Lúc 10g sáng thứ Năm 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô với các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và đại diện các linh mục thuộc giáo phận Rôma.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Đó là một trong những biểu đạt mơ hồ được thốt lên thoáng qua. Một người có thể sử dụng nó một cách tán thành để nói rằng “Thật tuyệt vời làm sao khi một người có nguồn gốc khiêm tốn như vậy lại có thể nói năng đầy quyền uy như thế!” Người khác có thể dùng nó để nói với vẻ khinh bỉ: “Ối cái anh này, anh ta xuất thân từ đâu? Anh ta nghĩ anh ta là ai đây?” Khi nghĩ về điều này, chúng ta có thể nghe thấy những lời tương tự được thốt lên vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông đồ, được đầy dẫy Chúa Thánh Thần, bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Một số người nói: “Không phải tất cả những người này đang nói tiếng Galilê sao?” (Cv 2: 7). Trong khi một số đón nhận lời các ngài rao giảng, những người khác chỉ nghĩ rằng các Tông đồ đã say rượu.
Nói một cách chính xác, những lời nói ở Nagiarét có thể đi theo một trong hai cách, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì tiếp theo, rõ ràng là chúng chứa mầm mống bạo lực mà sau đó sẽ bộc phát chống lại Chúa Giêsu.
Chúng là “lời để biện minh”,[1] chẳng hạn như khi ai đó nói: “Điều đó hoàn toàn là quá đáng!” và sau đó tấn công người kia hoặc bỏ đi.
Trước những lời như thế, Chúa đôi khi không nói gì hoặc chỉ đơn giản là bỏ đi, nhưng lần này, Ngài không để cho nhận xét đó trôi qua. Thay vào đó, Ngài vạch trần sự ác độc được che giấu trong vỏ bọc của những câu chuyện phiếm đơn giản trong làng. “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” ( Lc 4:23). “Hãy chữa lấy mình!”
“Hãy chữa lấy mình”. Có nọc độc trong những lời nói này! Đó cũng chính là những lời sẽ theo Chúa đến thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi” ( Lc 23:35). “Và hãy cứu chúng tôi”, một trong những tên trộm sẽ thêm vào (x. câu 39).
Như mọi khi, Chúa từ chối đối thoại với ma quỷ; Ngài chỉ trả lời bằng những lời Kinh thánh. Về phần mình, các tiên tri Êligia và Êlisa cũng không được đồng hương chấp nhận nhưng chỉ được chấp nhận bởi một góa phụ người Phoenicia và một người Syria mắc bệnh phong cùi: hai người ngoại quốc, hai người thuộc tôn giáo khác. Điều này tự nó đã gây ấn tượng và nó cho thấy lời tiên tri được Thánh Thần linh hứng của ông già Simeon rằng Chúa Giêsu sẽ là “dấu chỉ cho người đời chống báng (semeion antilegomenon)” thật là chính xác biết bao (Lc 2:34)[2].
Những lời của Chúa Giêsu có khả năng làm sáng tỏ bất cứ điều gì mỗi người chúng ta nắm giữ trong sâu thẳm trái tim mình, thường được trộn lẫn như lúa mì và cỏ lùng. Và điều này làm phát sinh xung đột tâm linh. Chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của lòng thương xót vô biên của Chúa và nghe những “mối phúc” nhưng cũng thấy những gì xem ra là “tai ương” trong Tin Mừng, thành ra, chúng ta thấy mình buộc phải phân biệt và quyết định. Trong trường hợp này, lời của Chúa Giêsu không được chấp nhận và điều này khiến đám đông phẫn nộ tìm cách giết Ngài. Nhưng đó vẫn chưa phải là “giờ” của Ngài, và vì vậy Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa “băng qua giữa họ, và ra đi”.
Đó không phải là giờ của Người, nhưng sự nhanh chóng tung ra những cơn giận dữ của đám đông, và sự dữ dội của các cơn thịnh nộ sẵn sàng giết Chúa ngay tại chỗ, cho chúng ta thấy rằng giờ của Người luôn gần kề. Đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với anh em hôm nay, các linh mục thân mến: giờ hân hoan loan báo, giờ bách hại và giờ thập giá luôn song hành với nhau.
Việc rao giảng Tin Mừng luôn gắn liền với việc ôm lấy một thập giá cụ thể nào đó. Ánh sáng dịu dàng của lời Thiên Chúa chiếu sáng huy hoàng trong những tấm lòng sẵn sàng, nhưng đánh thức sự hoang mang và từ chối trong những trái tim đóng kín. Chúng ta thấy điều này lặp đi lặp lại trong các sách Phúc âm.
Hạt giống tốt gieo trên đồng đơm hoa kết trái - gấp trăm, gấp sáu mươi ba mươi lần - nhưng cũng khơi dậy lòng đố kỵ của kẻ thù, dẫn đến việc gieo cỏ lùng trong đêm (x. Mt 13, 24-30.36-43).
Người con hoang đàng đã được tình yêu dịu dàng của người cha nhân hậu lôi kéo về nhà mà anh ta không thể cưỡng lại, nhưng tình yêu dịu dàng ấy lại gây nên sự tức giận và bất bình nơi người con cả (x. Lc 15,11-32).
Lòng quảng đại của chủ vườn nho là lý do để những người thợ được gọi vào giờ sau cùng tri ân, nhưng nó cũng gây ra phản ứng gay gắt của một trong những người được gọi trước đó, những người bị xúc phạm bởi lòng quảng đại của chủ mình (x. Mt 20: 1-16).
Sự gần gũi của Chúa Giêsu, Đấng ngồi đồng bàn với người tội lỗi, làm rung động tâm hồn những người như Giakêu, Matthêu và người phụ nữ xứ Samaritanô, nhưng nó cũng khơi lên sự chê trách nơi những người tự cho mình là công chính.
Sự cao cả của vị vua sai con trai mình, tưởng rằng con sẽ được những người nông dân tá điền kính trọng, đã làm bộc phát trong họ một sự hung dữ vượt mọi thước đo. Ở đây, chúng ta thấy mình đứng trước mầu nhiệm tội ác dẫn đến việc giết chết Đấng Công chính (x. Mt 21, 33-46).
Tất cả những điều này, anh em linh mục thân mến, cho phép chúng ta thấy rằng việc rao giảng Tin mừng được liên kết một cách mầu nhiệm với bách hại và thập tự giá.
Thánh Y Nhã thành Loyola - xin miễn chấp cho việc “quảng cáo người nhà” – đã diễn tả chân lý Phúc âm này trong sự chiêm ngưỡng của thánh nhân về Lễ Giáng Sinh của Chúa. Ở đó, ngài mời gọi chúng ta “hãy xem và suy xét những gì Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ đã làm trong cuộc hành trình của các ngài để Chúa có thể sinh ra bất kể cảnh nghèo đói cùng cực và sau nhiều gian lao - trải qua đói, khát, nóng, lạnh, thương tích và những phẫn nộ - chết trên Thập tự giá, và tất cả những điều này là để cho tôi”. Sau đó, thánh nhân mời chúng ta, “khi suy ngẫm về điều này, hãy rút ra một số ơn ích tinh thần” (Linh Thao, 116). Niềm vui mừng Chúa ra đời; nỗi đau của Thập giá; và bách hại.
Chúng ta có thể suy tư gì để “thu được một số ơn ích” cho đời sống linh mục của mình bằng cách suy ngẫm về sự xuất hiện rất sớm thập tự giá, những hiểu lầm, khước từ và bắt bớ - ngay từ đầu và ngay tại trung tâm của việc rao giảng Tin Mừng?
Hai suy nghĩ xảy đến với tôi.
Thứ nhất: chúng ta ngạc nhiên khi thấy thập tự giá hiện diện trong cuộc đời của Chúa ngay từ lúc bắt đầu sứ vụ của Ngài, ngay cả trước khi Ngài chào đời. Thập giá đã ở đó trong sự bối rối ban đầu của Đức Maria trước sứ điệp của thiên thần; thập giá ở đó trong giấc ngủ chập chờn của Thánh Giuse, khi thánh nhân cảm thấy phải đưa Mẹ Maria ra đi một cách lặng lẽ. Thập giá ở đó trong cuộc bách hại của Hêrôđê và trong những gian khổ mà Thánh Gia phải chịu đựng, giống như những gia đình khác khi phải sống lưu vong bên ngoài quê hương của họ.
Tất cả những điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng mầu nhiệm thập giá hiện diện “ngay từ đầu”. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng thập tự giá không phải là một suy nghĩ sau đó, một điều gì đó đã xảy ra một cách tình cờ trong cuộc đời của Chúa. Đúng là tất cả những ai đóng đinh người khác trong suốt lịch sử thường xem thập tự giá như một hình phạt tình cờ, nhưng không phải vậy: thập tự giá không xuất hiện một cách tình cờ. Thập giá lớn nhỏ của nhân loại, thập giá của mỗi chúng ta, không ngẫu nhiên xuất hiện.
Tại sao Chúa đã chấp nhận thập giá trọn vẹn và cho đến cùng? Tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận trọn cuộc Khổ nạn của Ngài: sự phản bội và bỏ rơi của bạn bè sau Bữa Tiệc Ly, sự bắt giữ bất hợp pháp, phiên tòa chóng vánh và bản án không tương xứng, sự bạo hành vô cớ và không thể biện minh được khi Ngài bị đánh đập và phỉ nhổ? Nếu hoàn cảnh là yếu tố duy nhất quyết định sức mạnh cứu rỗi của thập tự giá, Chúa đã không chấp nhận mọi sự. Nhưng khi giờ của Ngài đến, Ngài đã chấp nhận thập tự giá một cách trọn vẹn. Vì trên thập tự giá không thể có sự mơ hồ! Thập giá là không thể thương lượng.
Suy nghĩ thứ hai: đúng là, có một khía cạnh của thập tự giá là một phần tích hợp của tình trạng con người, giới hạn và sự yếu đuối của chúng ta. Tuy nhiên, cũng đúng là một điều gì đó đã xảy ra trên Thập tự giá không liên quan gì đến sự yếu đuối của con người chúng ta mà là vết cắn của con rắn, là kẻ, khi nhìn thấy Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, đã cắn Ngài trong một nỗ lực đầu độc và đập tan mọi công việc của Ngài. Một vết cắn cố gắng gây tai tiếng - và đây là thời đại của những vụ tai tiếng - một vết cắn tìm cách vô hiệu hóa và biến tất cả sự phục vụ và hy sinh yêu thương cho người khác thành ra vô ích và vô nghĩa. Đó là nọc độc của kẻ ác luôn khăng khăng: hãy tự cứu lấy mình.
Chính trong “vết cắn” khắc nghiệt và đau đớn tìm cách mang đến cái chết này, chiến thắng của Thiên Chúa cuối cùng đã được nhìn thấy. Thánh Maximô Cha Giải Tội nói với chúng ta rằng trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, một sự đảo ngược đã xảy ra. Khi cắn thịt Chúa, ma quỷ không đầu độc được Ngài, vì trong Ngài, nó chỉ gặp được sự hiền lành vô hạn và sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngược lại, nó bị dính vào cái móc của thập tự giá, nó ăn thịt của Chúa, là điều xem ra độc hại đối với nó, trong khi đối với chúng ta, đó là liều thuốc giải độc vô hiệu hóa sức mạnh của kẻ ác.[3]
Đây là những suy ngẫm của tôi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng để sinh lợi từ giáo huấn này. Đúng là thập tự giá hiện diện trong việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta, nhưng đó là thập tự giá mang đến ơn cứu rỗi cho chúng ta. Nhờ bửu huyết giao hòa của Chúa Giêsu, chính cây thập tự giá chứa đựng sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, chiến thắng sự dữ và giải cứu chúng ta khỏi kẻ ác. Đón nhận thánh giá cùng với Chúa Giêsu, và như Ngài đã làm trước chúng ta là ra đi rao giảng, sẽ cho phép chúng ta phân biệt và loại bỏ nọc độc của tai tiếng, mà ma quỷ muốn đầu độc chúng ta bất cứ khi nào cây thập tự bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta.
“Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong (hypstoles)” ( Dt 10:39), tác giả của Thư gửi các tín hữu Do Thái nói. “Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc”. Đây là lời khuyên mà tác giả dành cho chúng ta. Chúng ta không bỏ cuộc, bởi vì chính Chúa Giêsu không bỏ cuộc khi thấy rằng lời rao giảng hân hoan về ơn cứu rỗi của Ngài cho người nghèo không được đón nhận một cách thành tâm, nhưng lạc vào giữa những tiếng la hét và đe dọa của những người không chịu nghe lời Ngài hoặc muốn giản lược giáo huấn của Ngài thành các luật lệ về luân lý hoặc giáo quyền.
Chúng ta không bỏ cuộc bởi vì Chúa Giêsu không bỏ cuộc khi chữa lành người bệnh và giải phóng các tù nhân giữa những cuộc tranh cãi về đạo đức, luật pháp và giáo quyền nảy sinh mỗi khi Ngài làm một điều gì đó tốt.
Chúng ta không bỏ cuộc vì Chúa Giêsu không bỏ cuộc khi làm cho người mù được sáng mắt giữa những người nhắm mắt lại để không nhìn thấy, hoặc nhìn theo hướng khác.
Chúng ta không bỏ cuộc vì Chúa Giêsu không bỏ cuộc khi thấy rằng việc Ngài tuyên bố một năm hồng ân của Chúa - một năm bao trùm cả lịch sử - đã gây ra một vụ chống đối công khai về những vấn đề mà ngày nay hầu như cùng lắm là chỉ được đăng trên trang thứ ba của một tờ báo địa phương.
Chúng ta không bỏ cuộc bởi vì việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả không phải vì những lời hùng hồn của chúng ta mà vì sức mạnh của thập giá (x. 1Cr 1:17).
Cách chúng ta đón nhận thập tự giá trong việc rao giảng Tin Mừng - bằng những việc làm và bằng lời nói, khi cần thiết - làm rõ hai điều này. Thứ nhất, những đau khổ đến từ Tin Mừng không phải là của chúng ta, mà là “những đau khổ của Đức Kitô trong chúng ta” ( 2Cr 1: 5), và thứ hai là “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn phần chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” ( 2Cr 4, 5).
Tôi muốn kết thúc bằng cách chia sẻ một trong những kỷ niệm của tôi. “Một lần, vào một thời điểm đen tối trong cuộc đời, tôi đã cầu xin Chúa ban cho ân sủng để giải thoát tôi khỏi một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp. Một khoảnh khắc đen tối. Tôi đã giảng các Bài Linh Thao cho một số nữ tu, và vào ngày cuối cùng, theo thông lệ trong những ngày đó, tất cả họ đều đi xưng tội. Một sơ lớn tuổi đến; sơ ấy có một cái nhìn trong sáng, đôi mắt đầy ánh sáng. Một người phụ nữ của Chúa. Khi sơ ấy xưng tội xong, tôi cảm thấy thôi thúc muốn xin sơ ấy một ân huệ, vì vậy tôi nói với sơ ấy, ‘Thưa sơ, để làm việc đền tội, sơ hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần một ân sủng đặc biệt. Hãy cầu xin Chúa cho điều đó. Nếu sơ cầu xin Chúa, chắc chắn Ngài sẽ ban cho tôi điều đó’. Sơ ấy dừng lại trong im lặng một lúc và dường như đang cầu nguyện, sau đó sơ ấy nhìn tôi và nói, ‘Chúa chắc chắn sẽ ban cho cha ân sủng đó, nhưng cha nên rõ ràng rằng: Ngài sẽ ban cho cha theo thánh ý của riêng Ngài’. Điều này đã làm tôi rất vui khi nghe được rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những gì chúng ta xin, nhưng Người làm như vậy theo cách của Người. Cách đó liên quan đến thập tự giá. Không phải vì chủ nghĩa khổ hạnh. Nhưng vì tình yêu, tình yêu cho đến cùng”.[4]
[1] Là bậc thầy về đời sống tâm linh, Cha Claude Judde nói về những cách diễn đạt đi kèm với các quyết định của chúng ta và chứa “từ cuối cùng”, là từ thúc đẩy một quyết định và thúc đẩy một người hoặc một nhóm hành động. x C. JUDDE, Oeuvres spirituelles, II, 1883 (Instruction sur la connaissance de soi-même), pp. 313-319), in M. Á. FIORITO, Buscar y hallar la voluntad de Dios, Buenos Aires, Paulinas, 2000, 248 s.
[2] “Antilegomenon” có nghĩa là họ sẽ nói theo những cách khác nhau về Người: một số nói tốt và những kẻ khác nói xấu.
[3] Xem Cent. I, 8-13.
[4] Bài giảng trong Thánh lễ ở Santa Marta, ngày 29 tháng 5 năm 2013.
Source:Libreria Editrice Vaticana