Vatican (MISNA, VIS) - Theo văn phòng báo chí Toà Thánh, hôm 10/03, Đức Cha Fortunatus Nwachukwu, cố vấn phái đoàn Quan sát viên thường trực Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã có bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 32 của Ủy Ban Thường Trực của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhân phiên họp 4 ngày của ủy ban này được khai mạc hôm 08-03. Trong bài phát biểu của mình, ngài nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng làm người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Darfur, Sudan: “Tình hình người tị nạn ở Phi Châu vẫn là nỗi đau sâu thẳm của gia đình nhân loại ở khắp nơi. Điều kiện tạm bợ và tình hình đầy bi kịch buộc hàng triệu người dân phải rời bỏ làng mạc và đất đai là những quyết định cụ thể và nhanh chóng nhằm làm dịu đi nổi thống khổ đau đớn và bảo vệ quyền lợi của họ”.

Đức Cha Nwachukwu cho hay “những dấu hiệu tích cực trong những năm qua khi làn sóng tự nguyện hồi hương và có tổ chức đã trở về với đời sống bình thường đã bắt đầu và lên đến cả chục ngàn người”. Tuy nhiên vẫn tồn tại việc “thiếu ngân quỹ” cũng như “tình hình bạo lực trở nền tồi tệ và sự ngược đãi người dân tản cư Darfur, nơi mà tình nhân đạo thật đáng chỉ trích. Các vụ tấn công có hệ thống nhắm vào người dân thường, sự tàn phá các cơ sở hạ tầng và toàn bộ các làng mạc và giết hại gia súc, phá bỏ mùa màng đã dẫn đến sự rời bỏ nhà cửa lan rộng trong người dân thường”; “Nếu một người gặp may, anh ta hay cô ta sẽ trở thành người tị nạn bằng cách băng qua biên giới và dừng chân ở trại tị nạn ở Chad, nơi mà sự bảo vệ và một số điều kiện an ninh liên quan được bảo đảm… Các quan sát viên quân đội thuộc Liên Hiệp Phi Châu thì thiếu cả về số lượng lẫn việc cung cấp hậu cần cần thiết”. Ngài tuyên bố thêm: “Cộng đồng quốc tế không thể trì hoãn hơn nữa trong hành động để giải quyết vấn đề này, bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể đưa đến một sự chấp nhận về tiêu chuẩn nước đôi trong tình đoàn kết mà cái giá phải trả là những người thấp cổ bé miệng và người dân phải sống bên lề xã hội”

Để kết luận, ngài nói rằng mặc dù “khuyến khích sự hiện diện và trợ giúp của UNHCR, của các cơ quan Liên Hiệp Quốc khác cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO)... nhưng một sự lãnh đạo rõ ràng của Liên Hiệp Quốc và sự hợp tác toàn diện cùa một cơ quan để mở rộng sự trợ giúp cũng như bảo vệ những người dân trong các trại tản cư là hết sức cấp bách. Cộng đồng quốc tế chúng ta nên phát triển một hệ thống đáng tin cậy nhằm bảo vệ những người rời bỏ nhà cửa họ nhưng sống tản cư trong nước họ”...