Bản tin ngày 24 tháng 10 năm 2023 của Hãng tin Catholic World News tường trình: ngày 23 tháng 10, vào đầu tuần cuối cùng của kỳ họp đầu tiên của Phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục, những người tham gia đã tập trung dâng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon (Myanmar), chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), là chủ tế và giảng lễ chính.



Đức Hồng Y Bo giảng: “Lòng tham của con người đã gây ra những vết thương sâu sắc trên hành tinh của chúng ta và tước đi phẩm giá của hàng triệu người, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong các tài liệu quan trọng gần đây của ngài. Những văn kiện này kêu gọi sự hòa giải ba mặt để cứu nhân loại và hành tinh: Hòa giải với Thiên Chúa (Evangelii Gaudium), Hòa giải với thiên nhiên (Laudato Si’), và Hòa giải với nhau trong Fratelli Tutti.”

Ngài nói tiếp: “Hành trình thượng hội đồng của chúng ta là chữa lành và hòa giải thế giới trong công lý và hòa bình”. Mở rộng khái niệm về tính đồng nghị vượt ra ngoài Giáo hội đến với thế giới, vị giáo phẩm nói rằng “cách duy nhất để cứu nhân loại và tạo ra một thế giới hy vọng, hòa bình và công lý là thông qua tính đồng nghị hoàn cầu của tất cả mọi người”.

Nói về tình trạng thảm khốc của các tín hữu ở Myanmar có đa số theo đạo Phật sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, Đức Hồng Y Bo nói thêm:

“Không nơi nào ở Châu Á mà hành trình đức tin Kitô giáo gặp nhiều thử thách hơn ở My-anmar. Đàn chiên nhỏ bé của chúng tôi hiện đang bị phân tán do cả thiên tai lẫn khủng hoảng do con người gây ra, gây ra những khủng hoảng đa chiều và đau khổ vô cùng. Người dân của chúng tôi đang trong một cuộc Xuất Hành. Những ngôi nhà đã biến mất, và các nhà thờ phải gánh chịu gánh nặng của sự tàn ác, và Đàng Thánh Giá là một thực tế đau đớn ở nhiều nơi ở Châu Á.

“Tuy nhiên, giống như những người phụ nữ trung thành đã theo Chúa Giêsu trên Con đường Thập giá, Giáo hội ở Myanmar và Châu Á đầu tư vào niềm hy vọng hòa giải. Chúng tôi tiếp tục hành trình Thượng Hội đồng đầy nước mắt của mình, tin rằng, giống như những người phụ nữ đó, chúng tôi sẽ thấy mọi vết thương được chữa lành, và một bình minh mới của hy vọng, hòa bình và công lý sẽ tỏa sáng trên mọi quốc gia đau khổ lâu dài. Chúng ta cầu xin để Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đưa toàn thể gia đình nhân loại vào cuộc hành trình lâu dài để chữa lành thế giới và hành tinh của chúng ta, cuối cùng dẫn chúng ta đến trời mới và đất mới”.

Suy tư thiêng liêng: mang thai và gieo hạt

Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã tập trung tại Khán phòng Phaolô VI để lắng nghe “nhập lượng thiêng liêng” do Cha Timothy Radcliffe, OP; “những hiểu biết tâm linh sâu sắc” của Nữ tu Maria Grazia Angelini, OSB; và việc trình bày báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng bởi Cha Ormond Rush, một nhà thần học người Úc. 350 trong số 364 thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã tham dự—cao hơn đáng kể so với con số 310 người tham dự hai ngày trước đó.

Trong nhập lượng thiêng liêng của mình, có tựa đề “Hạt giống nảy mầm”, Cha Radcliffe đã so sánh những tháng giữa phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2023) và phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2024) với một thai kỳ.

Trong 11 tháng sắp tới, “nếu chúng ta giữ tâm trí và trái tim mình rộng mở với mọi người, với những người mà chúng ta đã gặp ở đây, dễ bị tổn thương trước những hy vọng và nỗi sợ hãi của họ, thì lời nói của họ sẽ nảy mầm trong cuộc sống của chúng ta và lời nói của chúng ta sẽ nẩy mầm trong cuộc sống của họ,” Cha Radcliffe nói. “Sẽ có một vụ mùa bội thu, một sự thật trọn vẹn hơn. Khi đó Giáo hội sẽ được đổi mới.”

Tầm nhìn tâm linh sâu sắc của Nữ tu Angelini có tựa đề là “Kể dụ ngôn thay vì đưa ra những lời tuyên bố”. Nữ tu Angelini đề nghị rằng Thượng Hội đồng nên được giải thích dưới ánh sáng dụ ngôn của Chúa Kitô về một hạt giống nhỏ mọc lên thành một cây lớn:

“Như thế, dụ ngôn cho chúng ta ngôn ngữ để giải thích hành trình của tháng gieo hạt này. Ngày nay - trong một nền văn hóa phấn đấu giành quyền tối cao, lợi nhuận và đồ đệ, hoặc trốn tránh - việc kiên nhẫn gieo trồng của Thượng hội đồng này, tự nó, giống như một hành động mang tính lật đổ và cách mạng sâu sắc. Theo luận lý của những hạt giống nhỏ nhất chìm xuống đất. Vì vậy, đối với tôi, Thượng hội đồng dường như nhận thấy mình được kêu gọi dám gieo hạt tổng hợp, mở ra con đường hướng tới cải cách—hình thức mới—, mà cuộc sống đòi hỏi. Đó là vấn đề nắm bắt – trong số rất nhiều chữ được nghe – ‘điều nhỏ nhất’, tràn đầy tương lai, và dám tưởng tượng làm thế nào để mang nó đến trái đất, khiến nó trưởng thành và trở thành một nơi hiếu khách”.

Nữ tu Angelini cũng kêu gọi “việc đào tạo lương tâm của những người đã được rửa tội” đồng thời “tách rời công việc mục vụ khỏi bất cứ viễn ảnh nào có tính thống kê, duy hiệu năng, thủ tục nào được thiết lập như một hệ thống”.

Bà kết luận, “Tôi cầu xin để Thượng Hội đồng này sẽ tiếp nhận nghệ thuật kể chuyện mới, sự khiêm nhường triệt để của những người học cách thừa nhận sự nên giống Vương quốc trong những động lực chân thật nhất, sống động nhất của con người, của những mối dây đệ nhất đẳng, của cuộc sống đang diễn ra một cách huyền bí trong mọi thế giới và lĩnh vực hiện hữu của con người, trong một sự hòa hợp tiềm ẩn đáng ngưỡng mộ. Với sự kiên nhẫn như vậy. Khả năng nhìn xuyên màn đêm.”

Cha Rush giải thích Dei Verbum một cách có chọn lọc

“Tôi có ấn tượng rằng một số bạn đang lao đao với khái niệm truyền thống, dưới ánh sáng tình yêu của các bạn dành cho sự thật,” Cha Rush nói ở đầu bài diễn văn của ngài. “Các bạn không phải là những người đầu tiên lao đao với điều này. Đó là một điểm thảo luận chính tại Công đồng Vatican II.”

Trích dẫn cuốn Theological Highlights of Vatican II [Những Điểm Nổi bật về Thần học của Vatican II] của Cha Joseph Ratzinger, được xuất bản lần đầu vào năm 1966, Cha Rush đối chiếu cách tiếp cận “tĩnh” và “động” với truyền thống: cách tiếp cận trước thuần túy mang tính định đề [propositional], cách tiếp cận sau thấm đẫm ý nghĩa lịch sử hơn.

Sau đó, Cha Rush đưa ra lời giải thích bản thân (và có tính chọn lọc cao) về Dei Verbum, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa của Công đồng Vatican II. Nhà thần học người Úc nói:

“Trong Dei Verbum – và điều này rất quan trọng để hiểu tính đồng nghị và chính mục đích của Thượng Hội đồng này – sự mặc khải thần linh này được trình bày như một cuộc gặp gỡ đang diễn ra trong hiện tại, chứ không chỉ là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Biến cố Thiên Chúa tự mạc khải (luôn luôn trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần) và việc Thiên Chúa cung ứng mối liên hệ, tiếp tục là một thực tại sống động ở đây và bây giờ. Điều đó không có nghĩa là có một sự mặc khải mới nào đó về Thiên Chúa là ai. Tuy nhiên, cùng một Thiên Chúa, trong cùng một Chúa Giêsu Kitô, qua sự soi sáng và ban sức mạnh của cùng một Chúa Thánh Thần, luôn gắn bó và đối thoại với con người trong cái mới luôn luôn ở đây và bây giờ của lịch sử không ngừng đưa nhân loại vào những tri nhận mới, những câu hỏi mới và những hiểu biết thông sáng mới, trong các nền văn hóa và địa điểm đa dạng, khi Giáo Hội-thế giới qua thời gian tiến vào một tương lai không ai biết cho đến thời cánh chung [eschaton].

Sau khi trích dẫn một phần từ Dei Verbum 8—Cha Rush đã không trích dẫn các Nghị phụ Công đồng khi các ngài dạy rằng “Các Tông đồ, truyền lại những gì chính họ đã nhận được, cảnh cáo các tín hữu hãy giữ chặt những truyền thống mà họ đã học được bằng lời nói hoặc bằng thư (xem 2 Tx 2:15), và chiến đấu để bảo vệ đức tin được truyền lại một lần và mãi mãi (xem Gcb 1:3)” (*)—Cha Rush kết luận:

“Việc biện phân các dấu chỉ của thời đại trong hiện tại nhằm xác định điều Thiên Chúa đang thúc giục chúng ta nhìn thấy – bằng con mắt của Chúa Giêsu – trong thời đại mới; nhưng cũng thúc giục chúng ta chú ý đến những cạm bẫy - nơi chúng ta có thể bị lôi kéo vào những lối suy nghĩ không phải “của Chúa”. Những cái bẫy này có thể nằm ở chỗ chúng chỉ được neo trong quá khứ, hoặc chỉ ở hiện tại, hoặc không mở ra đón nhận tính viên mãn tương lai của sự thật Thiên Chúa mà Thần Chân lý đang dẫn dắt hội thánh hướng tới”.

Họp báo

Tại cuộc họp báo ngày 23 tháng 10, những bình luận thần học quan trọng nhất đến từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, O.P., của Vienna, người từ năm 1987 đến năm 1992 giữ chức vụ thư ký của ủy ban soạn thảo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Schönborn dường như kêu gọi “suy nghĩ lại” về Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II) và tuyên bố rằng Thượng hội đồng vẫn là Thượng hội đồng Giám mục mặc dù có rất nhiều thành viên giáo dân bỏ phiếu. Khi có cơ hội phê bình giáo huấn của Sách Giáo lý về đồng tính luyến ái, ngài đã từ chối làm như vậy.

Vatican News, do Bộ Truyền thông Vatican điều hành, đưa tin:

Liên quan đến khái niệm cơ bản về sự hiệp thông, ngài nói rằng ngài có ấn tượng rằng ‘điều chúng tôi đang làm hiện nay, sau lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng’, chính là hỏi ‘làm thế nào để sống hiệp thông trong Giáo hội’. Đó là sự hiệp thông đức tin; hiệp thông với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi; hiệp thông giữa các tín hữu và hiệp thông mở ra cho mọi người’. Làm thế nào để sống nó? ‘Tính đồng nghị là cách tốt nhất’ là câu trả lời của Đức Hồng Y Schönborn. Đó là vấn đề suy nghĩ lại viễn kiến Lumen gentium, nơi nó nói về mầu nhiệm cao cả của Giáo hội. Vì vậy, Giáo hội là mầu nhiệm, sau đó là Dân Thiên Chúa, và chỉ khi đó Giáo hội mới nói đến cơ cấu phẩm trật của các thành viên của mình...

Để trả lời những lời chỉ trích nghi vấn về tính toàn vẹn của Thượng Hội đồng Giám mục vì nó bao gồm giáo dân làm đại biểu, Đức Hồng Y Schönborn chỉ ra rằng theo quan điểm của ngài thì đây không phải là vấn đề, vì Thượng Hội đồng vẫn là một Thượng Hội đồng Giám mục mặc dù nó có sự tham gia thực sự của những người không phải là giám mục. Nó tạo thành một cơ quan nhằm thực hiện trách nhiệm tập thể. Bản chất của nó không thay đổi; nó chỉ được mở rộng và kinh nghiệm chắc chắn là tích cực. Mặt khác, Đức Hồng Y cho biết, luôn luôn có các chuyên gia giáo dân, với một số can thiệp rất quan trọng, nhưng bây giờ có một mối quan hệ gần gũi hơn nhiều: một Thượng Hội đồng Giám mục với sự tham gia rộng rãi hơn…

Liên quan đến việc một số người LGBT có thể cảm thấy bị tổn thương bởi những lời trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến “sự rối loạn” đạo đức, Đức Hồng Y Schönborn nhắc lại rằng ngài là thư ký soạn thảo Sách Giáo lý. Ngài nói, đó là công việc của Giáo hội, được Đức Giáo Hoàng ban hành. Và kể từ đó chỉ có một sự thay đổi duy nhất, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô can thiệp vào án tử hình. Liệu có những thay đổi khác hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Đức Giáo Hoàng. Sau đó Đức Hồng Y khuyên nên luôn đọc toàn bộ các bản văn. Ngài nói thêm đây là những vấn đề liên quan đến thần học luân lý, nhưng nguyên tắc là có một trật tự khách quan và có những con người nhân bản. Họ luôn có quyền được tôn trọng, ngay cả khi họ phạm tội, và có quyền được Thiên Chúa chấp nhận như họ vốn có.
_____________________________________________________________
(*) Về khía cạnh này, xin xem bài “Ngược với Con đường Đồng nghị Đức, nhà thần học Úc coi truyền thống ‘năng động’ của Vatican II là kim chỉ nam” (https://vietcatholic.net/News/Html/285565.htm)