TÀI LIỆU SAU CÙNG CỦA PHIÊN HỌP THƯỜNG LỆ LẦN THỨ 16 CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Cho một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh

Thượng hội đồng về tính đồng nghị sau 4 năm đã kết thúc hồi tháng 10 năm nay với việc thông qua Tài liệu Sau cùng, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận thuộc huấn quyền thông thường của ngài, không cần kinh qua một tông huấn hậu thượng hội đồng như tập tục vẫn có xưa nay. Chúng tôi xin chuyển ngữ tài liệu quan trọng này sang tiếng Việt, dựa vào bản tiếng Anh do Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng hội đồng vừa công bố, có tham khảo bản tiếng Ý từng công bố ngay trong ngày bế mạc Phiên thường lệ lần thứ 16 của Thượng hội đồng Giám mục.



MỤC LỤC

Bản tóm tắt

Các từ viết tắt

Dẫn nhập.

Phần I – Trọng tâm của tính đồng nghị

Được Chúa Thánh Thần kêu gọi hoán cải

Giáo Hội dân Chúa, bí tích hiệp nhất

Các cội rễ bí tích của Dân Thiên Chúa

Ý nghĩa và chiều kích của tính đồng nghị

Hiệp nhất là hòa hợp

Linh đạo đồng nghị

Tính đồng nghị như lời tiên tri xã hội

Phần II - Cùng nhau lên thuyền

Hoán cải các mối liên hệ

Những mối liên hệ mới

Trong nhiều bối cảnh đa dạng

Các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ truyền giáo

Thừa tác vụ thụ phong chức để phục vụ sự hòa hợp

Cùng nhau thực hiện sứ mệnh

Phần III – «Thả lưới»

Hoán cải các diễn trình

Sự phân định Giáo Hội đối với sứ vụ

Cấu trúc của quá trình ra quyết định

Minh bạch, báo cáo, đánh giá

Tính đồng nghị và các cơ quan tham gia

Phần IV – Mẻ cá dồi dào

Hoán cải các nghĩa vụ

Bám rễ và hành hương

Trao đổi hồng phúc

Các mối dây hiệp nhất: các Hội đồng Giám mục và các Phiên họp Giáo hội

Sự phục vụ của Giám Mục Rôma

Phần V – «Thầy cũng sai các con»

Đào tạo một dân tộc môn đệ truyền giáo

Kết luận

Bữa tiệc dành cho mọi người

Các chữ viết tắt

AA CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12. Apostolicam Actuositatem (18 tháng 11 năm 1965)

AG CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12 Ad Gentes (7 tháng 12 năm 1965)

CCEO Codex canonum Ecclesiarum Orientalium (18 tháng 10 năm 1990)

CD CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Tháng 12. Christus Dominus (28 tháng 10 năm 1965)

CIC Codex iuris canonici (25 tháng 1 năm 1983)

CV BENEDICT XVI, Thông điệp. Caritas in veritate (29 tháng 6 năm 2009)

DCS Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng, Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (27 tháng 10, 2022)

DD FRANCIS, Thư. Tôi mong ước rằng bạn mong ước (29/06/2022)

DN FRANCESCO, Thông điệp. Dilexit nos (24 tháng 10 năm 2024)

DV CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965)

EC FRANCIS, Tông huấn Episcopalis Communio (15 Tháng Chín, 2018)

EG FRANCIS, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (24 tháng 11 năm 2013)

FT FRANCESCO, Thông điệp Fratelli tutti (3 tháng 10 năm 2020)

GS CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Gaudium et spes (7 tháng 12 năm 1965)

ITC ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính đồng nghị trong cuộc sống và trong sứ mệnh của Giáo hội (2 tháng 3 năm 2018)

LG CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964)

LS FRANCIS, Thông điệp Laudato si' (24 tháng 5 năm 2015)

MC ST PAUL VI, Tông huấn Cultus Marialis (2 tháng 2 năm 1974)

NMI Thánh GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo millennio ineunte (6 tháng 1 năm 2001)

PE FRANCIS, Tông hiến Praedicate Evangelium (19 tháng 3 năm 2022)

SC CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963)

SRS Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30 tháng 12 năm 1987)

UR CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (21 tháng 11 năm 1964)

UUS THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Út unum sint (25 tháng 5 năm 1995)

Dẫn nhập

Chúa Giêsu đến, đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!”. Nói xong, Người cho họ xem bàn tay và cạnh sườn. Và các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa (Ga 20:19-20).

1.Mỗi bước đi mới trong đời sống Giáo Hội là một việc trở về cội nguồn. Đó là một kinh nghiệm làm mới lại cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh mà các môn đệ đã trải qua trong Nhà Tiệc Ly vào tối ngày Phục sinh. Chúng tôi cũng vậy, khi tham gia Thượng Hội đồng này, cũng cảm thấy như các vị, được bao bọc bởi lòng thương xót của Người và được lôi cuốn vào vẻ đẹp của Người. Sống cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần, khi lắng nghe nhau, chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Người giữa chúng tôi: sự hiện diện của Đấng, qua việc ban Chúa Thánh Thần, tiếp tục linh hứng sự hiệp nhất nơi Dân Người, vốn thiét lập ra sự hài hòa giữa các khác biệt.

2. Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục Sinh, chúng tôi nhớ rằng “chúng tôi đã được rửa tội trong cái chết của Người” (Rm 6,3). Chúng tôi đã thấy những dấu vết vết thương của Người, được hiển dung bởi sự sống mới, nhưng được khắc sâu mãi mãi trong nhân tính của Người. Những vết thương này tiếp tục rỉ máu trên cơ thể của nhiều anh chị em cũng vì lỗi lầm của chúng tôi. Cái nhìn lên Chúa không làm chúng tôi xa cách những bi kịch của lịch sử, nhưng mở mắt chúng tôi nhận ra những đau khổ vây quanh và đâm sâu vào chúng tôi: những khuôn mặt của trẻ em kinh hoàng vì chiến tranh, tiếng khóc của các bà mẹ, giấc mơ tan vỡ của biết bao bạn trẻ, những người tị nạn phải đối diện với những hành trình khủng khiếp, những nạn nhân của biến đổi khí hậu và những bất công xã hội.

Các đau khổ của họ đã và đang vang vọng nơi chúng tôi không những qua các phương tiện truyền thông mà còn qua tiếng nói của nhiều người trong chúng tôi tại Phiên Họp này mà các gia đình và dân tộc họ đích thân liên lụy vào các biến cố bi thảm này. Trong những ngày trong đó, chúng tôi đang tụ họp, nhiều, quá nhiều cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục gây chết chóc và hủy diệt, ước muốn trả thù và đánh mất lương tâm. Chúng tôi tham gia các lời kêu gọi hòa bình liên tiếp được nhắc lại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lên án luận lý học bạo lực, hận thù, trả thù và cam kết cổ vũ luận lý học đối thoại, tình huynh đệ và sự hòa giải. Một nền hòa bình chân chính và lâu bền là điều có thể và cùng nhau chúng ta có thể xây dựng nó. «Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo trên hết và của tất cả những người đau khổ" (GS 1) một lần nữa là niềm vui và nỗi buồn của tất cả chúng tôi, những môn đệ của Chúa Kitô.

3. Kể từ khi Đức Thánh Cha lái con thuyền Giáo Hội vào hành trình Thượng hội đồng này năm 2021, chúng tôi ngày càng khám phá ra sự phong phú và sinh hoa trái của nó. Chúng tôi đã lắng nghe, chú ý nắm bắt trong nhiều tiếng nói những gì “Chúa Thánh Thần nói với các Giáo Hội” (Kh 2,7. Hành trình này đã bắt đầu với sự tham khảo ý kiến rộng rãi của dân Chúa trong các Giáo phận và Giáo phận Đông phương của chúng ta. Và tiếp tục với các giai đoạn quốc gia và lục địa. Vòng đối thoại liên tục này được Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng tái tăng sinh lực thông qua các Tài liệu Tng hợp và Tài liệu Làm việc. Việc cử hành Phiên họp thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục trong hai năm, từ đây, cho phép chúng tôi trình lên Đức Thánh Cha và tất cả các Giáo hội chứng từ của những điều chúng tôi đã trải nghiệm và hoa trái của việc chúng tôi phân định, cho một động lực truyền giáo mới. Cuộc hành trình được đánh dấu trong từng giai đoạn bởi sự khôn ngoan của “cảm thức đức tin” (sensus fidei) nơi dân Chúa. Từng bước một, chúng tôi đã hiểu được điều đó ở tâm điểm của Thượng hội đồng 2021-2024. Đối với một Giáo hội đồng nghị, hiệp thông, tham gia, truyền giáo, có lời mời gọi vui mừng và đổi mới Giáo Hội trong việc đi theo Chúa, dấn thân phục vụ sứ mệnh của Người, trong nghiên cứu các cách để chung thủy với Người.

4. Lời kêu gọi này dựa trên căn tính chung của bí tích rửa tội, nó bắt nguồn từ sự đa dạng các bối cảnh trong đó Giáo hội hiện diện và tìm thấy sự hiệp nhất trong Chúa Cha duy nhất, trong Chúa duy nhất và trong một Chúa Thánh Thần duy nhất. Nó thách thức tất cả những người đã được rửa tội, không có ngoại lệ: «Tất cả Dân Thiên Chúa đều là chủ thể của việc loan báo Tin Mừng. Trong tài liệu này, mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi trở thành nhân vật chủ đạo của sứ mệnh vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo” (ITC, số 53). Với con đường đồng nghị này, Thượng hội đồng cũng hướng chúng ta tới sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các Kitô hữu, như đã được làm chứng bởi các đại biểu của các truyền thống Kitô giáo khác, bằng sự hiện diện của họ. Sự hiệp nhất âm thầm lên men bên trong Giáo Hội Thánh của Thiên Chúa: đó là một lời tiên tri hiệp nhất cho toàn thế giới.

5. Toàn bộ hành trình thượng hội đồng, bắt nguồn từ Truyền thống của Giáo hội, đã diễn ra trong ánh sáng của huấn quyền công đồng. Công đồng Vatican II thực sự như hạt giống gieo vào cánh đồng thế giới và Giáo Hội. Đời sống hàng ngày của các tín hữu, kinh nghiệm của các Giáo Hội nơi mọi dân tộc và nền văn hóa, nhiều chứng từ nên thánh, các suy tư của các thần học gia vốn là mảnh đất trên đó nó nẩy mầm và mọc lên. Thượng hội đồng các năm 2021-2024 tiếp tục rút tỉa năng lực của hạt giống đó và phát triển tiềm năng của nó, đem vào thực hành những gì Công đồng đã dạy về Giáo hội như là Mầu nhiệm và Dân Thiên Chúa, được kêu gọi thực hiện sự thánh thiện nhờ sự hoán cải liên tục do việc lắng nghe Tin Mừng. Trong chiều hướng này, nó tạo nên hành vi thực sự tiếp nhận Công đồng hơn nữa, kéo dài linh hứng của nó và tái khởi động sức mạnh tiên tri của nó cho thế giới ngày nay.

6. Chúng tôi không che giấu việc chúng tôi đã trải qua nhiều mệt mỏi, đối kháng sự thay đổi và bị cám dỗ muốn để ý tưởng của chúng tôi chiếm ưu thế hơn là lắng nghe Lời Chúa và thực hành phân định. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa, người Cha dịu dàng nhất, mỗi lần đều cho phép chúng tôi thanh lọc tâm hồn và tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi bắt đầu Phiên họp Năm thứ hai với đêm canh thức sám hối, trong đó chúng tôi cầu xin sự tha thứ tội lỗi của mình, cảm thấy xấu hổ về điều đó và đã dâng lời cầu thay cho các nạn nhân của sự dữ trên thế giới. Chúng tôi đã gọi đích danh tội lỗi của mình: chống lại hòa bình, chống lại tạo thế, chống lại các dân tộc người bản địa, người di cư, trẻ vị thành niên, phụ nữ, người nghèo, không chịu lắng nghe và tìm kiếm hiệp thông. Điều này đã làm chúng tôi hiểu rằng tính đồng nghị đòi hỏi sự sám hối và hoán cải. Trong việc cử hành bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng tôi cảm nghiệm được việc mình được thương yêu một cách vô điều kiện: sự cứng lòng đã được vượt qua và chúng tôi mở lòng đón nhận sự hiệp thông. Đây là lý do vì sao chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội biết xót thương, có khả năng chia sẻ sự tha thứ và hòa giải với mọi người vốn phát xuất từ Thiên Chúa: ân sủng thuần túy mà chúng ta không phải là các chủ nhân nhưng chỉ là các nhân chứng.

7. Chúng tôi đã có thể nhìn thấy những thành quả đầu tiên của con đường đồng nghị bắt đầu vào năm 2021. Những điều đơn giản nhất nhưng quý giá nhất đều lên men trong đời sống gia đình, giáo xứ và các hiệp hội và phong trào, các cộng đồng Kitô giáo nhỏ, trường học và cộng đồng tu trì trong đó đang phát triển việc thực hành đàm luận trong Chúa Thánh Thần và phân định cộng đồng, chia sẻ các hồng ân ơn gọi và đồng trách nhiệm trong sứ mệnh. Cuộc họp của các Linh mục Giáo xứ tại Thượng Hội đồng (Sacrofano [Rome], 28 tháng 4 – 2 tháng 5 năm 2024) làm cho việc lắng nghe những trải nghiệm phong phú của các linh mục trở thành khả hữu và giúp các ngài khởi động lại hành trình của mình. Chúng tôi rất biết ơn và hạnh phúc vì tiếng nói của nhiều cộng đồng và tín hữu, những người sống Giáo hội như nơi chào đón, hy vọng và niềm vui.

8. Kỳ họp đầu tiên của Phiên họp đã mang lại những kết quả khác. Trong Báo cáo tổng hợp, người ta đã chú ý đến những chủ đề then chốt có tầm quan trọng lớn lao đến đời sống của Giáo hội. Đức Thánh Cha, khi kết thúc cuộc tham vấn quốc tế, đã giao phó các chủ đề này cho các nhóm nghiên cứu, gồm các Mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục, được mời gọi làm việc theo phương pháp đồng nghị. Các nhóm này đã bắt đầu nghiên cứu sâu xa các vấn đề thuộc lãnh vực đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, chúng là:

1. Một số khía cạnh trong mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo hội Latinh.

2. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và trái đất.

3. Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số.

4. Việc sửa đổi văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis theo quan điểm đồng nghị truyền giáo.

5. Một số vấn đề thần học và giáo luật xung quanh các hình thức thừa tác vụ chuyên biệt.

6. Việc sửa đổi, từ góc độ đồng nghị và truyền giáo, các văn kiện quản trị mối liên hệ giữa các Giám mục, Tu sĩ, các phiên họp giáo hội.

7. Một số khía cạnh về con người và thừa tác vụ của Giám mục (đặc biệt: các tiêu chuẩn về việc lựa chọn các ứng viên vào chức vụ giám mục, chức năng tư pháp của Giám mục, tính chất và thực hiện các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum) theo quan điểm đồng nghị truyền giáo.

8. Vai trò của các Đại diện Giáo hoàng trong quan điểm đồng nghị truyền giáo.

9. Các tiêu chuẩn thần học và các phương pháp luận đồng nghị để chia sẻ sự phân định về các vấn đề gây tranh cãi về tín lý, mục vụ và đạo đức.

10. Việc đón nhận hoa trái của hành trình đại kết giữa dân Chúa.

Đàng khác, với sự đồng ý của Bộ Các Bản Văn Lập pháp, một Ủy ban Giáo luật đã được thiết lập, nhằm phục vụ những đổi mới cần thiết trong luật giáo hội. Ngoài ra, việc phân định quanh việc đồng hành mục vụ với những người trong hoàn cảnh hôn nhân đa thê đã được ủy thác cho Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar. Công việc của các Nhóm và Ủy ban này đã bắt đầu giai đoạn thực hiện, làm phong phú thêm công việc của Phiên họp thứ hai, và sẽ giúp Đức Thánh Cha trong các lựa chọn mục vụ và quản trị.

9. Tiến trình đồng nghị không kết thúc khi Phiên họp Thượng hội đồng Giám mục hiện tại kết thúc, mà còn bao gồm giai đoạn thực hiện. Với tư cách là thành viên của Phiên họp, chúng tôi hiểu nhiệm vụ của chúng tôi là dấn thân ra sao vào việc sinh động hóa nó với tư cách là những nhà truyền giáo của tính đồng nghị trong nội bộ các cộng đồng mà từ đó chúng tôi phát xuất. Chúng tôi yêu cầu tất cả các Giáo hội địa phương tiếp tục tiến trình này, hàng ngày bước đi với phương pháp tham vấn và phân định đồng nghị, xác định các phương pháp cụ thể và lộ trình đào tạo để đạt được sự hoán cải đồng nghị trông thấy trong các thực tại khác nhau của Giáo hội (Giáo xứ, các viện đời sống thánh hiến và các Tu hội đời sống tông đồ, các Hiệp hội Tín hữu, các Giáo phận, các Hội đồng Giám mục, các nhóm Giáo hội, vân vân.). Đặt kế hoạch cho việc đánh giá về tiến bộ đạt được về mặt tính đồng nghị và sự tham gia của tất cả những người đã được rửa tội vào đời sống của Giáo hội. Với các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng các Giáo hội tự trị, chúng tôi đề nghị cống hiến nhân sự và nguồn lực để đồng hành trên con đường phát triển như một Giáo hội đồng nghị trong sứ mệnh và duy trì liên lạc với Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng (xem EC 19 §§ 1 và 2). Chúng tôi yêu cầu Văn phòng tiếp tục giám sát chất lượng đồng nghị về phương pháp làm việc của các Nhóm Nghiên cứu.

10. Dâng lên Đức Thánh Cha và các Giáo hội như là kết quả của Phiên họp Toàn thể lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu Sau cùng này tận dụng tất cả các bước đã được thực hiện cho đến nay. Nó tập hợp một số điểm hội tụ quan trọng đã xuất hiện trong Phiên họp thứ nhất, những đóng góp phát xuất từ các Giáo hội trong những tháng giữa Kỳ họp thứ nhất và thứ hai và những gì đã chín mùi trong Phiên họp thứ hai, đặc biệt, nhờ vào cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần.

11. Tài liệu Sau cùng bày tỏ việc ý thức được lời kêu gọi truyền giáo đồng thời là lời kêu gọi hoán cải nơi mỗi Giáo hội địa phương và nơi Giáo hội hoàn vũ, theo quan điểm được nêu ra trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (xem số 30). Bản văn được chia thành năm phần. Phần đầu tiên, có tựa đề Tâm điểm của tính đồng nghị, vạch ra những nền tảng thần học và tâm linh soi sáng và nuôi dưỡng những gì xảy ra tiếp theo. Nó nhắc lại sự hiểu biết từng được chia sẻ về tính đồng nghị xuất hiện trong Phiên họp đầu tiên và phát triển các quan điểm tâm linh và tiên tri của nó. Sự hoán cải các cảm xúc, hình ảnh và suy nghĩ vốn sống trong trái tim chúng ta tiến hành cùng với việc hoán cải hoạt động mục vụ và truyền giáo. Phần thứ hai, mang tên Cùng nhau lên thuyền, dành cho việc hoán cải các mối liên hệ xây dựng cộng đồng Kitô giáo và hình thành sứ mệnh trong sự đan xen của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ. Phần thứ ba, “Hãy thả lưới”, nhận diện ba cách thực hành được kết nối mật thiết với nhau: sự phân định của giáo hội, các quá trình đưa ra quyết định, văn hóa minh bạch, giải trình và đánh giá. Ngay cả đối với chúng, chúng ta cũng được yêu cầu khởi xướng những con đường "biến đổi truyền giáo", mà đối với nó, việc đổi mới các tổ chức có sự tham gia là điều cấp thiết. Phần thứ tư, dưới tựa đề Một mẻ cá dồi dào, phác họa cách, trong đó có thể vun xới, dưới các hình thức mới mẻ, việc trao đổi hồng ân và đan kết những mối dây vốn hiệp nhất chúng ta trong Giáo Hội vào một thời điểm mà kinh nghiệm bám rễ vào một nơi chốn đang thay đổi sâu xa. Phần thứ năm tiếp theo, «Thầy cũng sai các con đi», cho phép chúng ta xem xét bước đầu tiên cần thực hiện: chăm sóc việc đào tạo mọi người trong dân Chúa, tất cả như những nhà truyền giáo đồng nghị.

12. Việc phát triển Tài Liệu Sau Cùng được hướng dẫn bởi các tường thuật Tin Mừng về Sự phục sinh. Việc hăm hở chạy tới mộ vào lúc bình minh Phục sinh, sự xuất hiện của Chúa Phục sinh trong phòng tiệc ly và trên bờ hồ đã truyền cảm hứng cho sự nhận thức của chúng tôi và nuôi dưỡng cuộc đối thoại của chúng tôi. Chúng tôi khẩn cầu hồng ân Phục sinh của Chúa Thánh Thần, xin Người dạy chúng tôi những gì chúng tôi phải làm và chỉ cho chúng tôi con đường để cùng nhau đi theo. Với văn bản này, Phiên Họp công nhận và chứng thực rằng tính đồng nghị, chiều kích cấu thành của Giáo hội, đã là một phần trong kinh nghiệm của nhiều cộng đồng của chúng ta. Đồng thời, nó gợi ý những hướng đi tiếp theo, những thực hành để thực hiện, những chân trời để khám phá. Đức Thánh Cha đã triệu tập Giáo hội trong Thượng Hội đồng, ngài sẽ nói với các Giáo hội, được giao phó cho các Giám mục chăm sóc mục vụ, cách tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng “không làm thất vọng” (Rm 5:5).

Còn nữa