Lúc 5h chiều thứ Sáu 19 tháng Tư tại Đền Thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã chủ sự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, dòng Phanxicô Capuchin, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng sau đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy”
Bài thuyết giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2019 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Cha Raniero Cantalamessa
Bản dịch Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Người bị người đời coi thường và chê chối.
(Is 53:3)

Chúng ta bắt đầu buổi Phụng vụ Lời Chúa hôm nay với những lời này của tiên tri Isaia. Trình thuật về cuộc thương khó ngay sau đó đã đưa ra danh tính và diện mạo của người đàn ông đau khổ bí ẩn này, người bị mọi người khinh miệt và từ chối: đó là danh tính và diện mạo của Giêsu thành Nagiarét. Hôm nay chúng ta muốn chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh đặc biệt trong khả năng của Ngài như là nguyên mẫu và đại diện của tất cả những ai bị khước từ, những ai không có quyền thừa kế, và những ai bị “chê chối” của trái đất này, những ai mà chúng ta quay mặt đi để khỏi phải nhìn thấy họ.

Chúa Giêsu đã không chỉ mới bắt đầu trở thành người đàn ông đó trong cuộc thương khó của Người. Trong suốt cuộc đời, Ngài đã là một phần của nhóm này. Ngài được hạ sinh trong một chuồng gia súc “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2: 7). Khi được dâng vào trong đền thờ, cha mẹ Ngài dâng lên “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con,” theo Luật truyền dành cho những người nghèo không mua nổi một con chiên để dâng lễ (x. Lev 12: 8). Đó là một bằng chứng xác thực về tình trạng bần hàn ở Israel thời đó. Trong cuộc sống công khai của mình, Người không có chỗ để gối đầu (x. Mt 8:20), nghĩa là Ngài là người vô gia cư.

Giờ đây chúng ta hãy hướng đến cuộc thương khó của Người. Trong trình thuật Tin Mừng có một khoảnh khắc mà chúng ta thường không chú ý lắm nhưng điều đó cực kỳ có ý nghĩa: đó là cảnh Chúa Giêsu trong công đường của Philatô (x. Mc 15: 16-20). Những người lính đã nhận ra một bụi gai trong khoảng trống gần đó; chúng liền gom góp một số nhánh gai kết thành một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người; để chế nhạo Người, chúng khoác lên đôi vai vẫn còn đẫm máu vì trận roi đòn của Người một chiếc áo choàng; tay Người bị trói bằng một sợi dây thừng thô ráp; và chúng đặt một cây sậy trong tay Người, như một biểu tượng mỉa mai đối với vương quyền của Người. Ngài là nguyên mẫu của những người bị còng tay, cô đơn, tuỳ thuộc hoàn toàn vào lòng thương hại của những người lính và những tên côn đồ đang trút hết cơn thịnh nộ và sự tàn nhẫn mà họ đã cất giữ trong lòng suốt cuộc đời trên con con người bất hạnh tội nghiệp này. Ngài bị tra tấn!

“Ecce homo!” - “Đây là người!” Philatô kêu lên khi điệu Người ra cho dân thấy mà thương ít lâu sau đó (Ga 19: 5). Đây là những từ mà, sau Chúa Kitô, có thể được dùng để nói về đoàn lũ bất tận những người nam nữ bị phỉ báng, bị biến thành vật thể, bị tước đoạt mọi phẩm giá của con người. Tác giả Primo Levi đã đặt tựa đề cho cuốn sách kể về cuộc đời mình trong trại diệt chủng ở Auschwitz là “If This Is a Man” – “Có Còn Là Người Hay Không”. Trên thập tự giá Chúa Giêsu thành Nagiarét trở thành biểu tượng cho phần này của nhân loại, đó là những người “bị làm nhục và lăng mạ.” Chúng ta có lẽ muốn kêu lên: “Anh chị em, những người đã bị từ chối, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề của toàn thể trái đất này ơi, người đàn ông vĩ đại nhất trong lịch sử là một người trong số anh chị em! Bất kể quốc gia, chủng tộc hay tôn giáo của anh chị em, anh chị em đều có quyền tuyên bố Ngài là người của các bạn.”

Nhà văn và nhà thần học người Mỹ gốc Phi châu Howard Thurman, người mà Martin Luther King đã coi là bậc thầy của mình và là nguồn cảm hứng của ông cho cuộc đấu tranh bất bạo động vì nhân quyền, đã viết một cuốn sách có tên “Jesus and the Disinherited” – “Chúa Giêsu và những người không có quyền thừa kế”. [1] Trong đó ông chỉ ra đặc điểm nào của Chúa Giêsu tiêu biểu cho những người nô lệ ở miền Nam, là những người mà bản thân ông là một hậu duệ trực tiếp. Khi những người nô lệ bị tước bỏ mọi quyền hạn và hoàn toàn bị khinh miệt, những lời của Tin mừng được vị mục sư lặp lại trong buổi thờ phượng tách biệt được dành riêng cho họ - là cuộc gặp gỡ duy nhất mà họ được phép tổ chức – đã đưa những người nô lệ trở lại cảm giác có được phẩm giá của con cái Chúa .

Phần lớn các linh đạo của người da đen vẫn còn tạo ra những thay đổi trong thế giới hôm nay đã phát sinh trong bối cảnh này. [2] Vào thời điểm người da đen bị bán đấu giá công khai, những người nô lệ đã trải qua nỗi thống khổ khi thấy những người vợ bị tách khỏi chồng và con cái bị tách khỏi cha mẹ chúng, khi bị bán cho những chủ nhân khác nhau. Có thể dễ dàng tưởng tượng ra tâm tình mà họ đã hát dưới ánh mặt trời hoặc bên trong những túp lều của họ, “Không ai biết những rắc rối tôi đã thấy. Không ai biết, ngoài Chúa Giêsu ra.”

***

Đây không phải là ý nghĩa duy nhất của cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô, và nó thậm chí không phải là điều quan trọng nhất. Ý nghĩa sâu sắc nhất không phải là ý nghĩa xã hội nhưng là ý nghĩa về mặt tinh thần và mầu nhiệm. Cái chết đó [của Chúa Giêsu] đã cứu thế giới khỏi tội lỗi; đã mang tình yêu của Thiên Chúa đến nơi xa nhất và đen tối nhất mà nhân loại đã bị mắc kẹt khi lìa xa Ngài, đó là cái chết. Như tôi đã nói, đây không phải là ý nghĩa quan trọng nhất của thập tự giá, nhưng là một điều mà tất cả mọi người, những người tin và không tin, có thể nhận ra và đón nhận.

Tôi nhắc lại, tất cả mọi người, chứ không chỉ có các tín hữu. Thông qua biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa, Người đã biến mình thành phàm nhân và hiệp nhất với toàn thể nhân loại. Nhưng, qua cách thức Chúa xuống thế làm người, trong đó Người đã biến mình thành một trong những người nghèo khổ và bị từ chối, Người đón nhận chính nghĩa của họ. Chúa tự gánh lên mình điều đó để bảo đảm chúng ta hiểu được tuyên bố long trọng của Người rằng bất cứ điều gì chúng ta làm cho những người đói khát, trần truồng, bị giam cầm, bị ruồng bỏ, chúng ta đã làm cho chính Người, và bất cứ điều gì chúng ta bỏ qua không làm cho họ, chúng ta đã bỏ qua không làm cho chính Người (x Mt 25: 31-46).

Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đây. Nếu Chúa Giêsu chỉ có mỗi một điều này để nói với những người bị chê chối của thế giới, thì có lẽ Người sẽ chỉ là một người trong số họ, một gương sáng về phẩm giá khi đối mặt với bất hạnh, và chấm hết ở đó. Và rồi, đó sẽ là một bằng chứng nữa chống lại Thiên Chúa là Đấng đã cho phép tất cả những điều như thế xảy ra. Chúng ta biết phản ứng phẫn nộ của Ivan, người anh nổi loạn trong cuốn “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky, khi Aloysha, người em trai, đề cập đến Chúa Giêsu với anh ta: “À, vâng, ‘Đấng duy nhất vô tội’, và máu của Ngài! Không, anh đã không quên Ngài; ngược lại, anh đã tự hỏi trong thời gian dài tại sao em đã không đề cập đến Ngài trong khoảng thời gian quá lâu, bởi vì trong các cuộc thảo luận, mọi người thường nói xấu Ngài trước tiên.” [3]

Tin Mừng thực sự không dừng lại ở đây, nhưng nói lên một điều khác: Tin Mừng nói rằng Đấng bị đóng đinh đã sống lại! Nơi Người một sự đảo ngược hoàn toàn các vai trò đã diễn ra: kẻ bại trận đã trở thành người chiến thắng; kẻ bị xét xử đã trở thành thẩm phán, “hòn đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở thành tảng đá góc tường” (x. Cv 4:11). Bất công và áp bức không có tiếng nói cuối cùng và sẽ không bao giờ là tiếng nói chung cuộc. Chúa Giêsu không chỉ phục hồi phẩm giá cho những người bị thế giới này khinh miệt, Ngài còn mang hy vọng đến cho họ!

Trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, việc cử hành lễ Phục sinh không kéo dài trong nhiều ngày như hiện nay: Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Mọi thứ đã được tập trung trong một ngày duy nhất. Cả cái chết và sự phục sinh đều được tưởng niệm trong buổi canh thức vọng Phục sinh. Nói chính xác hơn, cái chết và sự phục sinh không được tưởng niệm như là những sự kiện khác biệt và tách biệt; thay vào đó, những gì đã được tưởng niệm là cuộc vượt qua của Chúa Kitô từ đầu này này sang đầu bên kia, từ cái chết đến sự sống. Từ “Pascha” (Pesach) có nghĩa là “vượt qua”: đó là cuộc vượt qua của những người Do Thái khỏi ách nô lệ để đến tự do, đó cũng là cuộc vượt qua của Chúa Kitô từ thế giới này đến cùng Chúa Cha (x. Ga 13: 1), và là cuộc vượt qua từ tội lỗi đến ân sủng đối với những người tin vào Người.

Đó là tiệc mừng sự đảo ngược được hướng dẫn bởi Thiên Chúa và được thành toàn nơi Chúa Kitô; đó là sự khởi đầu và là lời hứa cho sự chuyển hướng độc đáo hoàn toàn chính đáng và không thể đảo ngược liên quan đến số phận của loài người. Chúng ta có thể nói với người nghèo, những người bị ruồng bỏ, những người bị mắc kẹt trong các hình thức nô lệ khác nhau vẫn xảy ra trong xã hội của chúng ta rằng: Phục sinh là lễ mừng của các bạn!

***

Thập tự giá cũng chứa đựng một thông điệp cho những người ở phía đối diện của phương trình này: đó là những kẻ quyền thế, những kẻ mạnh, những người cảm thấy thoải mái trong vai trò của họ là “người chiến thắng.” Và đó luôn luôn là một thông điệp của tình yêu và ơn cứu rỗi, không oán ghét hoặc trả thù. Nó nhắc nhở họ rằng cuối cùng, họ cũng bị ràng buộc vào cùng một số phận như mọi người khác: dù yếu hay mạnh, vô phương tự vệ hay chuyên chế, tất cả đều phải tuân theo cùng một luật lệ và cùng những giới hạn của con người. Cái chết, giống như thanh kiếm của Damocles, treo lơ lửng trên đầu mọi người bằng một sợi chỉ. Thông điệp ấy cảnh báo chống lại cái ác tồi tệ nhất đối với một con người, đó là ảo ảnh cho mình là toàn năng. Chúng ta không cần phải quay lại quá khứ quá xa xưa; lịch sử gần đây thôi cũng đủ để chúng ta nhận thức được mức độ thường xuyên của nguy hiểm này là như thế nào, và nó đã đưa các các cá nhân và các quốc gia đến thảm họa ra sao.

Kinh thánh có những lời khôn ngoan vĩnh cửu cho những người thống trị sân khấu thế giới:

Vậy, hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian/ kẻ quyền thế sẽ bị xét xử thẳng tay. (Kn 6: 1, 6)

Con người không giữ mãi được danh vọng/ thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. (Tv 49:20)

Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (Lc 9:25)

Giáo Hội đã nhận được sự ủy thác của Đấng sáng lập để sát cánh với người nghèo và người yếu đuối, để trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói, và, tạ ơn Chúa, đó là những gì Giáo Hội đang làm, đặc biệt là nơi người Mục Tử chính của mình.

Nhiệm vụ lịch sử thứ hai mà các tôn giáo cần phải thực hiện cùng nhau ngày hôm nay, bên cạnh việc thúc đẩy hòa bình, là không được giữ im lặng trước tình hình mọi người đều thấy rõ. Một số ít người quyền thế sở hữu nhiều hàng hóa hơn mức họ có thể tiêu thụ, trong khi hằng bao nhiêu thế kỷ qua, vô số người nghèo đã sống mà không có một miếng bánh mì hoặc một ngụm nước để cho con cái họ. Không tôn giáo nào có thể thờ ơ với điều này bởi vì Thiên Chúa của tất cả các tôn giáo không thờ ơ với tất cả những điều ấy.

***

Chúng ta hãy trở lại với lời tiên báo của tiên tri Isaia mà chúng ta đã bắt đầu. Lời tiên báo ấy bắt đầu bằng một mô tả về sự sỉ nhục của người Tôi tớ Chúa, nhưng nó kết thúc bằng một mô tả về sự tôn vinh cuối cùng của người Tôi tớ ấy. Chúa là Đấng phán rằng:

Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện…
Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản,
và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,
nó sẽ được chia chiến lợi phẩm,
bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân;
nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người
và can thiệp cho những kẻ tội lỗi. (Is 53: 11-12)

Trong hai ngày nữa, với sự loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu, phụng vụ sẽ nêu danh tính và diện mạo của người chiến thắng này. Chúng ta hãy theo dõi và suy ngẫm trong sự mong đợi.

[1] Xem Howard Thurman, Jesus and the Disinherited (1949; repr., Boston: Beacon Press, 1996).

[2] Xem Howard Thurman, Deep River and The Negro Spiritual Speaks of Life and Death (Richmond, IN: Friends United Press, 1975).

[3] Fyodor Dostoevsky, The Brothers Karamazov, bản dịch. Richard Pevear và Larissa Volokhonsky (New York: Farrar, Straus và Giroux, 2002), tr. 246.


Source:Vatican News