Nhiều người còn nhớ những hình ảnh đau buồn khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 21 Kitô Hữu trong trang phục áo liền quần màu cam và quỳ gối trên một bãi biển ở Libya trước khi bị hành quyết. Một cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Ý có tựa đề “Hành trình đến vùng đất của 21 vị tử đạo Coptic”, để vinh danh họ.

Nhà văn người Đức Martin Mosebach đã nói chuyện với gia đình các nạn nhân cũng như với các thành viên của hàng giáo sĩ Coptic. Trong đó, ông nhắc nhở chúng ta, cùng với những điều khác, rằng những tín hữu Kitô ở Ai Cập luôn coi mình là thành viên của Giáo Hội các vị Tử đạo và rằng chừng nào Kitô giáo còn sống, thì Giáo hội của họ sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến những thảm cảnh như hồi tháng 2 năm 2015.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic. Giáo hội này có khởi đầu từ thành phố cảng Alexandria một trong những thành phố được tôn trọng và thành đạt nhất vào thời các thánh tông đồ. Các tín hữu Coptic công nhận và tôn vinh thánh Máccô, là vị thánh sử đã viết quyển Phúc âm theo thánh Máccô là người sáng lập và là giám mục tiên khởi của cộng đồng Kitô hữu ở Alexandria, giữa những năm 42 và 62 sau Chúa Giáng Sinh.

Các Kitô hữu Coptic đã tự tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ từ Công Đồng Chalcedon, năm 451. Công Đồng được triệu tập để thảo luận về thần học Chúa Kitô Nhập Thể, đồng thời tuyên bố rằng Đức Kitô “là một Ngôi Vị có hai bản tính”. Từ đó, thần học này đã trở nên tiêu chuẩn cho các Giáo Hội Công Giáo Roma, Chính Thông Đông Phương và các giáo hội Tin Lành.
Source:alfayomega.es