CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM B : GA 20,19-23

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : 23 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

ĐẤNG HỖ TRỢ TINH THẦN

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Ân huệ tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa có thể ban tặng cho loài người (x. Lc 11,13), điều hứa hẹn quý giá nhất mà Đức Giê-su đã từng đưa ra (x. Ga 7,39), Đấng Bảo Trợ mạnh mẽ mà Tôn Sư từng tiên báo với môn đệ là sẽ đến (x. Ga 14,16-17; 16,7-12), Thần Khí chân lý mà các Tông đồ mong giáng xuống để đưa mình tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13-15), Người nay đã đến thật rồi, đến một cách dư tràn trên nhân loại, qua hơi thở của Chúa Phục Sinh.

1. Thời Cựu Ước

Kể từ khi loài người -hữu thể duy nhất trên thế gian được Thiên Chúa phú ban tinh thần vì muốn coi họ là con cái­- để cho ma quỷ bên ngoài và bản năng bên trong lợi dụng con dao hai lưỡi là tự do mà xúi giục lôi kéo họ phạm tội, làm cho tinh thần họ sa ngã, xa lìa Tạo Hóa-Hiền Phụ, chìm vào hố sâu ích kỷ, gây ra biết bao đổ vỡ giữa thế giới tạo vật, thì như thể Thiên Chúa bị đặt trước một thế tiến thoái lưỡng nan : hoặc rút lại tinh thần, cất mất tự do khỏi con người, biến họ trở thành một con vật xinh đẹp thật đấy nhưng vẫn chỉ là một con vật, một nô lệ của Đấng Sáng Tạo, để Người có thể ăn ngon ngũ kỹ trên chốn trời cao, hết sợ họ dùng lý trí, ý chí và tự do để quậy phá… Mà như thế cũng có nghĩa là phản lại tình yêu ở nơi Người, một tình yêu luôn phát sinh những ngôi vị có khả năng đối thoại : các thần vị nơi chính Người là Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, các linh vị thụ tạo là 9 phẩm thiên thần phục dịch, cũng như các nhân vị thụ tạo mà mới chỉ có hai là A-đam và E--va. Hoặc ngược lại vẫn phải để cho con người là con người, với tinh thần và do đó tự do đầy đủ, với bao nhiêu chuyện bấp bênh bất ngờ tích cực lẫn tiêu cực sẽ có thể xảy ra, mà phần lớn hẳn là tiêu cực, vì tinh thần con người từ nay đã bị thương tổn : ý chí đã ra yếu nhược và lý trí đã ra mù quáng. Nhưng có như thế Thiên Chúa mới bảo toàn được tình yêu của mình, tình yêu của một người cha đối với những đứa con ngỗ nghịch nhưng vẫn là con. À phải ! Cứ để nguyên tinh thần cho họ nhưng sẽ ban thêm cho họ chính Tinh thần của Người. Tinh Thần này sẽ soi sáng cho lý trí họ để họ tìm đến Sự Thật và củng cố cho ý chí họ để họ tìm đến Sự Thiện, hầu họ biết dùng tự do mà yêu Chúa và yêu nhau, sống cho phải đạo làm con của Người.

Thế là Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch sửa chữa cho tinh thần. Người chọn một dân tộc, ban Thần khí xuống trên các thủ lãnh trong dân (vua chúa, ngôn sứ, tư tế) : trên Mô-sê (“Giavê lấy một phần Thần khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” Ds 11,25), trên Giô-suê (“Ngươi hãy đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần khí nơi mình” Ds 27,18), trên Sam-sôn (Tl 14,6), trên Đa-vít (“Thần khí Thiên Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” 1Sm 16,13), trên Ê-li-a và Ê-li-sa (“Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên Ê-li--sa” 2V 2,15), trên Ê-dê-ki-en (Ed 2,2)… để qua họ, Người hướng dẫn dân tới chỗ ngày càng thoát khỏi tội lỗi hơn, ý thức sự thật và theo đuổi sự thiện hơn, khám phá và thực hành tình yêu hơn. Người cũng loan báo sẽ đổ dư tràn ân huệ của Thần khí trên một nhân vật Người sẽ sai tới tên là Đấng Mê-si-a (“Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” Is 11,2), là Người Tôi Trung (“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó” Is 42,1), cũng như trên dân tộc thời cánh chung để biến hình đổi dạng họ (Ge 3,1-5)… Thần khí đó là Thần khí hướng dẫn (“Xin Thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” Tv 142,10), Thần khí tác sinh (“Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” Tv 103,30), Thần khí thúc đẩy (x. Ed 1,12), Thần khí soi sáng (“Ông được đầy Thần khí, nên đã nhìn thấy trước những sự việc thời cuối cùng” Hc 48,24), Thần khí quy tụ (Is 34,16)… Việc mạc khải và thông ban Thần khí tiến dẫn tới với việc dạy dỗ dân về sự thật và sự thiện, về Đấng Chân thật và Thánh thiện, về niềm tin và tình yêu.

2. Thời Tân Ước

Rồi đến một ngày, như lời tiên báo, Thần Khí đã đến với Đấng Mê-si-a. Người trước hết đã dùng sức mạnh sáng tạo thân xác cho Nhân vật đợi trông này trong cung lòng một trinh nữ (x. Lc 1,35). Thần Khí đã chiếm hữu Đấng Mê-si-a mang danh Giê-su ấy cách toàn diện ngày Người được công bố là Con Thiên Chúa (x. Mc 1,10-11). Trong Người, Thần Khí thành quyền năng hướng dẫn (“Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê” Lc 4,14), thành dòng nước hằng sống (“Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đó là Thần Khí mà những kẻ tin Người sẽ lãnh nhận” Ga 7,38). Ngược lại, Đức Giê-su cũng muốn cho đoàn dân mới của Thiên Chúa biết được Thần Khí đang tràn ngập mình như thế (và sẽ tràn ngập họ). Người dạy họ gọi đó là Ơn cao vời (x. Lc 11,13), là Thần chân lý (x. Ga 16,13), là Đấng Bảo trợ (x. Ga 16,7). Người sẽ dùng cái chết và cuộc phục sinh để rộng ban cho họ sức mạnh bởi trên này (x. Cv 1,8).

Người đã giữ lời vào chính chiều ngày Phục sinh, bởi lẽ Người đã trao ban Thần Khí khi gục đầu xuống trong giây phút sau hết (“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” Ga 19,30). Qua cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã ban tinh thần cho loài người, khiến họ trở nên “con người”. Qua cuộc tái tạo, Thiên Chúa nay ban Thánh Thần cho loài người, khiến họ trở thành “con Chúa” (“Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Abba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” Rm 8,15). Cuộc sống con người là cuộc sống trong/bằng/nhờ tinh thần; nay cuộc sống con Chúa là cuộc sống trong/ bằng/nhờ Thánh Thần.

Vì thần trí con người (tinh thần, esprit humain) đã bị thần khí ma quỷ (tà thần, esprit malin) đẩy vào tội lỗi, nên nay Thần Khí Thiên Chúa (Thánh Thần, Esprit sainte) thực hiện công việc trước hết là kéo khỏi tội : “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Rồi Người đổ tràn tình yêu thay cho ích kỷ (“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần” Rm 5,5), mạc khải khôn ngoan để phá ngu cho trí lòng (“Không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí… Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy… ơn hiểu biết để trình bày” 1Cr 2,3.8). Vì Người là ngọn lửa soi sáng lý trí (x. Cv 2,3), là cơn gió thúc đẩy ý chí (x. Ga 3,8), là nguồn mạch của sự sống và tự do đích thực (“Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết….” Rm 8,2).

Thánh Thần sẽ tràn ngập trên Thân Thể Đức Ki-tô, trên mọi chi thể của Người : “Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ chiêm điềm mộng” (Cv 2,17; x. Ge 3,1). Thánh Thần sẽ khai sinh một lối sống mới : “Hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Ga 5,22). Thánh Thần sẽ làm phát xuất những hoạt động mới để cộng đoàn sống trọn cho tình yêu : “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin, kẻ thì được Thần Khí ban cho ơn để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri…” (1Cr 12,4.8-10). Thánh Thần quả là Đấng hỗ trợ tinh thần của con người, là nhà điều phối vĩ đại của Giáo hội vậy !

Félix Mendelssohn Bartholdy là một thiên tài âm nhạc nước Đức đầu thế kỷ 19 (1809-1847). Lần nọ, thăm viếng một đại giáo đường cổ có một chiếc phong cầm rất quý giá, ông đã xin người giữ chìa khóa đàn cho mình được đánh một lúc. Thấy là một chàng thanh niên lạ mặt, ông lão giữ đàn nhất định không cho. Sau cùng, vì Meldelssohn nài nỉ, ông miễn cưỡng chấp nhận. Thế rồi ông đứng sững sờ, mắt mở lớn, miệng nín thở, tai căng ra để nghe. Từ bàn tay khách lạ, tiếng nhạc thoạt tiên êm ái như luồng gió hiu hiu, rồi dần dần dồn dập như bão tố nổi dậy, như sấm chớp vang rền, như gió mưa vần vũ... Cuối cùng, nghe ríu rít như tiếng hót của đàn chim, êm đềm như hơi thở của đứa bé trong lòng mẹ... Khi khách lạ cám ơn, cụ già mới đánh bạo hỏi : “Anh là ai? Tên là gì?” - “Thưa cụ, cháu tên là Felix Mendelssohn Bartholdy” - “Ôi, suýt nữa kẻ phàm phu tục tử như lão đã phạm một đại tội là ngăn cản một thiên tài”.

Cây đàn chúng ta hôm nay là lòng ta, gia đình, Giáo hội đang thiếu mất những hòa khúc tuyệt diệu chỉ vì chúng ta còn ngăn cản Chúa Thánh Thần, vị nhạc sĩ đại tài, không trao chìa khóa lòng mình để Người chiếm hữu và toàn quyền sử dụng, chẳng để Người hỗ trợ tinh thần ta.