CÔNG NỢ VIỆT NAM TỚI MỨC BÁO ÐỘNG (4)
(tiếp theo)

4. Việt-Nam không còn là một quốc gia chậm phát triển nữa.

Tổng sản lượng quốc nội (TSLQN) Việt-Nam là 92.439 triệu mỹ kim tính đến cuối năm 2009. Dân số Việt-Nam cùng năm cũng đã tăng đến 86,867 triệu người. Do đó, TSLQN từng người Việt năm 2009 là 92.439/86,867 = 1.064 mỹ kim. Kết quả với TSLQN đầu người (*) trên 976 mỹ kim Việt-Nam từ bỏ khu vực các quốc gia chậm phát triển để trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp.

(*) Ngân hàng Thế giới sử dụng mức đo Tổng thu nhập quốc gia hay Tổng thu nhập quốc dân (GNI = Gross National Income, tiếng Anh và RNB = Revenu national brut, tiếng Pháp). Giá trị Tổng thu nhập quốc gia tương đương với giá trị của TSLQN. Tuy nhiên, người ta phân biệt chúng, do cách thức tiếp cận vấn đề là dựa trên các cơ sở khác nhau. TSLQN dựa trên cơ sở sản xuất ra sản phẩm mới, còn Giá trị Tổng thu nhập quốc gia dựa trên cơ sở thu nhập của công dân.

Từ năm 2008, Ngân hàng Thế giới dựa trên Tổng thu nhập quốc gia để phân loại thu nhập của các các nền kinh tế có Tổng thu nhập quốc gia đầu người:

- từ 975 đô la (năm 2008) trở xuống là những quốc gia thu nhập thấp (Low Income Countries, tiếng Anh và Pays à faible revenu, tiếng Pháp);

- từ 976 đến 3.855 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp (Low Midle Income Countries, tiếng Anh và Pays ayant de faibles revenus moyens, tiếng Pháp);

- từ 3.856 đến 11.906 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp (Up Midle Income Countries, tiếng Anh và Pays ayant de revenus moyens, tiếng Pháp);

- trên 11.906 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập cao (High Income Countries, tiếng Anh và Pays à revenu élevé, tiếng Pháp).

Hậu quả, năm 2010 đánh dấu một sự chuyển biến bước quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt-Nam và các quốc gia cấp Hổ trợ (hay viện trợ) phát triển chính thức (ODA), chuyển đổi từ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác và hợp tác bình đẳng. Từ ba, bốn thập niên qua, nhiều quốc gia phát triển đã tổng kết quá trình hợp tác phát triển với Việt-Nam để quyết định chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Thí dụ như Thụy điển, Hòa lan, Đan mạch và một số nhà tài trợ song phương khác cũng đang tích cực chuẩn bị cho tiến trình thay đổi này và các quốc gia khác sẽ tiếp nối trong tương lai.

a. Thời kỳ viện trợ phát triển đã qua.

Thời gian này, các quốc gia ‘thế giới tự do, tư bản’ đã cung cấp những khoản ‘viện trợ không hoàn lại’ nhằm tạo nhiều cơ hội để học hỏi những kinh nghiệm, những ý tưởng, hay những nguồn cảm hứng mới cho nhiều cuộc cải cách quan trọng về giáo dục, kinh tế, xã hội, v.v.. của Việt-Nam. Nhưng, thật sự, những cải cách đó đã mang lại những gì cho người dân xứ sở này, từng người có thể trả lời cho chính mình.

Về giáo dục, chúng ta có thể trích bài ‘Diễn đàn Phòng chống tham nhũng trong giáo dục’ diễn ra tại Hà nội ngày 28.05.2010 do ký giả Hoàng anh Thắng viết, đăng trên báo ‘Đại đoàn kết’ cùng ngày:

« Bà Maria Ohosson, Tham tán Công sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, những nội dung tại cuộc đối thoại sẽ nhằm trả lời cho câu hỏi “Chúng ta có thể phòng chống tham nhũng nói chung và chống tham nhũng trong giáo dục được không?”. Bà Maria Ohosson nhấn mạnh, muốn chống tham nhũng tốt, mỗi chúng ta đều phải là một tấm gương sáng về sự liêm chính, biết đấu tranh và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực phát sinh. Bên cạnh đó, chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến người dân trong khiếu nại, tố cáo tham nhũng. Vai trò báo chí truyền thông cần phải được tăng cường.

Xoay quanh vấn đề “Chống tham nhũng trong giáo dục”, bà Vanessa - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu: “Tôi cho rằng, ở Việt Nam đầu tư cho giáo dục tức là đầu tư phát triển xã hội. Việc phòng chống tham nhũng trong giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao nếu tất cả các tổ chức, ban ngành và người dân đều tham gia tích cực với lộ trình hợp lý. Cần tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động giáo dục”.

Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, ông Rolf Bergman thì cho rằng, sự tồn tại của tham nhũng trong hệ thống giáo dục Việt Nam là tác nhân gây mất niềm tin, tác động đến tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng thời cản trở sự phát triển của đất nước, đe doạ sự phát triển bền vững. Diễn đàn Đối thoại lần này sẽ là cơ hội chia sẻ thông tin và tìm ra nhiều giải pháp thích hợp trong phòng chống tham nhũng ngành giáo dục, góp phần ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. »

Thêm vào đó, khi trao đổi với BBC Việt ngữ chiều 10.06.2010, bà Marie Ottosson nói về cách loại trừ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục: « Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt-Nam. Đây có thể là một vấn đề. Cạnh đó chúng ta biết là nó tồn tại, hầu như khắp nơi trong hệ thống giáo dục.

Một số biểu hiện của nó là giáo viên mở lớp dạy thêm, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền cho con để học thêm. Chúng tôi biết có chuyện tham nhũng khi giáo viên được thăng chức hay chuyển đổi nơi dạy. Từ cuộc nghiên cứu nhỏ do chúng tôi thực hiện, điều có thể nói là tham nhũng đang tồn tại… Hiện giờ Việt-Nam hầu như có đủ luật định để chống tham nhũng. Điều cần làm là mang chúng ra thực hiện một cách hay nhất và minh bạch nhất… »

Trả lời câu hỏi của BBC: « Với tình trạng giáo dục như hiện giờ, liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập trung bình, hay vươn tới nền kinh tế tri thức được không? », Bà Ottosson đáp: « Nếu không loại bỏ được tham nhũng trong giáo dục, câu trả lời là không. Quý vị cần lĩnh vực giáo dục không có tham nhũng, người dân tin tưởng vào hệ thống, nếu không Việt-Nam không thể trở thành nền kinh tế tri thức. Điều này rất rõ ràng. Hiện nay ai cũng thấy tham nhũng trong giáo dục đang cản trở phát triển, tôi thấy thật khó, thậm chí là không bao giờ có thể dịch chuyển đến nhóm có mức thu nhập trung bình. »

Theo kết quả được công bố từ ngày 16 đến 18.06.2010 thì số bách phân đậu Trung học phổ thông năm nay rất cao, rất ít địa phương đạt dưới 90% số thí sinh dự thi. Nam định có con số đậu cao nhất nước là 99,60%. Sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy là điều đáng mừng hay đáng lo ?

Theo các giáo sư giảng dạy và giám khảo chấm thi thì:
- năm nay, đề thi dễ, nhẹ;
- học sinh từ yếu kém đến khá và giỏi đều có đi học thên, học kèm;
- vắng bóng của các gím thị lúc làm bài thi vì, theo Bộ Giáo dục, thì công tác thi cử đã đi vào nề nếp.

Chúng tôi dài dòng về vấn đề giáo dục vì chúng tôi quan niệm nếu Việt-Nam có một nền giáo dục tốt để đào tạo những công dân hữu dụng cho Quê Hương thì việc phát triển kinh tế tất yếu sẽ đến. Một nền kinh tế công bằng và nhân đạo, trong đó thành quả sản xuất được tái phân phối hợp lý, thì những tệ đoan xã hội có thể không còn.

b. Thời kỳ hợp tác, thử thách mới.

Sự chuyển đổi theo thể thức cấp vốn mới chắc chắn sẽ là một thử thách cho Việt-Nam, đặc biệt là về mặt cân đối ngoại tệ mạnh, khi ngân sách nhà nước đang khiếm hụt trầm trọng. Nhiều chục tới hàng trăm triệu mỹ kim bị cắt giảm không dồi dào được chuẩn chi hàng năm như trong các thập niên trước.

Trước thử thách mới, người Việt cần biết cách khai thác và tận dụng những cơ hội mới, phải chủ động từ chối những bất lợi vì nhận ODA mà chúng ta đã đề cập nơi đoạn 2.- b bên trên (trong bài trước).

- Thương lượng hợp đồng giao nhận vốn ODA trên căn bản bình đẳng, hai bên cùng có lợi, dựa trên Tuyên bố Paris ngày 02.03.2005. Đây là văn kiện đã nâng cao thực quyền và tính chủ động của phía được trợ giúp nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.

- Sự bất bình đẳng cần phải được cải thiện để các tổ chức phi chính phủ hay xã hội được hưởng đồng đều như các tổ chức nhà nước, hầu mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước.

IV. CÔNG NỢ VIỆT NAM THẬT SỰ Ở MỨC NÀO ?

Trong bài ‘Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam’ đăng trên Tuổi trẻ online ngày 14.05.2010, Tiến sĩ Vũ thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) viết:

« Theo Bộ Tài chính, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo định nghĩa này, tổng số dư nợ công đến cuối năm 2009 của Việt Nam ước khoảng 44,7% GDP, trong đó nợ của Chính phủ là 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 7,9% GDP và nợ của chính quyền địa phương là 1,4% GDP.

Khái niệm nợ công này của Bộ Tài chính hẹp hơn so với khái niệm phổ biến của quốc tế. Theo Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của Hội nghị của LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), nợ công còn bao gồm các nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc chính phủ (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) ở tất cả các cấp chính quyền. Có lẽ đây là nguyên nhân làm cho số liệu về nợ công của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu của một số tổ chức quốc tế cao hơn hẳn so với số liệu của Bộ Tài chính.

Theo Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU), nợ công của Việt Nam tăng liên tục từ 36% GDP trong năm 2001 lên 51% GDP vào năm 2009. »

Ngoài ra, trong bài ‘Liệu Việt Nam đã tính đúng và đủ nợ công?’ đăng trên mạng lưới ‘Bauxite VN’ ngày 07.06.2010, Tiến sĩ Vũ quang Việt cho biết:

« Năm 2007, nợ của Nhà nước là 33,8% GDP, nhưng nợ nước ngoài (chủ yếu là nợ nhà nước) theo IMF đã là 43,3% GDP và nếu cộng thêm hơn 7% nợ của Chính phủ do phát hành trái phiếu thì tổng số nợ đã lên 50% vào năm 2007. Như vậy con số của CIA tính ở mức 52% cho năm 2009 có thể vẫn là thấp so với thực tế. »

Tiến sĩ Vũ quang Việt còn đề nghị: « Việt-Nam phải tính thêm vào công nợ của mình một phần quan trọng khác: đó là nợ phải trả trong tương lai khi công chức về hưu. Phần này có thể rất lớn, thí dụ như ở Singapore nó lên tới 50% GDP. »

Trong khi đó, xin nhắc lại Chính phủ ấn định mức an toàn công nợ của Việt-Nam là 50% TSLQN. Như vậy, công nợ Việt-Nam đã vượt mức báo động vào cuối năm 2009.

Chấp nhận công nợ Việt-Nam năm 2009 là 52% TSLQN thì số công nợ 2009 đã là 92.439 x 52% = 48.068 triệu mỹ kim và số công nợ chia trung bình cho mỗi người dân đã là 48.068/86,867 = 553 mỹ kim.