé thơ qua câu ru à ơi của mẹ. Thế nhưng cuộc sống xã hội hôm nay với bao lo toan, vội vã đôi lúc không còn khoảng lặng cho đời mình nữa, ai còn nhớ và ai đã quên mẫu tử tình thâm? Không những chỉ ở Á Châu với truyền thống Á Đông mới chú trọng đến đạo hiếu mà ngày nay Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm được dành ra như là một ngày để nhớ về Mẹ hầu như trên khắp cõi đất này.

Trong tâm tình đó, hôm 01/05/2009, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã diễn ra Ngày Của Mẹ với chủ đề “Suối Nguồn” thu hút khoảng 500 tham dự viên là các bậc làm cha mẹ Công Giáo và là những người con trong gia đình để cùng nhau chia sẻ về đề tài mẫu tử tình thâm trong cuộc sống hôm nay. Ngày của mẹ được biết đến là ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm, năm nay rơi vào ngày 09/05, nhưng ban tổ chức chủ ý dời lại ngày Quốc tế Lao Động với mong muốn thu hút nhiều người đến tham dự nhân ngày nghỉ lễ cũng như chuẩn bị tinh thần cho các tham dự viên chu toàn trách nhiệm con cái với đấng sinh thành trong Ngày của Mẹ sắp đến.

Khoảng 13g30, tại sảnh đường trước hội trường đã đông nghịt người xem triển lãm ảnh với đề tài về Mẹ của nhiếp ảnh gia Công Giáo trẻ Trần Thế Phong. Những bức ảnh đầy chất nghệ thuật về mẹ này lại được thể hiện qua tay máy của một nhiếp ảnh gia mồ côi, anh đã cảm được tình mẹ qua bức ảnh của mình. Và hơn ai hết anh đã vượt qua số phận nghiệt ngã của cuộc sống để có được thành công như hôm nay.

Trong diễn từ khai mạc, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn chia sẻ mục đích khi tổ chức ngày này là nhằm tìm kiếm, suy niệm, chia sẻ về người mẹ với chủ đề “Suối Nguồn” để nhận biết nguồn cội của mỗi con người và từ đó nhận biết Thiên Chúa là cội nguồn cuối cùng của mỗi chúng ta.

Mẹ hằng dõi bước theo đời con

Với tựa đề “Dòng sông thầm lặng”, chị Têrêsa Đinh Thị Thúy, học viên lớp Kỹ năng sống của Trung Tâm Mục vụ đã nói đến người mẹ trong gia đình là người giáo dục nhân bản đồng thời giáo dục đức tin. Chị cho hay mẹ đã dạy con trẻ kêu cha kêu mẹ, đồng thời cũng dạy con mình làm dấu thánh giá, cúi mình trước tượng ảnh Chúa, biết kêu cầu đến Chúa khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành. Người mẹ đã góp phần lớn lao trong việc đào tạo ra những người con ưu tú cho Giáo Hội, cho xã hội, cho đất nước. Chị đặt câu hỏi: Có bao giờ chúng ta cám ơn, thăm hỏi mẹ, có ý thức được rằng mẹ vẫn âm thầm dõi theo từng bước chúng ta trong đời? Và như câu trả lời, chị đã tự tình: Xin đừng chờ đợi khi mẹ nằm xuống để rồi nhớ nhung, nuối tiếc. Để kết phần chia sẻ chị trích dẫn lời Chúa dạy qua Cựu Ước: “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng” (Hc 3,3-4).

Tạ ơn dưỡng dục sinh thành

Cùng trong khắc khoải về ơn nghĩa sinh thành, chị Teresa Avila Nguyễn Thị Bạch Vân chia sẻ đề tài “Mẹ ơi! con cám ơn Mẹ”. Chị chia sẻ rằng chị cảm nhận được tình yêu qua từng bữa cơm thân mật với người yêu mình, chị luôn tìm cách cám ơn anh, làm anh vui lòng. Nhưng chị cũng ý thức được rằng mẹ ở nhà vẫn hằng nấu cơm cho chị ăn bao năm qua, đồng thời mẹ cũng là người chia sẻ, quan tâm lo lắng cho chị bằng cử chỉ, hành động qua từng ánh mắt chan hòa. Tình thương của mẹ dành cho chị là thế nhưng giật mình nhìn lại chị tự hỏi: Có bao nhiêu lần con đã cám ơn mẹ? Những lúc con làm mẹ buồn bằng những lời nói nặng hay quay đi khi mẹ vẫn còn nói những lời khuyên nhủ bằng tình thương của người mẹ. Dầu vậy chị biết rằng mẹ vẫn thương con, đồng hành với con bằng lời cầu nguyện.

Chị như trăn trở với bổn phận đạo hiếu trong cuộc sống của người làm con cái khi thổ lộ rằng đôi khi chúng ta quan tâm và biết cám ơn những người ngoài vì lòng tốt của họ đối với mình nhưng những người thân trong gia đình, nhất là người mẹ mình thì ta xem sự giúp đỡ của họ là thường tình, là trách nhiệm, bổn phận của họ với chúng ta. Mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng con thành người như hôm nay, phải chăng ta không cần cám ơn, không cần khách sáo để nói lời cám ơn mẹ, phải chăng điều đó không quan trọng, chỉ cần tỏ lòng cám ơn là được. Chị nhắn nhủ với các tham dự viên khi kết thúc bài chia sẻ của mình: “Con xin nhắn nhủ rằng mỗi người chúng ta hãy làm điều gì tốt nhất cho mẹ khi mẹ còn sống”.

“Một bông Hồng cho em. Một bông Hồng cho anh. Và một bông Hồng cho những ai. Cho những ai đang còn Mẹ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn...” Bài hát “Bông Hồng Cài Áo” do ca sĩ Thanh Sử trình bày như làm cho mọi người thêm phần lắng đọng, nghĩ suy khi dòng lệ vẫn còn chưa khô sau khi nghe chị Bạch Vân chia sẻ.

Người con bị bỏ rơi

Anh Giuse Châu Hoàng Anh Phương đến với bài chia sẻ của mình bằng tâm sự của một người con bị mẹ bỏ rơi. Hận mẹ là tâm trạng đeo đuổi dai dẳng anh suốt thời ấu thơ cũng như khi đã trưởng thành. Anh kể về quảng đời đau khổ của mình rằng ngày mẹ mang thai thì cha bỏ ra đi, khi anh 10 tuổi thì mẹ lập gia đình mới và gửi anh vào trại mồ côi. Từ đó, anh thu mình lại như con nhím và sẵn sáng bung ra những gai cực độc khi ai đó đụng đến nỗi đau của mình. Nhưng anh may mắn là còn bà, bà đã trở thành nhịp cầu để nói về tình yêu của người mẹ, nhưng lúc ấy anh còn nhỏ để hiểu thấu điều đó, nên càng căm hận mẹ. Dù thế anh vẫn cố gắng học hành, học để khẳng định không cần mẹ thì anh vẫn sống tốt. Thế rồi một ngày kia anh tìm mẹ để hỏi tại sao mẹ bỏ rơi con. Mẹ anh trả lời rằng mẹ còn phải có trách nhiệm nuôi nấng bà và mong muốn con được có điều kiện tốt hơn trong trại mồ côi vì mẹ phải vướng bận gia đình riêng. Thế rồi nhịp cầu giữa anh và mẹ cũng ra đi, bà anh qua đời. Nhưng anh đã nhận ra lòng vị tha của bản thân mình nơi lời cầu nguyện, nơi tình yêu Thiên Chúa và anh đáp trả tình yêu đó bằng cách anh đang đi trên con đường tìm hiểu ơn gọi để dấn thân vào đời sống tu trì trở thành linh mục. Trong ngẹn ngào vì cuộc đời bất hạnh của mình, anh ao ước và cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ: “Đừng bỏ rơi con mình khi chúng còn trẻ thơ”.

Tâm sự của một người con cài hoa trắng

Trong Ngày của Mẹ này, tất cả các tham dự viên đều được cài hoa như là biểu trưng để nhớ đến mẹ mình, nhưng có sự khác biệt khi những ai còn mẹ thì cài hoa hồng và những ai không còn mẹ thì cài hoa trắng. Trong số những người cài hoa trắng hôm nay có Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức, là người cùng với Sr. Maria Hồng Quế dàn dựng chương trình Ngày của Mẹ, anh chia sẻ những người cài hoa trắng khi nói về mẹ không nói gì nhiều hơn là nỗi đau, nỗi mất mát mẹ mình. Anh chỉ xin những người còn cha mẹ đừng để đến khi mất cha mẹ mới giật mình nuối tiếc. Chính vì thương cha, nhớ mẹ mà anh đã cảm hứng sáng tác bài hát “Cho con xin một lần”, anh đã trình bày bài hát này như là lời tâm sự của người cài hoa trắng: “…Cho con xin, xin một lần nhìn dáng Cha yêu. Bao hy sinh suốt cuộc đời đỡ nâng chở che. Và Mẹ ơi! Có biết con nhớ Mẹ trong mỗi phút giây. Từng lời dấu yêu vỗ về biết bao đêm trường. Cha ơi! Mẹ ơi! Con khao khát nhất trong cuộc đời. Một lần nữa thôi cho con gọi: ‘Cha ơi! Mẹ ơi!’…”

Người Mẹ đau khổ

Bà Anna Nguyễn Cẩm Vân đã làm hội trường sụt sùi tiếng khóc nghẹn lòng khi thổ lộ tâm sự đau khổ của một bà mẹ nuôi nấng năm đứa con, 3 trai, 2 gái bằng gánh ve chai, trong đó có 2 người con, một trong trường cai nghiện ma túy và một đang vướng vào tù tội. Bà tâm sự rằng khi con lỡ bước sa chân vào con đường ma túy, con bà bỏ nhà ra đi, với tình thương người mẹ, bà đã tìm con bằng mọi cách. Bà cứ đi lang thang tìm con, bà bị bệnh suyễn, xỉu lên xỉu xuống nhưng vẫn kiên trì tìm con. Trong cô đơn, không ai chia sẻ, bà đã tìm đến với Kinh Thánh và sống bằng lời cầu nguyện, khi tìm được con bà nhất quyết đưa con đi cai nghiện. Vài năm sau, lại thêm một đứa con gái nghiện và trộm cắp, bỏ trốn, bà tìm con và nhất quyết đưa con đi đầu thú, trong tù, khi con bị bệnh nhiễm trùng máu tưởng như lìa đời, nhưng qua cầu nguyện và được tại ngoại chữa trị thì bớt nhưng bà vẫn tiếp tục đưa con vào tù.

Sống trong đau khổ, cùng cực nhưng bà vẫn năng đi nhà thờ. Dù vậy bà lại thêm một nỗi đau khổ khi bị chê cười: “Đi lễ làm chi mà để con cái khốn nạn như vậy”. Nỗi đau càng chất chồng khi chồng bà bị bệnh ung thư, tuy đã được phẫu thuật nhưng không còn sức. Mặc cho đau khổ và bị cười chê bà vẫn tin Chúa che chở cho đời bà và cầu nguyện cùng Chúa. Với nỗi đau của mình với những người con bị nghiện, bà đã vượt qua số phận để cộng tác tích cực với nhóm của Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn trong việc chăm sóc người bệnh HIV/AIDS trong suốt 6 năm nay (Tại Phòng khám Đa khoa Xóm Mới của bác sĩ Phấn có tham vấn và chữa trị miễn phí cho người bệnh AIDS, 43/5 Phạm Văn Chiêu, P.12, Quận Gò Vấp). Kết thúc phần chia sẻ của mình bà nhắn nhủ với những người trẻ: “Hãy sáng suốt và khôn ngoan, đừng lún vào con đường ma túy, con đường chết, nhưng chết cũng không được mà phải sống trong vật vã”. Vì hơn ai hết, có lẽ bà thấu hiểu những người đã nghiện ma túy.

Viết thư gửi mẹ

Sau phần giải lao, cả khán phòng liên kết với nhau trong vòng tay thắt chặt với nền là lời hát: “Trong Giêsu chúng ta là tấm bánh”. Và ca sĩ Kim Cúc đã trải lòng qua bài hát “Thư gửi Má” mà trong phần giới thiệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức chia sẻ rằng khi tập hát chị cứ khóc vì mẹ đang bệnh và lời bài hát như đúng tâm trạng của người con khi nghĩ về mẹ. Sau đó là khoảng lặng với nhạc nền bài hát Lòng Mẹ để mỗi thành viên trải lòng mình qua tấm thiệp viết cho mẹ để nói lên tâm tình người con “Viết thiệp gửi má” với lời nhắn nhủ của ban tổ chức: Hãy viết và gởi cho mẹ để một lần nói lên trái tim của mình dành cho mẹ và tận tay trao mẹ và nói rằng con rất yêu mẹ.

Đã có nhiều chia sẻ nói lên tâm trạng của người con đối với mẹ mình, đó là những bài thơ nhớ nhung mẹ, lời trần tình vì có lỗi với mẹ, là lời nhớ nhung của một người con 30 năm xa mẹ vì mẹ ở nước ngoài mà giờ đây mẹ đang lâm trọng bệnh. Đó là sự sợ hãi của một người trẻ “nước mắt chảy xuôi” mà mình thì cứ trôi theo cuộc sống sợ không một ngày báo đáp công ơn mẹ…

Cả khán phòng rộn ràng lên khi chuyển những gói quà từ sân khấu xuống cho thành viên, để từng thành viên tham dự có thể có được một gói quà là một chiếc áo, bánh, sữa, cà phê để những gói quà này sau đó được tặng cho mẹ mình hay những bà mẹ nghèo trong khu xóm để tình thương được tỏa lan.

Nước mắt tuôn trào là xúc cảm và thú nhận của Cha Nhạc sĩ Xuân Thảo trước khi kết thúc Ngày Của Mẹ. Có lẽ đó là xúc cảm chung của các tham dự viên để khi ra về mỗi người nhận thức được đạo hiếu làm con, bổn phận làm người trong gia đình, ngoài xã hội. Và nhất là để hiểu rõ về mẹ và tôn vinh mẹ, từ đó thêm xác tín vào Cha thiêng liêng trên trời, Đấng quảng đại và luôn gần gũi với ta, như lời cha Luy nhắn nhủ trong lời kết thúc.
 
Xóm Đạo Doi Lầu: Một chăng đường nhìn lại
Lm. Anmai, CSsR
08:56 03/05/2010
Thiên Chúa thường vẽ đường thẳng bằng compa, một người đã ví von như vậy. Người đó ví von như vậy vì người ấy xác tín rằng Thiên Chúa vẫn làm những điều mà con người khó hiểu và không hiểu. Mà thật, trong cuộc đời này, Thiên Chúa vẫn làm những điều kỳ diệu mà con người không bao giờ nghĩ tới. Khi dừng lại nhìn lại một điều gì đó người ta chợt nhận ra đó là do tác động của bàn tay Thiên Chúa, do bởi ơn của Ngài. Doi Lầu: xóm đạo nhỏ bé của vùng truyền giáo An Thới Đông - Cần Giờ, cùng sống trong dòng chảy của huyền nhiệm ơn ban tự Thiên Chúa. Hôm nay, khi dừng lại Doi Lầu cũng tự thấy mình được hình thành và phát triển bởi ơn Chúa chứ không phải do con người.

Không ai có thể nghĩ ra giữa một vùng đất “chai cứng” về Thiên Chúa bỗng nay lại hình thành một xóm đạo.

Mang trong mình địa hình, địa giới của vùng rừng Sác biển mặn và là vùng hoạt động của các chiến sĩ cách mạng ngày xưa nên Doi Lầu phần nào mang âm hưởng của những người vô thần. Trong nhiều người ngày ngày sống trong bầu khí vô thần ấy, bỗng dưng có những người được “đụng chạm” đến Thiên Chúa. Thế rồi, sau lần đụng chạm ấy, quan niệm vô thần của họ được thay đổi. Họ dần dần tìm hiểu và họ đã chân nhận rằng cuộc đời của họ có một Thiên Chúa là chủ, là chúa của cuộc đời của họ, chứ không phải họ là con người vô thần như xưa.

Niềm tin vào Thiên Chúa của họ giữa số đông những người không tin ấy phải nói là một niềm tin hết sức khó khăn. Họ như là những người lội ngược dòng nước để đi tìm ơn cứu độ. Thiên Chúa đã đáp lại tấm lòng khao khác nguồn sống đích thực từ nơi họ. Đầu tiên là một người, sau đó là một gia đình và hiện nay là một đại gia đình. Đại gia đình ấy ban đầu phải nói là từ con số 0 to tướng nhưng giờ đây ngót nghét cũng được 50.

50 con người, 50 kitô hữu ấy được ủ ấp, được nâng niu từ nhiều năm trước. Đến đầu năm 2009 xóm đạo Doi Lầu nhỏ bé được hình thành. Xóm đạo Doi Lầu nhỏ bé ấy gồm bà con giáo dân của hai xã nghèo thuộc huyện Cần Giờ: một phần thuộc xã An Thới Đông và một phần thuộc Xã Lý Nhơn.

Nơi thờ tự ban đầu của của xóm đạo Doi Lầu là một căn nhà lá rách nát được nhượng lại bởi người chủ nuôi tôm kia. Gọi là rách nát ấy nhưng thật hạnh phúc, thật ấm cúng khi cùng nhau cử hành phụng vụ trong ngôi “chòi thờ” thân thương ấy. Có thể nói khó tìm được ngôi nhà nguyện nào có nét đặc biệt như nhà nguyện Doi Lầu này: nắng chiếu cả mặt người, mưa ướt mắt người ! Những ai đã từng đến ngôi nhà nguyện này đều chung một cảm nhận thân thương như thế về Doi Lầu.

Cứ âm thầm và lặng lẽ, nhờ ơn Chúa, nhờ sự trợ giúp của nhiều tấm lòng để rồi hôm nay, sau mùa Phục Sinh 2010 ngôi “chòi thờ” bằng lá ấy, được thay da đổi thịt. Sau “một buổi chiều và một buổi mai”, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp vì căn nhà lá rách nát xưa kia được thay đổi bằng ngôi nhà có khung sắt và lợp tôn hẳn hoi. Gọi là thay tôn ấy nhưng những tấm tôn ấy được gom góp bởi tàn dư của những công trình người ta thay mới. Dẫu là chắt mót, gom góp đi chăng nữa cũng là ngoài tầm tay với và là điều mà Cha đặc trách cùng giáo dân chưa bao giờ nghĩ đến.

Những âu lo, những mong ước ấy êm trôi và bình an trong lòng bàn tay thương yêu của Thiên Chúa.

Thật ra, để có được những Thánh Lễ hàng tuần thường lệ nơi vùng đất “khô cứng” về niềm tin không phải là chuyện đơn giản. Đó là một cố gắng lớn của vị đặc trách truyền giáo nhiệt thành và can đảm. Ban đầu, Cha đặc trách liều mạng chỉ đến với Doi Lầu trong hững Thánh Lễ của ngày Phục Sinh hay Giáng Sinh mà thôi. Dần dần những Thánh Lễ Phục Sinh ấy được tiếp nối bằng Thánh Lễ Chúa Nhật vào mỗi tuần đầu tháng. Đến nay Thánh Lễ không còn là vào ngày đầu tháng nữa mà được dâng tiến bởi tay của linh mục Đặc trách và sự thông dự của giáo dân nghèo vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần.

Một chặng đường đi qua và một chặng đường nhìn lại.

Đi qua và nhìn lại để thấy rằng hồng ân Chúa quá bao là và việc Chúa làm thật kỳ diệu.

Mọi sự đều khởi đầu từ bàn tay Thiên Chúa thì nay, có ngôi nhà nguyện “đẹp” hơn một chút, khang trang hơn một chút Cha đặc trách cũng như bà con giáo dân xóm đạo nghèo Doi Lầu vẫn cứ trao phó trong lòng bàn tay Thiên Chúa, trao phó vào tình thương bao la của Thiên Chúa.
 
Nam Định rước kiệu kính Đức Mẹ trong tháng hoa
Người giúp xứ
09:11 03/05/2010
Nam định ngày 05 tháng 02 năm 2010, Một vùng trời đã rực rỡ bởi sắc màu của những đoá hoa tươi thắm. Nào là sắc đỏ, màu của máu đào, biểu tượng của ánh lửa bừng bừng cháy, đồng thời một màu để nhấn mạnh, để khẳng định chân lý của tình yêu; Màu xanh màu chủ của đất trời; màu tím nói lên tấm lòng thuỷ chung sắt son; màu vàng luôn dành cho những con người biết sống vươn lên mà giành lấy phần chiến thắng; hoa hồng trắng sự giản dị tinh tuyền, trắng trong nhưng không kém phần lộng lẫy.

Hơn thế nữa, với lòng thành kính mẹ Maria đến từ sâu thẳm trong tâm trí của người con thành nam, thể hiện qua nụ cười rạng rỡ và đầy tự hào của người tóc trắng da mồi, hay sự đơ sơ tinh khiết của những em thiếu nhi, khoác trên vai đôi cánh thiên thần. Tất cả hoà quện vào nhau để đồng kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa, qua nghi thức rước kiệu, vòng tròn quanh nhà thờ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy một đường kính xuyên suốt của vòng tròn đó là Mẹ Maria với những tước hiệu khác nhau: Đài Đức Mẹ Mân Côi phía trước nhà thờ; Nữ Vương Ban Sự Bình An trong nhà thờ và cuối cùng là Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức, Đấng Vô nhiễm nguyên tội. Tất cả con cái của Mẹ mong muốn được sống trong vòng tròn yêu thương, vòng tròn bình an mà tâm điểm là mẹ Maria.

Xem hình rước kiệu tại NAm Định

Kế đến, những con người nơi đây, đã gói gém tấm lòng của mình vào từng cánh hoa tươi thắm, để dâng lên Mẹ mở đầu cho tháng hoa với đội dâng hoa lên đến hàng trăm con hoa. Có người trên đầu đã có hai thứ tóc, hay có em thiếu nhi, đọc chữ còn chưa sõi, họ đã quên đi sự khác biệt đó để cùng chung một niềm tin, chung một nguyện ước được dâng lên Mẹ, không chỉ là bông hoa hồng ngoài vườn, hay cành hoa ly, hoa lan trên rừng, mà họ dâng lên mẹ bông hoa gia đình, bông hoa lòng người. Họ đã, đang và cố gắng sống thành thật hơn, trong một xã hội nhiều điều giả dối. Sống tin yêu hơn trong cuộc đời vắng bóng tình yêu. Những gian truân, vất vả, những bon chen đời thường không khiến họ chùn chân mỏi gối, nhưng lại là một sức bật, một sức sống mới, để gọt giũa, vun tưới tâm hồn, cũng như muốn biến mình thành những nụ hoa đầu mùa, hé nở dâng lên Mẹ, trong suốt cuộc đời của mỗi người, cách riêng là trong tháng hoa mà giáo hội mời gọi chúng ta sống trọn vẹn hơn nơi Đức Maria.

Để ngày mừng kính mẹ được tròn đầy hơn, Cha chính xứ Giuse Maria cùng đông đảo bà con giáo dân đã long trọng và sốt sáng cửa hành thánh lễ tạ ơn ca mừng mẹ Maria hiệp với tâm tình lời cầu xin tha thiết, để nhờ Mẹ và qua Mẹ chuyển cầu lên cùng Thiên Chúa. Qua bay chia sẻ tin mừng Chúa nhật V Phục Sinh – Chúa nhật về điều răn tình yêu thương của Chúa Giêsu, từ đây chúng ta liên tưởng đến mẫu gương tuyệt hảo là Đức Maria người đầu tiên đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không giữ riêng cho mình mà sẵn sàng lên đường đem bình an, đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người nơi bà chị họ Elizabet. Cha xứ cùng cộng đoàn hiệp thông tiếp tục dâng trung tâm mục vụ cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chắc hẳn không chỉ là một trung tâm mang kết hạ tầng, nhưng là cả trung tâm mục vụ cõi lòng của con người nơi ngự trị của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như lời thánh Phaolô đã nói: “ Chính anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” Một công trình lớn lao, đang bước đi những bước khởi công chắc chắn trong sự quan phòng của Đức Maria.

Kết thúc Thánh Lễ lời ca cầu cho giáo phận, cầu cho giáo xứ được vang lên như một lời khẩn khoản tha thiết cầu xin nơi mẹ. Lạy Mẹ Maria, xin thương đến giáo phận chúng con. Amen.
 
Chuyến đi của nhóm Bông Hồng Xanh
Maria Vũ Loan
09:31 03/05/2010
Giữa cái nắng oi bức của những ngày giáp nắng giáp mưa, nhóm Bông Hồng Xanh lại quẩy gói đi về miền tây. Miền tây Nam bộ thì quen thuộc quá rồi, có gì mà phải rong ruỗi? Xin thưa, chúng tôi trở lại vùng Long Xuyên (An Giang) và vùng Tân Hiệp (Kiên Giang) để tiếp nhận ba căn nhà tình thương, 10 nhà vệ sinh và trao tặng thêm một căn nhà nữa.,

Chúng tôi dừng chân nhiều lần, xin được tường thuật qua từng điểm dừng và chia sẻ tâm tình sau mỗi điểm dừng đó.

Xem hình chuyến đi

- Điểm dừng thứ 1: Sau chặng đường dài trên chuyến xe khách chất lượng cao, chúng tôi vào Tòa Giám Mục Long Xuyên thăm vị giám mục già yếu mà vẫn phục vụ Giáo hội qua những bài viết - Đức cha GB. Bùi Tuần. Ngài tỏ ra rất quan tâm về sự việc đang xảy ra tại TGP Hà Nội. Chúng tôi ngồi im lặng. Phải nói sao đây khi trên các phương tiện truyền thông, một số người đã nói lên quan điểm của mình khiến nhiều người không thể không suy nghĩ; mà nếu suy nghĩ khác nhau thì thật là nguy hiểm, nguy hiểm vì khác nhau có thể là mầm mống của chia rẽ? Mà chia rẽ phải chăng là một cái bẫy của ma quỷ?

Điểm dừng thứ 2: Chúng tôi nghỉ đêm tại nhà thờ Nhơn Mỹ. Cha sở giới thiệu và đề nghị chúng tôi mua giúp một miếng đất ngang 8 mét dài 15 mét để giúp cho ba gia đình nghèo: một gia đình dựng nhà trên đất người khác, nay nền bị sụp hố chủ đất không cho đắp lại; một nhà khác ở ven sông, tháng 7 này người ta vét con kênh không biết phải dỡ nhà đi đâu; một bà già mắt mờ vì bệnh thận, thường ngày bà nằm ở một cái chòi, nay người em thương cho nằm nhờ. (http://www.youtube.com/watch?v=p7kqVaacU7k)

Khi đến tận nơi thăm ba gia đình đó, chúng tôi đều chùng lòng xuống và quyết định trao ngay vào tay cha 20 triệu đồng (khoảng 1.050 Usd), có ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chứng kiến, để mua mảnh đất gần nhà thờ đó. Đây là số tiền của hai linh mục dòng, vị ân nhân John H, cô Tuyết và một linh mục ở Sài Gòn trao tặng.

Ở Sài Gòn có người sở hữu đến ba bốn căn nhà lầu, còn những người dân quê này, gần hết đời mà chưa có một miếng đất mà ngả lưng cho đời mình! Chỉ có tình yêu của Chúa chảy vào lòng, người ta mới có thể san sẻ cho phần nào đỡ chênh lệch, có đúng không?

- Điểm dừng thứ 3: Sáng hôm sau, chúng tôi dự thánh lễ sáng Chúa nhật tại nhà thờ nhỏ của họ đạo Tham Buôn, nằm trên địa bàn huyện Chợ Mới. Đây là điểm truyền giáo có từ năm 1945 nhưng cứ “chết đi sống lại” nhiều lần, nay được cha sở giáo xứ Nhơn Mỹ chăm sóc. Sau thánh lễ, cha xứ dẫn chúng tôi đến một gia đình đang ở căn nhà mới mà Bông Hồng Xanh mới tặng. Lại ghé vào một gia đình đang “đậu dây keo”, tức là đang se những sợi dây nilon được làm từ hạt nhựa, thành những cuộn dây luộc để buộc tàu ghe, làm viền cho lưới, hay cột những gì cần trong đời sống… Chúng tôi thấy rất thú vị vì đi đến vùng nào, lại được nhìn thấy sinh hoạt đặc thù của vùng đó. Đúng là Chúa quan phòng và Chúa Thánh Thần hằng soi sáng cho con người trong việc tìm kế sinh nhai.

- Điểm dừng thứ 4: Chúng tôi trở lại nhà thờ Hòa Lợi 3 (Vĩnh Lợi, Châu Thành, An Giang) để tiếp nhận hai căn nhà và 10 nhà vệ sinh do một cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhờ chúng tôi trao tặng (số tiền trên do giáo xứ tổ chức văn nghệ vào dịp Giáng Sinh mà có). Thật là vui khi nhìn những căn nhà mới. Cha sở nói: “Từ khi quí ân nhân cho vùng này ba căn nhà và nhà vệ sinh, nhiều người lên tiếng xin trợ giúp, tôi nhức cái đầu quá!” Chúng tôi cười: “Cha chờ chúng con trúng số thì khu này đẹp hết biết!”.

Một bạn trẻ đi trong chuyến này đang theo đuổi ơn gọi linh mục chắc lưỡi: “Các cha trẻ ở một nơi khỉ ho cò gáy thế này buồn thật!” Chúng tôi nghĩ, linh mục của Chúa dù ở nơi đô hội hay vùng gió hú xa xôi thì cũng mang sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà thôi, ai so sánh việc sướng hay khổ của linh mục thì quả là ấu trĩ trong suy nghĩ.

- Điểm dừng thứ 5: Trước khi đi sang vùng Tân Hiệp, chúng tôi ghé vào khu du lịch Thoại Sơn, nơi có núi Sập. Gọi là núi Sập vì lúc trước núi khá cao, bị sập xuống nên có tên gọi như thế. Trong khu này, người ta có làm bảng ghi tiểu sử và công đức ông Thoại Ngọc Hầu. Chu vi của núi khá lớn, có đường cho xe hơi lên nhưng rất dốc, dễ bị tuột xuống. Vách đá thẳng đứng, hồ nước đẹp, không gian rộng thoáng làm chúng tôi thấy thoải mái, giảm stress. Trên núi có ngôi chùa. Dưới chân núi cách đó không xa là nhà thờ núi Sập thuộc giáo phận Long Xuyên. Phải thừa nhận rằng, nhiều nơi trên đất nước này là hang cùng ngõ hẻm nhưng Giáo hội luôn chú ý quan tâm hình thành một điểm truyền giáo, rồi dần dần điểm truyền giáo đó thành họ đạo, sau cùng là thành một giáo xứ. Vì thế khi chúng tôi đi đến đâu, hỏi thăm nhà thờ thì đều có thể nhận được câu trả lời thú vị về địa điểm một họ đạo hay một nhà thờ nào đó; chỉ tiếc rằng vì quá mải mê lên đỉnh núi, rồi trời sụp tối nên chúng tôi không thăm nhà thờ Núi Sập được; tiếc cho một lần đến nơi đây.

Điểm dừng thứ 6: Vào đến vùng Kiên Giang, chúng tôi trọ đêm tại nhà của họ hàng rồi sáng sớm hôm sau đến thăm bà mù tân tòng mà tôi đã có dịp nói đến (http://www.youtube.com/watch?v=XByl2_kmkww). Bà đang cần căn nhà mới vì căn nhà lá vá tôn của bà sắp sụp mà chủ nhà muốn lấy lại đất để bán. Chúng tôi cầm 20 triệu đồng (khoảng 1.050 Usd) đã “trầy vi tróc vẩy” xin được tại Sài Gòn, trao cho cha xứ xây nhà gấp còn tiền mua đất thì…thiếu lại, khi nào gom đủ thì trả. Mua đất bây giờ khó, phải nhanh tay kẻo người ta đổi ý.

Cha xứ và mấy ông trùm chở chúng tôi đi dọc con kênh, thăm nhiều gia đình nghèo. Thôi thì khá nhiều căn nhà lá vách cây tồi tàn. Tôi lại ao ước mình là cô tiên cầm đũa thần đi qua các vùng quê Việt Nam, gõ một cái nhà lá biến thành nhà xây; chỉ tiếc cho ai đó giàu có lại xây cho mình ngôi nhà mấy triệu đô – la có dát vàng mà chẳng hề nghĩ đến “thế giới quanh ta” gì cả!. Chúng tôi gặp gia đình kia trong một nhà lá ven sông, dù chưa có đạo nhưng hai ông bà siêng đến nhà thờ dự lễ vì hy vọng….giáo xứ sẽ mua đất xây cho một căn nhà (http://www.youtube.com/watch?v=_4XsRIDMBb8). Tôi tự hỏi: nếu người ta đến với Chúa chỉ vì cơm áo gạo tiền thôi thì có nên chấp nhận không? Tôi lại nghĩ thầm: Chúa là ông vua giàu có, tiếng tăm vang dội từ đời nọ sang đời kia, không ai có thể dùng cường quyền mà dập tắt niềm tin của một người tin vào Ngài; thôi thì nếu nghèo quá, cứ lăn xả vào lòng Ngài mà mong được xót thương!

Điểm dừng thứ 7: Giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi chuẩn bị về Sài Gòn thì nhận được lời mời của một linh mục trẻ trong khu vực. Cha mời chúng tôi ghé thăm một gia đình thật bất hạnh vì có người con trai bị mù, người con khác cũng đang tuổi thanh niên bị tâm thần phải xích trong góc nhà, còn người con trai khác sống bình thường thì mới bị điện giật chết. Có lẽ vì quá đau khổ nên ông bố yếu ớt và bà mẹ già nua ấy bị tâm thần nhẹ, thỉnh thoảng ra giữa đường lẩm bẩm chửi rủa ai không rõ. (http://www.youtube.com/watch?v=2VFvbeYhC0A

http://www.youtube.com/watch?v=94Dg9o2KviI)

Cha mong chúng tôi giúp điều kiện để chỉnh sửa cho gia đình này được sạch sẽ vệ sinh. Tôi chân thành trả lời rằng bất cứ khi nào có điều kiện, chúng tôi sẽ xuống đây ngay!

Một lời kết màu xanh

Chúng tôi trở về Sài Gòn mà toàn thân bị ê ẩm vì đi xe chợ (xe tư nhân chứ không thuộc công ty), xóc lên xóc xuống, nhưng lòng vẫn vui vì hoàn tất công việc tốt đẹp. Xin cảm ơn quí vị đã ghé đọc những điểm dừng của chúng tôi.
 
Cộng Đoàn CGVN/ Sjælland Tại Copenhagen Khai Mạc Tháng Hoa Năm 2010
Jos. Ngô Ngọc Lâm
09:43 03/05/2010
Cộng Đoàn CGVN/ Sjælland Tại Copenhagen Khai Mạc Tháng Hoa Năm 2010

Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội Công Giáo, tháng Năm được dành đặc biệt cho việc tôn kính Đức Mẹ. Với người công giáo VN, ngay từ thời còn sống tại các xứ đạo tại quê nhà đã học được tâm tình con thảo dành cho Mẹ qua những cuộc rước hoa, dâng tiến hoa lên ngai tòa của Mẹ.

Vì vậy Cộng Đoàn CGVN/Copenhagen ngay thứ Bảy 1.05.2010, tại nhà thờ Thánh Phao-Lô Tåstrup, đã tề tựu khá đông đủ dành một ngày đặc biệt cho việc tôn kính Mẹ.

Xem hình dâng hoa

Khai mạc lúc 16 giờ 30 bằng rước hoa, dâng hoa và kinh nguyện chung của Cộng Đoàn. Cao điểm là Thánh Lễ Thứ Bảy đầu tháng do cha Tuyên úy Chu Huy Châu và cha xứ Michal Bienkowski cùng đồng tế.

Kinh Nguyện Chung Của Cộng Đoàn Dâng Lên Mẹ Ngày Đầu Tháng Hoa

” Lạy Mẹ Maria là bông hoa thật tuyệt vời của Thiên Chúa. Mẹ đã dâng bông hoa cuộc đời của Mẹ, những cánh hoa nhân đức, cánh hoa thánh thiện, hy sinh, phục vụ, cánh hoa yêu thương, nâng đỡ, ủi an người khác và cánh hoa Đức Giêsu Kitô, người con Mẹ đã cưu mang. Mẹ là bông hoa gương mẫu cho đoàn con của Mẹ.

Hôm nay, trong ngày đầu của tháng hoa kính Đức Mẹ, chúng con chạy đến bên Mẹ, dâng lên Mẹ tấm lòng sùng kính của mỗi người đối với Mẹ. Xin Mẹ nhìn đến tấm lòng con thảo của những người con của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con biết dâng lên Thiên Chúa và Mẹ những đoá hoa thiêng thật tươi đẹp.

Lạy Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, để nhờ đó ơn Chúa xuống dồi dào trên chúng con trong tháng đặc biệt này để mọi người đều được hưởng lấy trọn vẹn tình yêu thương của Thiên Chúa. Amen.”
 
Quý Ân Nhân DCCT Hà Nội Hành Hương Năm Thánh Thái Hà
Quế Sơn
16:06 03/05/2010
Quý Ân Nhân DCCT Hà Nội Hành Hương Năm Thánh Thái Hà

Những ngày cận kề Đại lễ Bế mạc Năm Thánh Thái Hà. Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội liên tục đón tiếp các đoàn về Hành Hương Năm Thánh.

Sáng nay ngày 03/05/2010 Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội vui mừng đón chào Quý Vị Ân Nhân của nhà Dòng từ muôn nơi trở về Hành Hương Năm Thánh, để chia sẻ và cầu nguyện cho nhà Dòng. Được biết vào 8h00 các thứ 4 đầu tháng thì Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong là Cha đặc Trách của Hội luôn mời các Quý ân nhân về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà để hiệp dâng thánh Lễ Cầu nguyện cho các hội viên của Hội và Nhà Dòng.

Ngay từ 7h00 ở hai bên cổng dẫn vào nhà Thờ, các chú Đệ tử đã ngồi ở các bàn đón tiếp để ghi danh và hướng dẫn Quý ân nhân. Đây là lần đầu tiên hội tụ gần như đầy đủ các hội viên trong Hội với hơn 600 hội viên.

8 h00 Cha Đặc trách Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong mời gọi Quý vị Ân Nhân vào trong nhà thờ để cùng gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt. Sau ít phút ổn định trật tự, Cha đặc trách cũng giới thiệu về sự hiện diện của các nhóm như: Nhóm Bà Ba Sức, nhóm Bà Vân ( sau khi bà Vân qua đời thì hiện nay là Chị Lan và Bà Tiến lo điều hành nhóm), nhóm tiếp theo là nhóm Bà Tường ( Giáo họ Văn Phái), tiếp đến là nhóm Bà Hoa ( ở Chổ Nhuế) điểm đặc biệt là một số nhóm mới thành lập với con số lên đến trên 200 hội viên ở các Giáo xứ như xứ Bái Xuyên, Hòa Khê ( Thuộc Hà Nội 2) và xứ Kim Bảng ( Hà Nam.)

Sau khi đã giới thiệu về các nhóm, Cha đặc cùng với Quý ân nhân cất lên những bài hát sinh hoạt thật vui nhộn và chan chứa tình gia đình.

Xem hình hành hương

8h30 Cha Đặc trách giới thiệu cùng cộng đoàn Cha Phó Bề trên Giuse Nguyễn Văn Thật chia sẻ cùng cộng đoàn trong ngày hành hương. Với hơn 30 phút chia sẻ của mình, Cha Phó Bề trên đã hết lòng cảm ơn sự đóng góp giúp đỡ của Quý vị ân nhân về vật chất, về tinh thần, về lời cầu nguyện trong gần 20 năm qua. Nhờ đó Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã có được các điều kiện thuận tiện trong việc đào tạo các Linh mục, tu sĩ tương lai cũng như sự phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Kết thúc bài chia sẻ Cha Phó Bề Trên cầu chúc Quý ân nhân đón nhận được nhiều hồng ân của Thiên Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp trong ngày hành hương.

9h10 sau khi Cha Phó Bề Trên chia sẻ xong. Cha đặc trách đã mời các trưởng nhóm của các nhóm lên chia sẻ với toàn thể cộng đoàn về những khó khăn, những thuận lợi, những ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ ban cho khi cộng tác cùng nhà Dòng để đào tạo các Linh mục và Tu sĩ tương lai. Trong buổi chia sẻ một vị ân nhân đặc biệt được mời lên chia sẻ là môt chị không phải là người công giáo, chị đã được ơn Chúa cho có Bầu khi chị vào Thủ Đức nhờ Cha Thiện cầu nguyện giúp. Chị xin cộng đoàn cầu nguyện nhiều cho Chị và Gia đình, đặc biệt là cầu nguyện để xin chúa hướng dẫn cho chị để chị được ra nhập Hội Thánh Chúa ( hiện chị đang theo học lớp giáo lý Dự tòng đến cuối tháng 5 kết thúc). Tiếp đến để thống nhất chung về chương trình Lễ hàng tháng thuận tiện cho các hội viên ở xa cũng như ở gần, toàn thể các hội viên đã thống nhất chung là sẽ dâng lễ vào 9h00 sáng mỗi thứ 4 đầu tháng.

9h40 buổi chia sẻ kết thúc, Quý vị ân nhân có 10 phút để giải lao. Sau đó 9h50 Quý vị ân nhân tập trung trong nhà thờ để tập hát trước khi bước vào Thánh lễ Tạ ơn.

10h00 Thánh lễ bắt đầu. Trong Thánh lễ có sự hiện diện của đông đảo quý Cha nhà Dòng như: Cha Giuse Nguyễn Văn Thật ( Chủ tế), Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Cha JB Hồ Quang Lâm, Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng và Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh. Lời nguyện đầu lễ Cha Chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách đặc biệt cho Linh hồn Ông Cố Phê-rô Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng mới qua đời hôm 28/04/2010, cầu nguyện cho các hội viên ốm đau bệnh tật và các hội viên đã qua đời, cũng như cầu nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành hồn xác và ơn bình an xuống trên mỗi hội viên.

Trong bài giảng lễ Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã chia sẻ: “ Hôm nay, nhớ lại những gương mặt của Quý vị ân nhân, những người còn sống cũng như đã qua đời. Tất cả mọi người đã đóng góp những lớn lao về vật chất, tinh thần và lời cầu nguỵện để cùng với nhà Dòng đào tạo các Linh mục, Tu sĩ tương lại để từ đó nhớ đến Chúa Giê-su là một vị đại ân nhân đã ban muôn ơn lành xuống cho mọi người… Xác tín vào những ơn Chúa ban để cộng tác với Chúa bằng việc làm cụ thể là cộng tác với nhà Dòng. Mặt khác cũng phải biết rằng, công việc mà Quý ân nhân đang làm hôm nay là do Chúa tín nhiệm chọn quý vị là các ân nhân của nhà Dòng, để cộng tác xây dựng thân thể của Chúa mà cụ thể nhất đó chính là tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo Linh mục và Tu sĩ tương lai...” Trong bài chia sẻ của mình, Cha Phong cũng nhắc lại câu nói của Cha Giám Tỉnh: “ Chúng Tôi là những Tu sĩ bên trong nhà Dòng, còn quý vị chính là những Tu sĩ ngoài nhà Dòng” để giúp đỡ cộng tác cũng nhà Dòng đào luyện các thế hệ tương lai phát triển, từ đó giúp đỡ được nhiều hơn trên cánh đồng của Chúa. Kết thúc bài chia sẻ của mình, Cha Phong cũng kêu mời cộng đoàn cùng hiệp ý dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, dâng lên Chúa những vui buồn để xin Chúa nâng đỡ ủi an. Và cầu chúc cho Quý vị ân nhân luôn hăng say trong công việc giúp đỡ và cộng tác với nhà Dòng.

11h00 Kết thúc Thánh lễ, Bà Ba Sức đại diện cho hơn 600 hội viên, đã cảm ơn quý Cha và nhà Dòng đã luôn tạo điều kiện cũng như cơ hội để các thành viên cùng góp những hi sinh nhỏ bé của mình trong công cuộc đào tạo các Linh mục, Tu sĩ tương lai.

Nhân dịp này nhà Dòng cũng gửi tặng mỗi Quý vị ân nhân một bức hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để nhờ Mẹ luôn chuyển cầu xin Chúa ban muôn ơn lành và trả công bội hậu cho Quý vị ân nhân.

Sau Thánh lễ nhà Dòng mời toàn thể Quý ân nhân cùng chung vui với nhà Dòng trong bữa tiệc liên hoan nhẹ.
 
CĐCG Việt Nam tại Morava Cộng Hòa Tiệp Khắc mừng lễ Quan Thầy
Anthony Trương
16:15 03/05/2010
CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO MORAVA CỘNG HÒA TIỆP MỪNG LỄ QUAN THẦY

Chiều ngày 02/05/2010 Cộng Đoàn Morava đã lọng trọng tổ chức mừng lễ kính thánh “Giuse Thợ” Quan Thầy. Về tham dự có Cha phanxicô asisi Đặng Phước Hòa,hai Linh Mục Tuyên Úy Cha Giuse Đào Thành Khang, Cha J.B Nguyễn Thế Hùng,quý Sơ dòng Mến Thánh Giá Vinh, Ban Chấp Hành Liên Cộng Đoàn (LCĐ), đại diện các Cộng Đoàn và đông đảo bà con giáo dân Cộng Đoàn Morava.

Trước thánh lễ Cộng Đoàn làm việc kính thánh Quan Thầy, Rước Kiệu và đi vào Thánh lễ. Cộng Đoàn Morava được thành lập qua sự hy sinh, dấn thân, hành trình tìm lại những con chiên lạc của các đấng chăn chiên như Cha Phan, Cha Hùng, Cha Khang …lúc đầu chỉ có đôi ba người,một hai tháng có một thánh lễ, tiếp đến 2 tuần có một thánh lễ,và bây giờ đã có thánh lễ hàng tuần vào chiều thứ 7.Là một Cộng Đoàn non trẻ đến năm 2008 trong dịp ĐH. LCĐ Công Giáo Việt Nam lần III Cộng Chính thức thành lập với tên gọi “vùng Morava”. Và thời gian lặng lẽ trôi và con số Cộng Đoàn cũng âm thầm nhân lên tuy không nhiều nhưng đó là dấu hiệu phát triển khả quan.Thêm một bước phát triển nữa là trong dịp Đai Hội LCĐ 2009 vừa qua nhờ ơn chúa soi sáng Cộng Đoàn đã nhận tước hiệu thánh “Giuse Thợ” làm thánh Quan Thầy, tổ chức mừng lễ hôm nay.

Ngài đứng đầu gia đình thánh tại Nagiarét,trong đời sống thường ngày thánh Giuse đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi Nagiarét, thánh Giuse đã phục vụ hết mình: mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp.

Hy vọng rằng Cộng Đoàn Morava nói riêng và tất cả mỗi chúng ta nói chung khi nhận thánh Giuse làm Quan Thầy, biết hăng say chạy đến với ngài trong đời sống cầu nguyện, học hỏi các nhân đức của Ngài là tấm gương vĩ đại cho chúng ta noi theo.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thanh thản
Vũ Văn An
20:00 03/05/2010
Hiệp thông vốn là chủ đề của năm thánh 2010 tại Việt Nam. Năm thánh này đã được chuẩn bị từ khá lâu với tài liệu học tập soạn thảo công phu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Năm thánh này cũng đã được khai mạc hết sức long trọng hồi cuối năm ngoái, tạo được nức lòng nơi dân Chúa Việt Nam khắp năm châu, hứa hẹn thật nhiều ơn phúc cho Giáo Hội tại mảnh đất đã thấm nhuần máu đào của không biết bao tín hữu, mà cụ thể là nhiều hiệp thông hơn. Đùng một cái, những vụ việc quanh việc ở đi tại toà tổng giám mục Hà Nội dường như đã đảo lộn tất cả, làm ngỡ ngàng cả những người đầu óc ít quan tâm đến chính trị nhất. Hiện nay, nói đến chuyện bình thản hình như là nói đến chuyện trên mây dưới biển, chắc chắn bị mọi người gạt qua một bên, đi chỗ khác chơi, cho người ta bàn chuyện lớn! Nhưng nếu không bình thản, không thanh thản, thì rất sợ là các mối quan tâm của ta không hẳn phát xuất từ Thần Khí Đức Chúa Trời, mà là phát xuất từ những thúc đẩy khác. Tôi cứ nhớ lại một câu nhận định của một thầy đại chủng sinh ở Manly, Sydney, cách nay dễ đến 20 năm, lúc thầy đến giúp tĩnh huấn cho lớp dự tòng. Thầy bảo cứ căn cứ vào trạng thái tâm hồn bạn, nếu bạn cảm thấy bình an trong tâm hồn, thì sự thúc đẩy là của Chúa Thánh Thần.

Nói thì dễ, làm khó khăn hơn nhiều. Chính bản thân tôi cũng muốn đi theo những thúc đẩy khiến tâm hồn mình mất thanh thản, bình an, mà ngứa miệng “phán” vài câu cho nó thỏa, dù quả tình, mình không nắm được đầu đuôi câu truyện. Đây cũng là nỗi bực dọc của anh em đồng đạo tôi trong lúc này. Người biết thì ngậm tăm. Người không biết thì tìm cách biết cho nó thỏa. Không thỏa thì gióng lên tiếng nói để áp lực người biết nói ra. Cứ thế mà tạo ra cả một cơn lốc, nguy hiểm ở chỗ, bây giờ chả còn biết tin ai, nghe ai. Cả những bậc được coi là chân tu cũng dùng những ngoa ngữ, lấy những hình ảnh của Thánh Kinh mà khoác lên người khác. Khiến người ngoài hân hoan chứng kiến cảnh anh em trong nhà choảng nhau ghê quá! Họ bảo: các anh chủ trương hiệp thông, hiệp thông đâu không thấy, chỉ thấy chỉ vào mặt nhau mà la hét, không còn ai nghe ai nữa.

Kinh Thanh Thản

Muốn nghe nhau, mà ai lại không muốn anh em mình lắng nghe mình? việc đầu tiên là phải tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và giúp người khác tìm được sự thanh thản ấy. Xét cho cùng thì thanh thản, hay bình an trong tâm hồn, vẫn là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần, nên mục sư Reinhold Niebuhr đã soạn ra bài kinh bất hủ mà công chúng sau này đặt tựa đề cho là Lời Kinh Thanh Thản (The Serenity Prayer)

God grant me the serenity

to accept the things I cannot change; courage to change the things I can; and wisdom to know the difference.

Living one day at a time;

Enjoying one moment at a time;

Accepting hardships as the pathway to peace;

Taking, as He did, this sinful world as it is, not as I would have it;

Trusting that He will make all things right if I surrender to His Will;

That I may be reasonably happy in this life and supremely happy with Him Forever in the next.

Amen.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự thanh thản, để con chấp nhận những điều con thay đổi không được; sự can đảm để con thay đổi những điều con thay đổi được; và sự khôn ngoan để con nhận ra sự khác biệt giữa hai điều ấy.

Xin cho con biết sống từng ngày;

biết vui hưởng từng giây phút;

biết chấp nhận gian lao như đường dẫn tới hòa bình;

biết tiếp nhận, như Người đã tiếp nhận, cái thế giới tội lỗi này trong tự thân của nó, chứ không như con muốn;

biết tin tưởng rằng Người sẽ làm mọi sự ra chân thật nếu con biết phó thác cho Thánh Ý Người;

Xin cho con được hạnh phúc cách hợp lý ở đời này và cực kỳ hạnh phúc với Người mãi mãi ở đời sau.

Amen.

Thực ra, lời kinh trên chỉ là phần kết thúc một bài giảng của mục sư Niebuhr vào đầu thập niên 1940. Còn nhờ đâu nó được truyền tụng và được truyền tụng từ bao giờ như một lời kinh độc lập thì hiện còn nhiều tranh cãi. Nó được nhiều người chú ý tới nhờ một độc giả nêu thắc mắc trên tờ Nữu Ước Thời Báo ngày 12 tháng 7 năm 1942 để biết tác giả là ai. Tờ Nữu Ước Thời Báo cho biết tác giả là mục sư Niebuhr và trích dẫn bài kinh chấm dứt bằng chữ Amen đặt sau 3 lời cầu đầu tiên.

Thập niên 1950, nó càng trở thành nổi tiếng khi được Hội Đồng Các Giáo Hội Liên Bang và sau đó, quân đội Hoa Kỳ sử dụng, và trở thành lời kinh chính thức của hội cai rượu “Alcoholics Anonymous”, và sau đó của hội cai ma túy “Narcotics Anonymous” và nhiều hội cai khác như chương trình Mười Hai Bước.

Sau đó, nó được nhiều ca sĩ, người viết ca khúc và nghệ sĩ lồng vào tác phẩm của họ. Đáng chú ý là chính Dan Brown trong cuốn “Angels & Demons” nhắc đến nó, nhưng nhắc sai vì cho là của Thánh Phanxicô Assisi. Album “Re-ac-tor” của Neil Young và “Whitney” của Whitney Houston có nhắc đến kinh này ờ bìa sau. Nhóm nhạc rốc Boston của thập niên 1970 dùng lời kinh này trong bài “Higher Power”. Ca sĩ Sinéad O’Connor của thập niên 1990 nhắc đến kinh này trong ca khúc “Feel So Different” của cô. Ca sĩ nhạc “rap” nổi tiếng 50 Cent (Curtis James Jackson III) đã lồng lời cầu đầu tiên của kinh này vào hai hàng đầu trong ca khúc “Gotta Make It To Heaven” của anh. Nhạc đệm cho cuốn phim “Soul Food” cũng gồm lời kinh này. Năm 2004, ban nhạc “punk” Blood for Blood đặt tựa đề cho dĩa nhạc của họ là “Serenity” và đã hát một bài dựa theo lời kinh Thanh Thản. Không những thế, ca sĩ chính còn đọc nguyên văn lời kinh Thanh Thản ở đầu và cuối dĩa nhạc này. Nữ ca sĩ Olivia Newton John của Úc, trong dĩa nhạc “Stronger Than Before”, cũng nhắc tới lời kinh này.

Lời kinh nổi tiếng đến nỗi có cả một dịch bản vô thần như sau: “Nhờ các cố gắng riêng, tôi đạt được sự thanh thản biết chấp nhận những điều tôi thay đổi không được; sự can đảm biết thay đổi những điều tôi thay đổi được; và sự khôn ngoan để tôi nhận biết sự khác nhau giữa hai điều ấy”.

Chủ nghĩa hiện thực Kitô Giáo (Christian Realism)

Mục sư Karl Paul Reinhold Niebuhr (21/06/1892-01/06/1971) là một nhà thần học và là một triết gia người Mỹ, nổi danh nhờ các nghiên cứu của ông về mối tương quan giữa Kitô Giáo với các thực tại của nền chính trị và ngoại giao hiện đại cũng như các đóng góp của ông vào nền tư duy về chiến tranh chính nghĩa thời nay.

Ông là người lớn tiếng chỉ trích Henry Ford vì những hậu quả băng hoại của chủ nghĩa duy kỹ nghệ đối với người công nhân. Và từng cho phép nghiệp đoàn sử dụng bục giảng nhà thờ để trình bày sứ điệp liên quan tới quyền lợi công nhân. Ông từng cung cấp nhiều tài liệu chứng minh các điều kiện vô nhân do dây chuyền sản xuất và việc sử dụng nhân công lầm lạc tạo ra. Ông cũng kịch liệt lên án nhóm Ku Klux Klan, gọi chúng là “một trong những hiện tượng xã hội tồi tệ nhất do đầu óc kỳ thị tôn giáo tạo ra”.

Qua thăm Âu Châu năm 1923, các điều kiện do sự chiếm đóng Đức của Pháp hồi ấy đã tăng cường khuynh hướng chủ hòa ông vốn có trong Thế Chiến I. Năm 1928, ông rời Detroit, đi lãnh nhiệm vụ giảng dạy tại Union Theological Seminary ở Nữu Ước cho tới năm 1960. Thời gian tại đây, ông đã gây ảnh hưởng trên nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có mục sư nổi tiếng người Đức là Dietrich Bonhoeffer.

Cùng với triết gia John Dewey, Niebuhr là một trong 51 nhân vật nổi tiếng của Mỹ thành lập ra cơ quan International Relief Association (IRA) mà ngày nay có tên là International Rescue Committee (IRC). Sứ mệnh của cơ quan này, như tờ Nữu Ước Thời Báo tường thuật vào ngày 24/06/1933, là “trợ giúp người Đức đang chịu đau khổ vì các chính sách của chế độ Hitler”.

Trong thập niên 1930, ông trở thành lãnh tụ của phe tranh đấu trong Đảng Xã Hội Mỹ, mặc dù ông làm cho người Mácxít gộc phải thất vọng khi bảo niềm tin của họ là một tôn giáo và là một tôn giáo hạng xoàng. Khi xẩy ra Thế Chiến II, ông bắt đầu tách dần ra khỏi phe chủ hòa và trở thành người cổ vũ hết mình cho chiến tranh. Ông rời bỏ nhóm Fellowship of Reconciliation, một nhóm chủ hòa gồm nhiều nhà thần học và mục sư, và trở thành người chỉ trích hàng đầu đối với nhóm. Việc tách rời này sẽ diễn biến thành chủ nghĩa hiện thực Kitô Giáo sau này. Niebuhr được coi là người cổ vũ cho chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa này đem lại một phương thức cứng rắn cho chính trị hơn là chủ nghĩa lý tưởng của nhiều người đồng thời với Niebuhr. Chính với chủ trương hiện thực này, ông ủng hộ hành động của Hoa Kỳ trong Thế Chiến II, chống Cộng Sản, và phát triển vũ khí hạch nhân. Tuy nhiên, phương thức của ông không giáo điều, và điều không may là ông chống đối chiến tranh Việt Nam.

Dù là người gốc Đức, ông lên án hành vi kỳ thị người Do Thái. Ông viết nhiều bài báo về chủ đề này. Ông đi tiên phong trong nỗ lực hoà giải và đối thoại với Do Thái Giáo, đến độ không ủng hộ các cố gắng của một số Kitô hữu chủ trương phải làm cho người Do Thái trở lại. Sống trong một thời đại với nhiều biến cố đau thương trong lịch sử thế giới và lịch sử Mỹ, ông đề cập nhiều tới các bất công của nhân loại và nhu cầu đòi người ta phải đứng lên xóa bỏ các hệ thống gia tăng bất công trên thế giới, phải tổ chức dân chủ để mang sức mạnh lại cho dân và phải giải thoát thế giới khỏi cái tội “nguyên tổ” sử dụng bạo quyền nô dịch người khác.

Có thể nói về phương diện xã hội, ông là một nhà duy xã hội dân chủ (democratic socialist), có lần đã chế nhạo New Deal của Franklin Delano Roosevelt, cho là không tưởng. Nhưng sau Thế Chiến II, ông tỏ ra thực tiễn hơn và bắt đầu ủng hộ New Deal, cũng như các chính sách chủ yếu của Đảng Dân Chủ, góp phần cổ vũ các quan điểm ủng hộ vai trò của chính phủ trong việc che chở và hỗ trợ dân.

Các quan điểm của ông rất được Mục Sư Martin Luther King Jr ca ngợi. Những nhà bảo thủ trong chính sách ngoại giao ủng hộ chủ trương hạn chế (containment) của ông thời Chiến Tranh Lạnh, coi đó như một thứ chủ nghĩa hiện thực về luân lý (moral realism). Phe cấp tiến thì ủng hộ quan điểm chống chiến tranh Việt Nam của ông. Gia tài ông để lại tiếp tục gây ảnh hưởng đối với tư duy hiện đại. Cả hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Mỹ năm 2008 đều trích dẫn ông. Thượng nghị sĩ John McCain, trong cuốn “Hard Call”, đã ca ngợi “Niebuhr như một mẫu mực trong sáng về các phí tổn của một cuộc chiến tranh tốt”. Tổng Thống Barack Obama gọi Niebuhr là “triết gia và thần học gia yêu qúi” của ông. Fred Kaplan gọi diễn văn nhận giải Nobel năm 2009 của Obama là “một phản ảnh trung thành” của Niebuhr. Jimmy Carter, lúc còn là Thống Đốc Georgia cũng nhắc tới Niebuhr trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Georgia năm 1974. Tổng Thống Lyndon Johnson thì năm 1964 đã tặng Niebuhr Huy Chương Tự Do của Tổng Thống. Thành Phố Nữu Ước đặt tên cho đường số 120 giữa Broadway và Riverside Drive là Reinhold Niebuhr Place.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:12 03/05/2010
Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan

Ngày nay tại các „chợ sách“ ở khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy bày bán những loại sách báo đưa ra những tham vọng đầy phiêu lưu của một số tác giả, chẳng hạn họ đã tìm cách giải thích các vấn đề thuộc lãnh vực tín ngưỡng, như sự hiện hữu vả bản thể của Thiên Chúa, tâm thức tín ngưỡng hay sự xác tín tôn giáo của con người, v.v…, bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên và coi các giải đáp của họ là chân lý khách quan, bất di dịch.

Bởi vậy, trong thời gian gần đây người ta đã thấy xuất hiện một số sách báo thuộc khuynh hướng nói trên, như: cuốn „Das Gottes-Gen“ (Di truyền vi tử của Thiên Chúa) của Dean Hammer, „Und Mensch schuf Gott“ (Và con người đã tạo dựng nên Thiên Chúa) của Pascal Boyers, „Der gedachte Gott – Wie Glaube im Gehirn entsteht“ (Vị Thiên Chúa được suy diễn – Đức tin nảy sinh ra thế nào trong não bộ) của Andrew Newberg, hay cuốn „Die Vermessung des Glaubens“ (Sự đo lường đức tin) của Ulrich Schnabel. Và bây giờ với tác phẩm dưới tựa đề „Gott, Gene und Gehirn“ (Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ), hai tác giả Rüdiger Vaas và Michael Blume lần đầu tiên đã trình bày cái nhìn tổng quát về một lãnh vực rộng lớn, mà trên đó các nhà nghiên cứu sự tiến hóa, các nhà di truyền học, các nhà khảo sát não bộ, các tâm lý gia, các triết gia và cả đến các nhà khoa học về tôn giáo, v.v… đã đùa giỡn với những khả năng chuyên môn của mình. Nhưng trong lãnh vực ấy, họ còn động chạm tới sự hiện hữu của Thiên Chúa, một vấn đề của đức tin tôn giáo, một vấn đề hoàn toàn vượt khỏi các phạm trù suy luận của trí năng, và như thế vượt lên trên các lãnh vực chuyên môn của họ.

Còn trong tác phẩm của họ, hai ký giả khoa học Rüdiger Vaas, chủ nhiệm Nguyệt san „Bild der Wissenschaft“ (Hình ảnh về khoa học) và Michael Blume, nhà khoa học về tôn giáo, đã đưa lên hàng đầu đoạn trích dẫn từ mạng thông tin về xã hội sinh học „Edward O. Wilson“. Câu được trích dẫn như sau: „Chúng ta đã đạt tới được giai đoạn quyết định trong lịch sử sinh học, trong giai đoạn mà chính tôn giáo trở thành đối tượng cho những giải thích của khoa học tự nhiên“. Vì thế, một cuốn sách như cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“ có thể được coi là cả một khiêu khích đối với những người có tín ngưỡng. Cuốn sách này xem ra được hai tác giả viết ra với đầy đủ ý thức như tựa đề phụ của cuốn sách đã cho thấy điều đó: „Warum Glaube nützt – Die Evolution der Religiosität“ (Đức tin có ích lợi gì – Sự tiến hóa của tâm tình tín ngưỡng).

Dĩ nhiên, ở đây trong trường hợp hai tác giả Rüdiger Vaas va Michael Blume người ta không thể khẳng định là họ có chủ ý nhằm xúc phạm đến tâm thức tín ngưỡng, hay thuộc phong trào bạo động quá khích, nhằm châm biếm và thóa mạ các người có tín ngưỡng một cách thô lỗ, chẳng hạn như trường hợp nhà sinh vật học vô thần Richard Dawkins với cuốn „Der Gotteswahn“ (Sự ảo tưởng sai lầm về Thiên Chúa), triết gia Daniel Dennett với cuốn „Den Bann brechen – Religion als natürliches Phänomen“ (Loại bỏ sự mê hoặc – Tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên) hay văn sĩ Sam Harris với cuốn „Das Ende des Glaubens“ (Con đường cùng của đức tín).

Ngay cả một thái độ giản lược thiếu khoa học như thường được sử dụng trong những cuốn sách vừa được nói đến ở trên, người ta cũng không tìm gặp trong cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“. Qua đó, hai tác giả R.Vaas và M. Blume đã cho thấy rằng họ khá khách quan, chân thành và trung thực trong nhận thức của mình, chứ không chủ quan, quá khích và một chiều như các tác giả có thái độ bài tôn giáo khác. Đó là điều được minh chứng rõ rệt trong câu viết sau đây: „Bởi vậy, ngay chính một bằng chứng đầy xác tín về những nguyên tắc thuộc thần kinh sinh học và tiến hóa sinh học nơi những biểu hiệu tôn giáo thì không có nghĩa là những biểu hiệu ấy xét về mọi phương diện không gì khác hơn là những sinh hoạt của não bộ và phương tiện đã được xác định một cách theo di truyền học cho việc sống còn và việc tiếp tục truyền sinh dòng giống“.

Một sự trung thực trong lãnh vực khoa học như thế - thực ra là một điều đương nhiên luôn luôn phải vậy - rất đáng trân trọng và cảm phục. Đàng khác, thái độ trung thực ấy cũng không thể biến một cuốn sách vào loại có trung bình thành một tác phẩm có giá trị được.

Cuốn sách của Rüdiger Vaas và Michael Blume được coi là vào loại trung bình do nhiều lý do. Trước hết, người ta đã không tìm thấy trong đó lập trường xa tránh cần thiết đối với những thái độ bài bác tôn giáo một cách cực đoan của những người vô thần như Dawkins, Dennett hay Harris, v.v… với những lập luận chủ quan một chiều và quá khích của họ. Trái lại, thay vì có thái độ cần thiết đó, cuốn sách đã vô tình hay hữu ý lại còn quảng bá một cách gián tiếp các lập luận của những người vô thần kia.

Qua đó, người ta nhận thấy rõ được rằng một khi các tác giả chưa thể tìm ra được những luận cứ cần thiết, thì họ đã trích dẫn những quan điểm đối lập. Vì thế, nhiều khi chính những trích dẫn không đúng chỗ đã làm giảm thiểu giá trị, nếu không muốn nói là làm sai lạc chính quan điểm của tác giả. Điều ấy muốn nói rằng ngay cả „những lý do thuộc lý thuyết khoa học“ – mà những người đa nghi chấp nhận và chào đón một cách nghiêm chỉnh, những người „tuy nhiên tỏ ra rất bất đồng với sự sinh học hóa (một phần) tôn giáo“ – được bàn cãi một cách duy nhất về những giả thuyết của những người mà trên nguyên tắc cùng đồng ý cho rằng tâm tình tín ngưỡng hay lòng đạo hạnh của con người là sản phẩm của sự diễn tiến thích nghi thuộc tiến trình tiến hóa. Trong tác phẩm, trước hết ba giả thuyết sau đây đã được nêu lên:

1) Tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm của sự thích nghi trực tiếp của sự tiến hóa. Điều đó muốn nói rằng những người có tín ngưỡng có được nhiều lợi điểm trong quá trình đào thải hơn những người vô tín ngưỡng.

2) Tâm tình tín ngưỡng chỉ là một sản phẩm phụ của những biểu tượng khác, tức những biểu tượng chiếm giữ một lợi điểm như thế. Việc làm một người có tín ngưỡng, thì trong cuộc tranh đấu cho cuộc sống không hề là một lợi điểm, hay ít ra chỉ là một lợi điểm gián tiếp mà thôi.

3) Và cuối cùng, tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm văn hóa thuần tuý. Vì thế, tâm tình tín ngưỡng không gì khác hơn là kết quả một sự tiến hóa thuộc lãnh vực xã hội và văn hóa, một sự tiến hóa không chứa đựng trong mình những nguyên tắc truyền sinh mang tính cách quyết định.

Tuy nhiên, sau cùng các tác giả đã không đủ can đảm dành ưu tiên cho bất cứ giả thuyết nào trong ba giả thuyết vừa được nêu ra, và bởi vì họ không tìm thấy giả thuyết nào trong ba giả thuyết ấy hội đủ các chứng cứ có tính cách thuyết phục, nên họ không những cho rằng điều đó là do sự non trẻ của một „ngành khoa học“ mới mẻ, nhưng đồng thời còn coi đó như một sự chứng thực cho tinh thần khoa học riêng của họ.

Ở đây người ta tự hỏi: điều đó sẽ làm cho ai được vui mừng và hãnh diện? Phải chăng người ta lại vỗ ngực hãnh diện vì sự bất lực ở chỗ là „ngành khoa học“ đang còn quá non trẻ, như hai tác giả đã công nhận, nên đã không thể nhận thức được một cách đầy đủ vấn đề mang tính cách quyết định!

Nhưng người ta cũng không được phép quên rằng có một sự thật mà từ hàng ngàn năm nay vẫn bất biến, vẫn không hề thay đổi, đó chính là: Tinh thần không hề được xây dựng trên những nền tảng vật chất, trái lại toàn thể vật chất nhất thiết phải hoàn toàn được dựa trên nền tảng tinh thần. Nói cách khác, không phải vật chất sản sinh ra tinh thần như Karl Marx và các người Mác-xít chủ trương, nhưng chính tinh thần là nguyên lý làm phát sinh ra vật chất.

Vào cuối cuốn sách „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“, hai tác giả R. Vaas và M. Blume đã trích dẫn câu nói sau đây của nhà văn Erich Kästner, một câu nói rất phù hợp với chủ đề mà họ đưa ra mổ xẻ trong cuốn sách: „Die Fragen sind es, aus denen das, was bleibt, entsteht“: (Đó là những vấn nạn mà điều nảy sinh ra từ chúng thì không hề thay đổi). Đúng thế, những vấn nạn được nêu lên về Thiên Chúa, về sự hiện hữu và về bản thể của Người, người ta có thể nêu lên để tìm hiểu, chứ không thể để bài bác hay phủ nhận được, vì sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều minh nhiên, nhưng bản thể của Người ra sao thì hoàn toàn vượt khỏi mọi phạm trù suy luận của trí năng con người. Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một chân lý khách quan, không có gì có thể thay đổi được. Nhưng nếu hai tác giả đã trích dẫn đúng chỗ câu nói của Erich Kästner, người ta cũng cần nói với họ: Hỡi các chú sư tử, các chú rống lên rất hay! Nhưng khi nào thì các chú mới nêu ra được những vấn đề chân chính!

Thật vậy, những người vô thần và những người có óc bài trừ tôn giáo đã làm một việc hoàn toàn thiếu lô-gích, hoàn toàn không hợp lý, khi họ không những đưa ra mổ xẻ và bình luận mà còn phê phán và khẳng định, nếu không nói là kết án găy gắt, về những vấn đề hoàn toàn không nằm trong phạm vi khả năng chuyên môn của họ. Họ là những chuyên gia về khoa học thực nghiệm, về sinh vật học, về hóa học, về văn chương, về triết học hay xã hội học, v.v… nhưng họ lại đưa ra những khẳng định thuộc phạm vi tín ngưỡng, thuộc thần học, tức những khẳng định về Thiên Chúa và về các vấn đề thuộc đức tin. Bởi vậy, những phê phán của họ không tránh khỏi sự lệch lạc, một chiều, thiếu tính cách khách quan, và vì thế không phù hợp với sự thật.

Dĩ nhiên, các tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và Kitô giáo nói riêng, không phải là một hội kín, nhưng là một đơn vị công khai và có pháp nhân trong xã hội, nên người ta không những có quyền mà còn luôn được khuyến khích tìm hiểu, mổ xẻ, phân tích và phê bình. Nhưng thái độ mổ xẻ tìm hiểu một cách khách quan thì khác với thái độ phê bình chỉ trích và bài bác chống đối một cách chủ quan và mù quáng. Ở đây, có lẽ chúng ta cần nhắc lại một câu ngạn ngữ vốn được mọi người nhìn nhận như một thái độ xử thế đúng đắn, đó là: „Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe“. Thật vậy, các nhà trí thức chân chính và tất cả những người có bản lĩnh và có lương tri lành mạnh, không bao giờ đưa ra những nhận định hay những phê phán một cách quả quyết về những vấn đề nằm ngoài hay vượt lên trên khả năng chuyên môn và sự hiểu biết của họ, tức những vấn đề mà mình họ không nắm vững hay chưa hiểu rõ. Trái lại, họ luôn chân thành lắng nghe ý kiến của những người chuyên môn về những vấn đề đó.

Việc các người vô thần đưa ra những nhận định đầy tính chất chủ quan, thiếu cân nhắc và thiếu tham khảo đầy đủ về những vấn đề thuộc tín ngưỡng nói chung và về sự hiện hữu của Thiên Chúa nói riêng, âu cũng là một thứ „bệnh thời đại“ của con người hôm nay, bệnh phán đoán theo kiểu „ếch ngồi đáy giếng“: Từ những hiểu biết thuộc lãnh vực chuyên của của mình, họ cứ chủ quan cho rằng mình đã nắm hết kho tàng tri thức của nhân loại trong tay, vì thế họ đã vô tình hay chủ ý quên đi rằng kho tàng tri thức của nhân loại thì bao la vô tận, nhất là sự tri thức trọn vẹn về Thiên Chúa lại hoàn toàn vượt khả năng hiểu biết của con người. Do đó, những nhận định họ đưa ra thường có tác dụng tuyên truyền và kích động, chứ không phù hợp với sự thật khách quan. Vâng, sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan.

__________________

Sách tham khảo:

Rüdiger Vaas/Michael Blume: Gott, Gene und Gehirn. Warum Glaube nützt. Die Evolution der Religiosität. Nhà xuất bản S. Hirzel, Stuttgart 2009, 254 trang.
 
Lao động theo dòng lịch sử
Fx. Phan Dương, aa
09:14 03/05/2010
LAO ĐỘNG THEO DÒNG LỊCH SỬ

Sách “Cầu Nguyện Với Phúc Âm Hằng Ngày” của Giáo phận Bà Rịa, trang 408 có đoạn viết: “Lạy Thiên Chúa là Cha của con, Cha đã tạo dựng nên vũ trụ này thật tốt đẹp nhưng còn đầy dang dở. Cha cho con được cộng tác vào công trình sáng tạo của Cha mà kiện toàn nó bằng bàn tay lao động. Và hơn nữa, chính trong lao động vất vả, con kiện toàn chính bản thân và gia đình mình, con gặp được anh em và phát sinh tình liên đới. Lao động làm cho con lớn lên chứ không làm giảm giá trị con người…”

Vâng, tự bản chất, lao động luôn luôn dẫn con người tới một điều gì đó mới mẽ và cao cả hơn trong hành trình của mình. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, con người đã có những suy nghĩ như thế nào về giá trị lao động ? Đó là một câu hỏi mà chúng ta cần phải suy nghĩ trong xã hội hôm nay.

Quả thật, ngay từ buổi đầu của lịch sử, con người hầu như không hiểu biết nhiều về giá trị đích thực và tính đặc thù của lao động. Bởi vì trong buổi sơ khai, con người sống trong một thế giới đồng nhất và niềm tin của họ chủ yếu đặt vào sức mạnh huyền bí của thiên nhiên hoặc của thần thánh. Việc lao động của họ chỉ nhắm tới một mục đích đơn thuần đó là đáp ứng nhu cầu sống còn và làm việc để có ‘lương thực’ cúng bái thần linh. Và dĩ nhiên, trong cách thức làm việc của họ cũng có những bước tiến mới, những sự thay đôi. Tuy nhiên, những bước tiến và sự thay đổi đó của họ chỉ nhằm vào việc họ muốn dâng hiến những quà tặng có giá trị hơn lên thần thánh của họ…

Thế giới huyền bí này đã thực sự tan vỡ khi người Hy Lạp ý thức được “thế giới của ‘lý trí’”. Quả thật, ngay từ buổi đầu xuất hiện, những người Hy Lạp Cổ đã ý thức được ‘Logos’ thống trị vũ trụ và con người. Và như vậy, con người dần dần khám phá ra trật tự của nó qua việc sống ẩn dật và chiêm niệm. Sự khác biệt giữa con người và thú vật là ở chổ đó. Chính sự chiêm niệm đưa con người đến một tầm vóc mới trong sự hiểu biết và nhận thức về trật tự và sự hài hòa trong vũ trụ. Vào giai đoạn này, con người cũng đã có những lý tưởng về triết học và “dự phần vào hoạt động xã hội dựa trên tiêu chuẩn về sự hài hòa, siêu việt nơi bản thân”. Trong giai đoạn này, người Hy Lạp coi thường lao động, vì họ cho rằng: lao động chỉ là công việc và nó chỉ thích hợp với những người nô lệ và súc vật…

Mãi cho tới thời Trung Cổ lúc Kitô Giáo thống trị, con người đã chấm dứt tình trạng coi thường và khinh rẻ lao động. Chính những người trung cổ đã có một cái nhìn hết sức mới mẻ về lao động. Họ đã nhìn lao động trong sự sáng tạo của Thiên Chúa. Chính suy nghĩ này đã dẫn họ tới một hiểu biết khá sâu sắc, xem “lao động là bắt chước và tham dự vào hành động sáng tạo của Ngài (Thiên Chúa)”.

Tuy nhiên, nếu để ý trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy có đoạn viết: “Với con người, Thiên Chúa phán ‘ vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ngươi không được ăn nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất.” (St 3, 17 – 19)

Như vậy, việc chúc dữ cho ‘con người’ sau khi phạm tội cho chúng ta thấy lao động cũng là gánh nặng mà Đấng Tạo Hóa trao cho con người và nó cũng là hậu quả đến từ tội lỗi của con người…

Đến thời Thánh Tôma Aquinô, Ngài mới đánh giá cao về lao động. Theo Ngài, chính lao động đã đem lại cho con người nhân đức. Nhờ lao động, con người mới kiểm soát được những đam mê hay thói hư tật xấu của mình. Về điểm này, thành ngữ Việt Nam có câu: “Nhàn cư vi bất thiện” hay trong bài giảng lễ Thánh Giuse Thợ (01/5/2010) tại Giáo xứ Láng Cát, Gp.Bà Rịa, khi nói về giá trị của lao động, Cha Phaolô Hưng, dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, đã trích một câu ngạn ngữ Pháp như sau: “L’oisiveté est la mère de tous les vices” (có nghĩa là: sự nhàn rỗi là mẹ của mọi nết xấu).

Hơn thế, nhờ lao động con người mới có thể có của ăn hằng ngày và làm phúc bố thí. Như trong Thông điệp “Lao Động Của Con Người”, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chính nhờ lao động mà con người kiếm ra được lương thực hằng ngày và đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật và nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức”.

Và cuối cùng, trong thời đại ngày hôm nay, ngành công nghiệp, kỹ thuật và tin học phát triển vượt bậc đã giúp cho cuộc sống con người thêm phần phong phú và tiện lợi. Tuy nhiên, lao động trong thời đại “cái gì cũng phát triển vượt bậc” như vậy cũng là một sự nhức nhối cho con người trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng. Một cách nào đó, cho dù sống trong một xã hội được coi là “tự do” nhưng con người, đặc biệt là những người lao động nghèo, ít học thức cũng đang bị bóc lột dưới nhiều hình thức ‘tinh vi’ khác nhau. Chính vì thế, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: vấn đề xã hội ngày nay có liên hệ với lao động, và chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là sự tôn trong phẩm giá lao công.

Nói tóm lại, bản chất của lao động luôn luôn tốt. Chỉ có cách hiểu của từng con người qua từng giai đoạn khác nhau đã làm cho lao động như là một “gánh nặng”; và, chỉ khi con người sử dụng lao động không đúng mục đích thậm chí không chịu lao động mới làm cho lao động trở nên hàm hồ và mất hết ý nghĩa.

“Lạy Chúa, cuộc sống mỗi ngày càng trở nên khó khăn vất vả hơn, nên trong khi lao động, con người đã làm tổn hại đến Danh Chúa và làm anh em xa cách nhau. Con người sinh lòng tham lam, gian dối, lọc lừa, trấn áp bóc lột nhau để gây ra bao nỗi đau khổ. Xin Chúa giúp con hiểu được ý nghĩa cao cả của lao động. Cho dù vất vả đến đâu, nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ, con vẫn luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Xin đừng để con chỉ vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền bát gạo, mà quên đi lương tâm người Kitô hữu, đánh mất lương tri và phẩm giá làm người, đánh mất truyền thống cao đẹp của dân tộc và xem thường tình nghĩa anh em…” ( Trích sách Cầu Nguyện Với Phúc Âm Hằng Ngày, Giáo Phận Bà Rịa, trang 408)

Fx. Phan Dương, aa
 
Văn Hóa
Những vần thơ ngắn
Ngô xuân Tịnh
16:43 03/05/2010
Chúa yêu bé thơ

Chúa ôm bé thật gần kề

Truyền cho môn đệ đang nghe bấy giờ

Giống như trẻ nhỏ đơn sơ

Hoa và trái ngọt

Trẻ thơ là những bông hoa

Chúa trao cha mẹ cả nhà chăm lo

Tương lai trái chín thơm tho

Sớm mai

Bé cám ơn Chúa Giêsu

Bình an giấc ngủ êm ru đêm rồi

Ban ngày mến Chúa yêu người.

Buổi tối

Bé chào Chúa Mẹ Maria

Mộ.t ngày hạnh phúc đã qua vừa rồi

Đêm nay tay Chúa chiếc nôi.

Ăn cơm

Bàn tay làm dấu nhẫn nha

Bé ca ngợi Chúa cho nhà của ăn

Rồi mời tất cả dự phần

Đi học

Chuá ơi đã đến giờ rồi

Chào cha chào mẹ bé rời nhà đi

Đến trường chăm chỉ lắng nghe

Học về

Học về, Chuá ạ, thích ghê

Chào cha chào mẹ bé khoe điểm mười

Chúa theo bé không lúc rời

Thầy cô

Cô là như mẹ bé rồi

Thầy là cha thật Chúa Trời ban cho

Cuộc đời trí đức chăm lo

Anh chị em

Nầy anh nầy chị nầy em

Chúa ban tất tất cả để thêm phúc lành

Yêu nhau như thể tay chân

Ông bà

Ông bà nay tuổi đã già

Như cây đại thụ cả nhà yên vui

Cám ơn Chúa lắm, bé ơi

Bạn bè

Bạn bè trường học, láng giềng

Cùng là con Chúa thiêng liêng trên trời

Bé cùng học tập vui chơi

Học giáo lý

Học hành giáo ly bé oi+

Vững tin vào Chúa giữa đời phong ba

Phúc vinh đích thực chan hòa

Học hành

Gối đầu trên những vần thơ

Bé bay lượn giữa giấc mơ thanh bình

Mọi miền tổ quốc thật xinh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Phố Hàng Mã Hà Nội
Nguyễn Đăng Khoa
22:12 03/05/2010

PHỐ HÀNG MÃ HÀNỘI



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa (Giáo phận Vinh, Việt Nam)

Hà Thành là chốn kinh đô

Vừa đông, vừa đẹp lại vừa rộng thay!..

Hàng Đào rồi đến Hàng Ngang

Tập trung khách trú bán hàng vui thay

Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mây

Hàng Bút, Thuốc Bắc, tạt ngay Hàng Bồ…

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền