Tôn giáo không phải là chuyện cười. Hay nó là? Một tác giả Pháp tại Paris (1) cho rằng các tiên tri trong Thánh Kinh sử dụng rất kỹ kỹ thuật nói dí dỏm và có rất nhiều điển hình hài hước nơi các vị thánh của Kitô giáo. Vì hài hước gọt dũa con người xuống đúng khổ của họ. Tuy nhiên, cười thường bị chau mày bởi các nhà tư tưởng nghiêm túc, bất luận là triết gia hay thần học gia. Họ thường cho cười là khó coi, phù phiếm, mất trí hay tệ hơn nữa là cám dỗ của ma quỉ. Như ông hoàng của nhạo báng là Voltaire từng nói một cách súc tích: những người đi tìm căn cơ siêu hình của cái cười thì hiếm khi tức cười được. Phần lớn các nhà thần học cũng thế thôi. Các truyền thống tôn giáo thường có khuynh hướng nhìn tiếng cười bằng con mắt hoài nghi. Cựu Ước nhiều hài hước hơn Tân Ước vì dí dỏm và hài hước vốn là thành phần cấu tạo của Do Thái Giáo. Người Do Thái vốn khai triển được một sự tự do ăn nói nào đó và ngay cả xuồng xã trong tương quan của họ với Thiên Chúa, nhất là trong các midrashim, tức các bản chú giải truyền miệng về Kinh Torah, nhằm giải thích ý nghĩa sâu kín của Thánh Kinh. Sách Talmud dựa trên các chân lý biện chứng, mâu thuẫn, trên cách chơi chữ trong đó hài hước giữ phần quan trọng. Bây giờ thì người vô thần bắt đầu hiểu làm thế nào anh ta có thể trở thành tín đồ và tín đồ hiểu làm cách nào trở thành người vô thần. Như Woody Allen từng nói: Thiên Chúa không hiện hữu và chúng ta là dân riêng của Người. Nhiều cách chơi chữ cũng như lắt léo trong bản Hípri của Cựu Ước đã bị biến mất trong các bản dịch. Thí dụ, trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên con người (adham trong tiếng Hípri) từ bùn đất (adham’), còn người đàn bà được dựng nên từ một trong các xương sườn người đàn ông thì được gọi là đàn bà (ishsh’) vì nàng là sản phẩm từ đàn ông (ish). Các tên riêng đóng một vai trò quan trọng vì chúng chỉ bản sắc đích thực của người hay vật. Đổi tên có nghĩa là đổi ơn gọi. Do đó, Abram thành Abraham (cha của nhiều dân tộc) còn tên các tổ phụ bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa dấu ẩn. Điển hình được biết nhiều nhất chính là Isaac vì tên Yitshaq của ông có nghĩa là ông sẽ cười. Con trai của Abraham và Sarah được ban cho tên này vì lúc Thiên Chúa loan báo việc ông sinh ra, cả Abraham, 100 tuổi, và Sarah, 99 tuổi, đều cười trước ý niệm mình trở thành cha mẹ. Đó chính là tiếng cười đầu tiên trong Thánh Kinh, nhưng không hề là tiếng cười cuối cùng. Nhiều sách hoàn toàn có tính châm biếm. Sách Giôna chẳng hạn là truyện kể hư cấu dùng để nhạo cười cái óc bè phái. Còn sách Gióp là một bình luận mỉa mai gây cười đối với các ý tưởng và nền luân lý tôn giáo đầy ước lệ. Các tiên tri phải dựa vào các tác phong tức cười hay kỳ quặc để tố cáo sự sa đọa của dân riêng. Isaia ở truồng cả 3 năm, Êdêkien ăn bánh làm bằng lúa mạch và phân người, còn Hôsêa thì cưới một con điếm để biểu tượng cho cảnh làm đĩ của Israel với các thần giả. Các sách Khôn Ngoan đầy những cách ngôn hài hước liên quan tới mưu mẹo đàn bà hay việc lạm dụng rượu chè, đáng lẽ chỉ nên phát xuất từ ngòi bút của La Rochefoucald hay Oscar Wilde.

Việc thiếu hài hước trong Tân Ước dẫn các thần học gia kinh viện tới một cuộc tranh luận: Trong suốt cuộc sống dương gian, Chúa Giêsu có cười không? Đó chính là một trong các chủ đề của cuốn The Name of the Rose của Umberto Eco. Cốt truyện của cuốn truyện trinh thám thời trung cổ này xoay quanh việc dấu cuốn thứ hai trong bộ Poetics của Aristotle, chuyên về hài kịch, trong thư viện của đan viện. Người dấu chính là đan sĩ Jorge de Burgos, người cho rằng cười là việc của ma quỉ, do đó phải bị đan viện ngăn cấm. Đó là truyền thống từ thời các giáo phụ ở sa mạc và là các vị sáng lập ra phong trào đơn tu như Anthony, Pachomius, Augustine và Benedict, tất cả đều lên án tiếng cười, coi nó như kẻ thù của cuộc sống thiêng liêng. Thánh Chrysostom cho rằng ta không ở trên dương gian này để cười mà là để khóc cho tội lỗi của ta. Còn Thánh Benedict, trong luật đan viện của ngài, lên án mọi lúc và mọi nơi những việc như bông đùa và chuyện tào lao để chọc cười. Quả các tin mừng không bao giờ chỉ cho ta một Chúa Kitô cười. Ta được kể là Người khóc cho số phận của Giêrusalem và Người xúc động đến rơi lệ trước cái chết của Ladarô, bạn của Người. Người cũng cảnh giác: khốn cho các ông, những người cười bây giờ, vì các ông sẽ biết tới khóc lóc và nước mắt, một lời kết án những kẻ xấu xa chỉ những nhạo báng các nạn nhân của mình. Nhưng người ta chỉ cần quan sát tác phong của Chúa Giêsu và lắng nghe các dụ ngôn của Người để thán phục trước óc hài hước của Người. Người cùng ăn với những kẻ bị ruồng bỏ và kẻ tội lỗi, loan báo rằng đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước người đạo đức và phép lạ đầu tiên của Người là biến nước thành rượu. Người đảo ngược phẩm trật các giá trị đã được nhìn nhận một cách dí dỏm và hài hước. Mưu toan của Giáo Hội sơ khai định loại bỏ tiếng cười khỏi sinh hoạt Kitô Giáo chắc chắn không thể thành công. Những vở kịch huyền nhiệm chẳng bao lâu sẽ đưa vào nhiều cảnh tức cười và tinh thần hội hè sẽ đi đôi với tính chừng mực trong thực hành tôn sùng của Giáo Hội. Nhờ những người như Boccacio, Chaucer và Villon, những văn sĩ viết dụ ngôn thời trung cổ và nhất là Rabelais cũng như các tác giả vĩ đại của Phục Hưng, Erasmus và More, hài hước đã dành được chỗ đứng riêng. Ngay qui luật đan viện cũng trở nên thư dãn hơn. Thánh Phanxicô thành Assisi cảnh giác anh em của ngài đừng quá buồn sầu ảm đạm, như những người giả hình, nhưng vui tươi trong Chúa, vui vẻ và thân thiện là thích hợp. Các đan viện ngày nay nổi tiếng về tính hài hước trong sáng, đến nỗi một đan viện phụ Pháp nổi tiếng nhờ tuyên bố rằng: không có hài hước, không thể sống cuộc sống đan viện. Nói chung, Giáo Hội Công Giáo có tiếng hài hước nhiều hơn các chị em Chính Thống và Thệ Phản của mình. Người Chính Thống, nhất là Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Nga, coi tôn giáo của họ đầy bi kịch. Truyền thống huyền nhiệm của họ lòe loẹt hơn, nhất là truyền thống thuật lại sự điên khùng Kitô Giáo. Những kẻ điên khùng vì Chúa Kitô (yourodiv trong tiếng Nga, salos trong tiếng Hy Lạp) là những đan sĩ lang thang diễn lại sự điên khùng của Thập Giá (như Thánh Phaolô vốn gọi). Đúng hơn, giống các tiên tri Cựu Ước, họ trông như thể những người điên, những anh chàng ngu đần ở làng thôn hay những tên hề ở triều đình. Còn người Thệ Phản thì có tính khắc khổ và ép nén (subdue) hơn, ngoại trừ những thành phần cực đoan như Holy Rollers, Quakers và Pentecostalists. Truyền thống Công Giáo, một truyền thống xem sét con người toàn diện với đủ 5 ngũ quan của họ nên có tính vui nhộn nhiều hơn. Như Hilaire Belloc từng viết: Bất cứ nơi nào mặt trời Công Giáo chiếu, ở đấy có tiếng cười và rượu ngon. Ít nhất tôi thấy như vậy, Ta Hãy Chúc Tụng Chúa!

Chắc chắn có một số vị thánh Công Giáo, như anh hề của Thiên Chúa là Thánh Phanxicô, từng có một ý hướng lành mạnh về hài hước. Người tức cười nhất trong số này là Thánh Philip Neri, đấng sáng lập Dòng Oratory. Ngài có điều được người Ý gọi là festivit (hài hước tốt lành). Ngài che dấu đời sống khổ hạnh riêng của mình bằng những trò tinh nghịch và đùa bỡn. Ngài thường nhẩy cỡn nực cười trước mặt cả các hồng y, mặc áo đàng sau ra đàng trước hay mang những chiếc ủng trắng thật lớn với áo chức của mình. Ngài thường giật tóc hay kéo râu người ta, và nổi tiếng về việc ra những việc đền tội nực cười cho các viên chức thành phố để dạy họ đức khiêm nhường. Có lần ngài bảo một thị dân đạo mạo đầy vênh vang cõng một con chó khắp các phố xá Rôma. Hài hước được dùng để phá đổ cái thế vững ổn của cái tôi. Đó là lý do tại sao tiếng cười khá chủ yếu đối với tôn giáo. Nó gọt dũa con người xuống đúng khổ của họ. Hài hước là bước đầu tiến tới khiêm nhường.

(1) Alain Woodrow, Et ça vous fait rire!, do nhà Félin, Paris, xuất bản năm 2000.

Viết theo Alain Woodrow, tạp chí The Tablet số 22 tháng 7 năm 2000, dựa theo tác phẩm trích dẫn trên đây.