Xin lưu ý: Phép lành và ơn toàn xá của Đức Thánh Cha

Phòng nghi lễ phủ Giáo Hoàng cho biết là vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Sau khi đọc thông điệp, Đức Thánh Cha sẽ đọc công thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới theo dõi thông điệp của ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.

Điều kiện để được ơn toàn xá là các tín hữu cần giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Xin quý vị và anh chị em nhớ theo dõi.

Lễ Vọng Phục Sinh tại Vatican

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thứ Bảy Tuần Thánh là thời điểm canh thức khi chúng ta "hiệp cùng Mẹ Maria, và Giáo Hội canh thức trong kinh nguyện nơi Mồ Chúa. Đêm đến, khi lễ Vọng Phục Sinh được long trọng cử hành, lời hoan ca Allêluia sẽ vang lên từ trong tâm tư những ai vừa được rửa tội và toàn thể cộng đoàn hân hoan vì Đức Kitô đã sống lại và đã chiến thắng sự chết".

Lúc 21h Đức Thánh Cha đã chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh vinh quang của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Lễ Phục sinh là ngày lễ của công cuộc sáng thế mới. Chúa Giêsu đã sống lại và không chết nữa. Ngài đã khai mở cánh cửa cho một cuộc sống mới, trong đó không ai còn biết bệnh tật và tử vong là gì. Ngài đã đưa nhân loại vào chính Thiên Chúa. "Xác thịt và khí huyết không thể thừa kế vương quốc của Thiên Chúa được", như Thánh Phaolô nói trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô (15:50). Về đề tài Phục sinh của Chúa Kitô và sự phục sinh của chúng ta, Tertullian, nhà văn của Giáo Hội trong thế kỷ thứ ba, thật táo bạo khi viết: "Hãy yên tâm, xác thịt và khí huyết, nhờ Đức Kitô đã đạt được một chỗ ở trên trời và trong Vương quốc của Thiên Chúa" (CCL II, 994). Một chiều kích mới đã mở ra cho nhân loại. Công cuộc sáng thế đã trở nên lớn hơn và rộng hơn. Ngày Lễ Phục Sinh mở ra một sáng thế mới, nhưng đó chính là lý do tại sao Giáo Hội bắt đầu phụng vụ vào ngày này với sáng thế cũ, để chúng ta có thể hiểu đúng cái mới. Vì thế mà khởi đầu Phụng Vụ Lời Chúa trong đêm Phục Sinh đã nhắc đến việc Thiên Chúa tạo thành trời đất.

Sau khi giải thích bài trình thuật Sáng Thế, Đức Thánh Cha nói:

Trong lễ Phục Sinh, vào buổi sáng của ngày đầu tiên trong tuần, Thiên Chúa phán một lần nữa: "Hãy có ánh sáng". Đêm trên núi Cây Dầu, nhật thực của cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, đêm đen của mồ mã, tất cả đều đã qua đi. Bây giờ là ngày đầu tiên lại một lần nữa cuộc sáng thế bắt đầu lần nữa mới tinh. Thiên Chúa nói "Hãy có ánh sáng và có ánh sáng": Chúa Giêsu trỗi dậy từ ngôi mộ. Sự sống mạnh hơn cái chết. Sự thiện chiến thắng sự ác. Tình yêu mạnh hơn hận thù. Sự thật mạnh hơn những lời dối trá.

Tất cả những điều này ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào để thay cho một lời nói xuông nó trở thành một thực tế thu hút chúng ta? Thông qua bí tích rửa tội và việc tuyên xưng đức tin, Chúa đã xây dựng một cây cầu nối với chúng ta, qua đó một ngày mới đến với chúng ta. Chúa nói với người vừa được rửa tội: Fiat lux - hãy có được ánh sáng. Ngày mới của Thiên Chúa - ngày của cuộc sống bất khả hủy diệt, cũng đến với chúng ta. Chúa Kitô nắm lấy tay ta. Từ bây giờ ta được Ngài dắt dìu và tiến bước với Ngài vào ánh sáng, vào cuộc sống thực. Vì lý do này, Giáo Hội sơ khai gọi là bí tích rửa tội là Photismos - khai sáng.

Trên tất cả mọi điều bóng tối đặt ra một mối đe dọa thực sự cho nhân loại là việc con người có thể nhìn thấy và nghiên cứu những thứ vật chất hữu hình, nhưng không nhìn thấy thế giới này đi về đâu và khi nào đạt đến đó, cuộc đời của chính chúng ta đi về đâu, điều gì là tốt và điều gì là xấu. Bóng tối che lấp Thiên Chúa và làm lu mờ các giá trị là mối đe dọa thực sự đối với sự tồn tại của chúng tôi và cả thế giới. Nếu Thiên Chúa và các giá trị đạo đức, sự khác biệt giữa thiện và ác, vẫn chìm trong u minh, thì những "ánh sáng" khác, đặt những kỳ công đáng kinh ngạc vủa kỹ thuật trong tầm tay của chúng ta, chẳng những không phải là tiến bộ mà còn là nguy hiểm vì đưa ra nguy cơ cho chúng ta và thế giới.

Sau đó nghi thức rửa tội cho các tân tòng đã diễn ra rất trọng thể. Cộng đoàn đã quỳ đọc kinh cầu các thánh trước khi Đức Thánh Cha đọc công thức rửa tội.

Lễ Vọng Phục Sinh tại Giêrusalem

Trong khi đó tại Thánh Địa Giêrusalem, lúc 7h30 sáng Fouad Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.

Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Nhiều người cho rằng việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám mục William Shomali, và Đức Giám mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.

Tham gia trong buổi lễ còn có sứ thần Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Antonio Franco, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.

Rất thường là lễ Vượt Qua của người Do Thái Giáo và Lễ Phục Sinh của các Kitô hữu trùng vào cùng một thời điểm. Năm nay lễ Vượt Qua của người Do Thái đã diễn ra từ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh mùng 6 tháng Tư.

Trong những dịp như thế này, Giê-ru-sa-lem lại đông hẳn lên vì có nhiều khách hành hương Do Thái ở Giê-ru-sa-lem vào lúc này. Họ tập trung ở đây để ăn mừng lễ Pesach, hoặc lễ Vượt Qua.